TP.HCM tiếp tục thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" đến ngày 15-9

Ảnh: Trần Thế Phong
Ảnh: Trần Thế Phong
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, từ nay đến ngày 15-9 thành phố tiếp tục siết giãn cách như nửa tháng qua; người dân "vùng xanh" được đi chợ mỗi tuần một lần.

Thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói tại chương trình livestream Dân hỏi - Thành phố trả lời, tối 6-9. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo chính quyền TP HCM đối thoại trực tiếp với người dân qua mạng xã hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giải đáp những thắc mắc của người dân - Ảnh: Hữu Công

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giải đáp những thắc mắc của người dân - Ảnh: Hữu Công

Mở đầu chương trình, ông Phan Văn Mãi cho biết nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP.HCM trong bối cảnh thành phố rất khó khăn do Covid-19. Cùng với đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học..., thành phố đang xây dựng kế hoạch bài bản nhằm ứng phó với diễn biến dịch và phục hồi kinh tế, xã hội.

Đến nay, TP.HCM tiêm mũi 1 hơn 6,3 triệu người (chiếm 82% người dân 18 tuổi trở lên) và hơn 500.000 người tiêm mũi 2. Thành phố cố gắng từ nay đến 15-9, hơn 90% người dân đủ điều kiện được tiêm mũi 1, đồng thời tiêm mũi 2 cho người dân đủ thời gian.

Người tiêm hai mũi vắc-xin có được tự do tham gia các hoạt động, ông Mãi cho biết TP.HCM đang trong thời kỳ có dịch, mọi hoạt động phải có điều kiện để đảm bảo an toàn. Người tiêm đủ vắc-xin có kháng thể nhưng vẫn phải tuân thủ 5K. Việc tiêm vắc-xin không có nghĩa người đó đã an toàn và không bị nhiễm. Do đó người tiêm hai mũi không phải điều kiện duy nhất và an toàn tuyệt đối.

Theo ông Mãi, từ nay đến 15-9 thành phố sẽ cho các "vùng xanh" thí điểm mở một số dịch vụ bán mang về. Sau ngày 15-9, nếu tình hình chuyển biến tốt, thành phố sẽ mở một số hoạt động ở địa bàn an toàn. Các dịch vụ dự kiến hoạt động là thương mại điện tử, logistics, sản xuất thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng... Những ngành nghề nào hoạt động an toàn, quản lý tốt sẽ được ưu tiên.

Khi nào thành phố sẽ nới lỏng giãn cách, ông Mãi cho biết việc này dựa trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở đến đó. Do đó, thời gian tới thành phố sẽ dựa vào tình hình thực tế để mở từng bước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và ổn định tình hình kinh tế, xã hội.

Ông Mãi cho biết từ nay đến 15-9, TP.HCM tiếp tục các biện pháp giãn cách như nửa tháng qua, nhưng có hai điều chỉnh: Hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng được mở đến xã, phường, thị trấn và người dân ở "vùng xanh" được đi chợ mỗi tuần một lần, khuyến khích người đi chợ đã tiêm vắc-xin; ở "vùng đỏ", shipper sẽ đi chợ thay cho người dân.

Theo ông Mãi, không thể trả lời cụ thể khi nào sẽ hết giãn cách vì việc này phụ thuộc tình hình dịch. Thành phố đang tập trung thực hiện mục tiêu đến 15-9 kiểm soát dịch như Nghị quyết 86 của Chính phủ. Trong đó, giãn cách là biện pháp cần thiết để đẩy nhanh xét nghiệm, phát hiện và điều trị F0, kéo giảm tử vong, đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vắc-xin... Nếu giữa tháng 9 việc kiểm soát dịch thành công, thành phố sẽ có lộ trình nới lỏng giãn cách.

Về vấn đề hỗ trợ an sinh, người đứng đầu chính quyền TP.HCM nói rằng thành phố tiếp tục hỗ trợ khi vẫn còn giãn cách, người dân còn mất việc, mất thu nhập. Tùy vào ngân sách, mức hỗ trợ có thể ít hơn 1,5 triệu đồng nhưng sẽ thường xuyên, hàng tháng cho người dân. Ngoài ra mỗi người sẽ được nhận 15 kg gạo, túi thực phẩm an sinh. Thành phố cũng có các hình thức giúp đỡ khác như vận động giảm tiền nhà trọ, điện nước...

Đến nay thành phố đã chi tổng cộng gần 6.000 tỷ đồng cho người khó khăn, trong đó ngân sách 4.800 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá. Thành phố cũng đã phát hơn 1,6 triệu túi an sinh và 14.000 tấn gạo.

"Thành phố có hơn chục triệu dân nên đôi lúc chính quyền chưa bao quát được, xin nhận khuyết điểm với bà con", ông Mãi nói và cho biết hiện việc hỗ trợ đang được tăng tốc, không phân biệt hộ khẩu, tạm trú. Sau ngày 6-9, người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ nên liên hệ với xã, phường để bổ sung danh sách.

Liên quan hỗ trợ doanh nghiệp và người buôn bán nhỏ lẻ, ông Mãi nói rằng TP.HCM có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay. Đồng thời, thành phố có các chương trình hỗ trợ lãi suất, ví dụ như vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình để giúp đỡ nguồn vốn.

Ngoài ra, thành phố đang phối hợp với địa phương để giải quyết khó khăn về nguồn lao động. Bởi hiện nhiều người đã về quê không quay trở lại cho đến khi dịch được khống chế. Thành phố sẽ có gói hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp...

Theo ông Mãi, chính sách nào thuộc thẩm quyền của mình, thành phố sẽ cố gắng hoàn thành và công bố trước ngày 15-9 để doanh nghiệp, người dân và chính quyền cùng chuẩn bị. Những chính sách nào đề nghị Trung ương cần phải chờ được thông qua.

Người dân tiêm đủ hai mũi vắc-xin có được về quê sau ngày 15-9, ông Mãi cho biết không phải thành phố ngăn cấm người dân về quê. Nhưng tình hình đang phức tạp, quy định phòng chống Covid-19 yêu cầu người dân không tự do di chuyển giữa các địa phương có dịch.

Theo ông Mãi, thời gian qua TP.HCM đã phối hợp các tỉnh, hỗ trợ đưa hàng chục nghìn người dân về quê. Tuy nhiên, các địa phương đón nhận chưa nhiều vì khả năng tiếp nhận có hạn. Hiện, thành phố vẫn phối hợp các địa phương, người có nhu cầu đăng ký qua hội đồng hương của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày