Khánh thành thêm 3 ngôi chùa tại huyện đảo Trường Sa

Thượng bảng chùa Trường Sa Đông - Ảnh TMQ
Thượng bảng chùa Trường Sa Đông - Ảnh TMQ
0:00 / 0:00
0:00
Lễ khánh thành ba ngôi chùa Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A vừa được tổ chức trang trọng, với sự tham dự của chư tôn đức lãnh đạo Trung ương GHPGVN. Như vậy đến nay trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã có 9 ngôi chùa được khôi phục, xây dựng.

Từ ngày 23-6 đến ngày 5-7-2022 đoàn công tác số 10 do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường phối hợp Quân chủng Hải quân, Hội đồng Trị sự GHPGVN, đại diện lãnh đạo chính quyền, ban ngành và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An,… do Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn, đã có chuyến ra thăm, làm việc và động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN và các đại biểu dâng hương cầu nguyện tại các cột mốc tâm linh của Tổ quốc ở Trường Sa - Ảnh: TMQ

Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN và các đại biểu dâng hương cầu nguyện tại các cột mốc tâm linh của Tổ quốc ở Trường Sa - Ảnh: TMQ

Trong dịp này, đoàn đã tổ chức dâng hương thăm viếng 6 ngôi chùa trên quần đảo và long trọng tổ chức lễ khánh thành ba ngôi chùa mới hoàn thành việc khôi phục, xây dựng tại các đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A.

24 năm trước, lần đầu tiên ra Trường Sa vào năm 1998, tôi đã để ý thấy trên những hòn đảo là dấu tích của những ngôi miếu nhỏ, tấm bia, tảng đá cổ mà ngư dân Việt từ bao đời trước đã dựng nên nơi đây. Trong những chuyến hải trình đầy bão tố khai thác hải sản, sản vật, ông cha chúng ta đã tạo lập nơi linh thiêng để cầu cho sóng yên bể lặng, mưu sinh bình an. Thì nơi ấy giờ đây đã được thay thế bởi sừng sững những ngôi chùa uy nghiêm, những cột mốc tâm linh giữa biển khơi.

Thời kinh cầu nguyện trên biển cả - Ảnh: TMQ

Thời kinh cầu nguyện trên biển cả - Ảnh: TMQ

Chiêm nghiệm lại, đúng như lời Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu tại lễ khánh thành ba ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, rằng: “Từ xa xưa, ít nhất từ thế kỷ 17 Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Tại Việt Nam và trên thế giới hiện còn lưu giữ nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của nhà nước và bản đồ thể hiện rõ việc này…

Trong nhiều thế kỷ qua, ngư dân các tỉnh miền Trung của chúng ta đã thường xuyên vào tránh, trú bão trên các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đó họ đã dựng lên các ngôi miếu thờ Thần, ngôi chùa thờ Phật để cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng. Trải qua những năm tháng tàn phá của mưa dông bão tố, các ngôi miếu, ngôi chùa trên các đảo đã bị hư hỏng nặng nề.

Không gian tâm linh và văn hóa của cư dân trên các đảo ở Trường Sa - Ảnh: TMQ

Không gian tâm linh và văn hóa của cư dân trên các đảo ở Trường Sa - Ảnh: TMQ

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, được sự đồng ý của các cấp, ngành chức năng, cách đây gần 20 năm doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư tu bổ, khôi phục 6 ngôi chùa Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi được tu bổ và khôi phục, GHPGVN đã bổ nhiệm các chư tôn đức Tăng làm trụ trì ở các ngôi chùa trên… Đầu năm 2020, GHPGVN và DN Xuân Trường tiếp tục khôi phục, xây dựng ba ngôi chùa Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A. Cả 9 ngôi chùa đã là những cột mốc tâm linh vững chãi, sừng sững hiên ngang nơi biển khơi, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.

