Trẻ và ti-vi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1183 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1183 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ti-vi, cùng với điện thoại thông minh, máy tính bảng, là những vật dụng liên quan tới việc giải trí phổ biến trong mọi gia đình, thậm chí ở trong các chùa.

Ti-vi lại là một vật dễ sử dụng, người lớn và trẻ con, thậm chí trẻ mới 2-3 tuổi, chưa biết chữ cũng đã biết sử dụng điều khiển ti-vi.

Cũng như game online, ti-vi cũng gây nghiện cho người xem nó. Ai xem ti-vi hơn 4 giờ/ngày và có một số động thái khác, chẳng hạn vừa đi ra ngoài về đến nhà, việc đầu tiên là cầm ngay cái điều khiển để bật ti-vi thì nên xem lại, vì đó là “triệu chứng lâm sàng” của căn bệnh “nghiện ti-vi”...

Với trẻ con, đầu óc còn rất non nớt, như tờ giấy trắng, rất tò mò và dễ bắt chước thì tác động của những nội dung, đôi khi một vài hình ảnh, nhất là quảng cáo các sản phẩm dành cho người lớn, phim ảnh bạo lực và tình cảm tác động lên đầu óc của chúng một cách khôn lường.

Hãy cẩn thận những gì tác động lên các giác quan của trẻ, nhất là điều nghe, thấy

Trẻ hầu hết đều có tính tò mò về thế giới chung quanh. Thế giới kỳ diệu và như có phép thuật rất hấp dẫn đối với chúng không phải là kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, là cánh đồng ở đó lũ trẻ đùa vui với trò chơi “đồ đoàn” – bán hàng và chia nhau đóng các vai trong đời sống, như đứa làm thầy giáo, cô giáo, đứa làm học trò; đứa làm mẹ, đứa làm cha, đứa thì làm con; đứa làm người bán hàng ăn, đứa làm khách hàng, và đồng tiền là những lá mít, còn thức ăn là những lá cây, là đất giả tưởng...

Thế giới kỳ diệu của chúng, của đa số trẻ con ở các đô thị, là chiếc ti-vi. Mà các chương trình của ti-vi thì phần lớn dành cho đối tượng người lớn. Ngoài mục tiêu truyền thông về xã hội theo chủ trương của Nhà nước, “game show” chiếm phần lớn dung lượng phát sóng trên tất cả các kênh. Thậm chí có kênh chỉ dành cho các chương trình mang tính giải trí. Mục tiêu lớn nhất ẩn đằng sau đó là thương mại, giới thiệu sản phẩm, kích thích nhu cầu tiêu thụ của người xem.

Tất nhiên trẻ con không phải là đối tượng chính của các chương trình được phát sóng hiện nay trên ti-vi như vậy rồi. Bạn thử hỏi một con trẻ nào đó, “con thích xem gì nhất trên ti-vi?”, gần như chắc chắn là chương trình... quảng cáo và phim hoạt hình. Phim hoạt hình thì phát vào những giờ nhất định, còn quảng cáo thì... phát sóng xen lẫn trong tất cả chương trình. Người viết bài này cũng đã từng chăm sóc cháu thay anh chị, và để dụ cháu ăn, cũng phải bật ti-vi và hứa cho cháu xem... quảng cáo, những mẩu phim quảng cáo mà các cháu rất thích.

Phải nói, việc đầu tư cho việc dàn dựng hình ảnh trên một số chương trình quảng cáo là rất công phu. Trong một thời gian ngắn, mọi ngôn ngữ và hình ảnh đều được chọn lọc và đẩy lên đỉnh điểm. Chính vì vậy, thông thường, chúng để lại ấn tượng lớn cho người xem. Một hôm vô tình tôi chứng kiến cảnh thi đua của hai chị em cháu gái tôi. Bạn biết chúng thi gì không? Các cháu lặp lại đúng như lời và dáng điệu trong một số chương trình quảng cáo. Các cháu lặp lại một cách vô ý thức và xem đó là trò chơi, rất hứng thú với việc bắt chước những ngôn ngữ, cách thể hiện cảm xúc và hành động của các nhân vật trong một đoạn phim quảng cáo nào đó.

Việc xem ti-vi cũng như nội dung giải trí trên điện thoại và máy tính bảng hơn 2 giờ/ngày, theo các nghiên cứu y học, sẽ làm cho trẻ lười tư duy hoặc tư duy chậm, trí tưởng tượng sẽ rất nghèo nàn, sẽ khiến chúng ít có mối liên hệ tình thân gia đình sau này.

Một tính toán sơ bộ, một người nếu xem ti-vi hoặc các kênh giải trí khác khoảng 4 giờ/ngày từ nhỏ, thì đến năm 60 tuổi, người đó tiêu phí tới... 15 năm cho việc đó!

Chúng ta cũng không thể phủ nhận tính tích cực của một số thông tin mang tính giáo dục và nâng cao kiến thức của con người, trong đó có trẻ con, nhưng bên cạnh đó, nếu chúng ta không kiểm soát, hạn chế giờ giấc và chương trình mà để trẻ con tự do với việc xem ti-vi, thì tác hại của nó thật lớn.

Tâm lý học nghiên cứu cho thấy, từ tuổi lên 2, các giác quan của trẻ bắt đầu trở nên nhạy bén. Đặc biệt những gì chúng nghe, thấy sẽ để lại ấn tượng lớn trong trí óc của chúng và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, tư duy của chúng sau này.

Làm gương cho trẻ

Bạn đừng nghĩ trẻ con không biết gì, chưa nhận thức được gì, nên những gì chúng thấy, nghe và bắt chước là điều vô hại. Có bậc cha mẹ còn đi khoe với người khác rằng bé con rất... thông minh, mới có 2 tuổi mà nó đã biết bật/tắt ti-vi, biết sử dụng điều khiển mở các kênh theo yêu cầu của họ, và tỏ ra rất hài lòng khi thấy trẻ bắt chước một điều gì đó mà chúng thấy trên ti-vi. Đó là sự ngộ nhận rất tai hại.

Tâm lý học cho biết, ngay ở trong bào thai, sau tháng thứ 5, thai nhi đã có thể cảm nhận thế giới chung quanh. Ở một số nơi, người ta khuyến khích giáo dục con cái ngay từ trong bào thai (thai giáo).

Từ tuổi lên 2, những giác động (sensori motrice) của trẻ hoạt động và “bắt sóng” rất tốt. Những gì tác động lên trẻ đều lưu lại dấu ấn ảnh hưởng một cách sâu sắc đến sự phát triển và tính cách, thái độ ứng xử về sau.

Với ti-vi, nếu trong nhà có trẻ, bạn hãy cẩn thận trong việc vị trí đặt nó và nhất định phải hạn chế thời gian và chương trình xem. Bạn hãy tế nhị vì trẻ thường lấy cha mẹ làm gương.

Nhiều nhà chuyên môn khuyên rằng hãy để ti-vi nơi phòng khách và chỉ xem khi cả nhà quây quần. Đừng để nơi khuất vì như thế bạn không thể kiểm soát trẻ đang xem gì trên ti-vi. Thay vì ra lệnh, bạn hãy làm gương. Vì nếu bạn cấm, trẻ càng tò mò, và sẽ tìm xem ở nơi khác. Khi xem các chương trình, có trẻ xem cùng, nếu có cảnh gì đó “nóng”, bạo lực, hoặc điều gì đó tế nhị, bạn nên tìm cách “đánh trống lảng” bằng cách chuyển kênh hay làm tắt ti-vi chẳng hạn...

Lâu lâu, bạn hãy phát động phong trào trong gia đình bằng hoạt động dã ngoại hoặc đọc sách: “Một ngày gia đình không ti-vi (và dĩ nhiên cũng không lạm dụng máy tính bảng hay điện thoại thông minh)”!

Tốt nhất là bạn hãy xem ti-vi cùng trẻ, nếu đó là chương trình cần thiết. Hãy tạo nên một nếp sống như thế trong gia đình. Bạn hãy luôn ý thức rằng: tất cả những gì trẻ cảm nhận được đều có tác động lên sự phát triển của nhân cách chúng về sau này. Hãy ý thức để đừng hối tiếc trước khi mọi điều trở nên quá muộn. Nuôi dạy con cái là sự nghiệp lớn nhất và thiêng liêng nhất của các bậc cha mẹ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày