GN - "Được tu học nội trú là diễm phúc chứ không phải 'bị bắt buộc'.” - Đó là khẳng định của TT.TS. Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng đặc trách Tăng Ni sinh viên (TNSV) nội trú Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (gọi tắt là Học viện) - cơ sở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh trước câu hỏi có phải nội trú là điều kiện bắt buộc đối với TNSV kể từ khóa XI trở đi. Thượng tọa cho biết thêm:
- Tu học nội trú chính thức được áp dụng cho TNSV khóa XI tại cơ sở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Theo tôi, được tu học nội trú tại Học viện nói riêng và tại tất cả các trường Phật học nói chung, là một diễm phúc cho TNSV. Thay vì hiểu “bị bắt buộc”, các TNSV nên nhận thức rằng từ nay trở đi mình không còn rơi vào tình trạng ‘học Phật học ở trường, tu tập tại chùa, sáng đi trưa về, đầu giờ chiều đi gần tối mới về’. Nhờ tu học nội trú, các TNSV tiết kiệm thời gian đi đến trường, trở về chùa, nhờ đó, tập trung vào nghiên cứu và thực nghiệm Phật pháp tại nội viện, nơi có các bậc giáo thọ truyền đạt kinh nghiệm thân giáo và các bạn đồng tu cùng đồng hành trên con đường học, tu. Kết quả tu học nội trú của TNSV bao giờ cũng tốt hơn so với sinh viên ngoại trú.
Thời gian nội trú sẽ bắt đầu từ lúc nào, số lượng nội trú đến lúc này là bao nhiêu vị? Có trường hợp nào được ngoại trú hay không?
- Ngày 8-5-2016 sẽ diễn ra lễ khánh thành giai đoạn 1 Học viện, cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Sinh hoạt nội trú được diễn ra trước đó, từ ngày 3-5-2016. Các TNSV sẽ được Hội đồng Điều hành Học viện sắp xếp đưa rước vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), để thuận tiện cho việc tập trung và di chuyển. Hiện khóa XI có 515 TNSV tu học nội trú tại cơ sở Lê Minh Xuân.
Có hai trường hợp ngoại trú được Hội đồng Điều hành cho phép là: (a) TNSV đang theo học chương trình cử nhân hoặc thạc sĩ tại một trường đại học bên ngoài, (b) TNSV là người xuất gia và tu học tại những ngôi chùa đơn chiếc, chỉ có hai ba thầy trò, không đủ nhân sự để điều hành các Phật sự tại chùa. Trong hai trường hợp nêu trên, TNSV phải làm đơn với các chứng từ hợp lệ sẽ được xét duyệt.
Nội thất một phòng - 6 người tại khu Tăng xá - Ảnh: N.Dũng
TNSV có phải đóng phí khi vào nội trú hay không, thưa Thượng tọa?
- Các TNSV không phải đóng lệ phí khi sinh hoạt nội trú tại nội viện như trong trường hợp các KTX thuộc các trường đại học ngoài đời.
Vì đây là nhiệm vụ đào tạo Tăng Ni tài cho Phật giáo VN, khi được Hòa thượng Viện trưởng và Hội đồng Điều hành giao nhiệm vụ đặc trách Quản viện của khu nội trú, chúng tôi đã vận động các Phật tử phát tâm cúng dường trai phạn 6 tháng đầu, mỗi ngày 15 triệu. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động Phật tử cúng mỗi ngày, từ năm này sang năm khác.
Ngoài ra, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay phối hợp với Trung tâm Y khoa Phước An bảo trợ Bảo hiểm y tế trọn gói cho trên 700 TNSV của Học viện khóa này. Do đó việc khám sức khỏe và điều trị bệnh, TNSV không phải lo.
Với sự đa dạng về truyền thống, hệ phái (Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ…), và mỗi truyền thống, hệ phái có đặc thù trong pháp môn tu tập, sinh hoạt (tụng kinh, bái sám, thực phẩm thọ dụng hàng ngày…); vậy sinh hoạt của TNSV nội trú sẽ phải như thế nào trong trường hợp đó?
- Chương trình tu học tại nội viện được thiết kế theo cách thức để các TNSV, dù thuộc hệ phái nào, đều thích ứng được, nhờ đó, đạt được nhiều tiến bộ trong học và tu.
Khóa XI Học viện không có chư Tăng Nam tông, chỉ có một số ít Tăng Ni Khất sĩ, trên 95% TNSV thuộc hệ phái Bắc tông. Ăn chay trường rất thích hợp với TNSV Bắc tông và Khất sĩ. Tụng kinh, bái sám, ngồi thiền… có nghi thức chung do Hội đồng Điều hành chuẩn duyệt, và do đó, các TNSV cùng thực tập chung. Trong các trường hợp đặc biệt như bố-tát… các TNSV hệ phái Khất sĩ có địa điểm hành lễ riêng.
Có 02 tòa Tăng và Ni xá biệt lập dành cho Tăng, Ni sinh viên - Ảnh: Bảo Toàn
Có ý kiến gởi về tòa soạn Báo Giác Ngộ tỏ ra quan ngại Tăng xá và Ni xá được bố trí trong khuôn viên Học viện sẽ khó khăn cho việc quản lý. Vậy, Hội đồng Điều hành Học viện và cá nhân Thượng tọa, vị được phân công trách nhiệm TNSV nội trú, Thượng tọa có tiên liệu về sự khó khăn sau này?
- Quan ngại đó là đúng. Hòa thượng Viện trưởng và Hội đồng Điều hành đã có nhiều thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề này. Để các vấn đề tế nhị không có cơ hội xảy ra trong suốt thời gian tu học nội trú của TNSV, với tư cách là người quản lý trực tiếp khu nội viện, dựa vào các giới luật Phật dạy, chúng tôi đã soạn thảo Quy chế nội viện. Quy chế đã được thông qua ngày 23-4-2016 gồm có 5 chương và 21 điều, mỗi điều đều có các quy định nhỏ, rất chi tiết và cụ thể, nhằm bảo hộ giới hạnh của TNSV được thanh tịnh và trang nghiêm. Trên tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng mọi việc trong sinh hoạt nội trú sẽ được tốt đẹp.
Được biết trong điều kiện cơ sở hiện tại, Tăng Ni sinh nội trú chỉ trong thời gian tối đa là 2 năm. Đối với các TNSV các tỉnh thành khác đến thành phố theo học Học viện, việc xin một nơi lưu trú để đi học đôi khi rất khó khăn. Có nhiều TNSV khi hỏi ý kiến và nhiều vị trách nhiệm các chùa có TNSV lưu trú đi học cũng tỏ ra lo lắng, sau thời gian nội trú tại Học viện, khi họ rời nơi xin lưu trú đi, các vị trú trì sẽ điền người mới vào, và khi họ trở về lại sau có thể sẽ không có chỗ ở ổn định. Vậy, những trường hợp đó thì sẽ như thế nào, họ có thể xin tiếp tục nội trú ở Học viện để theo học hết khóa hay không, thưa Thượng tọa?
- Tại thời điểm này, mỗi khu nội viện đều có sức chứa 350 giường/ khu, nhưng mới chỉ có 515 TNSV khóa XI nội trú, nên vẫn còn dư phòng ở. Khi kết thúc 2 năm nội trú, các TNSV muốn tiếp tục tu học nội trú cần điền mẫu đơn của Học viện để được gia hạn cho đến lúc ra trường. Khi hai khu nội xá không còn phòng trống, việc xét tuyển nội trú sẽ được dựa vào nguyên tắc ưu tiên cho TNSV vùng cao nguyên, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc TNSV là người dân tộc thiểu số, là người ở các tỉnh thành khác, là người tích cực tham gia các hoạt động Phật sự của GHPGVN và Học viện.
Khi số lượng TNSV ngày càng gia tăng thì Hội đồng Điều hành sẽ có phương án xây dựng thêm tòa nội xá mới, để đáp ứng nhu cầu tu học của TNSV một cách hiệu quả.
Thượng tọa có thể tóm tắt tinh thần nội quy dành cho TNSV nội trú, trong trường hợp có thể có TNSV vi phạm nội quy, Hội đồng Điều hành sẽ xử lý như thế nào, mức độ cao nhất là gì và cho loại vi phạm nào?
- Quy chế Nội viện được xây dựng trên các cơ sở sau đây: (a) Các giới luật do Phật chế định, (b) Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, (c) Các thanh quy thiền môn, (d) Các luật nghi, tế hạnh, (e) Nội quy cần tuân thủ, (f) Thời khóa tu học nghiêm túc.
Tùy theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ đối với các vấn đề nêu trên, TNSV vi phạm sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc. TNSV nào vi phạm các điều khoản thuộc nhóm Ba-la-di, Tăng tàn (những điều khoản trong giới luật dành cho người xuất gia - PV) và vi phạm luật pháp hiện hành sẽ bị kỷ luật nặng nhất là tẩn xuất. Các trường hợp vi phạm nhẹ sẽ được nhắc nhở riêng, nhắc nhở giữa chúng và kỷ luật khắt khe.
Với kinh nghiệm của một người đi trước, Thượng tọa có gì chia sẻ với TNSV sẽ nội trú tại cơ sở mới của Học viện?
- Trong gần 8 năm du học tại Ấn Độ, tôi đã theo học 3 trường đại học và đã ở 4 KTX khác nhau, trong đó có 1 KTX cho sinh viên Ấn Độ giáo và 1 KTX cho sinh viên Hồi giáo. Làm trụ trì chùa Giác Ngộ từ năm 1992, so với các du học tăng tại Ấn Độ vào thời điểm 1994-2002, tôi có phần thuận lợi hơn về tài chính. Nhưng tôi đã không thuê phòng riêng hoặc chia sẻ các căn hộ chung, như nhiều vị du học khác. Nhờ sống trong các KTX, tôi học hỏi được văn hóa của các quốc gia khác qua các bạn cùng KTX hoặc đồng học, đồng thời nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh. Ngoài ra, tôi không mất thời gian cho việc đi chợ, nấu thức ăn, dọn bàn ăn, rửa chén,… như trong trường hợp ở nhà thuê. Phần lớn các KTX tại Ấn Độ đều bắt buộc ăn chay trường, nên rất thuận tiện cho Tăng sĩ Phật giáo.
Sinh hoạt nội trú tại Học viện có nhiều lợi ích hơn thế, so với việc ở tại KTX. Các TNSV hãy tận dụng cơ hội tu học nội trú này để học Phật tốt hơn, tu Phật có hiệu quả hơn và về sau này, phụng sự Phật giáo và nhân sinh tích cực hơn.
P.Hỷ thực hiện