Văn học “discovery”

Những tác phẩm văn học ra đời từ những chuyến hành trình khám phá có sức hấp dẫn lớn đối với độc giả

Thêm một tác phẩm văn học nước ngoài viết từ hành trình có thật của tác giả, đầy sức cuốn hút, vừa được ra mắt độc giả Việt Nam : Hải trình Kon-Tiki của Thor Heyerdahl (NXB Thế giới ấn hành). Những kinh nghiệm sống từ chuyến hải trình vượt gần 8.000 km qua Thái Bình Dương trên chiếc bè mang tên Kon-Tiki của 6 thành viên, trong đó có Thor Heyerdahl, được miêu tả trong tác phẩm đã giúp Hải trình Kon-Tiki chinh phục hàng triệu độc giả toàn cầu. 

Văn học “discovery” ảnh 1
Các tác phẩm văn học được viết từ những trải nghiệm của người viết đã chinh phục độc giả thế giới

Những trang viết đầy mê hoặc

Qua ngòi bút khắc họa của Thor Heyerdahl, đại dương cứ như hiển hiện trước mắt người đọc đầy bí hiểm và mê hoặc, cuốn họ cùng đi vào hành trình khám phá sự hoang dã vô biên của tự nhiên, để nhận ra điều kỳ diệu nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Hải trình Kon-Tiki đã ghi một điểm cộng vào dòng sách văn học viết từ những trải nghiệm khám phá của tác giả.

Nhiều tác phẩm văn học được viết từ những hành trình đi và sống của các tác giả nước ngoài đã được giới thiệu tại Việt Nam . Đình đám nhất có thể kể đến bộ sách Mật mã Tây Tạng (gồm 8 quyển) của tác giả người Trung Quốc Hà Mã. Bộ sách  đã làm nên “cơn sốt du lịch” Tây Tạng sau khi được phát hành tại Trung Quốc. Hơn 30 NXB trên thế giới tranh nhau quyền được chuyển ngữ bộ sách này.

Không thuần túy miêu tả hành trình theo dạng ký sự, Hà Mã khéo léo lồng ghép những bí ẩn ngàn năm của vùng đất Tây Tạng đầy mê hoặc thông qua nhân vật chính là người thương nhân kinh doanh giống chó ngao. Những truyền thuyết, những pho sử thi, Phật giáo và con người, thiên nhiên và những điều kỳ bí của vùng Tây Tạng được tác giả - người đã mạo hiểm đi xuyên qua những rừng rậm nguyên thủy và những nơi hoang dã hiểm nguy nhất của Tây Tạng – khai phá một cách ngoạn mục bằng con chữ. Sự hư cấu cùng khối kiến thức rộng và vững vàng đã giúp tác giả còn rất trẻ này tạo nên cú đột phá với văn chương.

Lão già mê đọc truyện tình của nhà văn người Chile Luis Sepúlveda cũng là một tác phẩm chinh phục độc giả bằng cách viết này. Tham gia chuyến thám hiểm vào khu rừng rậm Amazon 7 ngày (do UNESCO tổ chức), Luis đã kể câu chuyện về một ông già sống đơn độc giữa rừng già với những thao thức về cuộc đời mình và số phận của rừng. Rừng rậm hoang sơ và những điều rùng rợn, kỳ bí  từ đó cũng hiện ra...

Đi, sống và viết


Vốn sống, sự hiểu biết cũng như cảm xúc mãnh liệt với con chữ không tự nhiên đến với người cầm bút. Để viết được cuốn Tuyết Hoa và cây quạt bí mật, nhà văn gốc Trung Quốc Lisa See - vốn sinh ra ở Paris, lớn lên ở Los Angeles – đã tìm đường về sống ở vùng nông thôn hẻo lánh của Trung Quốc một thời gian dài để tìm hiểu về nữ thư – một tập tục truyền thống của phụ nữ Trung Hoa thời xa xưa. Tác phẩm Tuyết Hoa và cây quạt bí mật đã tái hiện một cách chân thực và cảm động về hình ảnh của những người viết nữ thư ở Trung Quốc vào thế kỷ XIX.

Cây bút nữ Elizabeth Gilbert cũng thực hiện chuyến hành trình qua 3 vùng văn hóa trên đất nước Ý, Ấn Độ và đảo Bali - Indonesia để viết cuốn Ăn, Cầu nguyện, Yêu, nói về con đường đi tìm tự do và hạnh phúc của người phụ nữ. Tác phẩm Từ điển Mã Kiều cũng là một kho kiến thức văn hóa khổng lồ của tác giả Hàn Thiếu Công khi tái tạo gần như toàn cảnh diện mạo cuộc sống, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của cư dân thôn Mã Kiều trong thời cách mạng văn hóa.

Các tác phẩm văn học viết từ những chuyến đi, khám phá luôn cuốn hút và có giá trị bền vững khi câu chuyện không chỉ có những nhân vật hư cấu mà còn có cả một không gian văn hóa rộng lớn, vừa làm nổi bật hình tượng nhân vật với những giá trị sâu sắc trong tác phẩm vừa khắc họa được những nét đẹp đặc trưng của một miền đất – một vùng văn hóa trải dài trong chiều sâu nhận thức của người đọc.

VN ít tác phẩm từ hành trình khám phá


Không đòi hỏi những điều lớn lao nhưng thực tế khó phủ nhận là so với văn học thế giới, văn học Việt rất thiếu những tác phẩm mang tầm không gian văn hóa. Viết từ trải nghiệm những chuyến đi gần đây có thể kể đến 2 cây bút nữ Di Li và Dương Thụy. Tuy nhiên, Di Li viết theo dạng sách ký sự du lịch, Dương Thụy thì có một “gian hàng” là thể hiện phong cách sống của các nhân vật phương Tây. Thật sự chuyển tải được không gian văn hóa của một vùng đất để lại nỗi ám ảnh trong lòng người đọc có thể nhớ đến Ngôi nhà xưa bên suối, Chuyện ở lũng Cô Sầu của nhà văn miền núi Cao Duy Sơn hay Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư...

Còn nhìn chung, nhiều tác phẩm của những người viết trẻ bây giờ đang quẩn quanh bối cảnh, nhân vật bó hẹp trong chuỗi suy nghĩ sống thường nhật, chưa kể việc chạy theo trào lưu khai thác đề tài “ăn khách” của một bộ phận người viết vội vàng. Một tác phẩm mang đủ tầm khắc họa được cả một không gian văn hóa vẫn còn là ước vọng. Nhà văn Bùi Anh Tấn cho rằng rất khó để người cầm bút ở VN làm được điều đó, khi sự thật rằng văn chương không là con đường và sự lựa chọn duy nhất của người viết. Phần lớn, các cây bút trẻ viết văn “để giải tỏa cảm xúc” nhiều hơn là để tìm tòi, khám phá những điều lớn lao hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày