Tu và hoằng pháp

Bản thân Đức Phật và những đệ tử của Ngài thuở ban đầu đi tu đều vì mục đích được giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi - Ảnh minh họa
Bản thân Đức Phật và những đệ tử của Ngài thuở ban đầu đi tu đều vì mục đích được giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tu là tu cho bản thân mình, thuộc về phần tự lợi, còn hoằng pháp là đem giáo pháp truyền bá rộng ra cho chúng sinh được lợi ích, thuộc về phần lợi tha.

Trong hai bổn phận này của người tu thì phần tu phải được chú trọng trước tiên, còn việc hoằng pháp dù cũng quan trọng nhưng không thể nào quan trọng hơn phần tu được.

Muốn biết cốt lõi của Phật giáo là gì thì ta hãy quay trở lại cội nguồn của Phật giáo. Bản thân Đức Phật và những đệ tử của Ngài thuở ban đầu đi tu đều vì mục đích được giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Còn việc truyền bá Chánh pháp chỉ thực hiện sau khi đã giác ngộ, hoặc đã chứng được một trong tứ quả Thanh văn, hay chí ít cũng đã nắm vững được pháp môn tu và hưởng được phần nào hương vị giải thoát. Chính vì chủ trương như thế, cho nên khi Đức Phật còn tại thế, người nào sau khi xuất gia cũng tập trung vào việc tu tập để chứng quả và coi đó là bổn phận duy nhất của mình. Trong suốt cuộc đời, Đức Phật chưa bao giờ bảo đệ tử mới xuất gia phải truyền bá Chánh pháp. Ngài chỉ bảo điều đó đối với những vị đã chứng quả, đã đặt gánh nặng sinh tử xuống rồi mà thôi. Và đây là lý do vì sao vào thời Đức Phật, số người chứng quả rất nhiều. So sánh với việc tu hành của Tăng Ni ngày nay, ta thấy điều đó hoàn toàn ngược lại.

Ngày nay, một người sau khi xuất gia ít được dạy mục tiêu chính của xuất gia là giác ngộ giải thoát, mà chỉ dạy về việc hoằng pháp và ứng phú đạo tràng mà thôi. Ngay cả cái gọi là “hoằng pháp” ở các chùa hiện nay cũng cần phải được xem lại, không phải chùa nào có nhiều tín đồ thì được gọi là hoằng pháp thành công.

Một số chùa có số lượng người đến rất đông, nhưng họ đến không phải để tu học mà là để làm lễ siêu độ cho vong linh người thân. Có chùa một tháng 30 ngày thì có đến 29 ngày có đám, có ngày còn hai, ba, bốn đám. Hầu hết những đám như vậy đều do nhà chùa phụ trách nấu nướng để cúng vong và sau đó đãi gia chủ. Gia chủ chỉ đưa tiền là nhà chùa làm hết từ khâu đi chợ, nấu nướng, dọn bàn cho đến rửa chén bát, chẳng khác nào đặt bàn ăn ở nhà hàng vậy. Gia chủ chỉ đưa tiền rồi chễm chệ ngồi ăn, để cho chư Tăng Ni phục vụ. Ăn xong rồi cũng không phụ dọn xuống, không biết tội phước là gì cả. Ngoài ra, chư Tăng Ni còn đến nhà Phật tử để cúng đám tang, cầu siêu, cầu an, cúng xe, cúng đường theo yêu cầu của Phật tử. Một số chùa vì muốn lấy lòng Phật tử nên mỗi dịp lễ vía hay Tết đều làm rất nhiều bánh mứt để biếu Phật tử và những người đi chùa. Thành thử Tăng Ni ở chùa quanh năm suốt tháng lúc nào cũng bận rộn hết việc này tới việc kia. Cái duy nhất mà họ đạt được là chùa họ có nhiều Phật tử, nhiều người đến cúng dường, và họ gọi đó là hoằng pháp lợi sinh.

Có phải Đức Phật dạy chúng ta hoằng pháp lợi sinh theo kiểu đó? Có phải đó là mục đích chân thật của người cắt ái từ thân để đi tu? Khi đi tu chúng ta đã từ bỏ rất nhiều thứ, vậy thì chúng ta phải đạt được cái gì đáng giá hơn, cao thượng hơn, chứ không phải chỉ là chuyển từ… bán hủ tiếu mặn sang hủ tiếu chay! Người tu phải coi sinh tử là việc lớn, đặt mục tiêu tu hành làm mục tiêu tối thượng, mục tiêu hàng đầu, ngoài mục tiêu đó ra không còn mục tiêu nào quan trọng hơn. Tôi thỉnh thoảng trò chuyện với một số Tăng Ni trẻ, những người mới xuất gia tu hành chưa bao lâu. Họ bày tỏ thái độ bất mãn với các vị trụ trì nơi họ đang ở. Khi họ chưa đi tu, nghe vị giảng sư thuyết pháp về con đường giải thoát hay quá nên xuất gia để được chuyên tâm tu tập tìm cầu giải thoát. Thế nhưng khi xuất gia rồi, họ thấy cơ hội tu tập còn hiếm hoi hơn khi chưa xuất gia nữa. Khi chưa xuất gia còn có thời gian học kinh, ngồi thiền, nhưng xuất gia rồi thì làm quần quật từ sáng đến tối để phục vụ khách, nếu không cúng kiếng thì cũng bưng bê như một bồi bàn. Có người còn bức xúc, nghẹn ngào bày tỏ: “Mình bỏ cha mẹ mình ở nhà không phụng dưỡng lại đi vô chùa phục vụ cho những người mà thật ra không có ơn nghĩa sâu nặng gì với mình”. Tôi nghe vậy cảm thấy khá buồn, nhưng cũng nhắc nhở người đó rằng, “biết đâu chừng sau này con làm trụ trì, con cũng bắt chúng làm y như vậy”. Người ấy cười buồn: “Dạ, không đâu thầy”.

Lời nhắc nhở của tôi không phải không có cơ sở. Hai mươi năm trước, khi tôi học Trung cấp Phật học, một số huynh đệ cùng lớp cũng bất mãn với những người lớn như vậy, và họ nói rằng sau này làm trụ trì họ sẽ khác. Thế nhưng khi làm trụ trì, họ cũng không làm khác mấy. Chúng ta cần phân biệt giữa hoằng pháp độ sinh và làm tăng số lượng tín đồ. Hoằng pháp độ sinh là đem giáo pháp đến với mọi người để họ có thể tu tập, biết luật nhân quả, phân biệt thiện ác, làm lành hướng thiện, đem lại lợi ích và sự an lạc cho cá nhân, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Việc hoằng pháp xuất phát từ lòng từ bi muốn cho người khác hiểu giáo pháp để tu tập. Ngược lại, nếu chỉ nhằm mục đích tăng số lượng tín đồ thì vai trò của giáo pháp có thể bị lu mờ, bị bỏ qua hay thậm chí bị bóp méo, như việc một số chùa bày ra những trò mê tín dị đoan hay giải trí tầm thường để thu hút tín đồ. Với những việc làm ấy, người ta có thể đến chùa rất đông, nhưng đến để làm thượng khách, coi thường Tăng Ni. Những người đi chùa như thế chẳng những không được phước mà còn tội thêm. Hoằng pháp đúng nghĩa sẽ tạo ra những người Phật tử biết kính tín Tam bảo, biết nhân quả, biết vị tha; còn hoằng pháp không đúng nghĩa thì kết quả sẽ ngược lại, dù đi chùa nhưng tham sân si vẫn không được diệt trừ, vẫn không ngại lọc lừa người khác để được lợi, vẫn sẵn sàng tấn công người khác khi quyền lợi bị đụng chạm. Hoằng pháp (đúng nghĩa) sẽ làm cho cá nhân hạnh phúc và xã hội bình an, còn quy tụ tín đồ thì có thể người đi chùa đông nhưng chưa chắc đã hiểu Phật pháp cũng như ứng dụng Phật pháp vào đời sống.

Chúng ta đừng nghĩ nếu chỉ lo tu mà không hoằng pháp thì sẽ không ai biết đến Phật pháp, Phật pháp sẽ suy tàn. Tu hành để chứng ngộ là cái lõi của cây Phật giáo. Khi cái lõi không còn thì cây ấy sẽ suy tàn, dù cành lá trông có vẻ sum suê. Phật giáo không phải là một tổ chức từ thiện, cũng không phải là một ngành giáo dục, càng không phải là một hệ thống quyền lực, cho nên không cần phải giàu hay mạnh để làm gì. Phật pháp chỉ đơn giản là để tu, vậy thôi.

Nếu Phật giáo thật sự tu hành đúng nghĩa, đúng mục tiêu, mục đích của người xuất gia thì không cần quảng bá người ta cũng đến với Phật giáo, đến với quý Tăng Ni để học hỏi và tu hành theo.

Trong kinh Tiểu kinh Ví dụ lõi cây (Trung bộ kinh), Đức Phật đã nhắc nhở một số người nhầm lẫn về mục đích của việc xuất gia: “Ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi và tưởng rằng đó là lõi cây… Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.Trong đó, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng là cành lá, giới đức là vỏ ngoài, thiền định là vỏ trong, tri kiến là giác cây, và tâm giải thoát bất động là lõi cây. Rồi Ngài kết luận rằng: “Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh” của “người vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày