Đó là điều mà cả dòng họ tôi không ai chấp nhận. Trước khi đi, em đã để lại một lá thư nói lên nỗi lòng nhưng không cho biết rõ là sẽ đi đâu, làm cho ai cũng hoang mang lo lắng, mọi người sợ rằng em sẽ bị mắc vào cạm bẫy của cuộc đời. Sau đó, cả nhà tôi đều chia nhau đi tìm, may mắn thay, cuối cùng mọi người cũng tìm được em.
Em không mảy may động lòng vì điều đó mà ngược lại em còn chống đối. Em nói rằng mọi người đang cản con đường đi đến với lý tưởng một đời của em. Tôi chẳng hiểu những điều đó, tôi chỉ thấy thương bố mẹ và trách em nhẫn tâm. Cuối cùng mọi người đã thuyết phục được em về nhà, kèm theo điều kiện của em là phải thỉnh tượng Địa Tạng Vương Bồ tát về thờ. Mặc dù chấp nhận đi về nhưng tôi nhận thấy trong ánh mắt của em một nỗi buồn đến nao lòng.
Lúc chỉ có hai chị em ngồi nói chuyện với nhau, tôi hỏi về lý do tại sao em quyết chí đi tu. Em trả lời rằng em muốn tốt cho tất cả mọi người, nhưng vì sợ gia đình làm phiền đến các thầy nên em chấp nhận về nhà để bố mẹ được vui. Em kể đã ấn tống kinh sách để hồi hướng công đức cho bố mẹ, hướng dẫn bố mẹ đến nhiều việc thiện, biết dâng hương cúng dường Bồ tát Địa Tạng hàng ngày để gặp được sự an lành trong cuộc sống. Sau này, khi em đã quyết chí ra đi theo lý tưởng xuất gia thì cũng không phải lo cho bố mẹ nữa vì song thân đã biết tu học.
Tôi giữ kín chuyện đó và bắt đầu tự tìm hiểu về Phật pháp. Thời gian trôi qua, tôi đã có được lời giải cho hành động của em mình, tôi thấy thương em nhiều hơn. Em đã dạy cho tôi bài học về chữ hiếu, về tình yêu thương của em đối với đấng sinh thành, điều đó thật giản dị. Tôi là chị lớn mà lại chưa từng làm được một việc nào thật sự có ý nghĩa cho bố mẹ so với em ở lứa tuổi xuân xanh.
Có lẽ trên đời này còn rất nhiều câu chuyện kể về lòng hiếu thảo, nhưng với tôi, em đã là một tấm gương cho tình thương giản dị mà sâu sắc.