Về chùa học múa

Giác Ngộ - Ngắm nhìn các em thanh thiếu niên Gia đình Phật tử trong chiếc áo dài, khăn đóng truyền thống hòa cùng điệu múa nghi lễ cúng dường trang nghiêm, thanh tịnh làm cho người xem ngạc nhiên, trầm trồ khen ngợi.

Và không có lý do gì để khán giả chối từ hay ngại ngần tặng lại cho các em những tràng pháo tay khi tiết mục múa kết thúc. Ẩn sau những điệu múa ấy, ít ai biết người "đạo diễn", người giúp các em tỏa sáng chính là thầy Trí Tâm, trụ trì chùa Phước Linh (Bình Dương).

chualenhoc.gif

Thầy Trí Tâm khích lệ nhóm múa
khi tiết mục kết thúc - Ảnh: N.Trân

Về chùa từ tình yêu nghệ thuật

Tiết mục múa vừa kết thúc, tôi ngồi trò chuyện với các diễn viên trẻ tuổi trong nhóm múa nghi lễ. Với sự nhiệt tình, em Tuyết Sương đã kể cho tôi nghe về lịch sử hình thành của nhóm múa. Dí dỏm và dễ thương, em kể rằng: "Các điệu múa là do thầy dạy hết đó chị. Nhóm múa của em vừa hình thành trước lễ Vu lan một tháng thôi. Trong thời gian ngắn, thầy đã dạy cho chúng em múa dâng y, dâng hoa, dâng lục cúng… Dù tập hơi mệt nhưng vui lắm". Nhưng vui nhất với các em có lẽ là khi đội múa có thêm bạn mới xin vào gia nhập. Lúc ấy, vừa có thêm bạn mới cùng lý tưởng, vừa tăng thêm lực lượng của đội.

Trong quá trình tập múa, thầy luôn khuyến khích các em rủ các bạn cùng tham gia, nhất là các bạn chưa quy y thì càng tốt. Lời thầy dạy đã được em Thanh Sơn phát huy hết mình và kết quả là em đã rủ được vài bạn về chùa sinh hoạt. Trong đó có em Thu Thơm, lúc đầu về chùa chỉ vì thích tập múa nhưng lúc sau về vì mến bạn, thương thầy. Em chia sẻ: "Về chùa được thầy và anh chị hướng dẫn múa tận tình nên em rất quý. Giờ mùa lễ đã qua nhưng tuần nào không về chùa thăm thầy, sinh hoạt với nhóm em rất nhớ". Không chỉ có em, mà em Ngọc Hân cũng có cảm nghĩ như vậy. "Sau mùa Vu lan, mà sao em cứ thích về chùa. Em nhớ những lúc tập múa, nhớ khi được thầy dạy giáo lý, nhớ lúc cùng mọi người làm công quả. Nhớ nhiều lắm. Không ngờ về chùa mới đây thôi mà em lại thấy yêu mái chùa sao ấy. Em đã không còn suy nghĩ ngôi chùa chỉ là nơi dành cho các cụ già lui tới hay là nơi dành cho những bạn trẻ thất tình".

Và cứ như vậy, vào chiều ngày thứ Bảy hay Chủ nhật, các em trong độ tuổi thanh thiếu niên lại rối rít rủ nhau về chùa sinh hoạt. Dưới mái chùa Phước Linh này, giờ đây "sơn ca" bắt đầu hót, nắng bắt đầu say và ngược chiều gió hoa bắt đầu lay hương tỏa ngát…

Trăn trở của vị trụ trì trẻ

Động lực đưa thầy đến với việc dạy cho các em múa là gì ạ? Thầy Trí Tâm chia sẻ: "Khi về nhận chức trụ trì chùa Phước Linh (Bình Dương) có một câu hỏi mà tôi luôn canh cánh trong lòng, trăn trở ngày đêm đó là làm thế nào để hướng các em thanh thiếu niên quay về với đạo; làm cách nào giúp cho các em có sân chơi lành mạnh để trang bị cho các em kỹ năng sống và có thái độ ứng xử thật tốt. Bởi vì lúc ấy tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về hoằng pháp. Và rồi niềm ưu tư đã nhanh chóng giải quyết khi tôi nảy sinh ý định kết nối các em bằng phương tiện dạy cho các em múa theo nghi lễ. Sở dĩ lúc ấy tôi chọn cách múa theo nghi lễ, một phần vì nghệ thuật múa ngàn đời đã gắn liền với dân tộc Việt Nam, rất gần gũi nên sẽ dễ dàng cho các em tiếp thu và tập luyện. Phần khác là vì qua các điệu múa, tự bản thân các em có thể gieo duyên cúng dường lên Tam bảo. Đồng thời cũng là một cách giúp các em giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc".

Không ngờ các điệu múa nhẹ nhàng, thanh thoát, trang nghiêm trong các nghi thức cúng lục quả, dâng y, dâng hoa… đã tạo sức hút với các em nhiều như vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, các em về chùa sinh hoạt ngày một đông. Từ con số 8 em tăng dần lên tới 28 em. Nhưng "không chỉ riêng gì các em đã là Phật tử của chùa, các em chưa từng đến chùa hay chưa quy y cũng xin được về tập múa", thầy cho biết. Mặc dù các em phải đến trường, nhưng vẫn tranh thủ dành thời gian theo đoàn biểu diễn cúng dường lên chư tôn đức. "Nhiều khi thấy các em đam mê tôi cũng lo vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập cuối khóa" - ĐĐ.Trí Tâm bộc bạch. Nhưng các em lại đồng lòng chia sẻ với thầy rằng: "Thầy ơi, thầy đừng lo, chúng con biết sắp xếp thời gian và công việc mà". Nghe như vậy nên thầy lại càng thấy thương và quý bọn trẻ nhiều hơn. "Có lẽ với tôi, đó chính là niềm vui lớn nhất, vượt trên sự mong đợi để rồi trở thành hạnh phúc dạt dào. Và chính các em đã tặng cho tôi món quà vô cùng có ý nghĩa đó. Nên suy cho cùng, trong cuộc hành trình này tôi đã nhận được nhiều hơn cho".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày