Trở lại chuyện “khách Tăng không mời”

GN - Trong chuyến thăm, làm việc của đoàn Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với Ban Trị sự các quận, huyện trên địa bàn thành phố, trong nhiều phản ánh đề nghị giải pháp có vấn nạn “khách Tăng không mời”, cá biệt như tại quận 8, trong các pháp hội mùa Vu lan vừa rồi, có nơi nhóm tụ tập này lên tới… 60 người, hơn số lượng chư Tăng Ni được thỉnh mời.

VG (1).jpg
Những người giả sư đến chùa dịp lễ, tết gây nên cảnh nhốn nháo, bức xúc dư luận - Ảnh: Vũ Giang

“Khách Tăng không mời mà đến”, họ là ai?

Có thể nói rằng, vấn nạn này phổ biến ở miền Nam mà ít thấy ở miền Trung cũng như miền Bắc. Lý do trước hết, ở các tỉnh thành miền Nam, các lễ lạt trai tăng, cúng dường được tổ chức khá nhiều. Cùng với đó, dân số nói chung và số lượng Tăng Ni đông hơn so với các tỉnh thành ở miền Trung và miền Bắc nên có phần khó kiểm soát, thái độ lại dễ xuề xòa, không khắt khe trong việc cư xử với các thành phần không thuộc đối tượng được thỉnh mời tham dự.

Chính cách gọi “khách Tăng không mời mà đến” cũng phần nào thể hiện thái độ đó, bởi hầu hết các vị chủ sự các lễ lạt ở chùa chiền, tự viện, tịnh xá… đều biết và có cách để nhận diện họ. Đối tượng này, có nơi được gọi là “Tăng-đầu-lô”, “Sư ta-bà”…Vậy, họ là ai?

Báo Giác Ngộ từng có các phóng sự điều tra về các đối tượng giả sư khất thực trên các nẻo đường tại TP.HCM, qua đó, cũng tiết lộ thêm về những nhóm người này.

Phần lớn họ, cả nam và nữ, tự cạo đầu, mua pháp phục tu sĩ hiện đang được bày bán tự phát tại rất nhiều cơ sở, thậm chí ngay trước nhiều cổng chùa, với chừng 200.000 đồng, cả gia đình gồm chồng, vợ, con cái trở thành tu sĩ về ngoại hình. Nói như thế, bởi nếu ai từng ở chùa, có chút lưu ý đến oai nghi tế hạnh của người xuất gia đều dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong ứng xử, đi đứng, nói năng giữa người xuất gia và kẻ giả dạng Tăng, Ni.

Họ thường là dân nhập cư, ở trong các khu nhà trọ cho thuê ở các xóm lao động tạm bợ, cũng có lúc nhóm lại thành xóm. Về mặt pháp lý, họ không có biểu hiện phạm pháp, khi việc giả sư khất thực chỉ là hành vi phi pháp theo quan niệm của Giáo hội, mà chưa được pháp luật quan tâm và có các biện pháp chế tài, do đó, họ vẫn được cư trú và hành nghề giả dạng Tăng, Ni để làm các việc như đi bán nhang, “khất thực”, làm “khách Tăng không mời”, thậm chí đi “cúng dạo” đám tang theo hợp đồng với các nhà đòn, đáp ứng nhu cầu của một số người dân trong tín ngưỡng dân gian…

VG (3).jpg

Cảnh giả sư tụ tập nơi các chùa có tổ chức pháp hội - Ảnh: Vũ Giang

Vấn nạn này trở thành chuyện khó xử cho các tự viện khi tổ chức các lễ lạt, pháp hội, húy kỵ… có cúng dường trai tăng. Bằng cách riêng, họ thường có trong tay danh bạ các chùa và danh sách các lễ lạt tại các tự viện với thời gian cụ thể. Và thường họ đến có khi sớm hơn cả những vị khách Tăng được thỉnh mời. Trong khi chư vị Tăng Ni thực hiện các nghi lễ, pháp sự, thì họ tranh thủ chiếm trước chỗ ngồi ở trai đường, nơi tổ chức lễ trai tăng.

Có không ít trường hợp sau khi chư tôn túc thực hiện nghi lễ, trở về trai đường không có chỗ ngồi hoặc các khu vực dành cho chư Tăng Ni theo sắp đặt đã bị chiếm dụng. Thông thường, những khách không mời mà đến này có phản ứng gay gắt, thậm chí lớn tiếng khi người tổ chức đề nghị họ lui ra. Để tránh sự mất trang nghiêm của buổi lễ nên có chùa dẫu biết nhưng đành “cắn răng” chịu đựng.

Không chỉ làm ảnh hưởng tới không khí trang nghiêm của buổi lễ, mà những người giả dạng tu sĩ đó có oai nghi không phù hợp nơi công cộng, thậm chí đang đi giữa đường, họ dừng lại để… thay áo quần, biến hình thành người khác; có khi mang hình thức ông Tăng lại chở vợ trong hình thức Ni, chở con cái tống ba trên xe máy; đang trang phục người tu lại sà vào bàn nhậu, bài bạc đỏ đen, gây phản cảm và ngộ nhận cho Tăng đoàn.

Đó cũng là những nội dung phản ánh của HT.Thích Huệ Cảnh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận 9; TT.Thích Thiện Tài, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận 8 cũng như một số vị giáo phẩm khác về vấn nạn liên hệ tại địa phương.

Đâu là giải pháp thực tế?

Thử tìm hiểu vấn nạn này có từ bao giờ và tại sao hầu hết chỉ tồn tại ở các tỉnh, thành miền Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, chúng tôi được chư tôn đức cao niên cho biết: đây không phải là hiện tượng mới, mà đã có từ lâu, nhưng không rộ lên như nhiều năm trở lại đây. Bởi trong xã hội, lúc nào cũng tồn tại những người làm biếng lao động, sẵn sàng vay mượn, giả dạng hình thức vốn trở thành biểu tượng đạo đức và tâm linh phổ biến để kiếm sống. Những người này họ không còn ý thức về tội lỗi và nghiệp báo.

Một lý do khác, theo quy luật tự nhiên mà ít ai lưu ý, đó là chính thực tế dung dưỡng cho tệ nạn này tồn tại. Luật pháp không cấm hành vi giả dạng như vậy nên họ đã làm mà không hề ngại hay sợ bị vướng lao lý. Trong khi đó, Phật giáo lại chỉ dùng biện pháp khuyên bảo, khuyên răn về phương diện đạo đức, lại có chiều hướng thỏa hiệp trong tinh thần vận dụng triết lý “phàm thánh đồng cư”, “trên cúng dường dưới bố thí”… để tránh sự gây hấn phiền toái mất trang nghiêm cho buổi lễ, nên những người này vẫn có “đất sống”, nếu không nói là… sống tốt lại nhàn! Có nơi, như trong lễ chung thất một vị giáo phẩm ở quận Gò Vấp, nhóm người này đã thuê nhiều xe 16 chỗ đến xe buýt 52 chỗ lũ lượt đến “dự lễ”. Họ tiếp cận Phật tử và than vãn, xin xỏ để được “cúng dường”.

Một số nơi đã tự tìm nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế vấn nạn này, bằng cách phát thẻ mời và kiểm soát thẻ khách mời chính thức khi vào khu vực trai đường, nhờ người nhận diện, phân loại khu vực và có vật phẩm “cúng dường” phù hợp, tuy nhiên không phải bao giờ cũng thực hiện hoàn toàn tốt. Với tín đồ, hễ ai cạo đầu mặc áo tu, tu sĩ hay giả dạng tu sĩ cũng đều là… Tăng Ni, rất khó để họ có sự phân biệt, và với tâm lý bình thường, họ tránh cảm giác “tội” vì sợ ngộ nhận nên sẽ không để tâm phân biệt đối xử. Người viết đã từng chứng kiến nhiều tín đồ đến chùa cũng đã hành động “cúng dường” những người này với cử chỉ thành kính.

VG (2).jpg
Nhiều người, cả nam và nữ, nhiều lứa tuổi xem đây là cách kiếm tiền một cách dễ dàng - Ảnh: Vũ Giang

Nhiều năm trước đây, báo Giác Ngộ cũng đã đặt vấn đề giải pháp cho tình trạng “khách Tăng không mời” này, một vị giáo phẩm thuộc Ban Tăng sự TP.HCM cũng chỉ khuyên là “không xua đuổi mà nên khuyên các vị trở về…”, nhưng như đã nói, việc dùng lời khuyên không có tác dụng, mà cũng chỉ là sự thỏa hiệp tạm thời cho qua, chưa thể là giải pháp lâu dài.

Cũng có ý kiến Giáo hội TP.HCM nên tái thành lập Ban Kiểm Tăng như đã từng để trực tiếp xử lý vấn nạn này cũng như các trường hợp giả dạng người xuất gia gây nên nhiều phiền phức, ngộ nhận trong xã hội, nhất là gần đây khi mạng xã hội bùng nổ, việc ghi hình và phổ biến hình ảnh trên trở nên rất dễ dàng cho bất cứ người nào, làm tổn hại đến hình ảnh của người tu, của đạo Phật trong dư luận. Tuy nhiên, như đã nói, việc đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, như chủ trương của thành phố từng đặt ra về tệ nạn người ăn xin, chèo kéo du khách, trong đó có cả nạn giả sư khất thực, khi chủ trương này dấy lên thì hiện tượng kia tạm lắng xuống, di chuyển địa bàn; và chờ bên này lơi lỏng thì lại rộ lên.

HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo phẩm Thường trực Hệ phái Khất sĩ cũng đã nhiều lần bày tỏ sự bức xúc về vấn nạn đó. Trong một bài phỏng vấn vị giáo phẩm đứng đầu về ngành Tăng sự Trung ương của Giáo hội gần đây, câu chuyện này lại được đặt ra theo yêu cầu bức xúc của bạn đọc là Tăng Ni, Phật tử; và câu trả lời vẫn không có giải pháp gì mới.

Tại Việt Nam Quốc Tự và một số cơ sở tự viện đã tìm giải pháp lâu dài khác, đó là thay đổi phương thức tổ chức các pháp hội, không cúng dường trai tăng trong các kỳ Đại lễ, húy nhật mà chỉ thuần túy dành để tưởng niệm. Chia sẻ giải pháp cho vấn nạn này về lâu về dài, TT.Thích Huệ Công, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM bày tỏ sự đồng thuận với cách làm theo chủ trương của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo thành phố đương nhiệm, nên có sự thay đổi trong nếp tổ chức tưởng niệm, húy kỵ.

Khi các lễ lạt không có yếu tố “cúng dường trai tăng” thì sẽ không tạo môi trường thu hút “khách Tăng không mời”. Việc cúng dường theo tâm niệm tạo phước đức có thể chuyển thành phương thức cúng dường trực tiếp, trong tinh thần cúng dường bậc xứng đáng mà chúng ta thường nghe.

“Mong Giáo hội TP.HCM quan tâm, tổ chức tọa đàm, hoặc có buổi chia sẻ phương thức giải quyết tệ nạn này”, từ ý kiến của một số vị giáo phẩm ở các quận, huyện phản ánh, hy vọng hướng tìm ra giải pháp phù hợp với tinh thần đạo Phật thiết thực sẽ không chỉ ứng dụng ở một vài tự viện, mà trở thành phổ biến, hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn gây bức xúc đã tồn tại lâu nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phật tử thọ giới Bồ-tát có phải trường trai và tuyệt dục?

GNO - Nếu Phật tử thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới được lập gia đình bình thường (Trong 6 trọng pháp, trọng pháp thứ 4: Không tà dâm); ăn chay vào các ngày trai (Trong 28 khinh pháp, khinh pháp thứ 7: Mỗi tháng thọ trì trai giới, cúng dường Tam bảo vào 6 ngày trai).

Thông tin hàng ngày