Ưu tư cho sự hòa hợp và thống nhất nghi lễ Phật giáo mang sắc thái Việt

LTS: Ngay sau lễ khai mạc diễn ra trọng thể tại Hòn Ngọc Việt – TP. Nha Trang, chiều nay 16-10, Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II năm 2010 đã bước vào phiên thảo luận đầu tiên với nhiều bài tham luận thể hiện sự ưu tư của chư tôn đức Tăng Ni, đại biểu đối với sự hòa hợp và thống nhất nghi lễ Phật giáo mang sắc thái Việt.

Giác Ngộ Online lược ghi một số ý kiến của chư tôn đức Tăng Ni đại biểu.

* HT. Thích Huệ Minh - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Nghi lễ TƯGH:

Nghi lễ đóng vai trò quan trọng làm nên nét đẹp Phật giáo, nhưng hiện nay không ít những hoạt động nghi lễ đảo ngược vị trí của nó từ phương tiện biến thành cứu cánh, tạo ra những ranh giới kém lành mạnh giữa sinh hoạt nghi lễ với những tâm hồn thiếu quán triệt và khách quan. Đây là vấn đề cần được Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện cùng với Ban Nghi lễ Trung ương quan tâm chỉ đạo và có những quyết sách kịp thời khi phát sinh vấn đề vượt ngoài phạm vi nghi lễ truyền thống của Phật giáo.

AWT (2).JPG
HT. Thích Huệ Minh (thứ 2 từ trái qua)
tham gia đoàn chủ tọa phiên thảo luận chiều nay

Song song đó, để thống nhất nghi lễ phù hợp trong quá trình phát triển chung, Ban Nghi lễ Trung ương cần tổ chức giao lưu nghi lễ giữa các hệ phái, các vùng miền với nhau để chọn lọc, đúc kết những điểm chung để hình thành nên nghi lễ chung của Phật giáo Việt Nam.

* Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê:

Tôi rất e ngại khi được mời tham dự Hội thảo khoa học về Nghi lễ Phật giáo vì tôi chỉ nghiên cứu về những cách tán tụng trong truyền thống Phật giáo Việt Nam để so sánh với cách tán tụng trong truyền thống các nước Đông Á. Hôm nay tôi chỉ đề cập đến một vài nét đặc thù của âm nhạc Phật giáo, việc sử dụng âm nhạc trong những nghi tiết quan trọng và cho thấy sự liên quan mật thiết giữa âm nhạc Phật giáo và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

AWT (4).JPG

Theo tôi, văn hoá cũng như ngôn ngữ Phật giáo giúp cho âm nhạc, kịch nghệ truyền thống dân tộc có thêm nhiều yếu tố để làm giàu và phát triển. Trong lịch sử hàng ngàn năm đồng hành với âm nhạc dân tộc, dẫu trải qua nhiều thịnh suy nhưng âm nhạc Phật giáo vẫn giữ gìn những giá trị tinh thần truyền thống. Đằng sau các nghi thức tôn giáo là tâm linh dân tộc, do đó chúng ta đừng vì sự tiện lợi trong tổ chức hay biểu diễn mà làm mất đi cái hồn của bản sắc văn hoá.

* TT. Thích Nguyên An - Phó ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Gia Lai:

Hiện nay, nghi lễ Phật giáo đã và đang được đề cập rất nhiều, với tâm huyết của Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Gia Lai, chúng con xin đóng góp và đưa ra một vài ý niệm thô thiển về phạm vi của nghi lễ, chỉ mong sao đưa nghi lễ Phật giáo đến với vùng sâu vùng xa, cũng là ý niệm chung để chuyển tải được phần nghi lễ tâm linh đến với tất cả những người dân theo đạo Phật, đó cũng là chiếc cầu nối giữa con người và con người, cùng nhau hướng về những giá trị cao đẹp của nghi lễ Phật giáo mà Tổ Tổ đã tương truyền.

AWT (3).JPG

Ban thư ký phiên thảo luận chiều nay

* TT. Thích Tắc Ngộ - Ủy viên Ban Nghi lễ TƯGH, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo Long An:

Theo tôi nên mở các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghi lễ cho các Ban Nghi lễ tỉnh, thành do Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức, mang tính thường niên, mục đích là để bồi dưỡng thêm kiến thức nghi lễ cả về sự lẫn về lý cho các Ban Nghi lễ địa phương, ngoài ra cũng là dịp để giao lưu học tập những sắc thái nghi lễ dị biệt của các vùng miền với nhau. Hơn nữa là để các Ban Nghi lễ từ Trung ương đến địa phương có thể nhất quán với nhau trong nhận thức cũng như trong sinh hoạt nghi lễ.

AWT (6).JPG

Bên cạnh, các Ban Nghi lễ địa phương hằng năm vào mùa An cư cũng nên mở các khóa bồi dưỡng kiến thức nghi lễ cho trụ trì các tự viện, cũng như mở các lớp học nghi lễ lâu dài cho Tăng Ni trong tỉnh. Những hoạt động nầy sẽ góp phần duy trì và phát triển sắc thái nghi lễ địa phương, cũng như nâng cao nhận thức về nghi lễ, để sinh hoạt nghi lễ không còn mang tính tùy tiện tự phát mà thống nhất nhịp nhàng từ trên xuống dưới. Được vậy, Ban Nghi lễ mới có thể kiểm soát được hoạt động của ngành trong địa bàn, hạn chế bớt những tiêu cực có thể xảy ra.

* TT. Thích Quảng Hà - Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự, Phó ban Nghi lễ Trung ương:

Điều khiến chúng tôi băn khoăn nữa, đó là từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã dung hóa, hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với tín ngưỡng dân tộc qua bao thời đại. Với vị trí địa lý của từng vùng miền mà Phật giáo có những đặc trưng riêng. Do vậy, để thống nhất nghi lễ Phật giáo là vấn đề cấp thiết. Giáo hội cần có một nghi thức đại lễ chung sao cho đơn giản, uyển chuyển phù hợp với không gian và thời gian cho phép.

AWT (7).JPG

Tất cả những bản kinh, kệ tán cùng sử dụng chung một nghi thức, một văn bản, một tư liệu sao cho người chủ xướng lễ tán đại chúng dù là Bắc - Trung - Nam đều có thể hòa theo. Ngoài ra, ngày nay Hán tự không còn được chú trọng, kẻ hậu học phần nhiều không hiểu hết được thâm ý của nghi lễ, bởi thế cần Việt hóa nghi lễ để người thực hành hiểu trọn vẹn ý nghĩa của chân lý.

* TT. Thích Minh Châu - Ủy viên Ban Nghi lễ Trung ương, Trưởng ban Nghi lễ PG tỉnh Khánh Hòa:

AWT (1).JPG

Ban Nghi lễ Trung ương đã có những cố gắng nhứt định, để duy trì và phát huy giá trị của đời sống tâm thông qua những hình thái sinh hoạt đặc trưng nổi bật trong những tổ chức xã hội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần tích cực bổ túc để triển khai hiện thực hóa những kế hoạch đã đề ra từ lâu nhưng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, như trường hợp cần đưa nghi lễ vào chương trình đào tạo tại các trường sơ - trung - cao đẳng Phật học. Đây là vấn đề cấp bách cần gấp rút nghiên cứu triển khai để lĩnh vực nghi lễ có thêm nhân sự, phối hợp chặt chẽ cùng ngành hoằng pháp để công tác nầy thêm phần thuận lợi dễ dàng và đạt nhiều hiệu quả hơn.

* TT. Thích Pháp Chất -  Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó ban Nghi lễ Trung ương:

Nghi lễ Phật giáo Nam tông thường ngắn gọn, trang nghiêm, không rườm rà phức tạp, để nói lên tính chất đặc thù của Phật giáo là vô ngã và giải thoát. Và để nghi lễ Nam tông phát triển đồng bộ trong truyền thông tâm linh Phật giáo, chúng tôi nghĩ rằng những ngày lễ Phật đản, những tỉnh thành nào có Phật giáo Nam tông, phải có khóa lễ Phật giáo Nam tông.

AWT (5).JPG

Ngoài ra, cũng cần in nghi lễ Phật giáo Nam tông chung trong tờ bướm với nghi lễ Phật giáo Bắc tông để đại chúng có thể tụng đọc theo, nếu không thì nghi lễ Phật giáo Nam tông vì ít người đọc trở nên không đồng bộ và tính nhất quán không cao; những tỉnh thành nào có Phật giáo Nam tông, xin mời chư Tăng Phật giáo Nam tông tham gia vào các Ban Nghi lễ tỉnh, thành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày