Đây được xem là một công trình trọng điểm của thành phố, được sự quan tâm của các cấp, các ngành thể hiện sự tri ân và ghi nhận những đóng góp của bậc chân tu khả kính đã xả báo thân cho Đạo pháp và Dân tộc.
Một huyền thoại
Trong tâm thức của người Việt Nam, đặc biệt là đông bào Phật tử hôm nay và mãi mãi về sau vẫn còn in đậm hình ảnh được truyền đi khắp thể giới về một vị Hòa thượng tự thiêu thân với tinh thần Bi - Trí - Dũng đã thức tỉnh lương tri nhân loại. Ngài là Bồ tát Thích Quảng Đức.
"Chỗ Người ngồi, một thiên thu tuyệt tác, Trong vô hình sáng chói nét từ bi. Rồi đây, rồi mai sau, còn chi? Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát, Với thời gian lê vết máu qua đi, Còn mãi chứ! Còn trái tim Bồ tát, Gội hào quang xuống tận ngục A tỳ..."
(Trích Lửa Từ bi, Vũ Hoàng Chương)
Lưu dấu hương trầm
Chỗ Ngài ngồi giờ đây đã là một công trình tượng đài hoành tráng, trang nghiêm, là một trong những công trình trọng điểm có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và tâm linh, Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức hình thành mỹ mãn sau nhiều trắc trở và khó khăn. Bắt đầu năm 2005 khi mặt bằng xây dựng là Trạm Xăng dầu số 70-72 Cách Mạng Tháng Tám thuộc Tổng Công ty Xăng dầu khu vực II và kho của Công ty Kho bãi thành phố, với diện tích 1.848m2, gần nơi Ngài đã tự thiêu. Ủy ban Nhân dân TP.HCM với tất cả trách nhiệm hướng về tiền nhân đã quyết tâm đền bù giải tỏa mặt bằng và đến ngày 6 tháng 11 năm 2007 khởi công xây dựng. Trước đó còn là một quá trình dài phát động sáng tác, tuyển chọn mẫu tượng đài và phù điêu của công trình.
Sự chắt chiu tấm lòng kính ngưỡng của thế hệ đi sau bằng tinh thần cẩn trọng trong từng hạng mục xây dựng. Phần mỹ thuật tượng và phù điêu được đúc bằng hợp kim đồng nhập khẩu từ Ukraina và Hàn Quốc. Tượng đài Bồ tát cao 6m, phù điêu phía sau tượng cao 3m, dài 12m mô tả khái quát phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Phật giáo đồ và các tầng lớp nhân dân. Phần xây dựng cơ sở hạ tầng khuôn viên sân vườn với diện tích 1.848m2, bao gồm sân lễ, lối đi, hồ sen, cây xanh, thảm cỏ, công trình phụ, hệ thống trang thiết bị… đã được điều chỉnh nâng cấp thiết kế, sử dụng vật liệu tốt, giá trị, bền vững, thể hiện tính thẩm mỹ, nét hoa văn Phật giáo và dân tộc.
Có thể chưa hoàn toàn trọn vẹn và còn phải tiếp tục hoàn thiện một số lỗi kỹ thuật trong xây dựng, như đánh giá của nhiều nhà chuyên môn trong lần kiểm tra công trình lần cuối trước lễ khánh thành, nhưng những nỗ lực của các đơn vị liên quan cũng đáng được ghi nhận. Bởi lẽ, theo Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP, công trình đòi hỏi chất lượng thẩm mỹ, có tính chất đặc thù, phải thường xuyên chỉnh sửa đề án xây dựng đã gây không ít khó khăn, trở ngại. Trong thời gian tới, chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử mỗi lần đi ngang qua khu vực này cũng sẽ cảm thấy ấm lòng khi nơi đây có một tượng đài trang nghiêm, phảng phất hương trầm.
Để giữ tính tôn nghiêm của một công trình văn hóa - tâm linh giữa lòng thành phố, rõ ràng Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức là một công trình văn hóa - tâm linh lớn không chỉ là niềm tự hào cho Tăng Ni Phật tử mà là của cả nhân dân thành phố, nhân dân cả nước và những ai yêu chuộng hòa bình. Chắc chắn khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ có nhiều cá nhân và đoàn khách đến tìm hiểu, tham quan, chiêm bái. Vấn đề đặt ra cho công tác quản lý lúc này là làm sao vừa đảm bảo tính tôn nghiêm, nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho khách thập phương cũng như của đông đảo tín đồ Phật giáo và người dân đến dâng hương, tưởng niệm. Mặt khác, công trình còn phải được giữ gìn như một vườn hoa, công viên, góp phần cải thiện môi trường tự nhiên xung quanh và tạo mỹ quan cho thành phố theo đúng như mục tiêu ban đầu được đưa ra khi xây dựng đề án xây dựng. Để đáp ứng tất cả các yêu cầu này không phải đơn giản.
Xin được trích lời của ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố trả lời phỏng vấn Giác Ngộ để kết thúc bài viết và cũng xem như cam kết của lãnh đạo thành phố trong việc quản lý và phát huy các giá trị của công trình: "Lãnh đạo thành phố và Thành hội Phật giáo đã thể hiện sự đồng thuận cao độ trong việc thực hiện công trình Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức để ghi nhận quá trình đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Phật giáo, suy tôn tấm lòng dũng cảm của một bậc chân tu. Việc quản lý tốt công trình sẽ làm cho mỗi người đi qua hay đến đây đều thấm nhuần được sự hy sinh vô bờ đó và hình ảnh sống động để giáo dục lòng yêu nước của mỗi người".