Tôi đi học Phật

GN - Một trong những điều hạnh phúc trong cuộc sống là có bạn tốt, hướng ta đến điều lành. Và bản thân tôi may mắn có được điều đó…

Bạn dìu dắt tôi học Phật

Cách đây 25 năm, khi còn là cô sinh viên Đại học Ngoại thương, tôi đã có duyên ngắm những bức tranh Phật trong các tiệm tranh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM mỗi khi đi học về. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi ngắm, tôi luôn cảm thấy rất vui và an lạc, nhưng vẫn không hiểu gì về Phật và Ngài là ai mà sao kỳ diệu đến vậy! Chỉ biết là lòng tôn kính đối với Đức Phật mỗi ngày mỗi lớn trong tôi…

Rồi khi đi làm, mỗi khi gặp kim thân Đức Phật tôi đều thỉnh về, dù chưa biết tên và tiểu sử của những vị Phật mình yêu kính, tôn thờ. Rồi thời gian trôi qua, tôi tình cờ quen được Uyên Phương, cô bạn trong lớp học yoga vào năm 2016. Trong một lần trò chuyện, tôi nói với Uyên Phương: “Chị thường tôn kính Đức Phật có cái búi tóc trên đầu mà không biết Ngài tên gì”. Phương nói: “Phật Thích Ca Mâu Ni đó chị”. Rồi Phương gởi cho tôi link Đường xưa mây trắng của Sư ông Thích Nhất Hạnh, nói: “Chị Thảo nghe đi. Hay lắm”. Tôi bắt đầu nghe vào mỗi buổi tối trước khi ngủ. Lời văn của Sư ông sao hay quá. Nó chạm vào trái tim tôi. Tôi rất thích chương nói về: “Không  hiểu biết thì không thể yêu thương…”.

ceeb42bc3b8bc2d59b9a.jpg


Tác giả (trái) và bạn đạo trong hội trại 35 năm thành lập Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: TGCC

Sau đó, Phương lại tiếp tục gởi cho tôi đường link bộ phim The Buddha, nói về cuộc đời Đức Phật. Sau khi  tôi xem phim và nghe xong Đường xưa mây trắng thì nhân duyên tiếp tục đến. Tháng 10-2018, tôi và Phương hữu duyên được đi chung trong chuyến đến Ấn Độ để viếng Tứ động tâm. Một chuyến đi ngập tràn cảm xúc. Mới vừa hiểu Phật Thích Ca Mâu Ni là ai, thì liền được đến những thánh tích ở Ấn Độ và Nepal. Đó là những nơi Đức Phật được sinh ra, nơi Phật giảng bài kinh đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như, nơi Phật thành đạo dưới cội bồ-đề ở Bồ đề Đạo Tràng và nơi Phật nhập diệt. Nước mắt tôi đã rơi nhiều lần khi viếng những thánh tích nơi đây.

Sau chuyến đi Ấn Độ 6 ngày, tâm trí tôi cứ nhớ về Tứ động tâm, cứ nhớ về Phật giống như “người tương tư” vậy. Tôi bắt đầu nghe các bài pháp thoại, rồi học thuộc lòng bài Sám quy nguyện rất hay mà thầy Pháp Hòa giới thiệu. Trong đó có hai câu tôi rất thích: “Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”. Tôi ước nguyện học Phật để giúp cho mình, cho mọi người thoát khổ. Đó là sự phát nguyện vững chãi, bằng chính sự trải nghiệm, sự hiểu và cảm của tôi về đạo Phật.

Hỷ lạc trong Chánh pháp

Rồi duyên lành cũng đến, vào một ngày nắng đẹp, bạn Phương nhắn tin và gởi cho tôi đường link của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và hỏi “chị Thảo học đại học Phật giáo không?”. Tự nhiên tôi nghe thích quá và quyết định đăng ký học. Tôi và cô bạn thân Uyên Phương cũng trở thành tân sinh viên khóa VI - hệ Đào tạo từ xa của Học viện Phật giáo tại TP.HCM vào tháng 9-2019. Tôi mang ơn Phương vì đã gieo duyên cho tôi học Phật, cho tôi biết Phật Thích Ca là ai. Tôi như đứa trẻ mầm non học hỏi từ mọi người. Có những câu tôi hỏi làm mọi người cười ồ lên. Hay có lúc bị một Sư cô đồng học quở vì cách xưng hô không phù hợp. Tôi không quen xưng “con” với quý Tăng Ni, vì nghĩ họ là bạn đồng học của mình và nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều, hơn nữa ở ngoài đời dù gì tôi cũng là giám đốc một công ty. Nhưng khi nhận ra “họ đã dám bỏ hết mọi thứ, đã dám cạo đầu đi tu thì họ hơn mình rất nhiều rồi”, nên giờ chữ “con” tôi rất thích xưng, bởi cảm thấy rất thân thương, dành cho những vị đồng tu mà tôi có duyên tiếp xúc.

Chỉ 2 tháng học tập ở Học viện, tôi đã học được nhiều về kiến thức Phật học. Tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời của Đức Phật qua bài giảng chân thật nhưng cách phân tích rất hay của thầy Chơn Minh. Tôi kính thầy Viên Trí với tất cả các bài giảng của môn Khái luận Phật học. Tôi hiểu về Tứ diệu đế, về Duyên khởi, về nghiệp. Tôi biết được đạo Phật du nhập vào nước ta khi nào, hiểu thêm về các dòng thiền qua bài giảng Lịch sử Phật giáo Việt Nam của thầy Phước Đạt. Thật thú vị khi hiểu được Bát Chánh đạo, thường kiến, đoạn kiến qua bài giảng bằng tiếng Anh hấp dẫn của Sư Liễu Pháp. Môn Hán cổ với Sư Tuệ Liên cũng rất hay. Riêng môn kinh Trung bộ của Sư Giác Hoàng và môn Pāli tôi không chọn học nhưng vẫn tranh thủ lên lớp để nghe giảng. Sau này thời gian học môn Hán cổ và Pāli bị trùng nên tôi không học được Pāli nữa. Còn nhớ, ngày đầu tiên học môn Pāli, tôi đã chạy lên bảng nói với Sư cô Hiếu Liên là: “Sư dạy hay quá. Con cảm niệm Sư vô cùng”.

Song Hằng.jpg


Hạnh phúc của tác giả trong hành trình về đất Phật - đón bình minh của đời mình bên sông Hằng - Ảnh: TGCC

Bây giờ, ngồi viết lại những dòng cảm xúc này, tôi vẫn lâng lâng niềm hạnh phúc, hỷ lạc.

Tôi đặc biệt mang ơn thầy Nhuận Bổn, người bạn đồng tu, đồng học đã giúp tôi rất nhiều trong những lúc tâm không tịnh, những lúc tôi nghĩ bắt buộc phải chọn giữa việc làm hay việc học đạo. Thầy cho tôi biết ý nghĩa tên đạo của tôi là gì, và luôn có những lời khuyên trong lúc tôi cần nhất. Có lúc tôi bị stress, muốn bỏ hết mọi thứ chỉ để học Phật thôi. Thầy Nhuận Bổn nói: “Đạo là đời và đời là đạo”.

Tôi lại tri ân thêm lời khuyên của anh Pháp Đức, Trưởng nhóm Sen Đỏ: “Ai cũng đi tu hết thì còn đâu ngoại hộ Phật pháp. Em cứ như vậy là tốt rồi”. Cho nên tôi phải học đạo cho thật tốt để giúp ích cho mình, cho người, cho đời. Hay Sư cô Chánh Y dạy cho tôi thiền Tứ niệm xứ qua điện thoại khi quen tôi vào dịp khai giảng.

Tôi nhớ lại một đoạn trong quyển sách Minh triết trong đời sống do Nguyên Phong dịch: “Tôi cứ nghĩ rằng từ bỏ có nghĩa là vứt đi tất cả tài sản, trói buộc, quyến luyến, ràng buộc để vào một tu viện. Ngày xưa sự từ bỏ có nghĩa là như vậy nhưng hiện nay những người đi trên con đường tâm linh không nhất thiết phải từ bỏ gia đình để vào rừng sâu núi thẳm ẩn dật. Thay vì thế, họ mang rừng sâu núi thẳm đó vào tâm linh của chính mình. Từ bỏ là chìa khóa của sự tiến bộ tâm linh, nhưng thay vì từ bỏ những hình tướng vật chất, chúng ta hãy từ bỏ cái bản ngã kiêu căng, ngã mạn. Nói một cách khác, theo quan điểm của tôi, ngày nay từ bỏ có nghĩa là chuyển tâm chứ không phải chuyển cảnh”.

Và, tôi dần nhận ra: “Pháp giới là vô ngã/ Pháp giới là tình thương/ Lòng từ trải muôn phương/ Tâm bồ-đề vô thượng”.

"Tôi đã ăn chay trường lúc 9‬ tuổi và tới giờ đã được 35 năm, vậy mà mới hiểu đạo chỉ hơn một năm nay là quá trễ. Nhưng tôi thiết nghĩ, trễ còn hơn không! ‬Không có gì là quá muộn khi học Phật, được hiểu biết về con đường mà mình đã, đang và sẽ tiếp tục đi..."

Hạnh Hiếu


* Mời bạn đọc chia sẻ về những trải nghiệm về học Phật, chuyển hóa thân tâm từ khi tiếp xúc, thực hành lời Phật dạy với Giác Ngộ. Bài vở gửi về: onlinegiacngo@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày