Tôn vinh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

GNO - Đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các vua Hùng không phải là giáo chủ, thế nhưng hiện cả nước ta có hơn 1.400 di tích thờ vua Hùng. Từ hàng nghìn đời nay, người Việt khắp nơi vẫn hành hương về đền Hùng ở Phú Thọ để tri ân công đức tổ tiên vào dịp mùng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm.

Tối 13-4-2013 (tức mùng 4 tháng Ba năm Quý Tỵ), tại sân Trung tâm Lễ hội ở Khu Di tích đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức trọng thể Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013.

Phú Thọ là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, nơi cha rồng mẹ tiên kết duyên Hồng Lạc, sinh ra bọc trăm trứng hình thành bách gia trăm họ nên nghĩa đồng bào. Trên mảnh đất này, cách đây mấy ngàn năm trước, các vua Hùng đã lập nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

trao tin nguong.jpg

Đại diện UNESCO trao chứng nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phú Thọ còn giữ được nhiều di sản, trong đó hát xoan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào cuối năm 2011, và nay là năm thứ 2 liên tiếp, Phú Thọ được đón nhận Bằng công nhận Di sản thế giới của UNESCO. Đến dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng rất nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đại diện ngoại giao 9 quốc gia (Brazil, Ai Cập, Maroc, Hàn Quốc, Iran, Bỉ, Indonesia, Nhật Bản, Tây Ban Nha); đoàn đại biểu của 8 tỉnh tham gia cùng tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cùng hàng vạn du khách.

Đại diện Tổ chức UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trao bằng của UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc và 4 cụ thủ từ đền Hùng đại diện cho triệu triệu con Hồng - cháu Lạc đón nhận bằng công nhận.

Trong lời phát biểu chào mừng, bà Katherin Muller - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng trong việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để bảo vệ thành công hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Bà Katherin Muller bày tỏ: “Tại buổi lễ này, chúng ta thưởng thức âm vang của trống đồng, tiếng chày giã gạo nếp, hương trầm nghi ngút, lễ rước kiệu về rừng và những làn điệu ngọt ngào của hát xoan… Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đã giúp cho thời gian làm việc tại Việt Nam của tôi trở thành trải nghiệm quan trọng nhất trong cuộc đời. Tôi cảm ơn quý vị đã vì tâm huyết bảo vệ phát huy Lễ hội Đền Hùng như là một món quà cho toàn thể nhân loại”.

Ông Hoàng Tuấn Anh đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Chương trình hành động gồm 9 nội dung mà Việt Nam cam kết thực hiện để bảo tồn phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa của nhân loại.

ve den Hung.jpg

Trẩy hội đền Hùng

Trong diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu con Hồng - cháu Lạc. Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước…

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc ta. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển... “Chúng ta nguyện mãi mãi khắc sâu và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” để đất nước ta tươi đẹp, dân tộc Việt Nam nhân nghĩa văn hiến của chúng ta vẻ vang sánh vai cùng bè bạn năm châu” - Chủ tịch nước bày tỏ.

Theo ông Phạm Cao Phong - Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nét độc đáo của Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở chỗ, đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ cúng Hùng Vương không có học thuyết và cũng không có Giáo hội truyền bá. Vậy mà, từ hàng nghìn đời nay, người Việt vẫn hành hương về đền Hùng để tri ân công đức các vua Hùng vào dịp giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm.

Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhận định: Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, phụng thờ nhân vật khai sáng dân tộc, nhưng hiếm có đất nước nào mà mọi người dân đều có chung một Quốc Tổ như ở Việt Nam. Từ trung tâm thờ tự các vua Hùng ở chân núi Nghĩa Lĩnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa đi các nơi.

Hiện cả nước có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. Trong đó: Phú Thọ có 326 di tích với tâm điểm là Di tích lịch sử Đền Hùng, Hà Nội có 525 di tích ... Tín ngưỡng này không chỉ phát triển trong nước mà còn được nhân rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới - nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Không ít kiều bào Việt sau nhiều năm tha hương đã về đền Hùng để xin một nắm đất gần mộ Tổ, một chút nước ở giếng Ngọc và chân nhang bát hương thờ các vua Hùng ở đền Thượng đưa ra nước ngoài thờ cúng.

hung vuong 1.jpg

Thờ cúng Hùng Vương

Du khách đến lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013 được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”, với 1.350 diễn viên chuyên và không chuyên tham gia biểu diễn. Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Dòng giống Rồng Tiên - Thiêng liêng hai tiếng “Đồng bào”; Hành trình tâm linh về nguồn cội, tri ân Quốc Tổ Hùng Vương; Phú Thọ - Mùa xuân linh diệu của non sông. Vào lúc 10 giờ đêm 13-4, tại Quảng trường Hùng Vương ở TP.Việt Trì đã diễn ra Chương trình bắn pháo hoa tầm cao, thu hút hàng chục nghìn đồng bào và du khách tới xem.

Trước đó, trong ngày 13-4, nhiều đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, các tỉnh, thành phố khắp mọi miền cả nước đã về dâng hương tại đền Hùng. Trong đó, đoàn đại biểu kiều bào từ 16 nước do ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm trưởng đoàn đã đến tham quan và dâng hương tưởng niệm tại đền Mẫu Âu Cơ, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh.

Từ ngày 13-4 đến 19-4-2013 (tức 4 đến 10 tháng Ba âm lịch), tại Phú Thọ diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Những điểm nhấn phải kể đến như: Lễ hội đường phố chủ đề “Văn hóa đất Tổ Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng” và thi gói bánh chưng bánh dày. Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Văn hóa đất Tổ - Cội nguồn dân tộc Việt Nam” gắn với triển lãm mỹ thuật của các họa sĩ Hàn Quốc và Phú Thọ; Chương trình “Hát xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch văn hóa tại miếu Lãi Lèn, đình Thét khai mạc ngày 14-4.

Ngày 17-4 có Hội thi bơi trải trên sông Lô. Lễ Quốc giỗ Hùng Vương diễn ra vào ngày 19-4, với nghi thức dâng hương trang trọng tại đền Hùng. Bình quân mỗi ngày có hơn mười vạn người hành hương về Khu di tích đền Hùng trong những ngày diễn ra Lễ hội Đền Hùng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày