Bài trên Báo Giác Ngộ số 1269 |
Nhiều tư liệu Phật giáo đã “biến mất” do không được bảo quản
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cho biết: Viện Trần Nhân Tông trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, luôn hướng đến phát triển Viện thành một điểm kết nối tri thức, nghiên cứu về Phật giáo giữa các nhà khoa học và các chư Tăng. Một số sáng kiến, một số dự án được Viện Trần Nhân Tông thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó có nhiều sự kiện về di sản Phật giáo Việt Nam.
“Là cơ quan duy nhất của Nhà nước đào tạo bậc tiến sĩ về chuyên ngành Phật giáo, chúng tôi hướng đến tạo môi trường trao đổi học thuật để có thể phát huy trí tuệ, tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam”, ông Vinh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại sự kiện, Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội cho biết các nước Phật giáo rất tự hào về di sản kinh sách của họ. Ngay như Hàn Quốc đã có bộ Đại tạng kinh từ lâu, và vừa rồi, họ đã xuất bản bộ Bách khoa thư Phật giáo. Trung Quốc, Nhật Bản đã kết tập kinh điển từ rất sớm, với những kho lưu trữ di sản tư liệu Phật giáo đồ sộ. Trong khi đó, Phật giáo Việt Nam cũng nằm trong các nước Bắc truyền và từ xưa sử dụng kinh chữ Hán, chúng ta luôn tự hào rằng Phật giáo Việt Nam có tới hai nghìn năm lịch sử, thế nhưng chúng ta chưa “trưng” ra được cái gì gọi là kinh của Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, chúng ta không biết hai nghìn năm trước, Phật giáo Việt Nam sử dụng những bộ sách kinh điển nào?
Nhìn đến hiện tại, các tư liệu Phật giáo hiện đang nằm rải rác ở rất nhiều nơi, được lưu trữ ở nhiều địa điểm khác nhau. Từ khi đất nước giành được độc lập năm 1945, chữ Hán không còn là quốc ngữ nữa, những văn bản liên quan đến chữ Hán bị “thất sủng”.
“Có những giai đoạn dường như người ta không quan tâm đến kinh sách chữ Hán nữa, dẫn đến hệ thống tư liệu mai một rất nhiều. Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ có nói với tôi: ‘Di sản kinh sách Phật giáo xưa mười phần, giờ chỉ còn hai phần’. Những di sản đó biến mất rất nhanh. Có những chùa, trước đây tôi đến thấy có những tủ đựng ván kinh và kinh sách cổ rất lớn. Nhưng lần sau tôi đến không thấy nữa, hỏi thì được nói rằng mối mọt làm hỏng hết rồi, Có những câu đối rất giá trị ở những ngôi chùa cổ, nhưng lần sau tôi đến thì họ đã vứt bỏ đi đâu rồi. Hồi đầu thế kỷ XX, thống kê của người Pháp ở Việt Nam có khoảng vài trăm vạn tấm ván khắc cổ, thế nhưng nay thực tế chúng tôi đang thống kê cả nước chỉ còn hơn 30 nghìn ván khắc, trong đó những bộ ván hiện nay còn nguyên vẹn có thể sử dụng để in được là không nhiều. Thậm chí có những chùa ngày trước không có Tăng Ni, người dân trông coi chùa, đem ván in chẻ ra làm củi, rất đau xót”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt nói.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt nhận định rằng đến thời điểm này, GHPGVN chưa có chủ trương rõ ràng về hệ thống tư liệu này. Cũng chưa từng có bất cứ chỉ thị, thông điệp nào chỉ đạo các chùa bảo tồn, bảo quản các tư liệu này. Chùa nào có tâm huyết thì tự bảo quản. Chỉ có tư liệu mang tính ổn định trong Viện Hán Nôm thì do Nhà nước bảo quản, nhưng số lượng tư liệu Phật giáo trong Viện Hán Nôm rất ít.
“Trước thực trạng đó, chúng tôi phải thành lập trung tâm tư liệu để số hóa nguồn tư liệu do các chư Tổ để lại trong các ngôi chùa. Làm thế nào để khối tư liệu này trở nên hữu ích, giúp cho các nhà nghiên cứu và các Tăng Ni có nguồn để tham cứu những tinh hoa do chư Tổ để lại. Tôi ước mong chúng ta giống như các nước khác có được một bảo tàng tư liệu Phật giáo, phục hồi những ván in, sách Phật giáo đang trong quá trình hư hỏng. Đến nay, Phật giáo Việt Nam chưa từng có cuộc kết tập kinh điển nào cả. Sau này nếu có cuộc kết tập kinh điển đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt bày tỏ.
Di sản tư liệu đồ sộ nhưng nằm rải rác nhiều nơi
Đề cập về di sản tư liệu Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho hay, có thể phân chia thành các loại: mộc bản ván khắc, sách giấy, văn khắc, câu đối trang trí…
Mộc bản của Phật giáo Việt Nam phần nhiều nằm ở các tự viện và các tổ đình. Khác với Trung Quốc và Nhật Bản, phần lớn ván in kinh là do nhà nước hoặc các tổ chức đứng ra làm, với các cơ sở in ấn tập trung. Các tự viện ở Trung Quốc không in kinh sách, mà có những trung tâm chuyên in sách, trong đó có kinh sách Phật giáo và phát hành thương mại. Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, nhà nước sắc tứ cho một số ngôi chùa chịu trách nhiệm khắc ván in kinh. Nhưng Việt Nam, việc in kinh sách là do các chùa tự làm. Thời Trần, Nhị tổ Pháp Loa có tổ chức khắc ván in kinh, ngài đã loại bỏ một số nội dung lấy từ kinh sách của Trung Quốc, thay bằng nhiều nội dung kinh sách do chư Tăng Việt Nam viết rồi đem in.
“Tiếc rằng, các bộ sách in thời đó không còn. Trong chiến tranh chống quân Minh xâm lược, hầu như các sách tại Việt Nam đã bị quân Minh đốt sạch hoặc đem về Trung Hoa. Tư liệu ván in hiện còn, chỉ có một phần thời Lê trung hưng, còn chủ yếu là ván in thời Nguyễn. Ván in thời Lý, Trần hoàn toàn không tìm thấy chiếc nào. Ngay cả thời Lê sơ cũng không tìm thấy”, Thượng tọa thông tin.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt giao lưu sau buổi thuyết trình tại Viện Trần Nhân Tông - Ảnh: CMK |
Ngày nay, các ván in hiện còn nằm rải rác ở các tổ đình, tự viện. Những nơi đó, xưa đều là các trung tâm Phật giáo, hoặc trường đào tạo Tăng tài, thường xuất hiện các cao tăng đứng ra hưng công in sách và việc in sách gắn với đào tạo Tăng tài. Hoạt động in sách luôn gắn với pháp học của các sơn môn, cần sách gì thì in sách đó làm tư liệu giảng dạy trong sơn môn. Mỗi sơn môn có đường hướng tu tập khác nhau, vì vậy có các kinh điển khác nhau, ván khắc khác nhau. Chỉ tính kinh nhật tụng thôi, mỗi tổ đình có bộ kinh riêng.
Dạng tư liệu thứ hai là kinh sách in bằng giấy. Ngoài kinh kệ nhà Phật, thì “Nho, y, lý, số” là 4 chủng loại sách phổ biến ở trong các chùa xưa. Trong đó sách dạy về chữa bệnh, các bài thuốc Đông y rất nhiều. Nhiều văn sớ, văn chương Phật giáo được sáng tác mang tính bác học, tuân theo thể thơ phú rất nghiêm mật, dùng thủ pháp đối liên câu chữ rất độc đáo. Các sách ma chay, cưới xin, cho thấy sự ảnh hưởng, giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân gian. Phật giáo cũng hình thành những bộ sách nghi lễ dành cho việc tang gia của người dân, người đời ở bên ngoài.
Ngoài sách giấy in tại nước ta, còn có sách giấy được in từ Trung Quốc. Các thương nhân nước ta sang Trung Hoa buôn bán rất nhiều, họ đem sách từ vùng Quảng Tây về. Các sứ thần nước ta đi sứ sang Trung Quốc đã thỉnh rất nhiều kinh từ Trung Quốc, đem về trao tặng cho các tự viện.
Nguồn tư liệu thứ ba là văn khắc Hán Nôm trên các bia đá, chuông đồng, hoành phi câu đối. Qua tư liệu bia ký, ta tiếp cận được nhiều dữ liệu lịch sử, trong đó có lịch sử Phật giáo, ngôn ngữ Phật giáo, quá trình trùng tu các ngôi chùa. Lịch sử chư Tổ được tiếp diện thông qua các bia hành trạng ở các bảo tháp. Một loại tư liệu nữa là khoa cúng lịch đại tổ sư cũng là nguồn tư liệu đặc biệt quan trọng, thường ở dạng độc bản vì chỉ ngôi chùa ấy mới có, thường không có ở các ván in mà được biên soạn và chép tay.
Đề cập về tư liệu của Trung tâm Tư liệu Phật giáo, Thượng tọa ThíchTiến Đạt cho hay: “Nguồn tư liệu chủ yếu ở các tự viện, tổ đình. Chúng tôi đến chụp ảnh số hóa. Đến thời điểm này, chúng tôi đã số hóa ván khắc cho 12 tổ đình, với khoảng 12.000 bản. Về mặt văn bản giấy, chúng tôi đã số hóa làm được khoảng 3.500 cuốn sách”.
Kỹ thuật in ấn thời xưa
Về công nghệ kỹ thuật in ấn kinh sách thời xưa, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết, chất liệu gỗ để sử dụng làm ván khắc, Trung Quốc chủ yếu dùng gỗ táo và gỗ lê, trong khi Việt Nam chủ yếu dùng gỗ thị. Các gỗ này có đặc điểm: không cong vênh, có độ mềm dẻo dai để khắc các chữ nhỏ không bị vỡ, lại không bị mối mọt nên bền lâu. Đặc điểm quan trọng là gỗ này thấm nước. Gỗ phải thấm nước thì mới dùng để in được. Mặt thớ gỗ mịn, khi in ra nét chữ căng và đều, không bị nhòe.
Giấy in kinh cũng có những làng nghề riêng chuyên sản xuất giấy để làm sách in kinh. Khi in sách, không thể dùng mực tàu hay mực dấu, mực dầu… vì các loại mực này sau nhiều lần in, mực sẽ bám dính vào các nét chữ khắc gỗ, làm cho các nét chữ dày lên sẽ không thể sử dụng để in được nữa, nếu rửa mực bám dính thì sẽ làm biến dạng các đường chữ khắc trên gỗ.
Mực in ngày xưa, dùng than tre, đem ngâm trong nước từ 3-5 năm, sau đó đem nghiền nhỏ, lọc kỹ, rồi trộn với bột gạo nếp đem nấu lên. Mực này in ngày nào nấu ngày đó, chứ không để sang ngày hôm khác được. Chổi để quét mực in lên trên mộc bản gỗ phải dùng chổi làm từ lá thông. Với kỹ thuật in sách cổ xưa, chữ vô cùng sắc nét, sách để lâu hàng trăm năm mà nét chữ vẫn đậm nét như vừa mới in. Sách rách, nhưng chữ thì không bao giờ phai mờ...
Về vấn đề kiểm duyệt khi khắc ván, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết việc khắc ván in kinh trong Phật giáo có quy chế rõ ràng, ai biết chữ, viết chữ đẹp và đều tăm tắp, muôn chữ như một cả về kích thước chữ và nét chữ thì mới được phép khắc chữ lên mộc bản. Trong quá trình khắc có người giám sát kiểm tra nhiều lần. Sau khi đã khắc xong, in thử bản đầu tiên ra, phải kiểm tra lần nữa, xem có sai sót không. Nếu có sai sót, thì cắt chữ đó ra và khắc một chữ khác để chèn vào. Dĩ nhiên người khắc sai chữ đó sẽ bị phạt.
“Các Tổ ở nước ta xưa đưa ra rằng: kinh và tượng chỉ được phép thỉnh. Bán là phạm tội buôn bán Như Lai, chướng nghiệp sẽ rất nặng. Ngày xưa làm tượng là phải đến chùa làm. Các chùa mua gỗ, rồi mời các hiệp thợ đến chùa để tạc tượng. Chứ không làng nghề nào dám tạc tượng, rồi bán cho chùa như ngày nay”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết |
Người tạc tượng là một, người khắc ván in kinh là hai thì phải ăn chay, trong những ngày làm việc, phải ở lại chùa, ăn chay, tham gia các Phật sự. Khi nào hoàn thành thì mới được về nhà. Mỗi khi sách in xong, thường tổ chức pháp hội, mời các cao tăng đến chứng minh. Tại pháp hội, đọc bộ sách đó tại chỗ để các bậc cao tăng và tứ chúng nghe, xem có phát hiện sai sót nào về nội dung không. Ngày xưa, ai muốn có bộ sách kinh Phật, không phải có tiền là mua được, phải đến nghe pháp hội, phải bình sách, rồi sau đó mới được tặng sách. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, kinh sách được in để bán. Nhưng ở nước ta thời xưa, kinh thì phải thỉnh, chứ không được phép in kinh để bán.
“Các Tổ ở nước ta xưa đưa ra rằng: kinh và tượng chỉ được phép thỉnh. Bán là phạm tội buôn bán Như Lai, chướng nghiệp sẽ rất nặng. Ngày xưa làm tượng là phải đến chùa làm. Các chùa mua gỗ, rồi mời các hiệp thợ đến chùa để tạc tượng. Chứ không làng nghề nào dám tạc tượng, rồi bán cho chùa như ngày nay”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết.
Chùa nào muốn in sách, thì đến tự viện, tổ đình có ván in sách đó, mượn thợ in kinh. Cần bao nhiêu bộ sách để cúng dàng, thì mua đủ giấy, mực, rồi thuê thợ đến xin phép chốn Tổ cho thợ ăn ở tại đó để in sách. Sau khi in xong thì mang về chùa nhà mình đóng. Xưa không có ai in kinh sẵn để bán như bây giờ.
Ngoài ra, các chùa còn có sách chép tay, phần lớn là thuê nho sinh chép. “Học trò nghèo lên kinh đô dự các khóa thi, không có tiền thuê chỗ ở và ăn. Nhà chùa cho họ trọ và ăn cơm chay miễn phí tại chùa. Các nho sinh trả công cho chùa bằng cách chép kinh. Chúng tôi tìm thấy tại một số ngôi chùa có những bản kinh cổ chép tay, có viết tên các nho sinh chép. Cho nên rất nhiều nhà nho xưa am hiểu giáo lý nhà Phật là xuất phát từ việc này”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt chia sẻ.