Tuệ Tĩnh đường tịnh xá Lộc Uyển

GN - Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có rất nhiều phòng khám bệnh từ thiện, điều đó cho thấy vấn đề an sinh xã hội đang được quan tâm với tinh thần nhập thế của đạo Phật.Tuệ Tĩnh đường tịnh xá Lộc Uyển (Q.6), là một địa chỉ quen thuộc của nhiều người nghèo trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh lân cận tìm về… 

Bén duyên từ một mầm thiện

Sinh thời, HT.Thích Giác Đức, Đệ nhị Trưởng giáo đoàn VI, trụ trì tịnh xá Lộc Uyển, năm 1993 khi đi chữa bệnh, nhìn cảnh bệnh nhân nghèo không có nơi chữa trị cũng như thuốc uống, cảm thương những hoàn cảnh và mong muốn có một nơi chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo.

Hòa thượng đã chia sẻ điều đó với lương y Ba Thu đang điều trị cho mình, được sự khuyến tấn của Hòa thượng về tinh thần cũng như tạo điều kiện về cơ  sở vật chất, Tuệ Tĩnh đường tịnh xá Lộc Uyển ra đời từ đó.

Tue tinh duong.JPG


HT.Thích Giác Tuấn, TT.Thích Giác Nhuận và
các lương y cùng nhân viên Tuệ Tĩnh đường tịnh xá Lộc Uyển

Sau khi HT.Thích Giác Đức viên tịch (năm 1997), người điều hành trông coi là HT.Thích Giác Tuấn, Trị sự trưởng Giáo đoàn VI, trụ trì tịnh xá Lộc Uyển. Đến năm 2007, HT.Thích Giác Tuấn đã giao trọng trách quản lý và điều hành cho TT.Thích Giác Nhuận, phó trụ trì tịnh xá Lộc Uyển. TT.Thích Giác Nhuận chia sẻ: “Hiện nay phòng thuốc hoạt động theo Giấy phép số 1016/QĐ-QLDVYT do lương y Huỳnh Bửu, Chứng chỉ hành nghề 244/CCHN- YHCTTN, phụ trách về chuyên môn. Tôi là người quản lý, chịu trách nhiệm chung cũng như phụ trách công tác vận động tài chánh cho phòng thuốc hoạt động”.

Hiện tại có 15 người đang công tác tại đây (gồm có 5 vị lương y, 2 bác sĩ khám bệnh, 3 vị y sĩ  và 5 vị cộng tác viên). Những người này đều làm việc thiện nguyện và không nhận lãnh một đồng lương nào. Được biết, phòng thuốc mở cửa mỗi tuần 2 ngày vào thứ Năm và Chủ nhật với số lượng bệnh nhân về khám bệnh có lúc lên đến 200 người.

Tại Tuệ Tĩnh đường, nguồn thuốc Nam vận động từ các vườn ở tận các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Phật tử Thiện Quý (H.Bình Chánh) hỗ trợ. Riêng thuốc Bắc thì vận động các phụ huynh, quý Phật tử, mạnh thường quân, những người từng chữa bệnh ở đây... hỷ cúng. Mỗi tháng tịnh xá còn chi thêm khoảng hơn 20 triệu đồng để mua các dụng cụ như: bông băng, kim châm cứu, cồn... để phòng thuốc có đầy đủ điều kiện hoạt động và phục vụ cho bệnh nhân.

Mang niềm tin đến với bệnh nhân nghèo

Bà Huỳnh Thị Tư, 70 tuổi ở Q.6, TP.HCM cho biết: “Tôi đã đến chữa bệnh tại đây từ năm 2013 với chứng bệnh đau khớp gối, tay chân. Sau khi được các lương y ở đây bắt mạch, châm cứu cũng như  hốt thuốc về sắc uống đã thấy thuyên giảm, nên duy trì đến đây chữa bệnh hơn 2 năm nay. Những lương y ở đây rất nhiệt tình, hướng dẫn cặn kẽ và hòa đồng nữa”.

Còn cô Lê Thị Én (sanh năm 1967) ở thị trấn Tân Túc (H.Bình Chánh, TP.HCM) bị chứng viêm đường tiết niệu, đã chữa theo Tây y, nhưng thấy không đỡ. Sau khi nghe các lương y tư vấn và phác thảo phác đồ điều trị, mới uống một vài thang thuốc mà thấy bệnh tình có chiều hướng giảm xuống.

Cảm thông với nỗi khó khăn lại thêm bệnh tật của người nghèo và nhận thấy đây là việc làm có ý nghĩa nên không ít vị lương y đã từ chối những khoản thù lao lớn, để gắn bó với công tác thiện nguyện này. Lương y Huỳnh Bửu đã công tác ở đây gần 20 năm, từ công việc ban đầu là phụ hốt thuốc, sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM, giờ là người phụ trách chuyên môn cho phòng thuốc.

Những năm tháng công tác ở đây là khoảng thời gian ông cảm thấy rất vui và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Được giúp đỡ những bệnh nhân nghèo khỏi bệnh, đối với lương y Bửu là việc hành thiện cho xã hội cũng như tạo công đức về mặt tâm linh.

Còn lương y Lê Thị Én, làm việc tại Tuệ Tĩnh đường tịnh xá Lộc Uyển vào thứ Năm, Chủ nhật và đã cộng tác hơn 10 năm nay. Đối với chị, mỗi ngày càng thấy yêu mến công việc này và mong có sức khỏe để tiếp tục phục vụ cho bệnh nhân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày