Từ Delhi đến Sarnath: Chuyến viễn hành theo những bảo vật vô giá của Phật giáo

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại đa số Phật tử đến Ấn Độ đều nhằm đặt chân đến các thánh tích Phật giáo để chiêm bái, cầu nguyện, tu tập. Đó là mục đích chính yếu của những chuyến hành hương. Tuy nhiên, sẽ là điều vô cùng đáng tiếc nếu đặt chân đến vùng đất này rồi mà không một lần tận mắt nhìn ngắm những bảo vật vô giá của Phật giáo.

Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ (National Museum) tọa lạc ở đường Janpath, ngay khu vực trung tâm của thủ đô Delhi, rất gần với khu vực Quảng trường Ấn Độ môn. Viện bảo tàng này được xây dựng vào năm 1949, lưu giữ khoảng 200.000 hiện vật tiêu biểu cho lịch sử 5.000 năm của nền văn minh Ấn - Hằng. Có thể nói, Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ cũng là địa điểm duy nhất không phải là thánh tích Phật giáo nhưng là nơi không bao giờ bị bỏ qua trong mọi chuyến hành hương Phật tích, bởi tại đây hiện đang tôn trí một bảo vật tối thiêng liêng đối với những người con Phật: Xá-lợi của Đức Thế Tôn.

Quốc bảo của nước Ấn

Câu chuyện về phần xá-lợi Đức Phật được công nhận là quốc bảo của Ấn Độ khởi đầu từ năm 1898, khi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh. Có thể nói rằng người Anh, với niềm đam mê đặc biệt với khảo cổ, đã góp phần quan trọng vào việc khai quật và hồi sinh các thánh tích Phật giáo.

Phần xá-lợi Đức Phật được tôn trí tại Bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Xá-lợi được đặt trong một bảo tháp mạ vàng với phần chóp bằng vàng thật do Phật giáo Thái Lan cúng dường

Phần xá-lợi Đức Phật được tôn trí tại Bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Xá-lợi được đặt trong một bảo tháp mạ vàng với phần chóp bằng vàng thật do Phật giáo Thái Lan cúng dường

Phần xá-lợi này nằm trong một bình chứa được nhà khảo cổ người Anh William Claxon Peppé phát hiện vào năm 1898 từ nền móng của một phế tích tại Piprahwa, thuộc huyện Siddharthnagar, bang Uttar Pradesh. Một thời gian sau đó, nhờ vào việc giải mã các ký tự trên nắp bình, người ta đã xác định đây chính là xá-lợi nguyên bản của Đức Phật. Việc phát hiện ra bình chứa xá-lợi Piprahwa cũng tạo nên một bước ngoặt lớn thời bấy giờ khi chứng minh được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một nhân vật có thật trong lịch sử, điều mà trước đó, người ta vẫn còn hoài nghi lẫn phủ nhận.

Sau khi Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ được thành lập, xá-lợi Phật cùng nhiều bảo vật Phật giáo được đưa về trưng bày tại đây. Đến năm 1997, Phật giáo Thái Lan đã tạo tác và cúng dường một bảo tháp mạ vàng với phần đỉnh tháp chứa vàng thật để tôn trí phần xá-lợi này.

Trước đây, xá-lợi Phật được tôn trí tại khu vực cổ vật Kushan nằm trong không gian của viện bảo tàng. Tuy nhiên, với tầm quan trọng và nhu cầu chiêm bái quá lớn của cộng đồng Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới đổ về, những năm gần đây, viện bảo tàng đã thiết lập một khu vực riêng biệt trong khuôn viên viện bảo tàng để tôn trí xá-lợi Phật và trưng bày bộ sưu tập đồ sộ các cổ vật Phật giáo.

Câu chuyện của bảo vật

Đến đây, ngoài việc đến gian phòng tôn trí xá-lợi Phật để chiêm bái, nếu bỏ qua những không gian lưu giữ hàng trăm cổ vật Phật giáo nổi bật nhất của Ấn Độ và các vùng văn hóa như: Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Myanmar, Trung Hoa,… thì quả là điều đáng tiếc. Trong số các cổ vật trưng bày tại đây, đáng chú ý nhất có các phù điêu, tôn tượng Phật, Bồ-tát bằng đá sa thạch thuộc phong cách nghệ thuật Mathura và Gandhara. Phong cách nghệ thuật này phát triển dưới triều đại Kushan, khi Phật giáo phát triển đến đỉnh cao.

Bảo tàng quốc gia Ấn Độ là nơi lưu giữ bộ sưu tập đồ sộ các cổ vật Phật giáo qua nhiều thời kỳ

Bảo tàng quốc gia Ấn Độ là nơi lưu giữ bộ sưu tập đồ sộ các cổ vật Phật giáo qua nhiều thời kỳ

Điểm đáng chú ý của nghệ thuật tạo tượng thời kỳ này đó là sự ảnh hưởng đậm nét từ phong cách Hy Lạp và Hellenistic cổ điển, bắt nguồn từ việc các tuyến đường giao thương kết nối rộng rãi, đưa đến sự giao thoa giữa các phong cách nghệ thuật và văn hóa khác nhau. Trong số các tác phẩm theo phong cách Gandhara được trưng bày tại đây, nổi bật có thể kể đến hai tôn tượng Phật Thích Ca trong tư thế tọa thiền và đứng, hay tôn tượng Bồ-tát Maitreya (Di-lặc) bằng đá sa thạch.

Hình ảnh những tôn tượng này có lẽ khá quen thuộc với người Phật tử, bởi thường xuyên xuất hiện trên các sách, báo, ấn phẩm Phật giáo. Mặc dù vậy, với chúng tôi, khi được đến đây trong chuyến hành hương của mình, đứng trước các bảo vật, tận mắt nhìn từng dấu ấn thời gian là điều khó có được. Những cảm thức thiêng liêng và xúc động phát sinh ngay giây phút ấy, cũng là điều không bao giờ có thể diễn tả hết bằng lời.

Tôn tượng Bồ-tát Maitreya bằng đá phiến theo phong cách Gandhara được nhiều người biết đến

Tôn tượng Bồ-tát Maitreya bằng đá phiến theo phong cách Gandhara được nhiều người biết đến

Mặc dù là nơi sở hữu phần lớn những bảo vật Phật giáo vô giá trên đất Ấn, tuy vậy, không phải tất cả đều nằm ở Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Trong chuyến hành hương của mình, bằng một cơ duyên đặc biệt, người viết có cơ hội được chiêm ngưỡng hai bảo vật Phật giáo trứ danh khác tại Bảo tàng Khảo cổ Sanarth, Varanasi.

Biểu tượng Phật giáo và biểu tượng quốc gia

Ngày 26-1-1950, Cộng hòa Ấn Độ thành lập. Cũng trong ngày hôm đó, Chính phủ Ấn Độ thông qua mẫu quốc huy biểu tượng cho nước cộng hòa mới. Quốc huy này được chuyển thể từ đầu trụ đá Ashoka, được dựng lên tại Sanarth, hay Lộc Uyển - nơi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, hóa độ 5 anh em Tôn giả Kiều Trần Như. Vua Ashoka, tức A-dục vương, lưu danh trong lịch sử là vị thánh vương với 2 công đức cực kỳ to lớn, đó là thống nhất Ấn Độ và hộ trì Phật giáo. Dưới thời trị vì của mình, sau khi quy hướng Phật giáo, vua Ashoka đã cho tu sửa, xây dựng chùa tháp, hành hương đến các Phật tích và cho dựng các trụ đá đánh dấu lại những địa điểm này.

Đầu trụ đá Ashoka tại Sarnath - biểu tượng quốc gia của Ấn Độ

Đầu trụ đá Ashoka tại Sarnath - biểu tượng quốc gia của Ấn Độ

Trong số các trụ đá được vua Ashoka dựng lên tại các Phật tích, nay chỉ còn trụ đá tại Vesali là còn nguyên vẹn, nhưng đẹp nhất trong tất cả là đầu trụ đá Ashoka tại Sanarth. Đầu trụ thể hiện hình 4 con sư tử uy nghi nhưng hiền lành, ngồi đấu lưng vào nhau nhìn ra 4 hướng trên một bệ tròn. Trên thân bệ, theo cùng hướng nhìn của mỗi con sư tử chạm hình 4 bánh xe Pháp với 24 nan hoa; xen kẽ là 4 con vật tôn quý trong văn hóa Ấn: sư tử, voi, ngựa và bò. Đỡ phần đế này là hình một đóa hoa sen với cánh rủ xuống mềm mại. Bánh xe Pháp 24 nan này cũng xuất hiện chính giữa Quốc kỳ của Ấn Độ.

Bảo tàng Khảo cổ Sarnath là nơi lưu giữ các hiện vật khai quật được từ khu di tích Sarnath, tức vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật thuyết bài Pháp đầu tiên

Bảo tàng Khảo cổ Sarnath là nơi lưu giữ các hiện vật khai quật được từ khu di tích Sarnath, tức vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật thuyết bài Pháp đầu tiên

Toàn bộ khối điêu khắc này vốn nằm trên một trụ đá cao nhưng đã bị tàn phá. Sau khi được khai quật lại, phần trụ đá gãy nhiều phần và móng trụ được dựng mái che và đặt nguyên trạng trong khu vực khảo cổ của vườn Lộc Uyển xưa; riêng đầu trụ được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Sarnath (Archaeological Museum Sarnath), nằm ngay cạnh Lộc Uyển.

Bảo tàng Khảo cổ Sarnath được lên kế hoạch xây dựng vào năm 1904 và hoàn thành năm 1910, lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ của Ấn Độ. Đây cũng là bảo tàng lâu đời nhất của Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ, với mục đích bảo tồn các hiện vật khai quật được tại Sarnath. Hiện tại, bảo tàng này đang lưu giữ 6.832 hiện vật, hầu hết là các tác phẩm điêu khắc Phật giáo.

Những hiện vật tại Bảo tàng Khảo cổ Sarnath mang giá trị cao về nghệ thuật lẫn lịch sử

Những hiện vật tại Bảo tàng Khảo cổ Sarnath mang giá trị cao về nghệ thuật lẫn lịch sử

Bên cạnh đầu trụ đá Ashoka, một bảo vật đặc biệt khác được lưu giữ lại Bảo tàng Khảo cổ Sarnath, đó chính là tôn tượng Đức Phật chuyển Pháp luân bằng đá sa thạch. Bức tượng thể hiện hình tượng Đức Thế Tôn trong tư thế tọa thiền, tay bắt ấn Chuyển pháp luân, với phần thân quang được chạm khắc dây hoa, linh thú, chư thiên đầy tinh xảo. Phía dưới bệ tượng, trung tâm là hình tượng bánh xe Pháp nằm theo hướng dọc, hai bên là hình tượng 5 người đàn ông, 1 phụ nữ và 1 em bé. Dù bị hư hại một số chi tiết, tuy nhiên, tổng thể tôn tượng này hầu như vẫn còn nguyên vẹn với tỷ lệ hài hòa, đường nét thanh tú nhưng cũng vô cùng uy nghiêm, thể hiện trình độ thẩm mỹ tuyệt vời của người xưa. Có lẽ cũng vì vậy, đây là một trong số những tôn tượng Đức Phật được biết đến nhiều nhất.

Tác giả bên tôn tượng Đức Phật Chuyển pháp luân, một trong những tôn tượng Phật nổi tiếng nhất và thường được mô phỏng cho việc chế tác nhiều tôn tượng sau này trên thế giới

Tác giả bên tôn tượng Đức Phật Chuyển pháp luân, một trong những tôn tượng Phật nổi tiếng nhất và thường được mô phỏng cho việc chế tác nhiều tôn tượng sau này trên thế giới

Ngoài hai bảo vật kể trên, các phù điêu, tượng Phật, Bồ-tát, chư thiên, phù điêu linh thú, hoa lá,… trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Sarnath đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt kỳ mà chắc chắn ai trong chúng ta cũng không khỏi rung động nếu có dịp chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, để vào tham quan Bảo tàng Khảo cổ Sarnath lại không phải là điều dễ dàng gì mấy. Theo quy định tại đây, việc mua vé tham quan chỉ có thể thực hiện trước qua… online và khách đến tham quan cũng không được mang theo điện thoại di động hay máy chụp hình vào bên trong. Bằng một cơ duyên kỳ diệu nào đó, khi đoàn hành hương của chúng tôi đến đây, quy định vừa mới được thay đổi. Và nhờ vậy, chúng tôi có được những tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc mà không biết liệu mình có gặp lại được một lần nữa trong đời hay không.

Tượng Phật kinh hành, phong cách Gandhara, thế kỷ II

Tượng Phật kinh hành, phong cách Gandhara, thế kỷ II

Tượng Phật trong tư thế tọa thiền, phong cách Gandhara, thế kỷ II

Tượng Phật trong tư thế tọa thiền, phong cách Gandhara, thế kỷ II

Phù điêu mô tả cảnh Hoàng hậu Maya ứng mộng, thế kỷ II

Phù điêu mô tả cảnh Hoàng hậu Maya ứng mộng, thế kỷ II

Phù điêu mô tả cảnh Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh , thế kỷ II

Phù điêu mô tả cảnh Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh , thế kỷ II

Phù điêu đá phiến mô tả cảnh Đức Phật trở về từ cung trời Đao-lợi, thế kỷ XI

Phù điêu đá phiến mô tả cảnh Đức Phật trở về từ cung trời Đao-lợi, thế kỷ XI

Một đoạn phù điêu bằng đá sa thạch mô tả hình tượng chư Phật, khai quật tại Sanarth, thế kỷ V - Ảnh: Pháp Hạnh

Một đoạn phù điêu bằng đá sa thạch mô tả hình tượng chư Phật, khai quật tại Sanarth, thế kỷ V - Ảnh: Pháp Hạnh

Phần đầu tượng Phật Thích Ca, khai quật tại Sarnath, thế kỷ V - Ảnh: Pháp Hạnh

Phần đầu tượng Phật Thích Ca, khai quật tại Sarnath, thế kỷ V - Ảnh: Pháp Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày