Ước mong về một trung tâm tu học ở miền Tây

Giác Ngộ - Thầy bảo: “Trung tâm tu học thầy đặt tên là Quê Hương”. Tôi thắc mắc về ý nghĩa tên chùa thì thầy giải thích: “Quê hương là hai từ gần gũi, gắn bó máu thịt với bất kỳ ai. Nó gợi cho người ta nhớ tới nguồn cội và quay về. Quê hương cũng là chỉ “bản lai diện mục” - Phật tánh trong mỗi chúng sinh”…

Trung tâm tu học Quê Hương (hay là chùa Quê Hương) chính là tâm nguyện của ĐĐ.Thích Phước Huệ (33 tuổi). Nhắc đến thầy, hẳn nhiều bạn đọc báo Giác Ngộ và quý thầy cô trẻ ở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM vẫn còn nhớ hình ảnh một vị thầy hiền lành, chất giọng miền Tây đặc sệt, giữ vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoằng pháp trẻ (Ban Hoằng pháp THPG TP.HCM). 

anh DD Thich Phuoc Hue.jpg

ĐĐ.Thích Phước Huệ - Ảnh: Bối Bối

Sau khi tốt nghiệp học viện khoá VI, thầy quay về quê nhà ở xã Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp, tiếp nhận 34.000m2 đất (của ba mẹ cúng dường) và hợp thức thành đất của Giáo hội Phật giáo VN. Từ đó, BTS Tỉnh hội và các cấp địa phương đã đồng ý để thầy lập nên ngôi phạm vũ mang tên Quê Hương (từ ngày 25-5-2010).

Ngôi phạm vũ ấy ban đầu được xây cất đơn sơ với nền gạch, nhà tranh nhưng “tiếng lành đồn xa” nên cũng có một số chú nhỏ ở trong huyện đến quy y và xin thầy cho tập sự xuất gia.

Riêng, đạo tràng Phật tử có khoảng 150 người, trong khi trước đó nơi đây không có chùa nên người dân chủ yếu là lương hoặc tín đồ tôn giáo khác. Bước đầu gặp thuận duyên đó càng là niềm vui khuyến tấn thầy tiếp tục hạnh nguyện “biến nơi này thành một trung tâm tu học ở miền Tây”.

Non nước hữu tình, đất đã được bằng phẳng từ sự cất công của tín chủ, cũng là người thân của thầy bằng hàng ngàn khối đất lấp ao hồ, san sửa mảnh đất thành nơi bằng phẳng. Giờ đây, tại ấp K8, xã Phú Đức bà con Phật tử đã hân hoan hơn vì có một ngôi chùa mới mọc lên, theo thiết kế sẽ trở thành trung tâm tu học giúp cho không chỉ họ mà còn những người bạn đạo khắp nơi đến đây trau dồi đạo đức, chuyển hoá khổ đau…

Thầy Phước Huệ chia sẻ: “Khi học ở Sài Gòn, quan sát thấy rất nhiều Phật tử miền Tây lặn lội “tầm sư học đạo” ở nhiều trung tâm tu học như chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM) hoặc các tu viện ở Đồng Nai, Lâm Đồng… nên tôi nghĩ nhu cầu về một đạo tràng lớn, giúp cho số lượng vài ngàn Phật tử có nơi tu học là cần thiết”.

Có lẽ chính vì nỗi ưu tư ấy mà ngay khi về đây ĐĐ.Phước Huệ đã ra tay kiến thiết một ngôi bửu điện khá lớn, cùng những khu như Cát Tường, Nhân Duyên dự kiến sẽ giúp cho người già, trẻ mồ côi có nơi nương náu…

Mục đích của Trung tâm tu học Quê Hương là gì, thưa thầy?

ĐĐ.Thích Phước Huệ : Chúng tôi xây dựng Trung tâm này nhằm ba mục đích chính:

- Là nơi sinh hoạt tâm linh, hướng dẫn các em thanh thiếu niên quay về nguồn cội văn hoá, lấy nền tảng đạo đức truyền thống của dân tộc theo tinh thần Đức Phật dạy: biết hiếu kính ông bà cha mẹ, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người.

- Mở ra các lớp xoá mù, dạy văn hoá cho các em, hướng nghiệp cho mọi người có công ăn việc làm cụ thể, giúp họ tự nuôi sống bản thân, gia đình một cách lương thiện và đúng pháp luật.

- Là ngôi nhà chung của tất cả mảnh đời bất hạnh, lang thang, không có nơi nương tựa, đặc biệt là các em mồ côi có chỗ quay về trú ngụ như sống trong một gia đình tại quê hương của mình!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày