TP.HCM: Phục dựng Di tích chùa Hội Sơn

GN - Chùa Hội Sơn thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (Quyết định số 43-VH/QG ngày 7-1-1993), chùa có mặt trên đất Biên Hòa - Gia Định đến nay đã trên 250 năm.


Ngày 17-7-2012, chùa Hội Sơn đã xảy ra sự cố chập điện gây hỏa hoạn làm di tích Hội Sơn bị hủy hoại toàn bộ các khối công trình tiền điện, chánh điện, tổ đường, giảng đường… 3 năm qua, chùa phải dùng vật liệu tạm để che chắn, tiếp tục sinh hoạt tu học. Căn cứ vào công văn của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, ngày 31-1-2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã ấn ký Quyết định số 443/QĐ-UBND duyệt dự án Phục dựng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn - hạng mục chánh điện.

Chùa trên vùng đất Biên Hòa - Gia Định xưa

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, chùa Hội Sơn (số 1A1 đường Nguyễn Xiển, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM) do Tổ Đạo Thành - Khánh Long (đời thứ tư thiền phái Liễu Quán) khai sơn vào cuối thế kỷ thứ XVIII. Ngài là người vùng Thuận Quảng đi theo chúa Nguyễn vào Nam.

ANHVG (2).jpg

Phối cảnh chánh điện kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn - Ảnh chụp lại: Vũ Giang

Vào đầu thế kỷ XIX, chùa Hội Sơn đã rất nổi tiếng. Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, mục viết về danh lam thắng cảnh, đã có ghi chép chùa Hội Sơn ở vùng đất Biên Hòa - Gia Định. Sách viết: Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành...

Cuối thế kỷ thứ XVIII, chùa Hội Sơn mới được thành lập nhưng đối với vùng đất mới phương Nam, đây là một trong những ngôi chùa thời kỳ đầu có vị trí rất quan trọng. Chùa tồn tại hơn 250 năm, để lại dấu ấn rất sâu đậm ở miền Nam, nhất là trong vùng danh thắng núi Châu Thới. Chùa có nhiều công trình kiến trúc như: tiền đường, điện Phật, Bát Nhã đường gồm nhà Tổ, giảng đường và một số công trình phụ khác như: nhà trù, nhà túc, nhà Tăng, nhà khách.

Hệ thống tượng thờ ở đây rất đa dạng gồm 46 hiện vật quý: trong đó có 30 bức tượng gỗ cổ , 6 bức hoành phi cổ, 9 bài vị của các vị Tổ, 3 bàn thờ gỗ. Đáng lưu ý là các tôn tượng: Chuẩn Đề cao 1 m, ngang 0,6m; Tiêu Diện: cao 1m, ngang 0,4m; Di Đà tọa tòa sen: cao 1,2m, ngang 0,4m… Đây là các tôn tượng điêu khắc bằng gỗ cổ được tạo tác từ thế kỷ XVIII cùng thời với ngôi chùa cổ.

Trên nền di chỉ khảo cổ học là ngôi chùa cổ

Chùa Hội Sơn đã trải qua 11 đời trụ trì, hiện nay TT.Thích Thiện Hảo đang đảm nhiệm trụ trì. Chùa Hội Sơn cũng trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần nhất vào năm 2000 do TT.Thích Thiện Hảo trùng tu một số công trình làm chùa trở nên thông thoáng và mỹ thuật.

Những cổ vật trong chùa gồm những pho tượng Phật, tượng Bồ-tát, hộ pháp… là những tác phẩm mỹ thuật đặc trưng ở Nam Bộ, nhưng rất tiếc hầu hết đã bị thiêu cháy cùng với chánh điện, nhà tổ do sự cố chập điện trong vụ hỏa hoạn ngày 17-7-2012. Nói về vụ việc đó trong một lần trao đổi với người viết, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bùi ngùi: “Đây là mất mát rất lớn đối với di sản văn hóa Phật giáo miền Nam, di sản văn hóa của dân tộc, một sự mất mát không thể nào bù đắp được”.

ANHVG (1).jpg

Phối cảnh quần thể chùa Hội Sơn - Ảnh chụp lại: Vũ Giang

Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ, cao 15m so với mặt biển, bên sông Đồng Nai. Khu đất thuộc chùa là một trong 26 di tích khảo cổ học ở TP.Hồ Chí Minh. Di chỉ chùa Hội Sơn thuộc nền văn hóa Đồng Nai, có niên đại khoảng 3.500 - 4.000 năm, ở vào thời đại kim khí. Các đoàn khảo cổ đã có 2 cuộc thám sát nhỏ vào năm 1977, 1987 và đã thu thập được nhiều rìu, mảnh gốm, đồ dùng từ đá… có niên đại từ 2.500 đến 3.500 năm.

Sau khi chánh điện chùa Hội Sơn bị hỏa hoạn, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã cho phép Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP thám sát, khai quật (ngày 1-12-2012) nền chùa cổ có diện tích khoảng 300m2. Trong quá trình khai quật, một hố thám sát gần khu vực chánh điện đã tìm thấy khá nhiều hiện vật mảnh gốm, các mảnh công cụ đá: bàn mài, rìu… khi đào sâu xuống 50cm và tiếp cận được với tầng văn hóa.

Chùa Hội Sơn có giá trị khá đặc biệt trên nền di chỉ khảo cổ học là ngôi chùa cổ. Chùa còn tọa lạc trong quy hoạch Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc thuộc khu IV, được quy hoạch giữ lại trong công viên để xây dựng tôn tạo, được Ủy ban Nhân dân TP phê duyệt trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (tại Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 21-2-2009). Hội Sơn nổi tiếng là thắng tích ở vị trí đắc địa, được xây dựng trên ngọn đồi, bên một dòng sông tạo nên thắng cảnh nổi tiếng. Di tích chùa Hội Sơn vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, về lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh ở TP.HCM.

Phục dựng Di tích chùa Hội Sơn

Căn cứ vào Công văn số 3718/BVHTTDL-DSVH ngày 20-10-2014 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch về chủ trương và thẩm định dự án phục dựng di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Hội Sơn; Tờ trình số 808/TTr-SVHTT-THBTDT ngày 19-12-2014 của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM về phê duyệt dự án phục dựng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn. Ngày 31-1-2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã ấn ký Quyết định số 443/QĐ-UBND duyệt dự án phục dựng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn, hạng mục: Chánh điện.

Theo quyết định này, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM có trách nhiệm tổ chức giám sát thực hiện dự án theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Theo đó, dự án phục dựng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn do chùa Hội Sơn làm chủ đầu tư. Hình thức quản lý dự án do chủ đầu tư tự thuê tư vấn quản lý dự án. Nguồn kinh phí: xã hội hóa. Công trình phục dựng do Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP - KTS Nguyễn Trường Lưu thiết kế.

TT.Thích Thiện Hảo, trụ trì chùa Hội Sơn, chủ đầu tư dự án cho biết, so với diện tích nền chánh điện cũ, chiều ngang nền mới được nới rộng thêm 4 mét. Theo đó, chiều cao và chiều dài cũng được nới rộng theo tỷ lệ tương ứng với thiết kế tổng thể để phục vụ cho việc sinh hoạt tu học của chư Tăng, Phật tử.

h2 Vo Van Tuong jpg.jpg

Mặt đứng thiết kế, các thước cột, gờ chỉ, lan can theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp

Ảnh: Võ Văn Tường

Mục tiêu của đầu tư xây dựng là phục dựng lại chánh điện của chùa Hội Sơn dựa trên kết cấu không gian của công trình hiện hữu - Công trình được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993 và trùng tu năm 2000. Quy mô các hạng mục gồm: Hành lang trước (3.000 x17.450mm); Tiền điện (6.600 x 13.250 mm); Chánh điện (11.050 x 13.250 mm); Hậu điện (Tổ đường, giảng đường: 12.400 x 13.250 mm); Sân thiên tĩnh, hành lang bao quanh: 10.000 x 13.250 mm; Khai sân đường: 11.850 x 13.250 mm; Phương trượng: 5.050 x 13.250 mm; Hành lang sau: 3.000 x 13.250 mm.

Với kết cấu móng đơn, bê-tông cốt thép trên nền đất thiên nhiên. Tiêu chí phục dựng Di tích chùa Hội Sơn gồm hệ khung cột, kèo và hệ mái gỗ phải dựa theo kiến trúc cũ, lợp mái ngói âm dương nhưng không tráng men. Tường bao, lan can xung quanh, trụ hành lang bằng bê-tông (chi tiết khác với kiến trúc cũ).

Hình thức mặt đứng kiến trúc, công trình phục dựng lại phải theo phong cách kiến trúc công trình chùa hiện hữu trước khi bị cháy. Hệ thống cột, lan can, mặt đứng thiết kế, các thước cột, gờ chỉ, lan can theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp. Hệ cửa, vách, bao lam dùng vật liệu gỗ. Nền nhà lát gạch đất nung 300 x 300.

Nội thất công trình phục dựng lại có cách bố trí các bàn thờ, đồ nội thất thờ phụng theo công trình trùng tu năm 2000. Công trình phục dựng Di tích chùa Hội Sơn với tổng đầu tư trên 39 tỷ đồng. Được biết, 8 giờ ngày 21-5-2015 (nhằm ngày 4-4-Ất Mùi), công trình phục dựng Di tích chùa Hội Sơn sẽ chính thức thực hiện lễ động thổ khởi công trùng kiến sau 3 năm chùa bị hỏa hoạn.

 

“Qua 3 năm từ ngày xảy ra sự cố chập điện gây hỏa hoạn chùa Hội Sơn, chúng tôi chờ các bộ, sở, ngành cho phép sớm phục dựng lại chùa Hội Sơn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng. Tuy nhiên cho đến khi chúng tôi gởi đề xuất được làm chủ đầu tư dự án phục dựng chùa Hội Sơn thì mới có sự chuyển biến. Vì công trình phục dựng Di tích chùa Hội Sơn có nguồn vốn xã hội hóa, do đó thời gian xây dựng sẽ phải phụ thuộc vào nguồn đóng góp của chư Tăng Ni, Phật tử, các mạnh thường quân…” - TT.Thích Thiện Hảo, trụ trì chùa Hội Sơn cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày