Tôi đã nói dối con

GN - “Hức! Hức! …”. Có tiếng đứa con trai nhỏ nấc lên trong giấc ngủ. Tôi quay qua, với tay vặn lớn cây đèn ngủ, thấy mắt cu cậu đã ngân ngấn nước tự bao giờ. “Tội nghiệp con!”. Tôi vạch mùng bước ra, bật đèn ngoài và tiến tới cái thùng cạc-tông đặt ở góc nhà. Tôi mở nắp thùng, đặt nhẹ tay lên người con mèo. “Lạnh ngắt mất rồi!”. Tôi bần thần ngồi xuống, mông lung suy nghĩ… “Ngày mai, khi con hỏi, mình biết trả lời sao đây?”.
meo.jpg

*

Nó là một con mèo nhỏ lạc mẹ, hoặc bị ai đó đem bỏ dưới cái rãnh thoát nước sau chợ. Đứa con đi chơi nhặt về năn nỉ tôi nuôi. Gì chứ, mèo thì ở cái chợ quê này nào có thiếu gì: Mèo lớn, mèo nhỏ, mèo nhà, mèo hoang… đủ cả. Nhà ở gần chợ vốn chật chội, không được rộng rãi như trong xóm nên tôi có phần lưỡng lự. Nhưng nhìn con mèo bằng cái lõi ngô trên tay con, người bê bết bùn đất đang thoi thóp thở rồi nhìn vào mắt con, tôi không nỡ từ chối.

Tôi biết con vốn rất thích mèo. Còn nhớ, khi cu cậu mới chừng hai tuổi, vợ chồng tôi có dắt con về quê nội chơi. Nhà ông bà nội có nuôi một con mèo mướp đã lớn. Lần đầu tiên nhìn thấy nó, cu cậu cứ đưa tay chỉ, nằng nặc đòi ba mẹ phải bắt cho bằng được, để cu cậu ẵm chơi. Khổ nỗi, ông bà nội nuôi mèo vốn chỉ để cho nó bắt chuột, có mấy khi nựng nịu, vuốt ve đâu nên nó rất nhát người. Con mèo cứ nhè lúc cu cậu lỏng tay ẵm một chút, là phóng đi mất hút. Mỗi lần như vậy, cu cậu lại khóc toáng lên, làm khổ cả nhà vừa phải bày ra đủ trò dỗ cho cu cậu nín khóc, vừa phải đi rình bắt con mèo, đến là vất vả. Tôi chợt cười thầm khi nhớ lại chuyện đó.

Con mèo nhỏ này cũng là mèo mướp như con mèo nhà ông bà nội ngày trước, chỉ khác là nó bị cụt đuôi.

- Ba sẽ nuôi nó. Nhưng nó còn nhỏ lắm, chưa ăn được cơm, con phải chia cho nó một phần nhỏ sữa của mình mỗi ngày. Con chịu không? - Tôi ra điều kiện.

- Dạ! - Cu cậu đồng ý liền.

- Thế là từ nay nhà mình có thêm một thành viên - Tôi vừa nói vừa xoa đầu con.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, lau khô, tôi cho con mèo vào trong một cái thùng các-tông lớn. Đáy thùng được lót bằng một cái khăn bông cũ, vừa làm nệm cho con mèo nằm được êm, vừa để dễ dàng cho việc làm vệ sinh khi cần.

- Ba cho con mèo uống sữa đi.

Đứa con trai vừa nói, vừa chìa tay đưa bịch sữa giấy cho tôi. Tôi xé bịch sữa, đổ một chút ra cái dĩa nhỏ rồi đưa lên trước mũi con mèo, nó ngửi ngửi rồi quay mặt đi chỗ khác. Đúng như tôi nghĩ, con mèo còn nhỏ quá, chưa tự uống được, hẳn nó chỉ mới quen ngậm vú mẹ mà thôi. Phải làm sao bây giờ? Tôi chợt nhớ ngày nhỏ mình cũng có nuôi một con sóc nhỏ và thường cho nó bú sữa hộp bằng cái lọ thuốc nhỏ mắt đã qua sử dụng. “Ơ-rê-ka!”, tôi reo thầm trong bụng. Hẳn Ác-si-mét khi tìm ra cách để cân cái vương miện thử vàng cho nhà vua cũng chỉ vui mừng như tôi lúc này.

