GNO - Trong bộ áo choàng màu đỏ thẫm màu, Lạt-ma Trinley Gyatso chỉ huy một nhóm các vị lạt-ma Tây Tạng trẻ tuổi khi họ đang thử một bài hát mới cho ban nhạc 300 tuổi của mình.
Các tu sĩ này thuộc tu viện Labrang, một trong sáu tu viện lớn của phái Gelugpa của Phật giáo Tây Tạng. Tọa lạc tại tỉnh Cam Túc, Labrang là tu viện quan trọng nhất bên ngoài Tây Tạng.
"Chúng tôi luyện tập những kỹ năng âm nhạc một cách thường xuyên. Trước thềm những dịp quan trọng, chúng tôi luyện tập khoảng 8 giờ mỗi ngày", Gyatso, chỉ huy ban nhạc Daode'er, nói.
"Mùa hè là thời gian luyện tập bận rộn, vì vào mùa đông, khi thời tiết khô và khắc nghiệt, các dụng cụ có thể bị nứt nếu chơi quá thường xuyên".
Các nhà sư đang tập luyện với các nhạc cụ tôn giáo tại tu viện Ganden Stumtseling,
ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng lớn nhất ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Được liệt kê là một di sản văn hóa quốc gia năm 2008, truyền thống âm nhạc của tu viện Labrang đã có lịch sử từ 300 năm nay.
Được thành lập vào thế kỷ thứ 18, ban nhạc Daode'er thường dành riêng cho những dịp quan trọng, chẳng hạn như thuyết giảng, chiêu đãi, các cuộc diễu hành tôn giáo và đón tiếp các vị khách quý.
Tiêu, sáo và cồng chiêng tạo nên nét đặc biệt cho phong cách âm nhạc của họ. Hiện nay, ban nhạc bao gồm 24 thành viên, nhưng độ lớn của nó có thể thay đổi tùy thuộc vào những dịp. Trong những năm gần đây, ban nhạc đã tiếp cận đến khán giả toàn cầu, nhận được lời mời đến thăm các nước như Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Bỉ và các nước khác.
"Màn trình diễn nước ngoài đầu tiên của chúng tôi đã được thực hiện tại Pháp vào năm 1997. Đó là một thành công hoàn hảo", Lạt-ma Gyasto, 73 tuổi, người đã từng là thành viên của ban nhạc trong khoảng 50 năm, cho biết.
Lạt-ma Gyatso nói ban nhạc đã nhận được sự giúp đỡ từ các công ty để ghi âm nhạc lại và bán đĩa trực tuyến cho công chúng nước ngoài.
"Chúng tôi cầu nguyện cho hạnh phúc, hòa hợp và hòa bình bằng âm nhạc của mình", Lạt-ma Gyatso nói.
Ban nhạc đã trở nên phổ biến trong cộng đồng người Tây Tạng ở địa phương.
Tanzin Gonpo, một người dân địa phương 31 tuổi, người hâm mộ ban nhạc từ khi còn trẻ. "Âm nhạc có sức mạnh đặc biệt. Nó có thể truyền cảm hứng cho lòng thương xót và nhân từ trong trái tim của con người", anh nói.
Truyền thống quy định rằng những người chơi trong ban nhạc chỉ có thể là tu sĩ đến từ tu viện Labrang.
Mỗi năm, Lạt-ma Gyatso lựa chọn các nhà sư trẻ, những người có kiến thức và quan tâm đến âm nhạc. Người mới tuyển dụng phải học chơi tất cả các nhạc cụ, và cũng đọc kinh sách tôn giáo để nâng cao sự hiểu biết của họ về âm nhạc. Sẽ mất ít nhất 2 năm trước khi có thể tiến hành một buổi biểu diễn.
"Chúng tôi chỉ tuyển 4 người chơi mới trong 3 năm qua. Tôi hy vọng nhiều nhà sư trẻ có thể chơi và tiếp tục truyền thống âm nhạc này", Gyatso nói.
Văn Công Hưng (Theo Tân Hoa)