Trò chuyện với KTS.Ngô Viết Nam Sơn về người cha

"Ba tôi dạy chí hướng hơn là dạy kỹ thuật"

GN - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tiếp người viết bài tại biệt thự cũ do cha anh -  Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tác giả của nhiều công trình kiến trúc, tổng công trình sư của Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất), thiết kế theo kiến trúc tân thời của thập niên 1960-1970. Căn biệt thự rộng, nhiều cây xanh, bình yên và gần như giữ lại y nguyên mọi thứ từ xưa đến nay. Anh Nam Sơn cho biết, anh giữ lại toàn bộ căn nhà này, không hề có sự chỉnh sửa nào vì anh muốn, anh chị em khi đi xa về đây, đều có cảm giác sống lại thời thơ ấu cùng cha mẹ.

Picture 063.jpg
KTS Ngô Viết Nam Sơn trong căn nhà đầy kỷ niệm của gia đình - Ảnh: Xuphu

Buổi trò chuyện của chúng tôi bắt đầu cùng một tách trà nóng, khi bên ngoài trời đang đổ mưa, cơn mưa Sài Gòn những ngày cuối tháng 6 âm lịch - 2013.

Ba anh hướng anh theo nghề kiến trúc phải không?

Không, ba tôi chỉ định hướng về mặt tinh thần, còn lại là sự chọn lựa của tôi.

Giai đoạn 1960-1963 là những năm sự nghiệp của ba tôi ở trên đỉnh cao nhất. Ba tôi vẽ nhiều bằng tất cả những năm khác cộng lại. Dinh Độc Lập bằng tuổi tôi - năm 1962. Ba tôi từng nói, có lẽ lúc mẹ mang thai tôi, ba tôi vẽ và tư duy về kiến trúc nhiều quá, nên khi lớn lên tôi có ảnh hưởng đến điều này. Trong nhà 8 người con, chỉ duy nhất tôi đi theo con đường của ba.

Tư duy sáng tạo của anh có ảnh hưởng từ ba anh như thế nào?

7_KTS-Ngo1432.jpg
KTS.Ngô Viết Nam Sơn và thân phụ của mình - KTS.Ngô Viết Thụ

VÀI NÉT VỀ
NGÔ VIẾT NAM SƠN

- Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Khoa học về Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington, và văn bằng Thạc sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Tổng hợp California ở Berkeley.

- Hiện anh là Chủ tịch Công ty NVD, có trên 25 năm kinh nghiệm quốc tế về thiết kế, tư vấn chiến lược, và giảng dạy tại Á châu (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia…) và Bắc Mỹ (USA, Canada, Mexico).

- Các dự án gần đây anh đang thực hiện, với vai trò chủ nhiệm đồ án, là dự án xây mới Bệnh viện Hùng Vương (400 giường) tại TP.Hồ Chí Minh, Phức hợp Bệnh viện Quốc tế (250 giường) và Dịch vụ Đa chức năng (Đà Nẵng), và Quy hoạch & Kiến trúc Khu Trung tâm Đô thị Phú Mỹ An (Huế).

Cách dạy của ba tôi rất khác biệt. Ba tôi chỉ dạy cái thần thái - linh hồn trong một tác phẩm. Ba không bao giờ chỉ tôi vẽ cửa làm sao, vẽ cầu thang như thế nào… Ba dạy tôi chí hướng và cách tư duy ý tưởng, chứ không dạy về kỹ thuật, bởi kỹ thuật thì có giới hạn. Tôi hầu như học kỹ thuật ở trường.

Khi hai cha con đi chơi với nhau, khi nhìn thấy một công trình, ba tôi sẽ nói dấu ấn làm nên thần thái của công trình là gì. Điểm này được, điểm này chưa được và tại sao? Ba tôi thường bắt cái tinh thần của một tác phẩm để nói với tôi hơn là đi vào chi tiết kỹ thuật. Bởi vì chi tiết thì qua thời gian có thể thay đổi. Còn tinh thần cốt cách của tác phẩm thì bền lâu hơn.

Càng về sau thì tôi càng thấy cách dạy của ba tôi là đúng. Vì nếu tôi học từ ba cách vẽ kiến trúc thời đó, có lẽ thời nay không còn phù hợp. Vì mỗi thời, mỗi thế hệ có cách diễn đạt, đường hướng và gu thẩm mỹ riêng.

Việc giáo dục của ba anh có vẻ rất hiệu quả khi anh sống ở phương Tây, cụ thể là Mỹ và Canada, là hai nơi anh học hành và làm việc nhiều nhất?

Đúng vậy. Khi tôi qua bên Mỹ thì thấy càng hợp. Hồi học ở Việt Nam, tôi học khá khá vậy thôi, không có gì nổi bật. Nhưng khi qua Mỹ thì tôi bứt phá. Ở bên đó, lượng thông tin quá nhiều, để mà vượt trội trong số những bạn học hoặc đồng nghiệp đầy tài năng không phải dễ. Vì thế mà mình cần phải có bản sắc riêng của mình. Cách dạy ở Việt Nam nặng về kỹ thuật, đi vào chi tiết nhiều quá, thầy cô cầm tay chỉ cho mình cái cầu thang là phải nằm đây, cái cửa thì phải nằm đó… Cách dạy của ba tôi không đi vào chi tiết quá sớm, mà chú trọng đến tinh thần và tổng thể của dự án, trước khi đi sâu vào chi tiết. Vì lẽ đó mà tôi rất phù hợp với cách tư duy tương tự ở Mỹ.

Trong quá trình học hành bên đó, tôi không làm phiền ba tôi bất cứ điều gì. Thật sự là khi tôi đi học, ba cũng phản đối chứ không phải ủng hộ, vì ba cũng thương con cái không muốn con đi xa. Vì thế mà tôi phải nỗ lực hết sức. Cũng nhờ nắm được tinh thần của ba, tôi áp dụng và thích nghi nhanh. Ở Việt Nam thì vẽ theo kiểu Việt Nam, ở Mỹ thì vẽ theo kiểu Mỹ. Nắm vững tinh thần là ở chỗ đó. Mình học cũng như bạn bè bên đó về mặt kỹ thuật, nhưng khi làm bài thì mình đưa nét riêng của mình vào.

Kỷ niệm nào giữa ba và anh mà có liên quan nghề kiến trúc đọng lại trong anh lâu nhất?

Hồi nhỏ khoảng 9, 10 tuổi gì đó, tôi rất hiếu động và thích chơi những trò vẽ vời xếp hình theo cách của mình. Có lần tôi ngồi xếp mô hình thành phố, mải mê bày biện lung tung chiếm một khoảng lớn trước phòng ba. Lúc đó thì ba xuất hiện, tôi cứ nghĩ ba sẽ la, trong lòng cũng hơi lo sợ. Vì ba tôi vốn rất khó, nghiêm khắc, ít cười. Nhưng lúc đó không ngờ ba lại cười, ánh mắt ông rất hạnh phúc. Rồi ba xoa đầu tôi và cho tôi tiền mua kẹo. Có vẻ như ba nhìn thấy được cái nghề tương lai của tôi.

Thật tế khi tôi lớn lên, chưa bao giờ ba nói tôi đi học kiến trúc sư. Ba luôn để tôi tự nhiên chọn lựa theo cách mà tôi muốn.

t519046.jpg

KTS Ngô Viết Nam Sơn - Ảnh: Kienthuc.net

Sống ở nước ngoài lâu như vậy, anh thấy cách giáo dục của cha mẹ ở Tây khác với ta như thế nào?

Hồi nhỏ ba tôi chịu ảnh hưởng của ông nội, là tinh thần Nho giáo, và sống theo nguyên tắc đạo đức. Mẹ thì dạy con một cách rất nhẹ nhàng, ít biểu lộ ra bên ngoài, chưa bao giờ mẹ nói mẹ yêu con, hay hỏi lại con có yêu mẹ không? Cũng như vậy, chưa bao giờ tôi nghe ba nói với mẹ là anh yêu em. Tình cảm như ở trong lòng, nhưng mình vẫn có thể cảm nhận được.

Qua bên kia thì ngược lại, “I love you” là câu mà người ta nói thoải mái. Người phương Tây thì biểu hiện ra ngoài, người Á Đông thì lặng vào trong.

Về việc giáo dục con cái, tôi thấy Tây và ta khác nhau nhiều - dĩ nhiên. Ở ta, có vẻ như cha mẹ hay dạy cụ thể cho con cái về chữ hiếu. Ba tôi thường dạy theo kiểu ông nội, có hiếu là phải như thế này, không có hiếu là thế kia, tội lớn nhất là tội bất hiếu... Chữ hiếu của con cái tùy theo từng độ tuổi. Hồi nhỏ, hiếu là phải để chân tay lành lặn, giữ gìn sức khỏe. Khi trưởng thành, lớn thì phải lập thân, thành công trong xã hội cho cha mẹ hãnh diện.

Còn ở nước ngoài, cha mẹ lo cho con từng li từng tí, nhưng chưa bao giờ họ nói “Con phải có hiếu với cha mẹ”. Bên đó người ta lo cho con cái nhiều lắm, phải đi xem con biểu diễn văn nghệ trong trường, xem con đọc diễn văn tốt nghiệp... nhưng họ không chú trọng dạy dỗ khái niệm “Thế nào là một người con hiếu thảo”. Họ nuôi con cho đúng trách nhiệm, đến năm con 18 tuổi thì được thoải mái ra riêng tự lập. Họ không cần con cái phải báo đáp gì nhiều. Ở Việt Nam mình, con cái nhiều khi lập gia đình rồi vẫn còn ở chung với bố mẹ.

Ở Việt Nam, do con cái sống rất lâu với bố mẹ, nên nên khi bố mẹ già, con cái thường nuôi cha mẹ trong nhà. Còn ở Tây, con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, rồi đến viếng thăm hàng tháng. Thật khó để nói cái nào hay hơn cái nào. Phân tích sâu thì bên nào cũng có cái ưu cái nhược. Quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Vấn đề còn lại là văn hóa.

Picture 054.jpg

Kế thừa và nối kết ước nguyện của cha mẹ là một cách báo hiếu

Văn hóa Đông Tây vẫn có điểm chung, vì mọi quan hệ đều xuất phát từ tình thương. Ví dụ, như tương tự ngày Vu lan bên mình, sẽ có ngày Mother’s day bên họ. Anh thấy hai ngày này có điểm gì khác nhau?

Ngày Mother’s day ở bên Mỹ, thoạt nghe thì giống ngày Vu lan ở bên mình. Nhưng tôi thấy thật ra không giống lắm. Mother’s day của phương Tây thì họ chú trọng làm điều mẹ thích khi mẹ còn sống. Vào ngày đó, con cái hoặc có mặt cạnh mẹ làm điều mẹ thích, hoặc bận rộn quá thì cũng phải tặng quà cho mẹ. Còn Vu lan thì có vẻ hướng đến người âm nhiều hơn. Vào ngày đó, theo truyền thống hay thói quen văn hóa gì đó, người ta sẽ đi chùa ăn chay, tưởng nhớ các đấng sanh thành đã mất, nhưng hình như ít ai để ý làm điều gì cụ thể cho mẹ cha lúc đang sống trong ngày này. Như tôi nói trên, mỗi văn hóa đều có cái hay riêng, dung hòa được cả Đông và Tây là điều tốt nhất.

Trong ngày Vu lan, anh thường làm gì?

Mẹ tôi mất từ rất sớm, mất trước ba tôi rất nhiều năm. Hồi sống bên Mỹ, ngày Vu lan hoặc ngày giỗ, tôi hay đi chùa thắp hương cầu nguyện cho mẹ. Ở Việt Nam thì tôi ít đi chùa hơn, vì ở nhà đã có bàn thờ, mình thắp hương cho mẹ thôi. Để tưởng nhớ ba mẹ, tôi và anh chị em trong nhà đều đồng thuận giữ ngôi nhà này y nguyên. Tôi quan niệm về chữ hiếu khá đơn giản, tuy cha mẹ đều đã mất nhưng trong tôi có gien của ba mẹ, vì vậy, việc sống tốt mỗi ngày, tạo được sự tiếp nối, kế thừa, và làm những điều tốt mà cha mẹ thường nhắc nhở hoặc mong muốn trước kia, cũng là một cách để có hiếu với ba mẹ rồi.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thân tình này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày