Tôi đã xuất gia như thế

GN - Tôi vào chùa khi mười bốn tuổi. Đã bốn năm rồi, tôi cũng không hiểu tại sao tôi vào chùa ở cái tuổi này…

Duyên lành thuở thiếu thời

Lúc nhỏ tôi không hề biết chùa là gì, tuy nhà tôi rất gần chùa. Cơ duyên biết đến chùa là lúc tôi 12 tuổi. Khi đó, nhà tôi xây lại căn nhà mới, bố mẹ nghe lời bà ngoại tôi bảo nên thỉnh tượng Đức Bồ-tát Quan Âm về thờ. Ngoại tôi về chùa quy y Tam bảo hơn 20 năm nay, việc cúng kiếng trong nhà, bà tôi thường nhắc bố mẹ. Bà bảo bố mẹ thỉnh quý Sư cô về nhà làm lễ an vị Phật, bố mẹ làm theo.

Tu_i Th_ 14t.jpg


Tác giả năm 14 tuổi (trái) cùng với bạn đồng tu của mình - Ảnh: TGCC

Hôm cúng an vị Phật, sau thời tụng kinh xong, Sư bà giảng dạy đôi điều giáo pháp và hướng dẫn cả nhà tôi về chùa, quy y Tam bảo, tập nghe kinh học pháp.

Kể từ đó, tôi biết đến chùa. Cứ đến ngày rằm và cuối tháng, chùa có cúng hội, tôi đi học về tranh thủ đến chùa dự lễ, ăn cơm chùa, lại còn được quý Sư cô cho bánh kẹo. Có một ngày để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi, rằm tháng 10 năm Nhâm Thìn (2012), cả nhà tôi phát nguyện quy y Tam bảo, tôi cũng được quy y, pháp danh Huệ Vương. Thế là tôi cũng trở thành đệ tử của Đức Phật.

Kế đến, năm sau, chùa đăng cai tổ chức An cư kiết hạ. Nhiều Sư cô, các cô chú điệu các nơi về an cư. Tính tôi thích tìm hiểu lại ham vui nên suốt thời gian này, khi rảnh tôi không đi chơi ở đâu hết mà chỉ về chùa phụ giúp quý Sư cô, nói chuyện với mấy chú điệu, trong đó có một vị Sư huynh tiểu tăng đang tu với Sư bà. Mọi người rất thương tôi, thường gần gũi nói chuyện, có gì cũng cho tôi và thường khuyên tôi đi tu. Khi đó, tôi chỉ mỉm cười thôi nhưng trong tâm từ dạo ấy, tôi xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ba tháng hạ trôi qua nhanh. Sau buổi lễ mãn ba tháng An cư, mọi người đều phải quay về trú xứ của mình. Sáng hôm ấy, tôi nhìn thật lâu từng gương mặt thân quen, mà trong lòng cảm thấy buồn buồn. Dường như tôi chỉ có một ý nghĩ đơn giản: “Về hết rồi, ai chơi với mình đây”. Chiều hôm đó, chuyến xe cuối cùng đưa quý cô và mấy chú điệu đi. Tiễn xong quay trở lại tịnh xá, không hiểu sao tôi cứ ôm cái trụ hàng rào gần cổng mà khóc. Lâu lắm rồi tôi không biết khóc là gì, nay bỗng dưng nước mắt ràn rụa. Bây giờ nghĩ lại giây phút ấy, tôi mắc cỡ cho chính mình.

Thế nhưng, cũng từ đó, tôi khám phá ra, mình cũng có ước mơ; hơn thế nữa, ước mơ này dường như đã có mặt trong tôi từ bé xíu là sống một cuộc sống tự lập, một cuộc sống thật ý nghĩa. Nào ngờ, tâm niệm đó dắt dẫn tôi về tịnh xá, trong một thời gian ngắn cảm thấy giáo pháp gần gũi thấm đẫm nơi mình và rồi tôi ước mình thật sự bước đi trên con đường xuất gia tu học từ lúc nào không hay.

 Xuất gia

Nhiều lần muốn thưa bố mẹ đi xuất gia nhưng quả thật, tôi không tự tin. Thế rồi, tôi về tịnh xá thưa với Sư bà và quý Sư cô để nhờ Sư bà giúp tôi xin với bố mẹ. Việc gì đến cũng sẽ đến, bố mẹ vừa biết ý định của tôi muốn vào chùa, liền bảo: “Con không đi đâu hết, ở nhà đi học và giúp bố mẹ”.

Bố mẹ không đồng ý cho đi tu nên suốt năm đó, sáng đi học, chiều phụ giúp gia đình, rảnh lúc nào là chạy về tịnh xá chơi. Có một buổi chiều, tự nhiên bố hỏi tôi: “Con còn thích đi tu không?”. Tôi mừng muốn khóc thưa: “Con vẫn rất thích đi tu bố à”.

Thế là ngay chiều hôm đó, bố mẹ tôi đưa tôi về tịnh xá và thưa với Sư bà cho tôi được ở lại tịnh xá theo tu học. Tôi nhớ mãi giờ khắc quan trọng ấy. Sư bà đưa bố mẹ và tôi lên chánh điện lễ Phật. Khi ấy, Sư bà bảo: “Sau này nếu con có lỗi, bị bắt quỳ nhang, con có chịu nổi không?”. Tôi mau mắn trả lời: “Dạ có ạ”. Rồi Sư bà dạy tôi lạy bố mẹ ba lạy tri ân ơn mang nặng, đẻ đau, dưỡng dục của hai đấng sinh thành. Khi ấy, tôi thật xúc động nhưng cũng đủ cứng rắn để nói lên những lời xin lỗi bố mẹ, bao nhiêu lần đã làm cho bố mẹ phiền lòng, lo lắng.

Có lần tôi làm lỗi, bị mẹ đánh, thay vì chịu trận rồi xin lỗi mẹ, tôi bỏ chạy một hơi và còn nói vói lại “con sẽ không ở trong cái nhà này nữa”. Trong lúc tôi lang thang ngoài đường, mẹ đã hớt hải chạy tìm tôi khắp nơi. Mỗi lần nhớ lại chuyện đó, tôi hối hận vô cùng.

Cha mẹ về rồi, tôi được sư huynh sắp xếp cho chỗ nghỉ. Mỗi ngày, tụng niệm, làm việc theo sư huynh, thỉnh thoảng được Sư bà, quý Sư cô nhắc nhở các oai nghi đạo hạnh của người mới xuất gia. Ngày 12-7-Giáp Ngọ (2014), cái ngày lịch sử trong cuộc đời tôi. Tôi được Sư bà cho xuống tóc. Tôi hạnh phúc với cái đầu trọc lóc còn vỏn vẹn một chỏm tóc trên đỉnh. Cảm giác hạnh phúc ấy không thể diễn tả được. Cuộc sống của chú tiểu Huệ Vương chính thức từ đây. Tôi biết rõ, hành trình chông gai nhưng đầy hỷ lạc đang chờ tôi phía trước.

Tuổi trẻ với cuộc sống mới

Khi xuất gia, thời điểm đó tôi chuẩn bị vô học lớp 9. Ngày khai giảng, tôi vừa rạo rực khi đến trường trong bộ đồ màu lam và cái đầu trọc mới toanh, vừa ngại ngùng với đám bạn nghịch ngợm. Ắt hẳn, thầy cô giáo và các bạn sẽ rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của tôi vì mới tháng trước đi học hè, tôi còn diện bộ đồ áo sơ-mi, quần jean. Các bạn tôi không tin vào mắt là tôi đã thay đổi hoàn toàn rồi. Nhiều đứa còn chọc: “Mày bị người ta bỏ nên đi tu à?”, “Ba má mày bắt mày đi tu à?”; thầy cô giáo thì hỏi: “Sao vậy? Em thích đời sống tu hành sao?”. Trước những câu hỏi khó trả lời, tôi chỉ im lặng mỉm cười.

Thời bấy giờ, tôi có tật ngơ ngơ của thiếu niên. Cái ngơ ngơ ấy làm tôi hay quên. Trong tâm thức tôi thường suy nghĩ linh tinh rồi chẳng nhớ mình đang nói gì, làm gì. Tôi cũng hay quên, để đồ ở đâu đó rồi lại quên. Tuy nhiên, đồng trang lứa với tụi bạn, nhưng tôi có vẻ chững chạc hơn. Cũng bởi, từ nhỏ tôi đã biết làm công việc phụ bố mẹ; vô chùa biết sống tự lập hơn, có trách nhiệm trong công việc được giao phó hơn. Cái tuổi 14 vào chùa, tôi đã học rất nhiều điều hay lạ.

tuoitre 977.jpg
Và nay, 18 tuổi, là một vị xuất sĩ trẻ trong hình tướng một nhà sư đã thọ Sa-di giới - Ảnh: TGCC

Bốn năm trôi qua, bây giờ tôi cũng còn ngơ ngơ lắm nhưng là cái ngơ ngơ của tuổi 18. Tôi ý thức mình phải tu tập trong đại chúng, nương nơi huynh đệ để điều chỉnh cá tánh và suy nghĩ lệch lạc của mình. Mỗi lần họp chúng, được các vị tôn túc, huynh đệ chỉ khuyết điểm, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn là xấu hổ. Tôi đã bảo rồi mà, cái ngơ ngơ của tuổi 18 sẽ không lặp lại những ngơ ngơ của tuổi 14 ngày nào nhưng vẫn còn nhiều cái ngơ ngơ. Ngơ ngơ của tuổi 18 vậy.

Đôi lúc, ngẫm lại, tôi thấy ngơ ngơ vậy mà hay. Tôi hít thở, mỉm cười và không băn khoăn nữa. Tôi sẽ sống hết lòng với cái ngơ ngơ của mình. Nhưng rồi thời gian thấm thoắt trôi qua thật nhanh, mới hồi nào còn là chú tiểu để chóp mà giờ đây đã trở thành một vị Sư trẻ; cái tên Huệ Vương ngày đó giờ đã được Thầy tôi thêm cho tên mới là Giác Minh Lễ khi thọ giới Sa-di.  

Thầy tôi bảo, cái tên này rất có ý nghĩa và nhắc tôi nên tu hành như thế. “Lễ là cách bày tỏ sự cung kính, tôn trọng, cẩn thận”. Một ngày, đọc bộ Chơn lý của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, tôi khám phá ra ý nghĩa của chữ Lễ này. “Lễ giáo là giáo lý của cách bày tỏ ý cung kính, hay cũng tức là cách bày tỏ ý cung kính, là một phương pháp giáo hóa, một giáo lý tốt đẹp quan trọng của đời sống nhơn loại.” (Chơn lý số 57 “Lễ Giáo”)

Tuổi trẻ là phải gào như thác

Ở tuổi trẻ, cái bản ngã tự cao trong con người ta không nhỏ. Mỗi khi làm việc gì hoàn thành tốt, được khen, tức thì tánh kiêu ngạo, tự hào liền xuất hiện. Ở tuổi trẻ, tính nhiệt huyết bốc đồng cũng rất mạnh. Làm việc gì cũng cố gắng, tốc lực làm cho xong, tự tin quá lớn. Nhưng rồi, cái gì cũng có cái giá của nó. Khi chưa đủ thời gian trải nghiệm trong công việc, trong trường đời, làm sao tôi có thể gặt hái kết quả tốt cho những việc làm vội vã ấy được. Có lúc thất bại, tôi tự giận mình, và hối tiếc đã để nguồn năng lượng trẻ dư thừa làm những việc không mang lại kết quả lợi ích cho mình và cho người. 

Cũng lại nhờ nhiệt huyết tuổi trẻ, tôi vực dậy sau thất bại rất nhanh. Tôi nhận thức những gì đang xảy ra xung quanh, chấp nhận những bài học ê chề, đồng thời sẵn sàng đón nhận những thử thách mới mẻ trước mặt. Những bài học chưa bao giờ thực hành, những việc chưa bao giờ làm, tôi lập nguyện cố gắng hết sức để thực hành, để làm. Thác cũng chỉ là một phần của dòng chảy. Thác gào, nước mạnh rốt rồi cũng trôi ra đại dương. Quảng đường ra đại dương ấy nó sẽ trôi qua những khúc sông gập ghềnh, và có khi cũng rất bình yên. Tâm thức và con đường tôi đi chắc chắn sẽ trải qua nhiều khúc sông bình yên vì tôi đang trở về, trở về với nội tâm, trở về với dòng sông tĩnh lặng của tâm hồn.

Giác Minh Lễ

Cùng quý độc giả:

Tôi đi tu là tiểu mục trên trang Phật giáo - Tuổi trẻ, kính mời quý thầy, sư cô chia sẻ câu chuyện thú vị của mình - như ôn lại thời phát tâm Bồ-đề để tự nhắc mình lý tưởng tu hành; thời hành điệu với những trăn trở, thuận duyên hay nghịch duyên đã gặp và vượt qua... để giữ vững sơ tâm

Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ. Bài hay sẽ chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ Giác Ngộ online.

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.

Thông tin hàng ngày