Tôi theo Phật

Khai tôn giáo trên căn cước công dân để khẳng định mình là con Phật
Khai tôn giáo trên căn cước công dân để khẳng định mình là con Phật
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi nghĩ mình đã theo Phật, học Phật từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, chứ không phải chỉ có mấy mươi năm trong đời này. Vì đã lâu như vậy, nên tôi đã sớm cảm mến, chọn theo, hạnh phúc khi được là Phật tử, được tiếp tục sống trong giáo pháp của Phật.

Quả thật, với người học Phật, theo Phật, hạnh phúc nhất là được trầm mình trong giáo pháp. Giống như con chim chỉ hạnh phúc nhất khi ở trong bầu trời cao rộng, con cá được sống với vùng nước nó thuộc về, tự do bay, bơi...

Theo Phật, học Phật là học về tình thương, sự hiểu biết. Khi hai giá trị đó trở thành lẽ sống thì mình không còn vướng mắc hay sợ hãi điều gì nữa, sẽ tự tin nhận mình là "con của Phật" - Phật tử.

Điều đầu tiên - quan trọng - chính là lời khẳng định: tôi là Phật tử. Tôi nghĩ thế, vì đó là cách chúng ta xác tín con đường mình đi chính là con đường Phật giáo, lý tưởng mình sống chính là lý tưởng Phật giáo. Và đó chính là con đường, là lý tưởng đẹp: giải thoát, giác ngộ.

Có thể hiểu, giải thoát ở đây chính là không bị ràng buộc bởi ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; giác ngộ về sự thật nhân - duyên - quả để có điều chỉnh ý-khẩu-thân trở nên tốt đẹp hơn.

Ảnh tác giả

Tất nhiên, nhận mình là Phật tử (trên giấy tờ) cũng chính là một cách cam kết trở thành một Phật tử trong đời sống thường ngày.

Lưu Đình Long

Giải thoát - giác ngộ không hai, khi chúng ta thấy được sự liên hệ giữa cái biết và cái hành trong ta, mỗi ngày. Càng giác ngộ thì càng giải thoát, càng giải thoát càng giác ngộ.

Sự thật là, khi theo Phật, tôi thấy quá nhiều lợi lạc. Từ chỗ khổ đau, điên đảo, mộng tưởng... tôi dần tĩnh lặng, sáng suốt, bằng an. Từ chỗ không dám đối diện với những sự thật như già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tắng hội... tôi đã dám "sống chung" an lành với tất cả ngay hiện tại - bây giờ và ở đây. Từ chỗ không dám buông tay những thứ không thuộc về mình vì sợ hãi mất mát, tôi đã biết mình chẳng có thứ gì để mất rồi nhẹ nhàng xả bỏ...

Do đó, tôi cũng muốn người - thân thương mình, rộng ra là tất cả mọi người đều có thể theo Phật, học Phật, thực hành đời sống an vui như vậy.

Tôi khuyến khích má mình ăn chay, tụng kinh, tập sống nhẹ nhàng với bất như ý. Tôi dạy con trai hơn 2 tuổi của mình phát nguyện "đời đời kiếp kiếp nương tựa Phật - Pháp - Tăng" để gieo hạt giống Bồ-đề cho con ngay từ ấu thơ... Có người nói, đó là "Phật hóa gia đình". Tôi thấy việc làm đó hay, bởi nó giúp cho những người trong nhà có thể cùng tiến lên, thông hiểu sâu sắc, yêu thương nhau tích cực hơn.

Tôi thấy nhiều ông chủ của các doanh nghiệp còn "Phật hóa công ty" bằng cách mời thiền sư về hướng dẫn nhân viên định tâm; tới ngày Phật đản thì thỉnh giảng sư về chia sẻ phương pháp sống an lành theo Phật giáo. Những nhân viên nào có thể tu tập được xem là có đóng góp lớn không chỉ cho công ty mà cho cả thế giới vì người ấy biết kiến tạo năng lượng tích cực...

Với những người có thể làm cho người khác hiểu Phật, theo Phật, để có đời sống an vui không chỉ hiện đời mà còn nhiều đời kiếp khác, thiệt sự công đức rất lớn.

Khi thấy được sự nghiệp trong đời này chỉ mang tính tạm thời, còn sự nghiệp lớn hơn là giải thoát sanh tử ta sẽ không ngại ngần chọn theo Phật, thay vì "quay lưng" với Tam bảo để yên ổn làm ăn.

Thực ra, mình học Phật, theo Phật mà mình không dám nhận mình sống theo tinh thần Phật giáo thì thật là không nên. Như một người học trò, một đứa con không nhận thầy mình là thầy, cha mẹ mình là người sinh ra mình chỉ vì sợ cái này, cái kia, quả thật là yếu đuối.

Tất nhiên, nhận mình là Phật tử (trên giấy tờ) cũng chính là một cách cam kết trở thành một Phật tử trong đời sống thường ngày.

Và cách thức thực tập để là một Phật tử cũng đơn giản, chỉ cần mình tôn trọng, gìn giữ 5 nguyên tắc đạo đức căn bản để làm người tốt trong đời này, đời sau: không sát sanh và bảo vệ mạng sống mọi loại; tôn trọng tài sản của người; không chiếm đoạt vợ, chồng người; không nói những lời không thật và không sử dụng những chất gây nghiện, làm mất tự chủ.

Nguyên tắc nào của người học Phật cũng góp phần hỗ trợ cho nước nhà bớt đi lo lắng bởi lối sống ấy làm gia tăng những nhân tố có an lạc, biết đạo lý.

Do đó, về phương diện đối ngoại, nhận mình là Phật tử cũng là cam kết sống tích cực, rằng "quý vị hãy yên tâm, tôi là Phật tử, tôi đang học Phật, nỗ lực sống tốt hơn đây". Với cam kết như vậy, ai mà không vui, không thích cho được.

Dĩ nhiên, cũng có những người Phật tử thực tập chưa giỏi và có những người đã giỏi nhưng không phải bao giờ cũng giữ được phong độ. Khi đó, ta hãy hiểu, họ cũng đang trên bước đường tu, có thể nhẹ nhàng nhắc họ, mình là con của Phật, đây, ở căn cước công dân có đây này. Biết đâu, nhờ vậy, họ giật mình sửa mình, sống ngay, sống thẳng trở lại, dìu đỡ nhau qua bờ bên kia.

Có ý kiến và suy nghĩ về vấn đề này, quý bạn đọc có thể chia sẻ qua mục BÌNH LUẬN bên dưới, hoặc chuyển về tòa soạn qua email onlinegiacngo@gmail.com. Xin chào đón những chia sẻ và phản ánh của quý bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày