“Trả lại lia thia” - Đau đáu những phận người

Một cảnh trong vở kịch "Trả lại lia thia", Trí Quang vai Rô, Huỳnh Thiện Trung vai thầy Năm Mọ
Một cảnh trong vở kịch "Trả lại lia thia", Trí Quang vai Rô, Huỳnh Thiện Trung vai thầy Năm Mọ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vở kịch kết thúc, sân khấu đã đóng màn, nhưng bi kịch của Huệ, của Rô, của thầy Năm Mọ vẫn len lỏi làm thổn thức lòng người.

Đầu năm tôi đi xem kịch, lại là một vở bi kịch. Trả lại lia thia (Tác giả: Nguyễn Thoại) được cảm tác từ tác phẩm Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, là một vở diễn hay trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Nội dung câu chuyện chỉ quanh quẩn bên ngôi chùa nghèo ở vùng đất Thổ Sầu, nơi có 3 con người - 3 số phận đều mang nặng những oan trái, đau thương.

Thuở thanh xuân, Rô (Trí Quang thủ vai) và Huệ (Kim Huyền đóng) đã có một mối tình đẹp. Con cá lia thia - một bên vây xanh, một bên vây đỏ, hoa cúc vàng dân dã là những vật định tình của họ. Nhưng định mệnh trớ trêu, ly rượu oan nghiệt đã khiến Rô bóp chết con cá lia thia cũng như bóp chết mối tình trong sáng cùng những ước mơ của tuổi trẻ. Trong cơn say, vì dục vọng điên cuồng, Rô đã xô Huệ ngã xuống giếng. Rô bị kết án tù, Huệ được cứu sống nhưng bị tật ở chân và dở điên, dở tỉnh. Rô ra tù, trôi dạt giữa dòng đời, Huệ vẫn ngụp lặn trong bóng tối của sự thù hận…

18 năm dài đăng đẵng, nếu trong lòng Rô và Huệ nặng trĩu niềm đau, nỗi hận, thì nơi mái chùa quê, thầy Năm Mọ (Huỳnh Thiện Trung thủ vai) cũng mượn lời kinh, tiếng kệ, làm phước giúp người để mong tìm sự cứu rỗi cho lương tâm mình.

Bởi lẽ, ngày ấy, khi còn trẻ, chưa cạo đầu tu tại gia, Năm Mọ cũng thầm thương Huệ. Cho nên, dù biết rất rõ Rô bị hại, bị oan nhưng vì hèn nhát, ích kỷ, Năm Mọ đã không dám nói lên sự thật, rằng ly rượu của Rô đã bị người ta bỏ thuốc kích thích vào. Chính sự im lặng này của Năm Mọ đã kéo theo một loạt bi kịch, đã xô đẩy Rô và Huệ về hai phương thù hận. Để rồi, 18 năm qua, thầy tụng kinh sám hối nhưng cứ mãi trôi lăn trong những giấc mơ vô định khi thấy mình "bơi trong cuốn kinh, nhưng kinh không có chữ, mà toàn là cát lún".

Rô và Huệ (Kim Huyền đóng) gặp lại nhau sau 18 năm để giải oan, giải oán cho những nghiệp chướng do chính mình đã tạo ra
Rô và Huệ (Kim Huyền đóng) gặp lại nhau sau 18 năm để giải oan, giải oán cho những nghiệp chướng do chính mình đã tạo ra

Và sau 18 năm, cuối cùng, 3 người họ cũng hội ngộ nhau ở Thổ Sầu, dù muốn hay không, họ cũng phải đối diện với quá khứ, với lương tâm để tự giải oan, giải oán cho những nghiệp chướng do chính mình đã tạo ra, để thoát khỏi bến mê đầy khổ ải của yêu và hận.

Nhưng hành trình để chuộc lại tội lỗi của mỗi người cũng không hề đơn giản. Nếu như Rô mang trong lòng nỗi day dứt, mặc cảm, lại vừa hoang mang, bất lực khi không biết phải làm gì trước những bẽ bàng, trái ngang của Huệ, thì Huệ vẫn tự đày đọa bản thân, vẫn chấp niệm khi đau đáu câu hỏi dành cho Rô "lia thia của tui đâu?, trả lia thia cho tui”…

Nút thắt của câu chuyện dần được mở, khi thầy Năm Mọ dũng cảm nói ra sự thật. Những thù hận dần được hóa giải. Quá khứ đã qua, không ai có thể níu lại thanh xuân tươi đẹp của mình nhưng giờ đây, cuộc đời của 3 con người đang được hồi sinh trong hiện tại khi họ biết buông bỏ những niềm đau.

Rô quyết định ở lại Thổ Sầu, dựng lại căn nhà cũ nát của Huệ, trồng lại giàn hoa cúc vàng ngoài ngõ, Rô sẽ là đôi chân của Huệ, để cùng dìu nhau đi tiếp đoạn đường còn lại. Huệ cũng thôi không còn dằn vặt bởi câu hỏi “lia thia của tui đâu?”, mà thay vào đó là lời nói mà cô đã che giấu, thổn thức, giằng xé suốt 18 năm qua “Rô ơi! Em nhớ anh!”.

Và thầy Năm Mọ đã thôi không còn cứ phải chông chênh giữa đạo và đời khi mãi đeo mang gánh nặng trầm luân của lục dục thất tình. Bởi lẽ, thầy đã ngộ ra rằng đi tu để lánh đời sám hối không phải cách để chữa lành những vết thương trong lòng; đi tu không phải để làm theo di nguyện hay để giữ chùa cho Sư bà mà chỉ khi biết quay về, đối diện với chính mình, hóa giải mọi oan khiên thì ấy mới thật là tu.

Bên cạnh 3 nhân vật chính, thì vai diễn ông Bảy Ngọ - chủ trại heo (NSƯT Thành Hội), bà Hai Thọ - chủ trại hòm (NSƯT Ái Như) cùng những vai phụ - người dân ở Thổ Sầu với đầy đủ những tham-sân-si, hỷ-nộ-ái-ố là những điểm xuyết không thể thiếu của câu chuyện. Tác giả đã rất khéo léo khi lồng ghép những triết lý của nhà Phật vào câu chuyện rất đời thường để gửi gắm bài học về nhân quả, về lòng từ bi, hướng thiện và cả những thói xấu thị phi, đố kỵ… cần tránh.

Trên đường về nhà, tôi cứ miên man theo dòng suy nghĩ. Thật ra, cái ranh giới giữa thương và hận, giận và yêu rất mong manh. Nơi góc khuất trong mỗi con người đều có nỗi niềm - quên thì không quên được, nhớ lại càng thêm đau. Nhưng nếu đã không thể quên, thì thôi, có lẽ cũng đừng nhớ nữa. Bởi đi cho đến tận cùng, điều cứu cánh nơi mỗi tâm hồn vẫn là sự buông bỏ. Và hơn hết, tha thứ, bao dung cho người khác cũng là sự giải thoát cho chính mình…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày