Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Hương: “Tuổi thơ trôi qua êm đềm bên mẹ và ông”

Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Hương (ngồi) - Ảnh: B.Thiên
Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Hương (ngồi) - Ảnh: B.Thiên
GNO - Trong một lần chia sẻ với Báo Giác Ngộ nhân mùa Vu lan - Báo hiếu, Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Hương đã nói về những ký ức tuổi thơ của mình. Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng, Giác Ngộ Online xin giới thiệu lại dòng suy tưởng này.

Thuở thiếu thời, tôi là một đứa trẻ ngoan hiền nhưng nhút nhát, ít nói và cả một khoảng trời tuổi thơ gắn liền với vùng đất Mỹ Phong, Phù Mỹ, Bình Định.

Là con út trong nhà có 4 anh chị em, cha lại mất sớm nên hầu như tôi chỉ quanh quẩn bên mẹ. Mấy mẹ con êm đềm sống giữa làng quê nghèo, đơn sơ và mộc mạc với ruộng đồng, cỏ cây, vườn tược.

Khi được vài tuổi, cảm thương mẹ con đơn chiếc, ông nội tôi đã cho phép tất cả thành viên trong gia đình về sống chung với ông bên nhà nội.

Cũng giống như phần lớn người già trong làng, ông học Nho nên nhã nhặn, ôn tồn qua từng lời nói, hành động. Những buổi chiều rảnh rỗi, ông thường dành nhiều thời gian để dạy chữ Hán cho tôi. Mỗi ngày dạy thật ít nội dung nhưng rất kỹ và cẩn thận. Thời gian đầu, do tôi chưa quen với mặt chữ nên ông thường viết sẵn và tôi chỉ có việc đồ theo nét viết của ông. Cách dạy này đơn giản mà hiệu quả, vì nó giúp tôi dần dần thành thục và sau đó tự viết chữ Hán rất dễ dàng.

Tôi theo học với ông trong khoảng hơn bốn năm và đến giờ vẫn nhớ như in những đoạn văn dạy làm người thông qua các bài học mà ông dạy. Trong đó ấn tượng nhất vẫn là nội dung dạy về chữ hiếu bằng các câu sau: “Hiếu giả vạn hạnh chi bổn, vạn đức chi nguyên, Nho Thích đồng tôn, thần dân cộng ngưỡng”. Đại ý của câu nói này ca ngợi đạo hiếu, trong đó khẳng định vạn hạnh hiếu là gốc, muôn đức hiếu là nguồn, đạo Nho và đạo Phật đều tôn thờ, thần hay người đều kính ngưỡng. Khi học đến nội dung này, lòng tôi dấy lên nhiều cảm xúc về đấng sinh thành dù ngay từ nhỏ đã không biết mặt cha.

Đây là khoảng thời gian yên ả nhất của tuổi thơ tôi, vì vừa được mẹ chăm sóc, lo lắng bằng tình cảm nồng hậu, vừa được ông nội quan tâm hết mực để bù đắp lại sự thiếu vắng người cha từ khi tôi mới lọt lòng. Nhờ vậy mà tôi cũng không cảm thấy tủi thân, thua kém chúng bạn cùng trang lứa, bởi lúc nào cũng có mẹ, có ông bên cạnh.

Năm tôi lên 14 tuổi, mẹ tôi tái giá, các anh chị đã lập gia đình, tôi chỉ sống chung với ông nội một thời gian ngắn sau đó thì xuất gia đầu Phật. Trong làng tôi ở không có chùa và tôi phải đến tu học tại một ngôi chùa làng kế bên, cách vài cây số.

Mẹ dù tái giá nhưng thi thoảng nhớ con vẫn đến nhà ông nội thăm tôi. Khi hay tin con mình xuất gia, bà cụ cũng nhiều lần trắc ẩn vì nghĩ tôi còn quá nhỏ để sống một mình trong chùa. Chính vì lẽ đó mà những ngày đầu tôi ở chùa, bà hay đến thăm và mua chút bánh trái làm quà. Có lần bà cụ hỏi tôi đi tu rồi có nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ ông không? Tôi ngoài miệng nói không nhưng trong lòng thì da diết, nước mắt chỉ chực tuôn ra mà thôi.

Thời gian sau đó, do chiến tranh và những bận bịu cuộc sống, bà cụ cũng giảm đi việc ghé chùa thăm con. Riêng tôi có thời gian vào Nam tầm sư học đạo, chuyên tâm đến kinh kệ nên nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cũng vơi dần. Đến năm tôi 38 tuổi, bà cụ qua đời và tôi mồ côi song thân từ đó.

* Bài cùng chủ đề: HT.Thích Tịnh Hạnh: “Nhờ mẹ mà bén duyên với cửa Phật”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày