Văn hóa Thăng Long từ điểm nhìn Hà Nội 2010
1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tính từ tháng Bảy Âm lịch năm Thuận Thiên thứ nhất, tức năm 1010. Khi ấy, Lý Thái Tổ, sau 9 năm lên ngôi, thấy Hoa Lư chật hẹp, thưa dân, hiểm trở, không có thế mở mang ra làm chỗ đô hội được, quyết định dời đô về thành Đại La (hay La Thành). Theo truyền thuyết, khi ra đến La Thành, ông trông thấy rồng vàng bay lên trời nên đổi tên Đại La thành sang Thăng Long thành. Cái tên Thăng Long có từ lúc ấy, mở đầu cho một thời kỳ thịnh vượng mới của dân tộc Đại Việt.
Đền Đô thờ các vị vua triều Lý
Nhưng không phải chỉ có Chiếu dời đô với tầm nhìn thiên niên kỷ, Lý Thái Tổ và nhà Lý, vương triều lần đầu tiên giữ vững được chính quyền lâu dài đến hơn hai trăm năm (khác với các vương triều cũ trước đó chỉ tồn tại hơn vài chục năm), bảo toàn và mở rộng lãnh thổ của Đền Đô thờ các vị vua triều Lý mình, ngoài còn có nhiều đóng góp to lớn, đặt nền móng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, một đặc sắc văn hóa ở Nam Á và Đông Nam Á.
1.000 năm đã đi qua, tinh thần, văn hóa ấy như ngọn đèn không tắt.
Chuyên đề tuần này lấy “điểm nhìn” từ Hà Nội năm 2010 và từ những góc nhìn riêng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, của họa sĩ - nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân và của tiến sĩ - kiến trúc sư trẻ Phó Đức Tùng, với hy vọng không chỉ hiểu được những giá trị lớn lao được gieo mầm từ văn hóa Thăng Long mà còn nhìn thấy cả những thách thức cho văn hóa Hà Nội sau ngàn năm và ngàn năm sau nữa...
Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY |
Trong cuốn băng tôi xem mấy năm trước, ghi hình buổi nói chuyện của một thiền sư người Việt nổi tiếng thế giới. Thiền sư kể ông đã giảng pháp rất nhiều lần cho người ngoại quốc, nhưng nhớ mãi buổi ở Đức, giảng cho người Việt Nam, đa phần là dân lao động bình thường, sang đây buôn bán hoặc làm thuê… Kết thúc buổi giảng, một đệ tử phương Tây đi theo đoàn, thắc mắc rằng thầy giảng vẫn như mọi khi, vậy mà thấy bầu không khí ở đây khác, nhưng nghĩ mãi vẫn không biết cái khác đó là gì. Thiền sư trả lời: Có lẽ đối với tôi, nói chuyện với người Việt cảm thấy như mình trở về nhà. Còn về phía người nghe, có lẽ vì người dân Việt Nam là một dân tộc theo Phật giáo. Ngày nay, có nhiều người không phải là Phật tử, nhưng cha mẹ, ông bà họ vốn là Phật tử. Những chủng tử Phật giáo của cha ông vẫn truyền tới cho họ. Vì thế, khi nghe tôi nói, họ thấy không xa lạ. Vấn đề này ta phải truy nguyên từ thời dân Việt dựng nước.
Chùa Một Cột |
1. Phật giáo vào Việt Nam đã 2.000 năm (phía Nam từ Ấn Độ, phía Bắc từ Trung Hoa) chủ yếu do hai dòng thiền Tì ni đa lưu chi và Vô ngôn thông mà tổ đình là chùa Dâu (Thuận Thành) và chùa Kiến Sơ (Phù Đổng). Hai dòng thiền này, khác hẳn các dòng thiền Trung Hoa, quan niệm thuyết địa linh cho mảnh đất Đại Việt là đất linh thiêng tất sẽ sinh minh chúa. Rồi “Phật ở mọi nơi”, “Tây Thiên cõi này, cõi này Tây Thiên” tức là các thiền phái đều quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam này thành một cõi Tây Thiên, đất Phật.
Trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi, phong trào đấu tranh giành độc lập rất sôi nổi. Các triều đại ngắn ngủi ra đời. Những anh hùng dân tộc xuất hiện. Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành. Những trí thức cũng tham gia, nhất là các trí thức Phật giáo. Như sư Khuông Việt phò vua Đinh Tiên Hoàng, sư Pháp Thuận phò vua Lê Đại Hành, sư Vạn Hạnh phò Lý Công Uẩn. Không thấy những trí thức Nho giáo. Có lẽ từ thời Sĩ Nhiếp, người Tàu dạy Nho học cho người Việt nhưng chỉ ở mức sơ đẳng, chỉ đủ sức làm thư lại, tức là làm tay sai cho ngoại bang. Còn những trí thức lớn thì phải là các nhà sư! Triết lý đạo Phật sâu sắc, phải có một học lực thâm sâu, thậm chí phải giỏi cả Khổng, Lão mới hiểu được Phật. Mà những thiền phái Việt Nam lại rất yêu nước. Người Phật tử hiểu rằng chỉ khi đất nước được độc lập thì Phật giáo mới phát triển được. Từ đó tôi hiểu tại sao thời Lý Trần, Phật giáo lại là quốc giáo và tại sao nói dân tộc Việt là dân tộc Phật giáo.
Thiền sư Vạn Hạnh là một con người uyên thâm, hết lòng vì đạo, hết lòng vì đời, ở ngay giữa đời mà tu đạo, không câu nệ, không chấp trước điều gì, miễn là làm cho đất nước được hòa bình, cường thịnh. Ông phò ba triều đại Đinh, Lê, Lý. Ông tham dự vào việc Lê Hoàn phá Tống. Ông dạy dỗ, đào tạo Lý Công Uẩn. Ông đưa Lý Công Uẩn vào làm quan cho Lê Đại Hành. Ông tham dự vào việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Ông quân sư cho Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Có thể nói như vậy vì sư Vạn Hạnh là người giỏi sấm ký, phong thủy. Không có Vạn Hạnh thì không có việc Lý Công Uẩn lên ngôi, như vậy cũng không có triều Lý, không có Thăng Long. Đọc bài kệ lúc sắp thị tịch của người, lòng rung lên niềm cảm phục: Thân như bóng chớp có rồi không/Cây cối xuân tươi, thu não nùng/Mặc cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi/Thịnh suy, ngọn cỏ giọt sương đông. Hai câu đầu nói về thân phận cá nhân, hai câu sau nói về xã hội. Đó là triết lý của con người hành động, hết lòng với đời, nắm vững quy luật sống chết thịnh suy, điềm nhiên, hết lòng vì cuộc sống. Tôi thích bài thơ của sư Vạn Hạnh, nên một nhân vật thiền sư trong cuốn sách mới của tôi có tên là Vô Úy.
2. Đầu năm nay, ngày mùng Một chúng tôi đi lễ chùa. Đoàn có các vãi già, ông bạn thời nhỏ từng tham gia bảo vệ Thủ đô năm 46, ông giám đốc về hưu, ông đại tá về hưu. Thời trẻ, có thể chưa biết đạo Phật là gì, chúng tôi đã không có lòng tin. Nhưng bây giờ, các bạn tôi, vẻ mặt đều hớn hở và kính cẩn. Vả lại, đi lễ chùa vào ngày mồng Một Tết, nếu không phải là người kính Phật thì không thể đi.
Chúng tôi đến chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh, nơi trụ trì của sư Vạn Hạnh và là nơi học tập của Lý Công Uẩn… Khác hẳn Tiêu Sơn hoang vu ngày xưa, mà có đôi lần tôi đã tới. Không áo nâu áo, không áo mớ ba mớ bảy, không đường đất đỏ, không cả cảm nghĩ và không khí lãng mạn của Tiêu Sơn tráng sĩ mà Khái Hưng tưởng tượng. Bây giờ đường vào chùa rộng rãi, có vỉa hè và cây trồng như đường phố. Chùa Tiêu Sơn đang hiện đại hóa.
Cứ tưởng chúng tôi là người xông đất nhà chùa. Nào ngờ, trước đó đã có một xe ô tô đưa các cô giáo và các em học sinh đến dâng hương. Các cô giáo ăn mặc đẹp, hiện đại nghiêm trang kính cẩn trước ban thờ Phật. Các cháu học sinh chắp tay trước ngực trong khói hương mờ ảo. Tôi chợt nhớ lời vị thiền sư giảng pháp ở Đức kể trên kia: Mỗi người Việt Nam đều có những yếu tố Phật giáo trong người…
Có hai nhân vật của triều Lý khiến tôi có nhiều suy nghĩ: vua Lý Thánh Tông và bà Ỷ Lan. Trong đám tù binh của nhà Lý có một thiền sư tên là Thảo Đường. Ông là người Trung Hoa sang Chiêm Thành truyền giáo mà bị bắt. Qua trò chuyện, Lý Thánh Tông khâm phục sự học và đạo đức của Thảo Đường bèn phong làm quốc sư và xin làm đệ tử! Phái Thảo Đường thành lập, tổ đình là chùa Khai quốc.
Bia tiến sĩ Văn Miếu năm 1884
Lý Thánh Tông cũng chính là người mở cửa để Nho học chính thức xuất hiện ở Việt Nam. Trước kia, Phật giáo có công rất lớn trong nền giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước. Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàng, Lý Công Uẩn, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh và nhiều quốc sư khác đều nhờ nhà chùa mà thành danh nhân đất nước. Ngoài ra nhà chùa còn đào tạo nhiều anh tài khác để làm việc ở các cấp chính quyền. Thời ấy nhà chùa ngoài chức năng tín ngưỡng còn là một trường học. Ở đấy người ta học chữ, học Phật pháp. Nhà chùa vốn bao dung cởi mở nên các vị thiền sư còn dạy cả Nho học và Lão trang.
Tuy nhiên dần dần người ta thấy riêng Phật giáo rất khó điều khiển đất nước bởi Phật giáo quan tâm tới chính trị nhưng không nghiên cứu chính trị, lo đến giải thoát con người hơn là đến cai trị. Còn Nho giáo thì khác. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là mối quan tâm chủ yếu của Nho giáo, lại có cả một hệ thống để cai trị và mở mang bờ cõi. Thiền sư Thảo Đường chủ trương dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo. Trong khi ấy, nhà Lý đang thời kỳ cực thịnh và muốn phát triển xuống phương Nam... Nhà Lý muốn có một chính quyền tập trung mạnh mẽ. Từ yêu cầu lịch sử ấy, Lý Thánh Tông là người đầu tiên cho xây Văn Miếu. Và bà Ỷ Lan nhiếp chính đã thay con cho mở hội thi Nho học đầu tiên để kén chọn người tài. Ỷ Lan là một phụ nữ kiệt xuất, từ một nông dân bình thường trở thành một phụ nữ uyên thâm Phật giáo, rồi lại hai lần thay vua điều hành chính trị. Có thể do tự tay điều hành đất nước nên bà mới rõ tầm quan trọng của Nho giáo. Bà xây dựng 100 ngôi chùa nhưng lại là người cho mở khoa thi Nho giáo.
Tôi nghĩ, trong văn hóa Việt, Phật giáo là phần âm, còn Nho giáo là phần dương. Phật giáo là cái phần mềm dẻo, tinh tế, chịu đựng, hiền hòa trong con người Việt. Nó là phần năng lượng tiềm ẩn. Mềm dẻo chịu đựng đấy, nhưng khi bùng nổ lên thì cũng ghê gớm. Còn Nho giáo là phần năng động, thực tế, kiên quyết. Nó là sức mạnh xẻ núi ngăn sông. Hai phần đó thiếu phần nào cũng không được. Một con người, một đất nước đều cần cả hai. Phải cảm ơn triều Lý đã tạo ra cho dân tộc ta tố chất ấy để phát triển đến ngày hôm nay.
Một đặc điểm nổi bật nữa của Phật giáo Việt Nam là tính chất nhập thế. Tính chất ấy bộc lộ rõ từ triều Lý. Trần Nhân Tông đệ nhất tổ phái Trúc Lâm viết Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Phải tùy duyên, ở ngay chính cõi trần này mà vui với đạo. Tư tưởng ấy đã có sẵn từ Phật giáo thời Lý! Sư Khuông Việt là học trò sư Vân Phong. Vân Phong là học trò sư Thiện Hội. Sư Hội dạy sư Phong: Phải ở trong sống chết, biết nắm lấy cái không sống chết thì mới được (nghĩa là Phật tử phải ung ung tham dự vào mọi sinh hoạt của cuộc đời, coi hoàn thành việc đời là chứng minh cho sự hoàn thành việc đạo).
Lý Thái Tông, người xây dựng chùa Một Cột vừa làm vua vừa làm cư sĩ thiền sư. Theo gương Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông cũng đều vừa làm vua vừa làm thiền sư.
Sau này, nhà Lê, nhà Nguyễn lên ngôi. Nho giáo trở thành độc tôn ở triều đình. Phật giáo không tham dự triều chính nữa, nó rút lui về làng xã. Nhưng Phật giáo mãi mãi là một thành tố trong tâm hồn người Việt, trong văn hóa Việt.
Trong văn hóa Việt, Phật giáo là phần âm, còn Nho giáo là phần dương. Phật giáo là cái phần mềm dẻo, tinh tế, chịu đựng, hiền hòa trong con người Việt. Nó là phần năng lượng tiềm ẩn. Mềm dẻo chịu đựng đấy, nhưng khi bùng nổ lên thì cũng ghê gớm. Còn Nho giáo là phần năng động, thực tế, kiên quyết. Nó là sức mạnh xẻ núi ngăn sông. Hai phần đó thiếu phần nào cũng không được. Một con người, một đất nước đều cần cả hai. Phải cám ơn triều Lý đã tạo ra cho dân tộc ta tố chất ấy để phát triển đến ngày hôm nay. |
Làng nào cũng có đình và có chùa. Đình tượng trưng cho Nho giáo, là nơi sinh hoạt của đàn ông. Chùa là Phật giáo, là nơi sinh hoạt của phụ nữ, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của thanh niên, trẻ nhỏ trong những ngày hội. Người phụ nữ khi có chồng con thường vào hội bà vãi. Người mẹ nào cũng đi lễ chùa và cũng có nhiệm vụ dạy dỗ con cái. Hầu như đứa trẻ Việt Nam nào cũng có lần theo mẹ đi lễ chùa. Đi lễ chùa, tuy không được hiểu những giáo lý Phật giáo một cách sâu sắc, nhưng ít nhất người ta cũng biết được những đạo lý, biết rằng làm việc thiện là tốt, biết rằng phải giúp đỡ những người đau khổ thiệt thòi và phải tránh xa điều hung bạo, điều ác.
Có lẽ những ngôi chùa làng là những ngọn đèn tiếp nối ánh sáng từ bi Phật giáo. Nó rực sáng vào thời Lý và kéo dài cho tới ngày nay.
Bài 2: Mỹ thuật Lý & cuộc hội nhập khu vực và quốc tế “lần thứ nhất”