GNO - Ám ảnh, đau nhói, thức tỉnh... là những từ được báo chí dùng để diễn tả về sự việc 12 người nhập cư chết đuối và dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một bé trai khoảng 3 tuổi nằm úp mặt xuống đất - xảy ra đầu tháng 9 này.
Hình ảnh về cái chết của bé trai Aylan Kurdi
đã được các họa sĩ thể hiện như "một giấc ngủ bình yên"
Theo đó, CNN đưa tin, hình ảnh đã lan truyền mạnh mẽ trên trang mạng xã hội Twitter vào ngày 2-9. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Mugla ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, bé trai xấu số là Aylan Kurdi, một trong số 17 người tị nạn từ Syria tìm cách đến đảo Kos ở Hi Lạp bằng thuyền.
Sau đó, báo chí lại tiếp tục đưa tin, anh Abdullah Kurdi - cha bé Aylan, gần như suy sụp khi đến nhà xác Mugla gần Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bé Aylan cùng anh trai đang yên nghỉ. Hình ảnh người đàn ông khóc mếu máo trước tin dữ của con mình khiến ai thấy cũng nghẹn ngào.
Nước mắt mất con trong chuyến liều mình đi tìm cuộc sống mới - với hy vọng sẽ bình an hơn nơi mình đang sống (chiến tranh, xung đột) đã thành nỗi ám ảnh không chỉ của Abdullah Kurdi và dòng người tị nạn ở châu Âu, mà là cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chiến tranh thật đáng sợ! Và đói nghèo cũng đáng sợ như vậy, cũng là một thứ giặc mang tên giặc đói. Hôm nay (7-9) tôi nghĩ ai đọc được bản tin, một bà mẹ 40 tuổi ở bang Maharashtra, Ấn Độ không thể nuôi năm đứa con nhỏ, trong cơn túng quẫn bà tìm đến cái chết - chắc cũng sẽ nghẹn ngào, thêm lần nữa...
Ngày 7-9, Zee News đưa tin, nạn nhân là bà Manisha Gatkal, ngụ huyện Osmanabad, vùng Marathwada. Bà châm lửa tự thiêu trong nhà mình hôm 5-9 - đúng vào ngày Ấn Độ ăn mừng lễ Raksha Bandhan truyền thống (lễ "anh em", được tổ chức để tôn vinh mối quan hệ thiêng liêng và vô điều kiện giữa anh trai và em gái).
Zee News cho biết vùng Marathwada, bang Maharashtra ba năm nay liên tục hạn hán, dẫn đến tình trạng gia tăng đáng báo động các vụ tự tử của nông dân. Năm 2014, khu vực này có 574 vụ nông dân tự tử, trong khi từ đầu năm đến nay có đến hơn 628 vụ.
Chiến tranh, chết chóc và đói nghèo, nhất là nạn đói năm 1945 ở nước ta hẳn ai cũng biết, những người đã trải qua thời kỳ đó chắc chắn khó nguôi ngoai.
Không nuôi nổi các con do hạn, bà Manisha Gatkal đã tự tử - Ảnh: ZeeNews
Thời nào cũng vậy, không ai mong sẽ có những cuộc chiến tranh, phải ly hương và chết chóc vì đói khát, nhất là thời hiện đại - nhưng cuộc sống luôn có những điều như vậy. Vì thế, mỗi chúng ta không chỉ biết xót xa, không chỉ có nguyện cầu mà còn phải hành động bằng cách tiết kiệm và san sẻ, hòa giải với chính những xung đột trong bản thân để không tạo ra những cuộc chiến bên trong, không đưa tới hành xử điên cuồng với cuộc sống gần gụi bên mình, trong những mối quan hệ thân cận...
Đó có lẽ là cách mà chúng ta thường quên, vì chúng ta hướng ngoại nhiều hơn. Thực ra, chúng ta có thể góp tay xây dựng hòa bình và ươm lên hạt mầm yêu thương từ suy nghĩ, lời nói, ứng xử hàng ngày một cách tinh tế trong sự thực tập và nhìn sâu sắc, thấy nhân quả một cách rõ ràng...
Cầu nguyện mọi người hòa bình với mình, với người, với cuộc sống... Nguyện những đau thương được chuyển hóa thành những điều tích cực trong tình thương và sự hiểu biết, để nỗi ám ảnh hôm nay thực sự khiến con người thức tỉnh - để không "đổ dầu vào lửa" nữa! Và kiên quyết nói không với bạo động, với chiến tranh... ngay trong mỗi giờ thực tập.
* Bài viết là chia sẻ riêng, văn phong của tác giả. Mời bạn chia sẻ những góc nhìn cuộc sống, mang tính thời sự, qua nhãn quan Phật giáo. Hoan hỷ gửi bài về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.