Tứ Vô sở úy

GN - Vô sở úy có nghĩa là hoàn toàn tự tin, không hề sợ hãi trước bất kỳ ai và bất cứ điều gì; là phẩm tính toàn thiện của bậc Chân nhân, đấng Giác ngộ. Tứ vô sở úy là bốn đức tự tin, không sợ hãi của Thế Tôn khi thuyết pháp, thuộc mười tám phẩm tính đặc thù mà trời người không thể có (thập bát bất cộng). 

tuvoso.jpg


Vô sở úy có nghĩa là hoàn toàn tự tin, không hề sợ hãi trước bất kỳ ai và bất cứ điều gì

Theo kinh Trung bộ (Đại kinh Sư tử hống), bốn vô sở úy là: 1- Đã chứng ngộ những gì thuyết giảng. 2- Đã đoạn trừ hết thảy lậu hoặc. 3- Biết rõ các chướng ngại pháp. 4- Pháp dạy quyết định dẫn đến đoạn tận khổ đau. Kinh A-hàm dưới đây cũng nói tương tự như thế về bốn đức vô úy của Thế Tôn.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như Lai xuất hiện ở đời có bốn vô sở úy. Như Lai được bốn vô sở úy này, ở trong thế gian không có chỗ dính mắc, ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe Pháp. Thế nào là bốn?

Nay Ta đã thành tựu pháp này, dù cho Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, loài bò bay máy cựa, ở trong đại chúng bảo Ta không thành tựu pháp này, việc này chẳng đúng; Ta không sợ hãi. Đó là vô sở úy thứ nhất.

Hôm nay, như Ta các lậu hoặc đã hết, không thọ thân nữa. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, các loài chúng sanh, ở trong đại chúng nói Ta chưa sạch hết các lậu hoặc; việc này chẳng đúng. Đó là vô sở úy thứ hai.

Nay Ta đã lìa pháp ngu tối, muốn cho ngu tối trở lại, không có việc này. Nếu lại có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sanh, ở trong đại chúng nói Ta bị ngu tối trở lại; việc này không đúng. Đó là vô sở úy thứ ba của Như Lai.

Pháp xuất yếu của chư Như Lai dứt hết khổ, muốn cho không xuất yếu, trọn không có việc ấy. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, các loại chúng sanh, ở trong đại chúng, nói rằng Như Lai chẳng dứt hết khổ; việc này chẳng đúng. Đó là vô sở úy thứ tư của Như Lai.

Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tứ đế,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.23)

Bốn vô sở úy của Đức Phật về chi tiết trong các kinh không đồng nhất, nhưng đại thể vẫn là: 1- Nhất thiết trí vô sở úy: Đức Phật tuyên bố rõ rằng Ngài là bậc nhất thiết trí, đã chứng ngộ và giải thoát nên tự tin, không sợ hãi, không khuất phục bất cứ điều gì. 2- Lậu tận vô sở úy: Đức Phật tuyên bố rằng Ngài đã đoạn tận hết thảy phiền não và không sợ hãi các chướng nạn. 3- Thuyết chướng đạo vô sở úy: Đức Phật thuyết về các pháp làm chướng ngại Thánh đạo và không sợ hãi đối với bất cứ sự bắt bẻ nào. 4- Thuyết tận khổ đạo vô sở úy: Đức Phật thuyết về con đường xuất thế, giúp diệt tận khổ não và không sợ hãi bất cứ điều gì. 

Dĩ nhiên Ngài là bậc Giác ngộ nên không sợ hãi, còn chúng ta hàng đệ tử chưa giác ngộ nên sợ hãi cũng là chuyện thường. Có điều, dẫu còn sợ thì cũng nên sợ vừa thôi. Chỉ sợ những gì thực sự đáng sợ còn lại hãy phát huy trí dũng mà ngẩng cao đầu. Học theo hạnh Ngài ‘ở trong thế gian không có chỗ dính mắc, ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe Pháp’. Sở dĩ ngày nay chúng ta nhiều sợ hãi, không rống lên tiếng sư tử khiến muôn loài nép phục, không chuyển vận bánh xe Pháp được vì dính mắc nhiều quá. Lệ thường đã dính vào thì kẹt, ‘mở miệng mắc quai’ nên đành ‘mũ ni che tai’, việc ai… tôi không biết.

Thì ra, muốn học theo hạnh vô úy, tự tin và không sợ hãi thì trước phải xả buông ‘ở trong thế gian không có chỗ dính mắc’, sau mới ‘ở trong đại chúng rống tiếng sư tử, chuyển bánh xe Pháp’.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày