Trầm tích Phật giáo trên đất cựu dinh

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1128 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1128 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trên hành trình tiến về phương Nam của những người dân Việt, từ xa xưa, Quảng Trị có thể được xem như là một trong những địa danh gắn liền với những cột mốc quan trọng.

Trong lịch sử, đây từng là khu vực mang dấu ấn của Vương quốc Champa. Năm 1306, cuộc hôn nhân giữa vua Champa Chế Mân và công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông diễn ra với sính lễ là hai châu Ô, Rí. Sau khi thuộc quyền cai quản của nhà Trần, hai châu này được đổi tên thành Thuận và Hóa. Các cuộc di dân của người Việt vào các vùng đất mới cũng bắt đầu sau đó. Tuy nhiên phải đến thời Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa vào năm 1558, dấu ấn của người Việt trên vùng đất Thuận Hóa mới thật sự rõ nét.

Mang vị thế thủ phủ dưới thời các chúa Nguyễn trong gần 200 năm, Quảng Trị mang trong mình nhiều trầm tích văn hóa. Trong đó huyện Triệu Phong giữ một vị thế khá đặc biệt khi vốn là nơi đặt chính dinh xưa. Đặc biệt, khi nghiên cứu về lịch sử tại vùng đất này, người ta không thể không tiếp cận với nguồn tư liệu và di sản Phật giáo.

Với đặc tính bao dung, không phân biệt, cũng như đã gắn bó với dân tộc Việt Nam từ lâu đời, Phật giáo được các chúa Nguyễn ưu ái bảo trợ, phát triển trên vùng đất mới. Từ thế kỷ XVII - XVIII, số lượng chùa chiền phong phú đã được tạo lập trên đất Hóa châu.

Hiện nay, trong số hơn 200 ngôi chùa, niệm Phật đường của toàn tỉnh Quảng Trị, thì riêng huyện Triệu Phong đã chiếm tới hơn 70 ngôi. Điều này đã phần nào nói lên tầm quan trọng của Phật giáo đối với đời sống người dân tại đây. Đặc biệt, huyện Triệu Phong còn là nơi tọa lạc của ngôi tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, nơi được xem như trái tim của Phật giáo Quảng Trị.

Cuốn sách Phật giáo Triệu Phong xưa & nay, tác giả Thích Nguyên Mãn chủ biên vừa được xuất bản (Nxb. Hồng Đức, 2021) là một công trình nghiên cứu công phu, dày dặn, cung cấp nhiều thông tin, tư liệu lịch sử, hình thức trình bày trang nhã với nhiều hình ảnh sinh động, đáp ứng được nhu cầu của giới nghiên cứu cũng như đa số quần chúng Phật tử. Mặc dù còn một số hạn chế, song có thể xem đây như một công trình tiên khởi, một phác thảo cơ bản, giúp người đọc có thể hình dung được những nét chính về vùng đất có truyền thống Phật giáo lâu đời.

Công trình gồm hai phần. Phần đầu tập hợp các bài nghiên cứu dựa trên cứ liệu Hán-Nôm hiện tồn liên quan đến sự hình thành và phát triển của Phật giáo huyện Triệu Phong trong quá trình lịch sử của chư tôn đức, các nhà nghiên cứu như: cố Hòa thượng Thích Trí Hải, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, Hoàng Công Danh, Thích Nguyên Mãn... Phần còn lại là thông tin tư liệu về các ngôi chùa tiêu biểu tại Triệu Phong, trong đó có những ngôi chùa lâu đời được các bậc tiền hiền của các tộc họ từ phương Bắc theo chân chúa Nguyễn đến khai khẩn lập nghiệp tại vùng đất này góp công tạo lập.

Đáng chú ý, trong Phật giáo Triệu Phong xưa & nay có bài nghiên cứu của tác giả Lê Mạnh Thát liên quan đến niên đại kiến lập tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang. Dựa trên cứ liệu là tấm bia của Tiến sĩ Hoàng Bính (soạn năm Thành Thái thứ 7, 1895), tác giả đã đặt nghi vấn về việc tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang có thể đã được kiến lập sớm hơn thời điểm được nhắc đến lâu nay. Cũng trong sách, bài nghiên cứu của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba về các bi ký và văn bản Hán Nôm như gia phả của họ Cao có đề cập đến tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang đã góp phần bổ sung thêm cơ sở cho nghi vấn nêu trên.

Được biết, đây là công trình được biên soạn để góp phần chào mừng Đại hội Phật giáo huyện Triệu Phong nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài ra Phật giáo Triệu Phong xưa & nay còn là nỗ lực bước đầu, tạo cảm hứng để các địa phương khác trong toàn tỉnh Quảng Trị ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, thông tin tư liệu về Phật giáo và sinh hoạt tự viện trong thời đại mới. Với ý nghĩa đó, Phật giáo Triệu Phong xưa & nay thật sự là một bước khởi đầu đầy ấn tượng và đáng trân trọng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày