Tu sĩ phạm Giới luật: Nỗi đau và lời cảnh báo

GN - Lần đầu tiên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có quyết định tước bỏ tư cách Tỳ-kheo, loại khỏi đoàn thể, vĩnh viễn không được tham dự vào hội chúng Tăng-già, suốt đời không được thọ giới pháp của một cá nhân tu sĩ được xác nhận là vi phạm Giới luật nghiêm trọng.

Theo đó, ngày 16-6-2016, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có Quyết định số 289/QĐ-BTS.PGTP thành lập Hội đồng Yết-ma để giải quyết vụ việc bà Nguyễn Thị K.O và bà Triệu Thị V. có đơn tố cáo hành vi vi phạm Giới luật, Giáo luật của tu sĩ Thích Quảng Hội, thế danh Tôn Thất Huy (sinh năm 1978 tại Đồng Nai, hiện cư trú tại số 198 đường 9, P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM) lên Ban Trị sự PG TP, Ban Tăng sự GHPGVN TP.

Ngày 17-6-2016, Hội đồng Yết-ma đã nhất trí quyết định “Phạm dâm giới - phải diệt tẩn khỏi hàng ngũ Tăng-già” là tội kết thành danh đối với bị đơn Thích Quảng Hội. Đây là trường hợp đầu tiên, Giáo hội TP.HCM thành lập Hội đồng Yết-ma gồm chư vị giáo phẩm gồm nhiều ban, ngành đưa trường hợp tu sĩ vi phạm Giới luật ra xét xử.

Căn cứ vào kết quả của Hội đồng Yết-ma, Quyết định số 290/QĐ-BTS.PGTP của Ban Thường trực BTS PG TP ấn ký ngày 23-6-2016, ban hành công nhận bản Quyết nghị của Hội đồng Yết-ma (ký ngày 18-6-2016) thi hành Giáo luật đối với tu sĩ Thích Quảng Hội chính thức có hiệu lực (xem đầy đủ diễn tiến của vụ việc trên Giác Ngộ số 851).

Giáo hội, cá nhân tu sĩ đều phải có trách nhiệm

Theo tinh thần Giới luật, việc một tu sĩ bị “diệt tẩn” được xem như người đã chết (trong Tăng đoàn). HT.Thích Minh Thông, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự PG TP cho biết: “Đây là lần đầu tiên Giáo hội TP.HCM thành lập Hội đồng Yết-ma để thực thi xét xử tu sĩ vi phạm Giới luật, điều mà trước đây chưa từng xảy ra đối với Phật giáo TP.HCM.

Căn cứ vào Luật tạng, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư (Chương XI, Điều 53) có nêu, nếu Phật giáo địa phương có người phạm giới căn bản thì địa phương đó được quyền thành lập Hội đồng Yết-ma để xét xử theo luật Phật chế định, xong rồi giải tán Hội đồng Yết-ma. Vụ việc tu sĩ Quảng Hội, Ban Tăng sự TP có thành lập Hội đồng Yết-ma gồm 20 chư tôn đức quyết định tu sĩ Quảng Hội vi phạm Giới luật, không còn tư cách là một Tỳ-kheo trong đoàn thể Tăng-già, sau này không được xuất gia vào trong hàng ngũ Tăng đoàn nữa”.

Hòa thượng cũng cho biết, theo tinh thần Luật tạng, Đức Phật đưa ra, vị Tỳ-kheo nào phạm vào một trong bốn pháp Ba-la-di (bốn giới trọng) không thể sám hối; còn lại, nếu phạm vào những giới khác mà biết ăn năn, hối cải, có sự tàm quý, thì theo pháp có thể sám hối.

Như vậy, nếu phạm Ba-la-di, một vị Tỳ-kheo ngay đó sẽ không còn tư cách một Tỳ-kheo nữa, không còn là thành viên của đoàn thể Tăng-già (từ Ba-la-di nghĩa là biên tội, tức là bỏ ra khỏi biển - Phật pháp ví như biển, không chứa tử thi; đoàn thể Tăng-già không chứa người phạm giới). Do đó, xét thấy tu sĩ Quảng Hội phạm vào tội trọng không thể sám hối và không có tâm hổ thẹn nên Hội đồng Yết-ma quyết định trục xuất vị này ra khỏi Tăng đoàn.

Vụ việc của tu sĩ Quảng Hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Tăng đoàn cũng như hình ảnh của Giáo hội. Do đó, PG TP xử phạt để làm gương cho giới tu sĩ nói chung và Tăng Ni trẻ nói riêng. “Đây cũng là một cơ hội để Giáo hội TP.HCM chỉnh đốn lại hàng ngũ xuất gia, nhất là hàng Tăng Ni trẻ. Vụ việc xảy ra thật sự là nỗi đau của Phật giáo nhưng đó cũng  là duyên tốt để Phật giáo nhìn thẳng vào sự thật để chỉnh đốn lại hàng ngũ Tăng Ni trẻ ngay từ bây giờ vì Giới luật bị quên lãng và đạo đức xuống cấp. Việc cảnh báo này sẽ không bao giờ là thừa”, Hòa thượng cho biết.

Thực tế đời sống hiện đại ngày nay có nhiều yếu tố tác động, dễ khiến người xuất gia phạm Giới hơn trước đây. Đó là cá nhân người tu không tuân thủ theo lời Phật dạy, không nghiêm trì Giới luật. Tăng Ni trẻ ngày nay cũng có xu hướng muốn tự do, thích hưởng thụ, xa thầy tổ, thích ở riêng “làm đạo” một mình nên dẫn đến hiện trạng xây dựng am, thất tự phát, không được sự quản lý của Tăng đoàn… đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tu sĩ vi phạm Giới luật. HT.Thích Minh Thông trăn trở: “Đó cũng là trách nhiệm của Giáo hội, thầy tổ và cũng là trách nhiệm cá nhân của mỗi tu sĩ. Ngày nay, đôi khi Tăng Ni đông đảo quá nên sự kiểm soát của Giáo hội không được chặt chẽ.

Bên cạnh đó, người xuất gia lơ đễnh, quên đi tâm nguyện ban đầu, chạy theo vật chất bên ngoài nên Tăng Ni cần sự nhắc nhở của Giáo hội, Tăng đoàn. Chính cá nhân mỗi người phải thật sự tu tập cho bản thân mình, nêu cao ý thức mình là một người xuất gia. Giáo hội và cá nhân người xuất gia đều phải có trách nhiệm giữ gìn Tăng đoàn, giữ gìn bản thể Tăng-già trong sáng.”

Giải pháp - luôn phải nhắc nhở về Giới luật

Vụ việc của tu sĩ Quảng Hội như một hồi chuông cảnh báo cho Giáo hội cũng như Tăng Ni trong bối cảnh am, thất tự phát ngày càng nhiều tại TP.HCM. Đi tìm các giải pháp để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, HT.Thích Minh Thông cho rằng, Tỳ-kheo thọ giới rồi thì phải học Giáo luật, 5 năm không được xa thầy tổ, không được lơ đễnh, tránh tối đa ngoại duyên bên ngoài.

Ngày nay, có nhiều hiện tượng Tăng Ni cất am, thất, sinh hoạt riêng một mình, buông lung, xa rời Giới luật, Tăng thân… Chính vì quá tự do, trong khi đó Tăng Ni sức tu còn thiếu, chưa vững vàng, không kiểm soát được bản thân trước những cám dỗ nên dễ xảy ra vi phạm Giới luật. Cho nên, Đức Phật dạy, hàng Tỳ-kheo lúc nào cũng phải lấy Giới luật làm tường rào, làm thành lũy để mà gìn giữ.

Gioi Luat va Nghi Le (15).JPG

Tăng Ni trẻ thăm gia khóa bồi dưỡng Giới luật, nghi lễ do BTS PG TP.HCM tổ chức - Ảnh: B.T

Với nỗ lực của mình, trong thời gian qua, BTS PG TP, Ban Tăng sự PG TP cũng đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng về Giới luật cho Tăng Ni trẻ. Trong các khóa học này, Giới luật luôn được nhắc tới nhắc lui cho thấm nhuần, nhằm giúp Tăng Ni trẻ phải ý thức bồi dưỡng tự thân, tu bồi giới hạnh để gìn giữ tâm nguyện xuất gia ban đầu tốt đẹp, dũng mãnh của mình. Chư tôn đức giáo phẩm luôn nhắc nhở Tăng Ni sống với đời sống nội tâm, luôn sống với đời sống tri túc, thiểu dục hay tứ thánh chủng.

“Trên cương vị cá nhân, tôi cho rằng chúng ta cần thời gian chứ không thể trong một sớm một chiều giải quyết được vấn đề Tăng Ni trẻ cất am, thất, sống tự do. Theo tôi, Giáo hội nên có những khóa bồi dưỡng Giới luật, bắt buộc Tăng Ni ở am, thất, tự tu phải đi học. Về phía ngành quản lý Tăng sự (là ngành chuyên về Giới luật), nên luôn nhắc nhở, cứ nói Giới luật để họ ý thức được vấn đề của người xuất gia và trọng trách của một Tỳ-kheo.

Một mặt, Giáo hội cần thể hiện giáo quyền của mình, tức là hạn chế tối đa cho Tăng Ni ra ở ngoài am, thất, tự do sinh hoạt tín ngưỡng. Giáo hội, chư tôn đức giáo phẩm đi trước đóng vai trò là người chỉ đường, chỉ phương thuốc để điều trị bệnh, còn có chịu đi, chịu uống thuốc hay không còn phải tùy vào chính bản thân Tăng Ni nữa”, HT.Thích Minh Thông cho biết.

“Thực tế, trong quản lý Tăng sự, Giới luật phải được áp dụng triệt để nhằm gìn

 VG (3).JPGHT.Thích Minh Thông - Ảnh: V.G

giữ Tăng đoàn, nếu không nương vào Giới luật thì khó giữ gìn đoàn thể Tăng-già. Giới luật phải luôn luôn được áp dụng vào đời sống sinh hoạt Tăng Ni. Vì lẽ, Giới luật là sức sống để duy trì mạng mạch Phật pháp, mạng mạch của Tăng-già.

Trong đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn, Giáo luật phải nương vào Giới luật để giáo hóa Tăng Ni nhằm giúp họ sửa đổi. Giáo luật trong sinh hoạt của Tăng-già là để Giới luật được sáng rõ hơn nhưng phải theo khuôn phép, mực thước. Giới luật là do Đức Phật chế định. Giới luật có giá trị tuyệt đối, là mực thước, không ai được quyền sửa đổi hay làm khác đi.

Từ xưa đến nay, nếu Giáo hội có xử lý Tăng Ni phạm giới, Hội đồng Yết-ma cũng phải căn cứ vào Giới luật. Trường hợp của Quảng Hội là “diệt tẩn” tức là “loại trừ”; trường hợp này phải xử như vậy, không còn cách nào khác”, HT.Thích Minh Thông cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày