Điêu khắc là khoa học nghệ thuật của không gian thông qua một khối lượng vật chất nào đó, hay nói cách khác là thông qua một khối lượng thể tích không gian, một tác phẩm điêu khắc sẽ tác động lên tư duy con người nhằm đem lại cho con người những cảm xúc thẩm mỹ. Bởi vậy, không gian là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các nhà điêu khắc đã phải quan tâm trong lúc xây dựng tác phẩm.
Trong điêu khắc Phật giáo, yêu cầu về không gian càng trở nên khắt khe hơn, tế nhị hơn; vì như chúng ta đã biết tôn giáo là hình thái triết học muốn lý giải thế giới bằng khía cạnh tinh thần. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền điêu khắc Phật giáo, làm cho điêu khắc Phật giáo mang tính tượng trưng cao độ và đầy ý nghĩa của sự huyền bí.
Là một trong những nước Á châu theo Phật giáo, Việt Nam cũng có rất nhiều tượng Phật đẹp, như khi nói đến lịch sử điêu khắc Phật giáo Việt Nam, dường như người ta nghĩ ngay đến tác phẩm Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Hà Bắc, vì đây là tác phẩm không những đẹp về mảng khối, đường nét, hay sự công phu tỉ mỉ mà còn độc đáo về sự sáng tạo trong cách xử lý và biểu hiện không gian. Đến nỗi khi xem người ta cảm thấy như “cả không gian được gồm thâu và tỏa sáng rực rỡ”.
![]() |
Quan hệ giữa kiến trúc Phật giáo và điêu khắc Phật giáo
Khi đề cập đến điêu khắc Phật giáo, chúng ta không thể bỏ qua mối liên hệ chặt chẽ giữa điêu khắc và kiến trúc. Đặc điểm của kiến trúc Phật giáo là các công trình xây dựng chùa chiền so với các công trình kiến trúc tôn giáo cùng thời ở các châu lục khác, nhỏ, thanh nhã, dễ gần gũi chứ không có vẻ bề thế áp đảo. Với tập quán xây dựng khiêm tốn như thế cho nên tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được đặt trong khoảng không gian hẹp, thậm chí rất hẹp, ánh sáng tự nhiên ban ngày bị hạn chế, gần như chỉ còn lại ánh sáng của các ngọn đèn dầu. Chúng ta sẽ cảm thấy hơi ngột ngạt khi vừa bước vào điện thờ nơi đặt tượng, nhưng dần dần từ chính cái ánh sáng lung linh yếu ớt từ các ngọn đèn dầu ấy chúng ta nhận ra một không gian tĩnh lặng bắt đầu rộng mở. Các nguồn sáng này làm tăng thêm độ tương phản sáng tối của những khoảng không gian nội tại cũng như xung quanh bức tượng - những lỗ hổng - do bố cục của bức tượng tạo nên, cùng với chất liệu sơn son thếp vàng càng làm rực rỡ, lấp lánh ở các khối tròn căng.
Không gian vật chất bị thu hẹp như thế sẽ càng làm cho chúng ta nhận thấy một cảm giác ngược lại, một cảm nhận về vũ trụ, về cả không gian phi vật chất.
Nếu như chúng ta mang bức tượng ra khỏi cái không gian kiến trúc của ngôi chùa, lập tức hiệu quả về tính biểu hiện không gian sẽ bị mất đi rất nhiều mà thực tế đã cho thấy khi ta xem tượng này ở các bản sao nơi các viện bảo tàng.
Cách xử lý bố cục thông qua không gian nội tại của tác phẩm, một đặc điểm của tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp
Chúng ta có thể nhận thấy ở các tượng Quan Âm nhiều tay cũng như đa số các tượng Phật khác thường có lối bố cục theo khuôn mẫu phong kiến, môn đăng hộ đối, khối bệ tượng là tòa sen, khối tượng chính là dáng ngồi thiền định theo thế kiết già hoặc bán già tạo thành một bố cục hình tháp vững vàng nhưng hơi nặng nề, cũng có tượng được bố trí thêm các mảng hoa sen ở phía sau tượng để biểu hiện cho vầng hào quang, nhưng lại thuộc phạm vi của kiến trúc chứ không phải là một bộ phận bố cục của tượng, về hình của những khoảng trống do bố cục tạo nên cũng ít được quan tâm đúng mức như ở tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp, hơn nữa những khoảng không gian nội tại, những “lỗ trống” đó bị những vật tượng trưng trên các bàn tay phá vỡ đi một cách rối rắm. Nhưng tượng nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp lại sử dụng các mảng không gian này một cách tinh tế, tạo ra các hình kỹ hà rất đẹp, những khoảng không gian, những khoảng trống đó như là những khối âm bù đắp, bổ sung cho các khối dương - chất liệu gỗ của tượng. Phần bệ tượng, từ tòa sen trở xuống được chia làm ba phần rõ rệt bởi những “khối âm” rất tối, nhưng mặt khác ba phần này được liên kết với nhau bằng những khối mạnh của con thủy quái đỡ tòa sen và bốn con quỷ nâng phần bệ thứ nhì; các khối nằm ngang của ba phần bệ tương phản với hướng đi lên của trục thân tượng liên kết lại với nhau.
![]() |
Một tuyệt tác nghệ thuật của Phật giáo và dân tộc Việt Nam |
Với cách bố cục không gian âm tính và dương tính như thế khiến cho phần bệ tượng vừa vững vàng lại vừa thanh thoát, không gian được trải ra và đồng thời được nâng cao. Toàn bộ phần bệ tượng đều được chạm trổ rất đẹp, tinh vi và đều đặn, tạo cho phần bệ tượng một cái chất liệu “ma che” (matier) mịn màng làm nền cho phần chính là thân tượng bên trên.
Phần thân tượng có tất cả 42 cánh tay lớn trong các động tác dịu dàng uyển chuyển mang âm hưởng của vũ đạo được sắp xếp đối xứng qua trục nhưng không trùng lắp về động tác, các cử chỉ của bàn tay mang tính biểu hiện theo kiểu “Mudra” ở các điệu múa của văn hóa Ấn Độ có ý nghĩa tượng trưng và dường như phát ra âm thanh của những giai điệu huyền hoặc của không gian! 42 cánh tay ấy chịu tác dụng ánh sáng mạnh mẽ nêu bật những khối tròn mà lại không bị chật chội hay không tranh chấp nhau, đó cũng là sự khéo léo của tác giả khi dùng những cánh tay đưa ra phía trước có tính chất dương tính theo nhiều lớp không gian khỏa lấp đi những góc, nơi các cánh tay “mọc” ra từ phía sau.
Đằng sau thân tượng là 952 cánh tay nhỏ được xếp theo chiều xiên 45o trên một mặt phẳng hình lá đề là bình phong cho phần thân tượng, cái “phông” đó tượng trưng cho vầng hào quang, tất cả các cánh tay nhỏ này đều được xếp từ tâm tỏa tròn ra xung quanh là cho vầng hào quang như đang tỏa sáng rực rỡ tâm điểm ấy chính là chân dung của Đức Phật; đội trên đầu là 11 chân dung nữa được chia thành 4 tầng từ lớn đến nhỏ, trên cùng là tượng A Di Đà nhỏ, ngoài ra trên đỉnh còn có chim thần hai đầu người Jivajiva. Như vậy, ý đồ bố cục của tượng dẫn mắt chúng ta lên cao theo trục đứng, trải rộng ra bởi các đường nằm ngang ở bệ, tỏa ra ở vầng hào quang, nhưng không vì thế mà bố cục bị chia cắt nhiều mảnh, ngược lại chủ thể được nhấn mạnh. Nhìn vào tượng, ta có thể thấy rõ sự nhấn mạnh đó nơi 42 cánh tay lớn chuyển động vòng tròn đằng trước vòng tròn lớn hơn là mảng hào quang quanh chân dung chính nhưng hai cánh tay trên cùng đang vòng lại ở vùng trung tâm hào quang, động tác của hai bàn tay ấy lại mở ngược ra cho các chiều không gian rất thoáng quanh chân dung tượng.
![]() |
Không gian chùa Bút Tháp hiện nay |
Qua ý tưởng biểu hiện không gian, sử dụng không gian như là một bộ phận của bố cục một cách sáng tạo như thế cũng là những đặc điểm riêng của tượng, vì các tượng Phật cổ khác ở Á châu còn thiếu sót hoặc họ chỉ dừng lại ở chỗ “mở rộng hơn” chứ chưa mang lại cho chúng ta ấn tượng “vũ trụ” của tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp.
Tác phẩm ấy xứng đáng là một tác phẩm cổ điển đặc sắc của nền điêu khắc Phật giáo. Thành công đó không những ở tính lý tưởng và tượng trưng cao mà còn hàm chứa những biểu hiện sinh động sự luân hồi của vũ trụ. Như Nguyễn Quân - nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam đã viết về tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp như sau: “… Tính lý tưởng và tượng trưng cao được lồng trong khối tượng hàng ngàn chi tiết mà vẫn mạch lạc về bố cục và tràn ngập ảo tưởng ánh sáng”. Những thành công đó thật đáng để chúng ta nghiên cứu và tiếp thu về tinh thần sáng tạo một cách nghiêm túc của cha ông.