Từ đó, việc cho con mèo bú sữa không còn quá vất vả nữa. Ngày đầu tiên, mỗi lần cho bú, tôi vẫn phải lấy một tay tách miệng con mèo ra một chút và giữ chặt, tay kia đưa cái vòi của bình sữa tự chế vào miệng nó, bóp bóp vài cái thật lẹ. Con mèo chưa quen bú kiểu này nên ọe sữa trào cả ra hai khóe mép. Không sao, tôi lau miệng cho nó rồi lại tiếp tục tách miệng, rồi lại bóp bóp… “Uống được chút nào hay chút đó”, tôi nhủ vậy. Ngày thứ hai có vẻ khá hơn, con mèo không còn ọe sữa nữa. Lúc này sức khỏe của nó đã khá hơn, nó đã có thể đứng lên, đi vòng vòng, ngửi ngửi, khám phá cái “vương quốc thùng các-tông” mới của nó một cách đầy tò mò. Ngày thứ ba, khi đói nó đã biết kêu “ngoeo ngoeo” báo hiệu. Đến ngày thứ tư, ngày thứ năm thì nó đã biết ngậm bình tự bú. “Phù! Thế là ổn rồi”, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Phần cậu con trai nhỏ của tôi thì khỏi nói, chỉ trừ những lúc ăn, ngủ ra, còn lại lúc nào cũng xoắn xuýt chơi với con mèo. Trò chơi cu cậu khoái nhất là lấy một cọng dây dài, kéo ngoằn ngoèo trước mặt con mèo, con mèo cũng ngoằn ngoèo chạy theo, hai chân trước táp táp, vồ chụp lấy sợi dây. Cậu con nghịch ngợm nâng sợi dây lên cao, kéo cả con mèo đu người theo lủng lẳng, rồi ngặt nghẽo cười.

Thường ngày là vậy. Nhưng hôm nay thì cậu con phải đi học, ngày học đầu tiên ở trường mầm non. Hai vợ chồng tôi dạo này công việc đều bận rộn nên phải quyết định cho con học bán trú. Sáng đi, xế chiều khi tôi đi làm về sẽ ghé trường đón con. Cậu con lưu luyến bên con mèo một hồi rồi cũng đậy nắp thùng lại, leo lên xe theo tôi đến trường.

Chiều, do công việc xong sớm ngoài dự kiến nên tôi về nhà trước, tranh thủ dọn dẹp một chút rồi mới tới trường rước con. Dọn dẹp nhà cửa sơ qua một vòng, tôi tiến lại, mở cửa thùng thăm con mèo. Thấy tôi, nó kêu ngoeo ngoeo rối rít, chồm người lên. Hẳn đòi ra ngoài đây mà. Phải thôi, loài mèo vốn bản năng hoang dã còn nhiều, không như chó nên nuôi nhốt như vậy hẳn là nó khó chịu lắm. Đành vậy! Nhà chật, ta đâu thể nuôi thả mày được. Thả mày tự do, mày đi “giấu sản phẩm” ở những ngóc ngách nào làm sao ta biết được mà dọn? Mà không dọn được thì cái mùi “sản phẩm” của mày khó chịu lắm! Mùi? Ừ! Cái vương quốc các-tông của mày cũng bốc mùi rồi đấy. Để ta làm vệ sinh cho sạch sẽ nhé! Tôi bắt thả tạm con mèo xuống nền nhà, rồi bắt đầu công việc làm vệ sinh cái “vương quốc các-tông”. Trong khi đó, con mèo được thoải mái lang thang, khám phá một vương quốc lạ hơn, rộng lớn hơn, đó là căn nhà chừng ba mươi mét vuông của chủ nó.

*

Xe vừa dừng, cậu con đã tót xuống, đẩy cửa, chạy ùa vào nhà.

- Ngoéo! Ngoéo!...

Có tiếng con mèo vang lên như xé vải. Tôi giật thót, vội gạt chống xe bước nhanh vào nhà. Trước mắt tôi, đứa con đang đứng chết trân nhìn xuống tấm thảm chùi chân. Có cái gì đó cộm lên, xoay mòng mòng. Tôi đã hiểu mọi chuyện… Thì ra khi nãy, tới giờ rước con, tôi đã vội đi mà quên không cho con mèo vào lại trong thùng. Tôi cúi xuống, giở tấm nệm lên, con mèo cứ dụi một bên tai xuống nền nhà, quay tròn, kêu la thảm thiết. Tôi nhẹ nhàng đỡ nó lên, khẽ đưa tay chạm vào bên mang tai bị đau của nó, một cảm giác mềm mềm khiến lòng tôi quặn thắt. Tôi nhìn lên… Ôi, đứa con nhỏ của tôi đã nước mắt giàn giụa tự bao giờ. Nét mặt con vừa đau khổ vừa sợ sệt. Hẳn là con vừa thương con mèo, vừa sợ tôi la mắng đây mà.

- Không sao! Nó sẽ không sao đâu con à! - Tôi ôm con vào lòng mà vỗ về, an ủi. Nó sẽ không sao. Lỗi là ở ba, không phải lỗi của con. Ba sẽ làm cho nó khỏi đau. Ba hứa đấy! - Tôi nói với con mà như nói với chính mình.

Ngày trước, khi con sóc nhỏ của tôi bị con mèo nhà hàng xóm lẻn qua bắt mất, tôi cũng đã rất đau buồn và tức giận. Khi thấy tôi loay hoay làm một cái bẫy thòng lọng, cha tôi đã nói: “Con à! Con mèo kia, nó bắt con sóc của con là do bản năng của một con vật săn mồi, là quy luật tự nhiên. Lỗi một phần là ở con đã lơ là, không đậy nắp lồng cho kỹ con à”. Và tôi đã từ bỏ ý định làm bẫy của mình. Với con mèo nhỏ này, những ngày qua, tôi cho nó bú mớm từng giọt sữa, tắm cho nó mỗi ngày, nó có khác gì con sóc nhỏ ngày trước của tôi đâu. Lỗi vẫn là ở tôi sơ suất. Nhưng lần này không phải con mèo nhà hàng xóm, mà là đứa con trai bé nhỏ của tôi. Tôi phải làm sao đây? Nói thật với con ư? Tâm hồn trong trắng, non nớt của con sẽ bị tổn thương. Con sẽ ân hận, dằn vặt, rằng mình đã làm chết con mèo. Còn nói dối con ư? Bấy lâu nay, từ khi con biết nhận thức, tôi cố gắng không bao giờ nói dối con bất cứ điều gì. Và cho dù phải nói dối để con khỏi bị tổn thương, dằn vặt thì tôi phải nói dối như thế nào đây? Những câu hỏi cứ xoay mòng mòng trong đầu mà tôi vẫn chưa thể nào tìm được giải pháp. “Cứ từ từ suy nghĩ tiếp, còn bây giờ phải làm việc cần làm trước đã”. Tôi đi vô nhà, mở nắp thùng, cẩn thận gói tấm khăn bọc lấy người con mèo rồi ra hiên lấy cây cuốc, đi vào bóng đêm.

*

- Ba ơi! Con mèo đâu rồi? Nó hết đau chưa ba? - Vừa tỉnh giấc, con tôi đã cất tiếng hỏi.

- Nó khỏe rồi con à!

- Thế nó đâu rồi ba? Sao con không thấy cái thùng đâu?

- À! Đêm qua mẹ nó tới tìm và ba đã để mẹ nó dẫn nó đi rồi con à. Cái thùng không còn cần tới nữa nên ba đã cất đi rồi.

Thế đấy! Lần đầu tiên tôi đã nói dối con mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày