Cô Thơm rạng rỡ hạnh phúc khi kể về những món hàng, bánh mứt đã mua được, để về quê ăn Tết
Cô Thơm, gánh bánh tráng trộn bán ở đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5), đối diện Trường Đại học Tự nhiên và Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM kể rằng: “Tết năm nay cô về quê sớm hơn mọi năm. Mấy năm trước 28 Tết mới về, năm nay bán hết ngày 24 là cô về. Giá xe đò ngày 24 về Bình Định hết 800 ngàn. Giá xe đắt và ngoài đó thời tiết cũng lạnh lắm nhưng mà cô nôn về với tụi nhỏ”.
Vừa trộn bánh tráng bán cho khách, vừa nghĩ đến thời khắc lên xe về với gia đình, cô khoe: “Năm nay cô mua được quà bánh về cho tụi nhỏ. Mua được tới ba hộp bánh ngọt, kẹo sô-cô-la, mứt chuối, hột dưa với những thứ lặt vặt. Mừng lắm, nhiêu đó là ăn Tết lớn rồi đó”.
Sài Gòn những ngày giáp Tết, không khó để tìm thấy người ở tỉnh còn nán lại đây, tranh thủ kiếm thêm được vài trăm đỡ vài trăm. Trên đường chở tôi từ Phú Nhuận về trung tâm quận 1, anh Cường, tài xế xe Grab bike quê tận Hải Dương cho biết: “Ngày 24 Tết rồi mà chưa về quê được, ngày 30 Tết tui mới về. Chịu khó chút để mua thêm ít đồ về quê, nán lại vài ngày để chạy xe, vì ở đây dù gì cũng dễ kiếm tiền hơn ở quê. Giờ này về quê, hông có tiền”.
Rồi anh nói thêm: “Giáp Tết, cứ trễ một ngày là giá xe lại nhích một tí, nhưng giá nào cũng về quê ăn Tết với vợ con chứ không ở lại Sài Gòn”. Hỏi anh, Tết ở quê vui nhất là gì? Mỉm cười thiệt tươi, anh bảo: “Nhà tui cứ Tết đến là anh em cùng nhau tụ họp nấu nướng cúng kiếng ông bà, rồi ăn cơm chung với gia đình trong ba ngày Tết là vui nhất. Ở Sài Gòn này mặc dù rất tốt, người Sài Gòn rất dễ thương nhưng không sao ấm áp bằng nhà mình. Cô nhắc làm tui nhớ nhà quá”.
Kể từ đó, suốt quãng đường chạy 15 phút, anh Cường cứ kể mãi về những đứa con, kể giờ này ở quê mẹ và vợ đã chuẩn bị gì đón Tết. Và anh cũng thú thiệt rằng, anh đang nôn nao chờ đến ngày về đoàn tụ, sum họp bên gia đình.
Những ngày cuối năm, tôi bắt gặp hình ảnh chị Minh Thương (Q.12, TP.HCM) tất bật với công việc làm ăn và cũng bận rộn chuẩn bị cúng kiếng cho những ngày Tết. Hỏi thăm chị, chừng nào về quê ăn Tết, chị bảo: “Vì có nhà ở đây nên mình nán lại, cúng kiếng cho hết ngày mùng Một. Qua mùng Hai là mình cùng chồng, con về quê ở Bình Định để vui xuân bên gia đình. Tết, dù vé xe có đắt mấy và dù có bận cách mấy cũng gác lại tất cả mọi việc để về quê ăn Tết. Với lại, Tết mình ở đây, không về ba mẹ sẽ rất buồn; mà mình ở đây, ăn Tết cũng chẳng thể vui khi ý nghĩa sum họp không trọn vẹn”.
Những người tôi bắt gặp ở trên, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, tuổi tác cũng chênh lệch nhau, có người tóc đã bạc hết, có người ở tuổi trung niên, có người vừa bước sang tuổi 32. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh như thế nào nhưng Tết đến, họ luôn dành một khoản thời gian để quay về bên gia đình. Đơn giản vì họ biết, ở quê nhà, lúc nào cũng có người thân ngóng chờ.
Bài, ảnh: Khánh Vy