“Trường học xanh” ở đất nước Phật giáo Bhutan

GN - Cách đây không lâu, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Bhutan Thakur S.Powdyel đã chia sẻ với các học giả Malaysia về ý tưởng “trường học xanh” (the green schools) với chương trình học được thiết kế dựa trên cách tiếp cận mới trong giáo dục nhằm mang lại kết quả học tập tốt; đồng thời đây cũng là chìa khóa quan trọng cho thành công tương lai và sự phát triển của một xã hội từ bi - thông tin từ The Buddhist Door.

nguyen bo truong va quyen sach.jpeg


Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Bhutan Thakur S. Powdyel

Trong buổi nói chuyện tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM), ông Powdyel nhấn mạnh: trẻ em chính là nguồn tài nguyên quý giá nhất của một quốc gia và đầu tư vào thế hệ lãnh đạo tương lai chính là xác định tương lai và hướng đi của quốc gia. Do vậy, “trường học xanh” đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng các thế hệ lãnh đạo tương lai trở thành những cá nhân có sự cân bằng, được “trang bị” để làm việc vì lợi ích của một cộng đồng.

Với những điều tốt đẹp đã làm được, nền giáo dục hiện đại để lại nhiều khát vọng mới cần hướng đến. Dù các hệ thống giáo dục đương đại thường “sản xuất” ra những người trẻ thành công, học thuật cao và có khả năng cạnh tranh nhưng lại thường bị cô lập khỏi chính bản thân mình và người xung quanh - chia sẻ của Powdyel với New Straits Times.

Một học giả uyên bác từng mô tả giáo dục là một “lĩnh vực tôn quý” và kêu gọi giúp đỡ trẻ và người trẻ nuôi dưỡng sự tôn quý trong tâm, sự tôn quý của trái tim và hướng đến tu dưỡng sự tôn quý trong hành động. Nói cách khác, giáo dục cần hài hòa giữa “tài năng, con tim và đôi tay” để giúp người trẻ (cả nam và nữ giới) phát triển thành những cá nhân có sự tích hợp tốt, có được sự bình an nội tại và mang lại bình yên cho thế giới bên ngoài.

Powdyel là Bộ trưởng dân chủ đầu tiên của Bhutan được bầu để hoàn thành Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và nhu cầu cải tiến giáo dục của Bhutan. Ông là tác giả của quyển Right of Vision & Occasional ViewsMy Green School: An Outline (2014).

Ông mô tả My Green School như “sự thiền tập trong chức năng chính yếu của giáo dục”. Quyển sách được dịch sang tiếng Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Việt Nam, tiếng Catalunya và Kannada (một ngôn ngữ của Ấn Độ).

Năm 2011, ông được trao giải Hòa bình Gusi vì đóng góp cho giáo dục. Năm 2012, ông nhận giải thưởng Giáo dục toàn cầu vì cống hiến nổi bật cho giáo dục, giải thưởng Druk Thuksey; và giải thưởng Cống hiến nổi bật vì công tác giáo dục tình nguyện năm 2016.

Quyển sách My Green School còn là thông điệp quốc gia vì đây chính là biểu hiện tầm nhìn về sự phát triển được gọi là Chỉ số Hạnh phúc quốc gia của Bhutan - nguyên Bộ trưởng chia sẻ với Daily Bhutan.

Theo đó, ông cho rằng giáo dục ngày nay chỉ nhìn vào phương diện trí thông minh nhưng con người chúng ta tiềm năng nhiều hơn thế. Bhutan chú trọng phát triển Chỉ số Hạnh phúc quốc gia thay cho GDP, là yếu tố chính yếu đóng góp cho sự khỏe mạnh và hạnh phúc của con người.

Ý tưởng “trường học xanh” được xác lập trên các yếu tố nền tảng về thế giới tự nhiên, bắt đầu bằng nguồn năng lượng bao bọc và duy trì sự tồn tại của chúng ta. Các yếu tố khác là học thuật, mỹ học, văn hóa, trí thông minh, đạo đức, xã hội và tâm linh.

“Có thể trân trọng Quả đất nơi chúng ta bước chân trên đó là một sự giáo dục tuyệt vời vì chúng ta nương dựa vào Quả đất. Xanh không chỉ là một gam màu mà còn là ẩn dụ về tất cả những thứ nâng đỡ và duy trì sự sống của chúng ta” - ông Powdyel bày tỏ. 

Trần Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày