Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Thùy Trang: Ông Ngộ

GN - Cả đời ông đánh số đề, cuối cùng thằng con ông trúng vé số. Ông Ngộ nghe người ta nói đầy cả lỗ tai nhưng rồi ông cũng chẳng quan tâm. Thằng con ông có trúng vé số hay không thì ông vẫn vậy. Cái quan trọng là ông chẳng thấy có gì khác biệt nếu như bé Chút không rời ông mà đi.
kho khoc.jpg

Bé Chút là con của thằng con trai ông. Bé Chút hay thích ngồi với ông ngoài sân để nhìn ông uống rượu. Uống rượu hay uống đêm. Khi ông ngồi uống thì bé Chút chơi với con chó. Chẳng ai chơi với con chó nhiệt tình và thấu hiểu hơn bé Chút. Nó ngồi vuốt ve, nó xoa đầu, thích thì nó xoa đầu bằng tay, buồn thì nó xoa đầu bằng chân. Bé Chút ngộ nghĩnh làm đủ thứ trò. Ngoài hè, hai ông cháu trải chiếu ngồi, man mác, bình lặng. Trong lúc đó vợ chồng của con ông Ngộ làm đủ thứ việc. Vừa đi lấy nước cơm cho heo ăn, vừa bán tạp hóa, đèn đuốc sáng trưng đến tận khuya. Rồi lao vào lau dọn nhà cửa, tắm rửa, giặt giũ, suốt ngày suốt đêm hết chuyện này tới chuyện khác.

Nhà ông Ngộ thuộc trong diện tranh chấp khá phức tạp. Vấn đề càng phức tạp hơn khi ngôi nhà ấy nằm ngay trên mặt đường sắp mở. Vậy là nhà ông sắp có thêm mặt tiền. Hồi xưa giờ ông ở phía trước. Bây giờ phía sau nhà lại có thêm một mặt tiền, mà mặt tiền thì đất có giá, có giá thì ai chẳng ham. Ông Ngộ quanh năm suốt tháng đi phụ hồ, nhà cửa cấp bốn cũng bình thường, của ông bà để lại, cứ vậy mà sống thôi, cũng sắp hết đời rồi. Nhưng từ ngày thằng em trai của ông muốn chia đất cát để làm sổ đỏ, rồi mấy đứa em gái có chồng xa lắc xa lơ cũng quay về đòi chia thì ông cũng chẳng muốn nhắc tới miếng đất ấy làm gì nữa. Vì dù sao miếng đất ấy cũng của ông bà, sau khi chia ra làm hai cho hai đứa em trai lấy vợ thì coi như đã xong. Nay miếng đất lên giá thì ông cũng thấy bình thường. Cũng như cái chuyện mua số đề và chuyện thằng con trúng vé số. Đến tuổi của ông rồi thì trúng vé số hay không, nhà có trúng mặt tiền, mở đường hay không thì cũng vậy thôi.

Nhưng mà không phải vậy. Ông Ngộ ngoài đứng trước vấn đề nan giải của chuyện chia đất cát cho mấy anh chị em, lại phải sắp xa bé Chút. Đấy mới là chuyện buồn. Đời ông đã trải qua bao nhiêu chuyện buồn, để ông nhớ cho bằng hết luôn. Dù sao đêm cũng còn dài. Chuyện đầu tiên phải tính từ khi ông chia tay người yêu cũ. Hai người ở cùng một xóm, rồi cô ấy đi lấy chồng khi ông còn cặm cụi xách thùng nước tưới rau vườn nhà, chẳng hay tin tức gì cả. Sau đấy ông cũng lập gia đình, với một bà vợ nhanh nhạy và giỏi làm ăn, mấy đứa con đều giống bà. Khổ một cái là dù bà làm ăn giỏi nhưng đối với ông, bà khá là phiền lòng, bà luôn không hài lòng cái cách mà ông sống, ăn ở, dọn dẹp nhà cửa, đủ chuyện. Đi làm thì thôi chứ ở nhà là bà bắt đầu một bài ca dài rất dài, sao ông lại làm cái này, sao ông không nhớ cái khác. Chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Bà mà về đến nhà là om sòm, cả xóm đều nghe. Ông không muốn nói gì, cũng bởi ông đã bắt đầu cảm thấy mình dần dần không nghe thấy gì. Những điều bà nói như gió thoảng qua tai. Ông chỉ quan tâm mấy chậu cây của ông. Chăm bẵm miệt mài như cái hồi ông nghe tin người yêu đi lấy chồng. Ngoài chăm cây ra, còn điều gì vui hơn. Sau đấy, ông phải chia miếng đất cho em trai vì nó lấy vợ, xây nhà. Miếng đất và mấy luống rau, chậu cây cảnh của ông cái còn cái mất, đành phải đem qua vườn nhà ông. Vườn nhà đã chật càng chật, mà vợ ông thì không thiết tha gì mấy cây mấy hoa. Ông ráng chăm cho khu vườn nhỏ càng đẹp càng gọn gàng. Sau này có bé Chút thì nó lại càng thích khu vườn hơn. Vậy là qua chuyện. Rồi thằng con trai trúng số, rồi nhà ra mặt đường. Chuyện hên thì cũng gọi là chuyện hên, còn chuyện xui thì có thể đang gần tới trước mắt.

Ông vướng phải chuyện tranh chấp đất đai, dù là anh em cùng chung một mẹ và phần ai cũng đã có nơi có chỗ. Bà vợ ông thì muốn tranh thủ bán đất khi nó còn đang lên giá. Ba mẹ bé Chút sẵn tiền muốn mua luôn phần đất trước mặt đường. Vậy làm sao. Ông cũng còn đứa con gái, phần đất phía trước nếu sang lại cho ba mẹ bé Chút thì coi như vừa cho vừa bán, mà cũng chỉ được phân nửa. Mà bán thì dễ gì khi tranh chấp hàng hai hàng ba, anh em chưa chịu ký giấy để cùng làm sổ đỏ. Cuối cùng, không thể làm khác được, ba mẹ bé Chút đành mua nhà ra riêng, vậy là những đêm ngồi với bé Chút bên hè nhà, ngắm cây ngắm hoa, nghe chó sủa cũng sẽ không còn nữa. Vậy là buồn càng buồn hơn. Ngày trước chưa có gì xảy ra, năm bảy con người sống cùng nhau trong vài ô nhà, tuy chen chúc, chật chội, chạy cơm, buôn bán rật rật vậy mà đầm ấm. Bữa cơm kẻ ăn trước người ăn sau, thế nhưng mà vẫn còn nhìn thấy mặt nhau, nghe tiếng nói của nhau. Bây giờ có tiền, có điều kiện ra riêng, đáng lẽ ra đó phải là chuyện vui. Nhưng ông Ngộ cũng không nỡ xa bé Chút.

Ba mẹ bé Chút mua một căn nhà nhỏ. Không gần mà cũng chẳng xa. Bé Chút cứ tới giờ đi học về là xách cặp chạy qua chơi với ông nội. Ông cứ trông tới thứ Bảy, Chủ nhật là cháu có thể ở bên ông cả ngày cả đêm, ông cháu không còn xa cách. Cháu lẽo đẽo theo ông. Cháu cùng ông ngồi nhìn cây, nhìn hoa, cháu theo ông tưới nước. Ông cháu quấn quít bước chân, căn nhà cứ vui vui là thế.

Bà vợ ông lại cằn nhằn. Tiền tỷ đấy. Không làm giấy tờ thì làm sao bán. Biết bà nhanh nhạy nhưng ông cũng không ham. Ông cũng không chối từ, ông nói, tùy bà muốn làm gì làm, để lại khu vườn cho tôi là được. Bà xoay nhanh gọn, vài tháng là hết bên này bên kia anh chị em đều đồng tình ký giấy để làm sổ đỏ. Ai cũng có phần, rủng rỉnh. Cuối cùng bán cái rẹt. Lô đất chia làm hai. Phần còn lại vừa đúng mảnh vườn. Bà hỏi, giờ ý ông thế nào. Ông cũng chẳng ý kiến. Bà càm ràm, ông Ngộ! Cái tên như tính người, cứ mộng mơ gì đâu không. Con cái có tiền. Nhà cửa bán được giá. Vậy mà có gì cứ bám lấy khu vườn. Bà mua nhà ngoài phố, khang trang, mở tiệm buôn bán tiếp. Con cái có nhà riêng. Chỉ có ông là ngồi mãi với khu vườn. Thằng em ông nó cũng đã bán xong lô đất phần của nó. Đi hết cả. Nhường chỗ cho người ta đến làm ăn. Ông không muốn nói gì nữa, nhưng ông nghĩ nếu nay đây mai đó, nếu đồng tiền trên tay xoay thật nhanh thật gọn rồi rốt cuộc mình cũng chỉ là người mải miết chạy theo nó mà thôi. Ông dựng căn nhà nhỏ, một phần đủ ông sống, ông thành ông Ngộ thật. Đất lên giá, nhà lên giá. Mình ông một cõi, căn nhà và mảnh vườn, mùa này hoa này, mùa kia hoa kia, hoa lắc lư theo gió, cánh bướm chập chờn. Vậy mà vui, vậy mà hạnh phúc. Đôi lúc ông còn cảm thấy tiếng bước chân của người này người kia, là cha ông, là mẹ ông, là cây là rau, là ngày ông được cha ông dạy cách trồng rau trên mảnh đất này. Là ngày mẹ ông chăm chút cho ông từng li từng tí đến ngày cưới vợ. Là khi ông sắm sửa, chắt chiu để con cái cưới vợ. Tất cả đều sinh ra trên mảnh đất này. Tất cả đều tồn tại trên mảnh đất này.

Ông Ngộ dần xa cách với mọi người. Ông chỉ còn bé Chút. Vì có bé Chút nên bà vợ cũng không còn cằn nhằn ông nữa. Thời tiết càng ngày càng nắng nóng. Xung quanh đã bắt đầu đập ra để xây công trình mới. Hình như là nhà hàng, hình như là khách sạn. Có thể rồi khu vườn của ông sẽ lọt thỏm trong cái chộn rộn của phố thị. Cũng như ông đã lọt thỏm trong sự tính toán chi li của vợ ông, và may sao bé Chút đã lọt vào lòng ông, chứ không loay hoay trong căn nhà nhỏ của nó. Còn một chút này nữa thôi, ông vẫn thường ôm bé Chút vào lòng và nói, có chút này cho con nữa thôi. Bà vợ của ông bận rộn lắm, bà thường về khu vườn khi tìm ông không thấy, gọi ông không được, bà thường nói, cái ông Ngộ này, cứ Ngộ mãi cho đến hết đời hay sao. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.

Thông tin hàng ngày