Tôi đã đi tu như thế đó…

Ảnh minh họa - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn/BGN
Ảnh minh họa - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi tôi 16, tôi còn là thằng lông bông chỉ biết phá làng phá xóm, bỏ dở chuyện học hành đồng nghĩa với việc bỏ đi công danh sự nghiệp mai sau.

Tôi đã làm cho mẹ khóc rất nhiều, “không hiểu sao mình có thể sinh ra một đứa nghịch tử như nó!” - đó là suy nghĩ của ba mẹ tôi khi ấy. Thuở đó, tôi hay hái trộm mấy trái xoài, quả ổi, hay đi đánh bi-da về khuya rồi nổi hứng chọc mấy con chó dữ hàng xóm rượt chạy cho vui. Vậy đấy! Tôi đi tới đâu cũng bị người ta dè chừng. 16 tuổi tôi là đứa không ra gì trong con mắt thiên hạ.

19 tuổi, tôi quyết định xuất gia học Phật. Tôi đến với thầy trong buổi sáng nắng đẹp trời. Tôi quỳ lạy thầy mà trong lòng dâng lên cảm xúc rất khó tả thành lời, trăm ngàn lần tôi cũng không thể quên được lần đầu tiên gặp gỡ ấy, lần đầu tiên tiếp xúc với một vị thầy mà kể từ đây về sau mình sống với tư cách một người con.

“Cạo sạch mái tóc/ Nguyện cho chúng sanh/ Dứt hết phiền não/ Độ thoát cho đời”. Tôi chắp tay quỳ nơi chánh điện, trước quý thầy trong tu viện, miệng lẩm nhẩm đọc theo sư phụ những câu kệ đó. Từng sợi tóc bướng bỉnh lần lượt rơi xuống sàn theo từng tiếng khóc của mẹ. Thế là từ nay tôi chính thức làm con cửa Phật, nương theo thầy xuất gia tu học.

Khi ở ngoài nhìn vào, tôi chỉ nghĩ đơn giản đi tu là thức khuya dậy sớm, tụng kinh gõ mõ, cuộc sống thanh bần với tương chao... Nhưng khi là người trong cuộc rồi, tôi mới vỡ lẽ ra đi tu nào đâu chỉ có vậy. Con đường tu gian nan trăm ngả, lắm bề chướng duyên, thử thách đủ điều, tuy vậy tôi vẫn phải luôn luôn cố gắng giữ vững niềm tin nơi đạo, vượt qua bao sóng gió nơi chốn thiền môn. Vì tôi biết rằng, để tôi đến được với con đường này, ba mẹ tôi đã phải chấp nhận và hy sinh rất nhiều. Và cả “sư chị” tôi cũng đã rất vất vả mới có thể gởi tôi cho sư phụ.

Chính vì vậy, tôi không dám nghĩ đến... dù chỉ một niệm thoái chuyển....

Thầy để cho tôi một chỏm tóc trên đầu. Thầy dạy đó là những trần lao phiền não còn sót lại trong tôi. Thầy bảo tôi cứng lắm “hệt như rễ tre vậy!”, nhưng nhờ sự dạy dỗ của thầy mà giờ đây “cái rễ tre ấy cũng dần dần chịu mềm ra”. Thầy tôi hay bảo: “Nuôi mấy chú ngày cơm ba bữa thì rất dễ, nhưng giáo dục mấy chú trở thành người hữu dụng cho Phật pháp thì khó hơn là bắc thang lên trời...”. Khó như vậy, mà thầy cũng phải dấn thân thì tôi nào dám...

Lắm lúc tôi làm thầy buồn, vì những ngây thơ vụng dại của “anh chàng” tuổi mới lớn muốn được thể hiện mình. Những lúc ấy thầy không đập tôi bằng “cây roi phép tắc” mà thầy dạy tôi bằng ngôn ngữ của người cha đối với người con trai không chịu nghe lời, và của người thầy với đứa học trò phạm lỗi.

Thầy phân tích phải trái, đúng sai cho tôi hiểu, kèm theo đó là lời trách mắng nhẹ nhàng mà tựa như dao cứa vào tim đứa con hư là tôi. Những lúc ấy tôi chỉ biết im lặng, im lặng để nhìn lại mình, để sửa chữa sai lầm đã gây ra.

Tôi cũng hiểu rằng, ngay lúc bị la đó là lúc thầy trò hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn nên tôi không buồn thầy vì sự nghiêm khắc cũng như lời dạy dỗ ân cần đó…

Thanh Thị (honghacmaunhiem0301@gmail.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1310 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chân lý thứ ba rưỡi giữa khổ đau và hạnh phúc tối thượng

GNO - Hạnh phúc chân thật không nằm nơi những gì dễ đổi thay. Tỳ-kheo Thanissaro nhắc nhở chúng ta: nếu còn tìm hạnh phúc trong những điều gắn liền với khổ đau, thì thất vọng chỉ là chuyện sớm muộn. Chỉ khi quay về với nội tâm tĩnh lặng, ta mới chạm được vào an lạc bền vững.
Đoàn khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn

Thái Nguyên: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và lãnh đạo liên ngành khảo sát địa điểm đặt Văn phòng Phật giáo

GNO - Chiều 17-7, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; bà Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh làm trưởng đoàn, đã khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn.

Thông tin hàng ngày