Những nét riêng nổi bật
Trao đổi với PV Giác Ngộ, ĐĐ.Thích Minh Thanh, Phó đại diện PG huyện Hóc Môn nói về những thành tựu đạt được: “Một trong những thành tựu có ý nghĩa lớn nhất mà PG Hóc Môn đạt được, đó là sự đoàn kết hòa hợp giữa Tăng Ni trong huyện”.
Thông thường, tất cả mọi việc trong huyện, không quan trọng ở tầm mức lớn hay nhỏ mà khi thấy cần thiết thì chư Tăng Ni các tự viện yêu cầu hoặc các tự viện đề xuất thì BĐD họp lại cùng làm. Đồng thời không có sự phân biệt quá rạch ròi các chức danh mà làm trong tinh thần tôn trọng, sử dụng năng lực đúng chỗ, nhất là người trẻ.
Chùa Hoằng Pháp, nơi diễn ra Đại hội Đại biểu PG H.Hóc Môn - Ảnh: CTV
PG huyện Hóc Môn gồm có 106 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, 248 Tăng Ni, trong đó có 1 vị giáo phẩm Hòa thượng, 5 Thượng tọa, 9 Ni sư được Giáo hội tấn phong. Nhiệm kỳ qua, đề xuất bổ nhiệm trụ trì 7 cơ sở, xác nhận 32 trường hợp xin xuất gia tu học, 53 đơn xin thọ giới, 57 trường hợp xin nhập học lớp sơ cấp và trung cấp Phật học của thành phố. Riêng chùa Hoằng Pháp từ đầu năm đến nay tổ chức được 5 khóa tu Phật thất, 11 khóa tu một ngày, 2 đợt khóa tu mùa hè với số lượng 2.000 - 7.000 Phật tử. |
Theo đó, PG huyện Hóc Môn đã duy trì thường xuyên các hoạt động điển hình như việc bố-tát vào mùng 2 và 16 hàng tháng, luân chuyển địa điểm các tự viện. Thông qua hoạt động bố-tát của Tăng Ni, Ban Đại diện rất nhẹ trong việc họp hành bởi dịp này các công văn của Thành hội, Huyện hội PG đều được thông báo rộng khắp nên tác dụng cũng rất tốt…
“Một trong những điều trở thành nếp văn hóa đặc sắc của PG Hóc Môn đó là hoạt động tổ chức Đại lễ Phật đản. Trong toàn huyện có trên 100 cơ sở tự viện, tịnh thất, niệm Phật đường, đầu nhiệm kỳ vừa qua chỉ có khoảng 30 tự viện thiết kế mô hình Lâm-tì-ni nhưng cuối nhiệm kỳ có trên 50 tự viện. Đặc biệt ngày Phật đản, các tư gia của Phật tử trong huyện đều có làm vườn Lâm-tì-ni; việc treo đèn, kết hoa tại tư gia Phật tử cũng được BĐD khuyến khích”, ĐĐ.Minh Thanh cho biết.
Nổi bật nữa là các đạo tràng tu học, hiện có khoảng 20 đạo tràng tu học và khoảng 5 lớp giáo lý, chưa kể các khóa tu học với số lượng đông đảo ở chùa Hoằng Pháp. Như đạo tràng trì kinh Dược Sư, đạo tràng trì kinh Pháp Hoa, đạo tràng Bát quan trai…, đặc biệt có cả đạo tràng dành riêng cho người khiếm thị tu học bằng cách niệm Phật, tụng kinh chữ nổi. Đạo tràng thuyết pháp cũng mở vào các ngày 30 và mùng 1. Một số các tự viện khuyến khích việc ăn chay mở rộng lòng từ bằng cách phát cơm miễn phí ở địa phương vào 30, mùng 1...
BĐD thường xuyên duy trì hội thi giáo lý từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng tổ chức. Với số lượng ban đầu 127 người tham dự thì đến nay có những lúc lên trên 300 người tham gia.
Tại địa phương, PG tích cực tham gia các hội đoàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi…, đặc biệt hiến máu nhân đạo là hoạt động mạnh của Tăng Ni trẻ, bình quân một năm tổ chức 2 đợt hiến máu với trên 800 đơn vị máu được hiến. Từ năm 2009 đến nay ,với chương trình “Ngôi nhà an lạc”, mỗi năm xây dựng được bốn căn nhà, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng.
Trong công tác Phật sự tại địa phương, theo ghi nhận của BĐD PG H.Hóc Môn, chùa Hoằng Pháp là ngôi chùa có các hoạt động sáng tạo, tích cực tham gia và có những đóng góp rất lớn vào các Phật sự tại huyện nhà.
Quan tâm đến thế hệ trẻ
Không chỉ về các hoạt động Phật sự mà về đào tạo Tăng Ni, Phật tử trẻ BĐD cũng rất quan tâm như: thường xuyên động viên khuyến khích Tăng Ni trẻ tu học trau dồi Giới-Định-Tuệ. Đặc biệt, là chủ trương giao một số công việc cụ thể trong các Phật sự (Hội thi giáo lý, Khóa tu mùa hè…) để quý vị ấy có thêm kinh nghiệm thực tế với Phật sự hầu tự rèn luyện trở thành những người lãnh đạo Phật giáo huyện nhà trong tương lai.
Hiện có 5 đơn vị Gia đình Phật tử (GĐPT) đang sinh hoạt tại các tự viện trong huyện. Mọi hoạt động của GĐPT đều được ủng hộ, khuyến khích, bảo đảm lịch sinh hoạt đều đặn, được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần trong các kỳ trại và chương trình tu học. Đồng thời, BĐD cũng thường tổ chức tọa đàm chuyên đề để tìm ra hướng phát triển của GĐPT.
Nói về phương hướng cho nhiệm kỳ tới, ĐĐ.Thích Minh Thanh cho rằng xã hội có quá nhiều biến động nên phương hướng sắp tới là cố gắng phát triển một cách bền vững. Không đặt chỉ tiêu tăng về số lượng mà chỉ giữ vững những thành quả đã có, duy trì ổn định những thành tựu đạt được, đoàn kết gắn bó làm các Phật sự và nương vào đó để phát triển.