Phật tử Nguyễn Văn Trường và Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình trước tam quan chùa Đá Tây A - Ảnh: TMQ

Phật tử Nguyễn Văn Trường và Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình trước tam quan chùa Đá Tây A - Ảnh: TMQ

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường không nén nổi xúc động, nhớ lại: “Hàng chục năm trước khi ra đây khảo sát để đầu tư tu bổ, phục dựng các ngôi chùa, chúng tôi đi tàu hàng, ăn uống chủ yếu là đồ khô, ngày thay mấy bộ quần áo, than bụi đầy người… Nay được trở lại thăm viếng cả 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, trong đó tổ chức khánh thành 3 ngôi chùa, tôi không cầm được nỗi nghẹn ngào xúc động.

Tôi luôn tâm niệm ‘Mái chùa che chở hồn dân tộc’, mái chùa chứa đựng tâm thức người Việt, văn hóa còn là dân tộc còn. Những năm qua các ngôi chùa nơi đây đã đón hàng nghìn lượt khách, các phật tử và nhân dân trong cả nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đặc biệt là các ngư dân trên biển đã đến tránh trú bão trên các ngôi chùa này. Đây là niềm vinh dự, tự hào rất lớn của doanh nghiệp, đã góp phần công sức nhỏ bé, tạo điều kiện cho nhân dân cả nước phát huy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần xây dựng khối đoàn kết, phát huy sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc đảo Trường Sa - Ảnh: TMQ
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc đảo Trường Sa - Ảnh: TMQ

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng ra Trường Sa chứng kiến lễ khánh thành ba ngôi chùa đầu tiên tại Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, nay là lần thứ ba ra Trường Sa tiếp tục dự khánh thành các ngôi chùa. Ông chiêm nghiệm, rằng cũng như những ngôi làng Việt trong đất liền, hải đảo là không gian sống và mưu sinh của những ngư dân và người dân Việt bao đời, nên những ngôi miếu ngôi chùa cũng luôn hiển hiện một cách thân thuộc. Đây thực sự là những cột mốc tâm linh nơi phên dậu biển đảo của Tổ quốc.

“Cuộc sống ngày càng hiện đại, chúng ta không chỉ cần hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, mà còn cần hạ tầng tinh thần, hạ tầng văn hóa nữa”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Ngôi chùa Việt giữa biển đảo Trường Sa vững chãi - Ảnh: TMQ

Ngôi chùa Việt giữa biển đảo Trường Sa vững chãi - Ảnh: TMQ

Vợ chồng anh Lê Minh Hải - chị Nguyễn Xuân Thùy cùng hai con nhỏ cháu 7 tuổi, cháu 1 tuổi rưỡi là một trong số những hộ dân trên đảo Sinh Tồn, nhà ngay sau lưng chùa. Anh chị kể rằng đều đặn đến ngày rằm, mùng một, Vu lan, Tết lễ các gia đình đều lên chùa. Lễ vật đơn sơ chỉ là trái dừa hái trên đảo, gói bánh, nhưng đượm lòng thành kính. Ngư dân mỗi khi ghé đảo tránh trú giông bão, trao đổi hàng hóa hay chữa bệnh cũng đều lên chùa thắp hương. Tiếng chuông chùa vào giờ khắc bình minh trên đảo từ bao lâu đã trở nên thân thuộc…

Thượng tá Nguyễn Đặng Hồng, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 83 công binh cho biết đơn vị đã tham gia tôn tạo, xây dựng hai ngôi chùa là Song Tử Tây và nay là Sinh Tồn Đông. Không ai quên tiền thân của đơn vị chính là Trung đoàn 83 công binh với 64 người lính đã ngã xuống trong trận Gạc Ma bi hùng. Những người lính quả cảm ngày nào xả thân cắm cờ giữ đảo, nay lại bắt tay vào xây những ngôi chùa, để tiếng chuông hòa bình mãi vang trên sóng gió đại dương của Tổ quốc…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày