Chuyến đò định mệnh chơi vơi đi tìm chân lý

Poster vở "Chuyến đò định mệnh" - Ảnh: Sân khấu Thiên Đăng
Poster vở "Chuyến đò định mệnh" - Ảnh: Sân khấu Thiên Đăng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sân khấu kịch Thiên Đăng vừa ra mắt vở diễn “Chuyến đò định mệnh” (tác giả Nguyễn Huy Thiệp - Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc) đánh dấu một bước đi táo bạo khi dám “thử thách” người xem bằng một tác phẩm đậm chất Phật giáo đầy thú vị.

Được chính tác giả Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể từ truyện ngắn Sang sông của mình, kịch bản Chuyến đò định mệnh vẫn luôn là một thách thức đối với các đơn vị biểu diễn bởi tính triết lý đa tầng đa nghĩa. Câu chuyện kịch không quá rõ ràng, không xoáy sâu vào những xung đột éo le mà cứ bâng quơ, lãng đãng như sương khói mơ hồ. Đó chỉ là cuộc hội ngộ vô tình trên chuyến đò sang sông của 11 con người: cô lái đò, anh nhà thơ, bác thầy giáo, cặp tình nhân, hai mẹ con nữ đại gia, tên tướng cướp, bộ đôi quan chức kiêm lái buôn đồ cổ, và một nhà sư. Họ đại diện cho đủ mọi tầng lớp trong xã hội, có cả giàu nghèo sang tiện, nam nữ lão ấu, lẫn đạo lẫn đời cùng ở đó trong mối nhân duyên để cùng nhau sang sông.

“Sang sông” là một hình tượng phổ biến trong nghệ thuật, thường gắn liền với triết lý “đáo bỉ ngạn” trong nhà Phật. Cụm từ này cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong vở diễn như một sự khẳng định về bên kia của hành trình là bến bờ giác ngộ. Nhưng lạ thay, đích đến của chuyến đò lại mang tên chợ Phù Vân. Phải chăng mỗi con người đều vất vả theo đuổi một bến bờ nào đó có thể là danh, là lợi, là tình yêu, gia đình hay thậm chí cả những thứ tưởng chừng cao đẹp như tri thức, như thơ ca cũng đều là hư không tạm bợ? Cũng đúng thôi, khi mỗi nhân vật đều phải mang “mặt nạ” để sang sông, thì bờ bên kia cũng vẫn chưa phải là bến giác thật sự.

NSƯT Hữu Châu (phải) vai nhà sư và Lương Thế Thành vai tướng cướp - Ảnh: H.K
NSƯT Hữu Châu (phải) vai nhà sư và Lương Thế Thành vai tướng cướp - Ảnh: H.K

Hình tượng chiếc mặt nạ trong vở kịch tượng trưng cho thân phận mà thế tục hay là chính chúng ta gán cho mình. Vì lẽ đó mà các nhân vật đều chẳng ai có một cái tên cụ thể, họ hành động và cảm xúc theo đúng định danh của chiếc mặt nạ đang mang. Người thầy giáo tôn thờ đạo đức nhưng phủ nhận hết tất cả những gì khác biệt bằng thái độ bi quan và giọng điệu thở than trách móc. Nhà thơ thì thất vọng trước hiện thực, để rồi tự an ủi bằng những con chữ mỹ miều đẹp đẽ có phần sáo rỗng. Cặp tình nhân đắm chìm trong niềm vui bản năng đến nỗi quên mất những khổ đau trần thế. Nữ đại gia giàu có vung tiền làm từ thiện để theo đuổi sự ca tụng, lại suốt ngày bất an sợ mất con. Hai gã quan chức tham lam luôn tự hào với khả năng kiếm tiền bất chấp thủ đoạn. Tên tướng cướp hung dữ, thô bạo lại dường như là sự đối lập với cô lái đò hiền lành, thụ động…

Nhìn vào các nhân vật trong vở kịch, chúng ta có thể nhận thấy bức tranh toàn cảnh của xã hội với đủ những hỷ nộ ái ố, với thiện ác lẫn lộn. Nhưng nếu hiểu theo một tầng sâu hơn, toàn bộ họ cũng chính là “ta”. Ta tham danh, tham lợi, tham ái, tham quyền. Ta sân si ác độc, ta hèn nhát ù lì. Thỉnh thoảng ta cũng sa đà trong vọng tưởng ngây thơ như đứa trẻ, như nhà thơ sống trên mây trên gió. Ta lắm lúc lại như ông thầy đạo mạo đầy những chấp nhất, thiên kiến đó thôi. Cũng chính là ta, đắm chìm trong tình ái, trong mối thân thuộc gia đình. Và cứ thế, ta đem tất cả những chấp nhất ấy để mang sang bờ bên kia. Những chiếc mặt nạ hay nói cách khác là thân phàm phu, rất cần để sang sông nhưng nếu cứ khư khư giữ lấy mọi thứ gắn với thân ấy thì lại thành trở ngại.

Vậy còn nhà sư thì sao? Ông đại diện cho phần giác ngộ trong ta, cho Phật tính hiện hữu nơi mỗi chúng sinh. Trong khi các nhân vật khác đều đeo chiếc mặt nạ lên chỉ một lần, thì nhà sư cứ gỡ ra rồi lại mang vào, nhiều lần như thế suốt hành trình. Ông nhìn thấy chân lý nhưng vẫn chưa giác ngộ rốt ráo, cũng còn bị những dục vọng rối ren chi phối nên chỉ đành đứng ngoài vòng tục lụy.

Mà cũng phải, ngay từ đầu nhà sư đã chọn cho mình vị trí tách biệt với các nhân vật khác. Ông thốt lên sợ hãi khi bị đứa trẻ tạt nước dơ vào người. Ông vạch ra cho mình vòng tròn an toàn bằng tiếng Nam-mô A Di Đà Phật chung chung khi có ai cần giải đáp. Ngay cả lúc nghịch cảnh ập đến, ông cũng chỉ trơ mắt đứng nhìn. Đừng nghĩ rằng chỉ tu một mình là có thể giải thoát, người xuất thế cũng cần nhập thế, để hành đạo giúp đời. Quan trọng là đeo mặt nạ mà như không đeo, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Có khi tên tướng cướp lại còn giác ngộ hơn nhà sư, bởi hắn dám đứng ra gánh vác cho chúng sinh. Hành động đập vỡ chiếc bình để cứu đứa bé của tên cướp tượng trưng cho phá chấp. Con người có đủ cả thiện và ác, tiềm ẩn trong vô thức và chỉ chực chờ cơ duyên mà khởi, vậy nên mới có chuyện “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Tên cướp vẫn chưa thành Phật ngay, nhưng hắn đã đánh thức Phật tính. Bến bờ của hắn vẫn là chợ Phù Vân, tuy nhiên chắc chắn sẽ tươi sáng hơn nhiều.

NSƯT Thành Lộc vai nhà thơ, Lê Khánh vai nữ đại gia - Ảnh: H.K
NSƯT Thành Lộc vai nhà thơ, Lê Khánh vai nữ đại gia - Ảnh: H.K

Vở kịch còn có một hình tượng ẩn dụ khác cũng đầy thú vị, đó là con quái vật tên “Trời ơi” xuất hiện giữa dòng sông. Chẳng ai biết nó từ đâu đến, hình dạng như thế nào, chỉ biết sợ không dám kêu tên để rồi vẫn không nhịn được phải hô lên mỗi khi thảng thốt. Ở đây xin được hiểu đó là vô thường, hay nôm na là “ông trời” như dân gian vẫn nói. Ngạc nhiên, người ta kêu trời. Muốn van xin gì đó người ta cũng kêu trời. Đặc biệt là khi mất mát, khi oán trách bởi khổ đau, người ta lại càng kêu trời. Vô thường đáng sợ, bởi nó có thể ập đến với bất cứ ai và mang đi những thứ quý giá nhất, như một con quái vật hung dữ. Nhưng nó cũng chính là chân lý hiển nhiên mà khi biết chấp nhận người ta mới có thể giác ngộ. Ấy vậy mà những chiếc sọ người nơi bờ sông, là hằng hà chúng sinh đã nằm lại nơi bến mơ, mới bảo rằng: “Tôi cần một chút mất mát cho lòng độ lượng”.

Chuyến đò định mệnh đúng như NSƯT Thành Lộc phát biểu, là một tác phẩm “khó dựng, khó diễn và khó xem”. Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc đã chọn cách dàn dựng dung dị theo phong cách sông nước phương Nam giúp vở diễn trở nên mềm mại mà không mất đi nét sương khói mơ hồ.

Tuy nhiên, vô thường vẫn để lại quyển sách của người thầy giáo, tập thơ của nhà thơ và xâu chuỗi của vị sư. Chúng đại diện cho tri thức, tâm hồn và Phật tính nơi mỗi con người. Đôi khi trong mắt chúng sinh, những thứ này không có giá trị và bị bỏ quên giữa vòng xoáy cuộc đời đầy bận rộn. Hay chính chúng cũng chưa hoàn hảo, còn lắm thiếu sót nhưng sau tất cả thì chúng vẫn ở đó không bao giờ mất, nằm trong A-lại-da-thức theo ta từ kiếp này sang kiếp khác.

Khi đến bến bờ bên kia, nhà sư đã không lên bờ. Ông lựa chọn quay lại, bởi ông đủ tỉnh táo để nhận ra đây không phải là bờ giác. Bè pháp của nhà sư vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa đủ để cứu rỗi chúng sinh. Quay lại không phải là buông xuôi bỏ cuộc, mà là dũng cảm thử thách lại từ đầu. Người tu hành cũng vậy, phải trải qua rất nhiều lần qua sông mới tìm được giác ngộ thật sự. Nhà sư không mất tín tâm, ông vẫn tràn đầy niềm tin vào tương lai, một cách thong dong rằng “muốn đi là được”.

Chuyến đò định mệnh đúng như NSƯT Thành Lộc phát biểu, là một tác phẩm “khó dựng, khó diễn và khó xem”. Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc đã chọn cách dàn dựng dung dị theo phong cách sông nước phương Nam giúp vở diễn trở nên mềm mại mà không mất đi nét sương khói mơ hồ. Các nghệ sĩ như NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh, Lương Thế Thành, Huy Tứ, Trương Hạ, Quốc Trung, Kiều Ngân, Mạnh Hùng, Xuân Phạm, Mai Chi cũng diễn rất tự nhiên, tung hứng hài hước có duyên thường làm người xem phải bật cười. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của ê-kíp thực hiện khi dám thử thách chính mình lẫn khán giả, sân khấu lâu lâu cũng nên đổi gió như thế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày