Dòng truyền thừa tâm linh

Mọi việc chúng ta tu hay làm đều phải có kết quả, dù là kết quả tốt hay xấu. Không có việc gì mà không có hậu quả - Ảnh: Đăng Huy
Mọi việc chúng ta tu hay làm đều phải có kết quả, dù là kết quả tốt hay xấu. Không có việc gì mà không có hậu quả - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00

GN - Căn cứ trên kinh, những nhà chú sớ trước kia đều chia kinh Pháp hoa thành hai loại là kinh Pháp hoa Tích môn và kinh Pháp hoa Bổn môn. Cũng có người chia kinh theo Nhơn môn và Quả môn. Nhưng theo phán giáo của ngài Nhật Liên thì hoàn toàn khác hẳn.

Thật vậy, sau khi nhập định 49 ngày, ngài Nhật Liên nhìn thấy mặt trời nằm trong hoa sen ở hướng Đông và ngài đã ngộ đạo. Ngộ đạo rồi, ngài nhìn cuộc đời hoàn toàn khác với tất cả những người chú sớ kinh điển trước đây.

Vì vậy, ngài nói trong Phật giáo có hai dòng truyền thừa là dòng truyền thừa theo lịch sử và dòng truyền thừa tâm linh. Dòng truyền thừa theo lịch sử là cách kế thừa kiến thức của người trước. Trong khi dòng truyền thừa tâm linh do tu chứng mới được, chính vì vậy mà người muốn thực tập theo dòng truyền thừa tâm linh phải vào Chánh định rồi mới thực tập pháp này được và hiểu pháp này, tu hành pháp này, đó là Bổn môn Pháp hoa kinh.

Về truyền thừa theo lịch sử, chúng ta phải căn cứ trên sự thật lịch sử, theo đó Đức Phật Thích Ca sanh trên cuộc đời đã kế thừa được văn minh của loài người. Vì vậy, Ngài thừa hưởng tất cả những gì đương thời với Ngài và những gì có trước Ngài, nhưng đó là sự thừa hưởng có chọn lọc việc tốt hay xấu của cuộc đời.

Như chúng ta biết, lịch sử có hai mặt, mặt lợi ích cho xã hội và mặt có hại cho loài người. Và Đức Phật đã thừa hưởng dòng truyền thừa theo lịch sử về mặt tốt của cuộc đời gọi là Phật, Bồ-tát. Ngài không thừa hưởng mặt xấu gọi là ác ma.

Sống trong sự văn minh, ác ma cũng sử dụng văn minh, nhưng họ sử dụng văn minh để giết người. Vì họ sử dụng văn minh với lòng ham muốn vô độ của con người, theo tâm bực tức của con người và theo trí ngu si của con người mà họ đã tạo thành nỗi thống khổ cho cả muôn loài. Sự thừa hưởng theo cách này chúng ta nên tránh.

Trong sự phát triển văn minh của loài người theo lịch sử từ thời Phật Thích Ca cho đến ngày nay, phải nói rằng văn minh có lợi cho cuộc đời bao nhiêu thì cũng gây ra tai hại bấy nhiêu. Và sự sử dụng văn minh của loài người ở mặt xấu có thể đưa đến tận diệt muôn loài và phá hủy cả hành tinh chúng ta đang sống.

Tuy nhiên, người kế thừa mặt tốt đẹp của sự phát triển văn minh nhân loại theo lịch sử và lại biết sử dụng trí tuệ, sự thông minh của loài người cộng thêm gia công thiền định thì họ đã đem đến những sáng tạo có nhiều lợi ích thiết thực cho con người.

Và Đức Phật đã thừa hưởng văn minh của loài người ở mặt tích cực như vậy, nói rõ là văn minh của Ai Cập, Hy Lạp và Ấn Độ. Vì tổ tiên dòng họ Thích Ca của Đức Phật xuất thân từ Trung Đông di dân qua miền Bắc Ấn Độ và định cư ở đó. Vì vậy, Đức Phật đã thừa hưởng nền triết học của Trung Đông trước, và tới Ấn Độ, Ngài thừa hưởng đời sống tu hành của các đạo sĩ Ấn. Nghĩa là Ngài thừa hưởng những gì tốt đẹp của văn minh lịch sử có được từ những người trước và từ nền tảng tốt đẹp đó, Ngài thực tập, suy cứu và khám phá pháp cao hơn nữa gọi là Phật, tức sự hiểu biết cao tột của con người.

Thật vậy, Đức Phật đã học tất cả các pháp thế gian. Khi còn là thái tử, Ngài đã thông suốt bốn bộ kinh Vệ Đà tiêu biểu cho nền văn minh của Ấn Độ. Nhưng Ngài không thỏa mãn với sự hiểu biết ấy, vì học lý thuyết như vậy, nhưng đi sâu bên trong của mọi việc còn nhiều điều bí ẩn hơn mà con người chưa biết.

Lý do này thúc đẩy Ngài xuất gia là bỏ đời sống thế tục, bỏ đời sống vật chất để hướng đến đời sống tâm linh để biết được loài người từ đâu xuất hiện trên trái đất này và khi trái đất này hoại diệt, loài người về đâu.

Từ ý chí xuất gia của Đức Phật như vậy nhắc nhở chúng ta hiểu được rằng trên bước đường tu, phải quyết tâm từ bỏ đời sống vật chất mới thâm nhập được đời sống tâm linh.

Vì bao lâu còn kẹt đời sống vật chất, thì đời sống tâm linh còn bị ngăn cản rất nhiều mà Đức Phật dạy rằng chúng ta bị ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức ngăn che làm chúng ta không thể có tầm nhìn xa hơn.

Muốn có tầm nhìn xa, chúng ta phải từ bỏ đời sống vật chất của con người, từ bỏ cảm thọ của con người, từ bỏ suy nghĩ của con người, từ bỏ sự hiểu biết của con người để tâm chúng ta trống không mới khám phá được sự huyền bí của năng lực con người.

Các đạo sĩ Ấn thời đó đều thực hành pháp này, nổi tiếng nhất là hai đạo sĩ Kamala và Uất Đầu Lam Phất đã thực tập và có sở đắc. Tại sao biết họ có sở đắc. Vì người có sở đắc biết trước những việc sắp xảy ra và đã xảy ra. Và thái tử đã tới học đạo với Kamala. Học đạo khác với học lý thuyết, học trên sách vở. Kamala nói Sĩ Đạt Ta ở đây, ông chỉ dạy người tu để đắc định, biết vượt trên lý thuyết của con người.

Vượt lý thuyết để đi vào thực tập mà sau này Đức Phật mở cánh cửa thiền cho chúng ta vào, nghĩa là làm sao thoát ly được cuộc sống vật chất của con người để tìm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngoài cuộc sống tầm thường của con người. Kamala dạy pháp đó là Ly sanh hỷ lạc, tức tìm được nguồn vui trong thiền định.

Muốn được như vậy, phải bỏ nguồn vui của ngũ dục là vui vì được mất, hơn thua, phải trái của cuộc đời. Người đời thường lấy trái làm phải, chúng ta nghe họ nói như vậy, nhưng thực tế không phải vậy mà hoàn toàn khác hẳn. Chính vì vậy mà tất cả mọi người luôn bị lôi cuốn vào cuộc sống giả dối này để cuối cùng ai cũng rơi vào khổ nạn. Đức Phật khám phá điều này nên Ngài nói cuộc đời là biển khổ, vì Ngài thấy không ai có được niềm vui trọn vẹn, vui đó rồi khổ đó.

Tìm được thú vui trong thiền định là niềm vui của chính mình không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên mới là nguồn vui vĩnh hằng. Từ góc độ này, thái tử thực tập và chứng được Ly sanh hỷ lạc, an trú trong niềm vui không lệ thuộc cuộc đời. Đó chính là việc mà người tu chúng ta phải làm.

Ngồi yên lặng, vào thiền định, thấy vui trong thiền định mới thấy sự thật là đời sống vật chất không cần nhiều như chúng ta tưởng lầm. Chỉ cắt tham vọng là được an vui, đó là ý Phật dạy.

Và từ nguồn vui của pháp Ly sanh, đi xa thêm là định sanh ra. Về sau, ý này được Phật dạy rằng chúng ta khởi đầu vào đạo phải có Chánh niệm, tức phải tập trung tư tưởng, nghĩa là thọ và tưởng phải nhập thành một. Thật vậy, tập trung tư tưởng có Chánh niệm thì nhận ra cái tưởng của con người hoàn toàn sai lầm, nên tất cả mọi người vào cuối cuộc đời đều phải bị thất vọng ê chề, vì họ đã tưởng như vậy nhưng cuộc đời không phải như vậy.

Theo Phật tu, nhận được thực tế này là thấy được mặt trái của cuộc đời mới không bị cuộc đời dối gạt, từng bước thăng hoa cuộc sống. Còn chúng ta bị tán loạn theo tham vọng chắc chắn sẽ bị ác ma dẫn chúng ta vào đường ác.

Có thể khẳng định Chánh niệm và Chánh định là lẽ sống của người tu và đây là cánh cửa vào đạo. Nếu không có Chánh niệm và Chánh định, tu pháp gì cũng không giải thoát.

Sau khi Thái tử Sĩ Đạt Ta thực tập có Chánh niệm và Chánh định, Ngài hỏi Kamala còn pháp nào cao hơn nữa hay không. Ông đáp rằng đến đây là cao tột đỉnh mà ông đạt được. Trong khi sống ngoài cuộc đời đủ thứ chuyện phiền não, khổ bao nhiêu thì ông ở trong tu viện, một mình Chánh niệm vào định và ở trong định thấy an lành vô cùng.

Thái tử thấy ông được an lành trong định cũng tốt, nhưng Ngài còn muốn biết tại sao loài người hiện hữu và tại sao con người phải khổ đau triền miên. Ngài mới từ giã Kamala, đến đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất. Ông dạy Sĩ Đạt Ta tiến thêm một bước nữa để không rơi vào trạng thái ở trong định thì an lành mà ra định vẫn khổ.

Trên bước đường tu, chúng ta thấy rõ ý này. Nếu tập trung tư tưởng ngồi yên, chúng ta thấy an lành, nhưng bắt đầu khởi tâm động niệm, chúng ta thấy khổ liền. Tôi còn nhớ có lần tham vấn Hòa thượng Trí Tịnh, ngài nói ở trong thiền thất thấy yên lành, ra thất ngài cảm thấy không yên. Nói rõ là ngài thích ở trong định hơn là xả định, vì xả định, người ta tới hỏi đủ thứ, làm sao yên. Còn ở trong định có một mình, không có phải trái hơn thua thì yên.

Hai mặt của cuộc đời, mặt thiền định và mặt động niệm. Thiền sư thích ở trong cảnh định hơn là ra cảnh động.

Giáo chủ Kỳ Na giáo vào định, 500 xe chạy ngang mà ông không biết. Kamala cũng dạy ý này rằng bên ngoài động, nhưng tâm định thì chúng ta không thấy động, nhưng xả định, chúng ta thấy phiền phức lắm.

Nhận thấy vào định được yên và xả định thì rối loạn, đó chưa phải là rốt ráo để thái tử dừng lại. Ngài muốn làm sao ở trong định biết tất cả mà ra ngoài, cũng biết tất cả, làm sao ở trong định, không bị chi phối và ra ngoài cũng không có gì chi phối mình được, mà trái lại, mình còn chi phối cuộc đời. Đó là hoài bão của thái tử muốn đạt được.

Uất Đầu Lam Phất dạy Sĩ Đạt Ta nâng lên một bước nữa là an trú pháp Không. Pháp Không cũng quan trọng, đó là văn minh của loài người, tức ngoại đạo trước thời Phật đã có pháp này rồi, gọi là Không vô biên xứ.

Không vô biên xứ là chúng ta vào định được sẽ thấy con người hòa với hư không, hư không và ta là một, đó là cốt lõi của Bà-la-môn giáo Ấn Độ. Theo họ, chúng ta có Tiểu ngã là con người riêng sống đối lập với mọi người, với cuộc đời, nên khổ. Nhưng khi nhập vào Hư không định là nhập vào Đại ngã thì chúng ta và tất cả mọi người, mọi vật đều trở thành một, không có sai biệt, nên được giải thoát.

Và kế tiếp, sau khi nhập được Hư không vô biên xứ, chúng ta có Thức vô biên xứ, tức hư không rộng bao nhiêu, chúng ta cũng có cái biết rộng bấy nhiêu, vì cái biết của chúng ta đã hòa vào bản thể của vũ trụ, nên cái biết của ta và vũ trụ là một. Vì vậy, hư không vô biên thì thức của chúng ta cũng vô biên.

Tôi có thời gian thực tập pháp này bằng cách thử dùng thức của mình để nghiệm ra cái lý của Thức vô biên. Để dễ hiểu, thí dụ tôi ngồi yên và nghĩ đến Bồ Đề Đạo Tràng, thì tâm tôi đã đến Bồ Đề Đạo Tràng, hay thức của tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng.

Và đạt được Thức vô biên xứ, tu tiếp sẽ đạt Vô sở hữu xứ định nghĩa là chúng ta không bị kẹt vào quốc độ nào. Tới đâu thì làm đạo ở đó là vô sở hữu, không có gì riêng của ta. Còn có cái riêng của ta thì sẽ bị cột chân ở đó, không đi xa được. Bỏ tất cả là vô sở hữu nhưng ta vẫn là ta và ta này được giải thoát, an lạc, vì không sở hữu vật chất. Có thể nói pháp tu này khá thú vị.

Người tu thực tập pháp này, không sở hữu bất cứ cái gì của cuộc đời, chẳng những về vật chất mà luôn cả tình cảm cũng không sở hữu, nên không lệ thuộc cuộc đời. Ở đâu cũng được, không bị cuộc đời ràng buộc, chúng ta được giải thoát.

Về điểm này, Thái tử Sĩ Đạt Ta hỏi Uất Đầu Lam Phất rằng nếu ta không sở hữu vật chất thì vật chất này có hay không có. Mà không sở hữu vật chất thì cái gì là không sở hữu vật chất và ta là gì.

Ông đáp thiệt tu tới chỗ này sẽ thấy cái mới là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nghĩa là không phải có, cũng không phải không có.

Về sau, Tổ Huệ Năng nhận ra cái lý này, Ngài làm bài kệ ngộ đạo:

Bồ-đề bản vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.

Vô sở hữu, tức không có vật chất nào nên không bị dính mắc vào đâu, đó là pháp tu của thiền. Và điều quan trọng, phải đi xa thêm, sẽ nhận ra rằng tuy không sở hữu vật chất, nhưng không phải hành giả không có, nên Ngài nói thêm: Vô nhất vật trung vô tận tạng.

Lý này hơi khó hiểu vì chúng ta quen với nhận thức theo sự phân biệt nhị nguyên thì hoặc là có, hoặc là không có, chứ không thể vừa không có lại vừa không phải không có.

Lý này về sau được Phật dạy về Bồ-tát pháp vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người, theo đó Bồ-tát hành đạo không có một vật nào trong tay nhưng khi cần để làm đạo thì có đầy đủ, không thiếu bất cứ thứ gì. Đó là con đường lịch sử mà Phật kế thừa của người trước và Ngài thực tập đi xa thêm là quán tưởng không sở hữu, nhưng không phải không sở hữu.

Thật vậy, đầu tiên chúng ta bị vật chất chi phối và tu theo Phật, chúng ta phải thoát ra sự chi phối của vật chất mà kinh Pháp hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới, đó là pháp Tiểu thừa. Và vượt qua được sự chi phối của vật chất, cần tiến lên bước thứ hai, phải chi phối lại vật chất, gọi là chuyển vật. Bấy giờ, tuy chúng ta không sở hữu vật chất nhưng không phải ta không có vật chất. Thực hiện được lý này là tu pháp vô lậu của đạo Phật.

Phần nhiều tu sĩ thường lầm lý này. Cần biết rằng tu hành tuy buông bỏ tất cả nhưng về sau phải được tất cả; không phải buông bỏ để rồi trắng tay.

Tôi có anh bạn mộ đạo, nghe thuyết pháp xong, anh bỏ nhà cửa, sự nghiệp và đem vợ con ra núi tu. Cuối cùng, con không đi học được và cũng không kiếm ra tiền để sống, cuộc sống bắt đầu khó khăn và phiền toái vì vợ con. Anh hỏi tôi như vậy phải làm sao tu được. Tôi nói anh đã nhận lầm rằng bỏ tất cả để tu, nhưng thiệt tu thì không phải bỏ tất cả để bị mất tất cả như anh đã làm. Vì tất cả những thứ vật chất trong cuộc sống này như thức ăn, tiền bạc, sức khỏe, hạnh phúc… đều cần thiết đối với anh và vợ con anh. Nhưng anh bỏ rồi mà thực tế gia đình anh vẫn cần có những nhu cầu này để sống nhưng anh không đáp ứng được thì phải khổ thôi.

Cái lý bỏ tất cả để được tất cả thể hiện rõ nét trong tên kinh Pháp hoa còn gọi là giáo Bồ-tát pháp, Phật sở hộ niệm, nghĩa là pháp Phật dạy cho Bồ-tát tu và được chư Phật hộ niệm. Thật vậy, chúng ta tu hành buông bỏ tất cả, nhưng được tất cả là nhờ chư Phật hộ niệm. Còn chúng ta từ chối sự hộ niệm của chư Phật, chúng ta mất tất cả.

Tu Thanh văn đạo, chúng ta luôn nghĩ rằng mọi việc thành tựu là do chúng ta làm. Nhưng theo Bồ-tát đạo, điều quan trọng hơn là nhờ chư Phật mười phương hộ niệm chúng ta để chúng ta đạt được tất cả.

Mọi việc chúng ta tu hay làm đều phải có kết quả, dù là kết quả tốt hay xấu. Không có việc gì mà không có hậu quả. Từ một nhân làm tốt, chúng ta sẽ có quả tốt và làm nhân xấu ắt gặt quả xấu. Còn không làm thì không có gì. Nhìn kỹ mọi việc trong cuộc đời thấy rõ người tu đúng pháp, cuộc đời họ lần lần đi lên, tu sai pháp thì cuộc đời đi xuống và làm việc sai quấy, cuộc đời họ sẽ suy tàn.

Từ đây mở ra cánh cửa thứ hai là cánh cửa của Bồ-tát. Phật dạy người tu có Thanh văn đạo và Bồ-tát đạo. Thanh văn tu để ra khỏi sinh tử luân hồi. Bồ-tát tu để chuyển vật, tức được tất cả. Ban đầu tu Thanh văn đạo thì bỏ tất cả. Nhưng tu Bồ-tát đạo phải làm sao để được tất cả thì như vậy phải làm mới có.

Kinh Pháp hoa gọi là giáo Bồ-tát pháp, nên đó là pháp của Bồ-tát làm, không phải pháp của Thanh văn. Vì Thanh văn bỏ hết cho nhẹ, nhưng Bồ-tát phải chuyển vật là làm Phật và muốn làm Phật chi phối vũ trụ thì pháp hành phải khác gọi là Bồ-tát pháp.

Kinh Pháp hoa còn có tên khác là kinh Vô lượng nghĩa. Ngài Nhật Liên nói rằng kinh Vô lượng nghĩa là văn minh của loài người từ thời đồ đá xa xưa cho đến thời văn minh hiện đại và chúng ta đã thừa hưởng quá trình lịch sử văn minh của nhân loại, nói cách khác đó là kinh Vô lượng nghĩa.

Như đã nói, Đức Phật Thích Ca cũng đã học tất cả văn minh từ văn minh Ai Cập, Hy Lạp cho đến văn minh Ấn mà ngài Nhật Liên gọi là kinh Vô lượng nghĩa. Nhưng sau đó, phần thứ hai quan trọng hơn gọi là Định Vô lượng nghĩa, chúng ta bắt đầu đi vào thế giới siêu hình là thế giới của tâm, không phải thế giới của vật nữa.

Thâm nhập thế giới của tâm mới tách rời văn minh vật chất, mới có văn minh của tâm thức là văn minh ở trong thiền định gọi là Định Vô lượng nghĩa.

Định Vô lượng nghĩa khác với các định trước kia Phật dạy. Các loại định trước do tập trung tư tưởng mà vào định chỉ giúp hành giả có hiểu biết giới hạn.

Đến Định Vô lượng nghĩa là các Bồ-tát tu bắt đầu quán sát để hiểu biết và làm trong Chánh định, không phải làm việc ở bên ngoài. Đó là tu Đại thừa. Còn trước kia, Thanh văn vào Chánh định là bỏ tất cả. Nhưng nay Bồ-tát vào Định Vô lượng nghĩa thấy từng việc xảy ra và giải quyết từng việc hợp lý hợp tình nhất để bắt đầu chi phối sự vật, hay chuyển vật.

Thể hiện lý này, trước khi Đức Phật Thích Ca thuyết kinh Pháp hoa, Ngài nhập Vô lượng nghĩa xứ định thấy trời mưa hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa, khác với nhập Diệt tận định, hành giả không có gì.

Vào Định Vô lượng nghĩa thấy hoa Mạn-đà-la là tâm hành giả được an vui hoàn toàn. Vì vậy, trên bước đường tu, mỗi lần chúng ta vào định, phải xem tâm mình an vui không, còn bị vật chi phối không. Nếu được như vậy thì biết là do tu chứng mà chúng ta có an vui của tự thọ dụng thân.

Hoa Mạn-thù-sa là tinh khiết hoa tiêu biểu cho tâm an vui của tự thọ dụng thân của chính ta, không bị vật chất chi phối, nên tinh khiết. Còn tha thọ dụng là vui theo hoàn cảnh nên bị vật chất chi phối. Và vào Định Vô lượng nghĩa là chúng ta vào cảnh giới thanh tịnh nhưng phải có an vui, đó là điểm đặc sắc của sự giải thoát thanh tịnh của định này.

Từ định này đi xa là trong định, chúng ta thấy Phật xuất hiện trên cuộc đời. Nếu theo văn minh lịch sử của loài người nói rằng Thái tử Sĩ Đạt Ta sanh trong cung dòng họ Thích, rồi đi tu đến cội bồ-đề mà thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nhưng vào Định Vô lượng nghĩa, với tâm thanh tịnh giải thoát an vui thì thấy Phật ra đời không phải là thái tử mới đi tu thành Phật. Vì nhìn đời, nhìn người theo lăng kính Pháp hoa thấy hoàn toàn khác, tức thấy được Phật hiện thân bên trong thân của Thái tử Sĩ Đạt Ta. Nếu bên trong thái tử không có sẵn Phật thì thái tử không thể thành Phật được. Hoặc bên trong thân của thái tử có Bồ-tát thì Ngài chỉ là Bồ-tát thôi.

Tiên A Tư Đà có mắt huệ mới thấy đây là Phật ra đời vào thai mẹ, vào thân Thái tử Sĩ Đạt Ta, nên cách Ngài sanh ra không giống mọi người và hình dáng Ngài cũng phi thường.

Đức Phật cũng khẳng định trong phẩm Như Lai thọ lượng kinh Pháp hoa rằng trời, người, A-tu-la thấy Phật xuất thân từ dòng họ Thích mới tu thành Phật. Nhưng thực sự Ngài đã thành Phật lâu rồi, phải đầy đủ duyên lành thì Phật mới xuất hiện ở Ta-bà để giáo hóa chúng Nhị thừa và hàng nhơn thiên, làm lợi ích cho họ.

Và hoàn tất việc giáo hóa độ sanh, Phật dạy rằng những gì cần nói Ta đã nói, những việc cần làm Ta đã làm. Phần còn lại là các ông thực tập các pháp Ta đã truyền trao để đạt được sở đắc theo mong cầu. Ai cầu sanh lên Trời thì thực tập pháp Thập thiện. Ai cầu ra khỏi sinh tử thì thể nghiệm 37 Trợ đạo phẩm của Thanh văn. Ai muốn làm Phật thì thực hành trọn vẹn Bồ-tát pháp. Chỉ có chừng đó thôi. Ta sẽ vào Niết-bàn.

(Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày