Trường Sa thiêng liêng...

Tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa - Ảnh: Hoàng Độ/BGN
Tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa - Ảnh: Hoàng Độ/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trường Sa - hai tiếng gọi thiêng liêng, mỗi người con đất Việt đều mong ước sẽ có một lần được trải nghiệm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, được đặt chân lên mảnh đất thân thương của đất nước ở các đảo giữa biển khơi sóng gió…

Mái chùa giữa biển khơi

Đầu tháng 4-2018, người viết được tháp tùng Đoàn công tác TP.HCM thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK. Đây không phải là “chuyến đi” mà đúng hơn, chính là sự “trở về”.

Khi ánh mặt trời bắt đầu tỏ rạng đón chào một ngày mới, cũng là lúc đoàn chúng tôi tới được đảo Song Tử Tây - điểm đến đầu tiên trong hành trình.

Suốt hai ngày của chuyến hải trình giữa bốn bề biển cả, bỗng dưng thấp thoáng xa xa hiện lên mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc, với lá cờ bay phất phới, mái chùa thân thương, một dấu ấn tâm linh vững chãi, bình an nơi đầu ngọn sóng, trong lòng dâng lên một niềm cảm xúc khó tả.

Truongsa (5).jpg

Đoàn công tác dâng hương lễ Phật tại chùa Nam Huyên ở đảo Nam Yết

Sáng sớm đó, chúng tôi được có mặt trong đoàn làm lễ chào cờ “có một trong đời”, như Trưởng đoàn Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ rằng bà đã xúc động không thể nói lên lời. “Có một cái gì đó làm cho tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đến đây tôi mới cảm nhận được tất cả những điều mình nghe nói không thấm tháp gì cả, tôi như một đứa trẻ con, nhìn thấy hoa cũng thích, cây đu đủ cũng thích, nhìn thấy cái gì cũng thích, như chưa nhìn thấy bao giờ, một cảm giác lạ lùng lắm”, bà bộc bạch.

Bước những bước chân thong dong trên đảo dưới những táng cây phi lao cao vút trên đảo Song Tử Tây, người viết phải dừng lại trước nhà chị Nhữ Thị Kim Chi, với bàn thờ Đức Bồ-tát Quán Thế Âm trang nghiêm nơi phòng khách, chị cho biết: “Vì tôi là Phật tử nên thỉnh Phật về thờ, để tưởng nhớ và làm cho niềm tin thêm vững chãi”.

Truongsa (3).jpg

Quý Thầy trên đảo Song Tử Tây đón đoàn thăm đảo, viếng chùa

Chị chia sẻ, khi chuẩn bị sinh bé thứ 2, chị được đưa vào đất liền do có tiền sử sinh non; vì sức khỏe yếu phải nằm yên một chỗ cho tới lúc lâm bồn, nên lúc nào chị cũng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Khi quay lại đảo, chị thỉnh tượng Ngài theo, thỉnh quý thầy trên đảo sang an vị tượng.

Chị cho biết thêm, khi sinh cả hai bé, từ lúc mang bầu đến khi sinh, chị không ăn mặn mà chỉ thích nhất là rau củ quả, các bé sinh ra đều rất kháu khỉnh. “Tôi thấy ở đây rất linh thiêng. Ở nơi đảo xa này, niềm tin quan trọng lắm. Đặc biệt khi nghe chuông chùa vang lên, tôi thấy ấm áp như ở nhà, vì ở trong đất liền mẹ hay dạy niệm Phật”...

Anh Nguyễn Duy Thành, chồng chị Chi, cho biết mình đã trưởng thành hơn, thấy giá trị cuộc sống quý giá vô cùng. “Hồi mới ra đảo có những cái tôi hay coi thường lắm, nhưng ở lâu thấy cái gì cũng quý trọng, từ giọt nước, nhành cây, gói mì cũng quý, vì tất cả đều từ trong bờ mang ra hết. Trước kia mới lập gia đình cũng non nớt, nhưng sống ở đây tôi trưởng thành, biết trân quý cuộc sống, gia đình, bạn bè hơn. Tôi tự hào là cư dân trên đảo”.

Truongsa (1).jpg

Vườn hoa trên đảo Len Đao

Là một hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn, chị Phạm Thị Như Trinh, cho biết, rằm nào chị em cũng rủ nhau ra chùa phụ nấu chè cúng Phật, cũng thường qua chùa công quả, tụng kinh, chuyện trò với quý thầy. “Ở đảo mà có một ngôi chùa, nghe chuông thấy đầu óc thoải mái, yên bình, thấy ấm lòng ghê gớm, thấy cũng không khác biệt gì đất liền”, chị Như Trinh tâm sự.

Bài học về lòng biết ơn

Những vườn rau xanh ngát là điểm dễ bắt gặp khi đi trên các đảo, các chùa, dù nước ở những nơi này rất hạn chế, phải sử dụng hết sức tiết kiệm thì mới đủ, nhưng việc trồng cây, tưới rau luôn được ưu tiên.

Ở chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết, vườn rau được thầy trụ trì chăm sóc chu đáo nên tươi tốt hơn so với các vườn rau khác, do thầy hạn chế sử dụng nước trong sinh hoạt cá nhân để dành cho việc tưới cây.

Truongsa (4).jpg

Gặp gỡ và trò chuyện trên đảo

Còn ở chùa Trường Sa Lớn, khi bước vào chùa, ngoài những chậu sen được quý thầy chăm sóc chu đáo nở hoa, khoe sắc, thì những chậu hoa sứ khắp không gian chùa cũng tạo nên nét đặc trưng. Thầy trụ trì, ĐĐ.Thích Tâm Tánh, chia sẻ: “Vì hoa sứ chịu nắng, chịu ánh sáng, quanh năm suốt tháng tưới một 2 lần, mưa thì đừng cho đọng nước là sống tốt”.

Thầy Tâm Tánh kể khi ra đảo theo sự điều động của Giáo hội, lúc đầu cũng bỡ ngỡ. Rồi thầy, cũng như quý thầy khác, đã hòa vào đời sống trên các đảo một cách nhanh chóng, theo cách mà các chiến sĩ đã sống, cũng tiết kiệm từng ngụm nước để tưới rau, chăm hoa. “Ở lâu tự nhiên thấy yêu biển đảo, nhiều khi mưa bão, mình thì ở trong chùa, còn các chiến sĩ vẫn phải làm nhiệm vụ. Thấy vậy càng tu rất tinh tấn tu tập, cầu nguyện không chỉ cho riêng mình, mà cả cho những người giữ bình yên cho mình được thuận duyên tu tập”.

Trong câu chuyện với quý Thầy đang làm Phật sự tại các chùa trên các đảo mà phóng viên Báo Giác Ngộ đã gặp, được biết quý thầy thường xuyên cập nhật tin tức Phật giáo qua Giác Ngộ online (giacngo.vn).

Khi người viết tặng tờ báo Giác Ngộ mang theo, quý thầy đều rất hoan hỷ đón nhận. “Ở ngoài này là hàng hiếm đó!, Thầy Nhuận Đạt, trụ trì chùa Song Tử Tây vui vẻ bày tỏ.

Thầy Tâm Tánh, trụ trì Trường Sa cũng cho biết: “Tối nào tôi cũng phải vào Giác Ngộ online xem tin tức, không đọc là không ngủ được, vì quan tâm đến thông tin Phật sự đất liền, cũng như các bài Phật pháp do quý thầy lớn giảng nên phải đọc Giác Ngộ, còn báo giấy có mấy tờ mà đọc đi đọc lại hoài”.

Tại chùa Trường Sa có thư viện với số đầu kinh sách lớn, không chỉ quý thầy, mà cả các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo cũng thường xuyên mượn để đọc giữa các ca trực.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày