Tu trong thời đại 4.0

GN - Nhớ ngày nào chùa mở khóa tu đầu tiên, lúc đó chùa rất nghèo; để phục vụ cho khóa tu hơn 500 người, các bà các chị phải nhặt củi, nấu cơm ở vườn chùa. Ngày nào trời mưa thì thôi rồi các đầu bếp rất vất vả. Nhưng mà ai cũng vui, có lẽ niềm hoan hỷ của Hòa thượng truyền cho tất cả mọi người...

phatgiao.jpg

Ngày đầu tiên, các khóa sinh phải nộp hết điện thoại cho Ban Tổ chức. Một thói quen bao ngày, tự dưng bị ngắt, thật là khó chịu. Có lần, một khóa sinh nữ mượn điện thoại để gọi cho bố mẹ rồi… biến mất, làm cho mọi người gọi vui về việc đó là: “Một phút mềm lòng, lung lay tam muội”.

Ngồi đun bếp nhìn lửa cháy bập bùng, tôi nghĩ, tụi trẻ ngày nay thật có phước, được sống những ngày hạnh phúc bên Hòa thượng và quý thầy cùng các bạn đồng tu, được tận hưởng những phút giây tịnh lạc thật khó quên. Sau những ngày sống giản dị và tràn ngập yêu thương này, chúng lại trở về đời thường, trong ngôi nhà xưa, bên cha mẹ và bạn bè, lại sống với những thói quen cũ. Làm thế nào để lan tỏa những thói quen tu tập vào trong cuộc sống đời thường thì mới có thể đem lại sự an lạc cho bản thân, người thân và cộng đồng.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện “lung lay tam muội”, và nhận ra rằng chiếc điện thoại thông minh chính là phương tiện cần thiết. Thay vì loại bỏ thì dùng chính cái thói quen sử dụng điện thoại đó để hướng chúng về cảnh giới thiện, tâm ý mà thiện thì hành vi sẽ lành. Tuổi trẻ mới bắt đầu cuộc sống, chúng cần phải ước mơ, hoài bão, hy vọng; chúng cần phải mạnh mẽ, dấn thân để thành đạt, vì sau này chúng sẽ có bổn phận gánh vác trách nhiệm gia đình, xã hội. Chưa thể dạy lớp trẻ từ bỏ như quán bất tịnh hay tư tưởng vô trụ của kinh Kim cang, cho nên nhiều lớp giáo lý cứ rơi rụng dần, có lẽ vì các bài giảng ấy không mấy phù hợp với tuổi trẻ.

Tuổi trẻ cần sống theo tư tưởng kinh Phước đức, kinh Thập thiện, kinh Nhân quả, kinh Thiện Sanh, kinh Nghiệp báo sai biệt v.v... Khi hiểu rõ nhân quả-nghiệp báo rồi, chúng có thể tự mình cân nhắc rõ ràng, thực hành một cách hiểu biết con đường mình sẽ chọn. Đến tuổi trung niên, khi đã học đầy đủ vinh nhục khổ vui của cuộc đời, chúng sẽ nhận ra sự vô thường của tiền tài, danh sắc mà tầm thầy học đạo, tìm ra con đường Tứ Thánh đế, Bát Chánh đạo, tìm ra cách phá các thói quen chấp trước, học được cách cống hiến, xả bỏ, khoan dung độ lượng, từ bi hỷ xả, giải thoát khinh an!

Và thật là may, các pháp thoại của quý thầy đã được phổ biến trên YouTube, Facebook. Mỗi người sẽ có một đạo tràng tâm linh của riêng mình. Không những các bạn trẻ, mà các cụ già cũng đều khá thành thạo ứng dụng công nghệ, các cụ trong đạo tràng đều biết sử dụng YouTube, sử dụng Grab để gọi xe khi đi chùa hay về nhà, các cụ cũng không hề lạc hậu.

Có một lần, tôi nghe một chàng sinh viên nói với mẹ của mình rằng: Thời xưa thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nhưng thời nay con cái lại có thể hướng dẫn lại cha mẹ về công nghệ. Chúng con có thể cài đặt App và hướng dẫn cha mẹ sử dụng. Chúng con vận dụng công nghệ để làm rất nhiều việc phục vụ đời sống một cách chính xác, vô tư và tiện lợi. Nghe những điều đó, tôi thật sự chấn động, những rào cản bị phá vỡ, chúng tôi cũng nhìn lại mình, và học cách hòa hợp thích nghi.

Chính tư duy đó cũng làm thay đổi rất nhiều người già. Mẹ của tôi năm nay đã 85 tuổi, nhân một lần có duyên lành nghe pháp thoại của Hòa thượng Tôn sư trên YouTube, bà đã thâm nhập được kinh điển và tinh tấn tu hành, ngày ngày đều theo khóa tu có hướng dẫn của Tôn sư trên YouTube. Mỗi khi có điều gì không vừa ý, thay vì giận hờn, trách mắng thì bà lại hoan hỷ từ bi. Bà nghĩ: Hòa thượng tôn quý như thế mà hàng ngày còn từ bi, còn giáo hóa, còn tiết kiệm phước... thì mình đã là gì đâu mà này nọ. Cứ như thế, bà đã thay đổi trở nên hiền lành, trở nên hoan hỷ và khiến cho tất cả các con trai gái dâu rể đều kính trọng. Và bà cũng sở hữu một tài khoản Grab,  Zalo, Facebook, YouTube. Chả lạc hậu tí nào! Sự hòa hợp với công nghệ thật vi diệu!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày