Triển lãm vương quốc Goryeo tại Seoul

GN - Lấy chủ đề “Goryeo: Vinh quang của Hàn Quốc”, cuộc triển lãm đặc biệt nhằm kỷ niệm 1.100 năm thành lập vương quốc Goryeo lần này kéo dài đến ngày 3-3, tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, quy tụ hơn 400 hiện vật, bao gồm các nhóm hiện vật Phật giáo từ các triều đại cổ của xứ sở Kim chi.

dai dan.jpg

Bức tượng Thiền sư Huirang Deasa (886-966) được chế tác vào thế kỷ thứ 10

Cuộc triển lãm được đánh giá như một bước ngoặt của Phật giáo Hàn Quốc, một lần nữa cho thấy mối liên kết lâu đời và sâu sắc của đất nước này với Phật giáo.

Theo Tổng Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, ông Bae Ki Dong cho biết, công tác chuẩn bị và đi đến thực hiện triển lãm lần này là một quá trình khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì trong suốt khoảng thời gian dài, để mang về 450 hiện vật từ 56 tổ chức trong và ngoài nước bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Ý và Nhật Bản.

Triều đại Goryeo được thành lập vào năm 918 bởi vua Taejo Wang Geon, sau quá trình hợp nhất ba vương quốc và cai trị hầu hết bán đảo Triều Tiên, cho đến khi vua Yi Seong Gye lên ngôi và thiết lập vương triều Joseon, vào năm 1392. Goryeo mở rộng biên giới đất nước thành Wonsan ở phía Đông bắc (936-943), sông Yalu (993), cuối cùng mở rộng gần như bao phủ toàn bộ bán đảo Triều Tiên ngày nay (1374).

“Người dân có thể nhớ Goryeo là một quốc gia có thời gian tồn tại ngắn, nhưng trên thực tế, lịch sử 474 năm của Goryeo ngang tầm với vương quốc Joseon, tồn tại trong 518 năm”, ông Yoo Su Ran, người phụ trách triển lãm lần này chia sẻ trên The Korea Times, đồng thời cho biết, phần đông người ta quen thuộc hơn với di sản văn hóa từ Joseon, nhưng nguồn cội của văn hóa Joseon hầu hết đều dựa trên sự kế thừa di sản của Goryeo.

dai han1.jpg

Bức họa Phật A Di Đà của Viện bảo tàng Ý cho mượn

Có thể thấy, những thành tựu của Goryeo bao gồm việc thiết lập mối quan hệ giao hảo với các vương quốc phía Nam Trung Quốc ngày nay, nhằm ổn định chủ quyền quốc gia. Goryeo theo đó cũng trở nên đặc sắc về các lĩnh vực văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật, từ đây mà vô số các công trình tinh xảo của triều đại Phật giáo hưng thịnh này, được kiến tạo. Phật giáo ở Goryeo cũng phát triển, góp phần tăng cường hỗ trợ cho Nhà nước để bảo vệ vương quốc khỏi các mối đe dọa bên ngoài.

Triển lãm trưng bày phần lớn các mẫu vật về các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, được tạo tác cho các ngôi chùa thời bấy giờ. Đây cũng là triều đại Phật giáo hưng thịnh và trở thành quốc giáo của Goryeo, trung tâm của sự sống và tâm linh. Phật giáo với các triết lý tôn giáo được đánh giá cao ở thời kỳ này và trở thành nguồn cảm hứng cho những thành tựu văn hóa, văn học của triều đại.

Hầu hết các ngôi chùa của vương triều Goryeo đã bị phá hủy và được vương triều Joseon xây dựng lại. Vì vậy, những miễu thờ nhỏ, di động từ thời Goryeo cho chúng ta một cái nhìn sơ lược về đức tin Phật giáo của người Goryeo, khi họ sử dụng chúng để cầu nguyện tại nhà.

Một trong những cổ vật Phật giáo quan trọng khác của thời đại Goryeo có thể kể đến là Tam tạng kinh, được lưu giữ tại chùa Haeinsa trên núi Gaya ở tỉnh Nam Gyeongsang. Tam tạng kinh được UNESCO liệt kê là một di sản thế giới, khắc trên 81.258 bản khắc gỗ giữa năm 1237 - 1248 và được công nhận là bộ sưu tập các bản kinh luật luận Phật giáo hoàn chỉnh nhất. Tam tạng kinh bao gồm hơn 1.496 chủ đề, chia thành 6.568 tập, với 52.330.152 ký tự.

dai han2.png

Mộc bản Đại tạng kinh Cao Ly

Được biết, ông Bae Ki Dong đã có những cuộc gặp gỡ, thương lượng với nhiều tổ chức để có thể mang về trưng bày tất cả các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật tuyệt vời của Goryeo. Trong số đó có khoảng 90 hiện vật Goryeo đến từ các bộ sưu tập ở nước ngoài, đặc biệt là một bức tranh thời kỳ Goryeo về Đức Phật A Di Đà, từ Bảo tàng Delle Civilta ở Ý. Một bức tượng ngài Huirang Daesa (889-966), một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng, người đã dạy và cố vấn cho vua Taejo Wang Geon, cũng lần đầu tiên được đưa ra trưng bày trong triển lãm.

Đây là bức tượng duy nhất còn tồn tại về một nhà sư từ thế kỷ thứ X. Mặt trước của tượng được làm bằng sơn mài khô, mặt sau làm bằng gỗ, với những đường nét tạo hình chân thật, đôi vai bất đối xứng như thể được mô phỏng theo thực tế con người.

Du khách cũng có thể xem các bức tượng Phật được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm đồng, thép và vải sơn mài. Một số tượng Đức Phật cùng các hiện vật được lưu giữ bên trong cũng cho chúng ta cái nhìn tổng thể, hiếm hoi về văn hóa Goryeo.

Theo dữ liệu từ các cuộc điều tra dân số quốc gia năm 2015, phần lớn dân số Hàn Quốc thuộc nhóm không tôn giáo chiếm 56,1%, Kitô giáo chiếm tỷ lệ tôn giáo lớn nhất trong dân số ở mức 27,6%, trong khi Phật giáo chỉ chiếm 15,5%.

Giao Hảo (theo Buddhistdoor.net)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày