Năm 1746 Hoà thượng Tế Hiệp Hải Điện cho khởi công đại trùng tu chùa khang trang và sau đó cho đúc quả đại hồng chung. Theo niên đại ghi trên thân chuông thì quả đại hồng chung chùa Thiên Thai Thiền Tôn được đúc vào cuối xuân năm Đinh Mão, Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747); chuông cao 1m,60, nặng 855 cân xưa. Và chính Hòa thượng Tế Hiệp Hải Điện là đệ tử đắc pháp với Tổ Liễu Quán đưng tên chứng minh.
Hoa văn trình bày trên chuông rất giản dị: các nhóm chấm tròn, dãy hoa lá uốn lượn, hình lá bồ đề cách điệu, hồi văn, bát quái, bát bửu…Đặc biệt phần dưới cùng của chuông không trình bày hoa văn sóng nước như truyền thống các chuông chùa Huế mà lại trình bày hoa sen, lá sen cách điệu. Thân chuông cũng chia làm bốn ô lớn; giữa mỗi ô khắc bốn đại tự, bên phải các đại tự này có dòng chữ phù, bên trái khắc chữ kiểu viết chân phương, khắc kệ chuông và lời cầu “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”.
Toàn cảnh Chùa Thiên Tôn
Đại hồng chung chùa Thiên Tôn tạo năm 2001
Chuông cổ Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747)
Trong khi tìm hiểu về quả đại hồng chung này, chúng tôi được biết lai lịch cũng như quá trình tồn tại của quả chuông có nhiều điều rất ly kì thú vị.
Thứ nhất là căn cứ vào chữ Hán ghi trên chuông “Thuận Hóa xứ, Triệu phong phủ… và Quảng Nam xứ, Quảng Ngãi phủ…thập phương tín cúng” cho biết tịnh tài và công sức để chú tạo quả chuông này do thiện tín thập phương của cả hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam đóng góp, đây là một điều rất quý, rất khác biệt so với các quả đại hồng chung trong các ngôi chùa Huế thời bấy giờ là do thiện tín Phật tử Thuận Hoá cúng, hoặc do các hoàng thân quốc thích, công chúa, thái giám đứng cúng.
Thứ hai là tính linh của quả chuông. Người xưa kể rằng tiếng của quả chuông ngân vang trầm hùng và rất linh diệu, lắng động, mỗi khi tiếng chuông giống lên là tất cả thú dữ trong vùng rừng núi Thiên Thai đều quy phục. Và lúc bấy giờ vùng núi Thiên Thai là nơi ẩn núp của các nhóm thảo khấu, đạo tặc nhờ nghe được tiếng chuông mà đã cải tà quy chánh.
Thứ ba là, vào triều Tây Sơn, cũng như nhiều quả chuông của các chùa Huế, chuông Thiền Tôn cũng bị tịch thu để lấy đồng đúc vũ khí. Nhưng bởi tiếng ngân linh diệu của quả chuông nên sau đó chuông không đập ra để lấy đồng mà được đem về treo ở Văn Thánh tại làng Long Hồ để làm điểm tựa tâm linh cho mọi người. Đến năm Gia Long thứ hai (1803) sau khi trùng tu chùa song thì thập phương tín đồ cùng với Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu mới dâng biểu lên nhà vua, xin thỉnh đại hồng chung về lại chùa Thiên Thai Thiền Tôn. Khi đại hồng chung trở lại chùa Tăng chúng và tín đồ đã vân tập làm lễ đàn tràng khai chung u minh trong 21 ngày đêm để cầu “Quốc thái dân an, đạo pháp lưu trường”. Từ năm 1803 trở về sau, tiếng đại hồng chung này lại ngân vang như xưa.
Thứ tư là vào thời Đại Thi hào Nguyễn Du được thăng hàm Đông các học sĩ, làm quan ở kinh đô (khoảng từ 1805-1813), Ông thường du sơn ngoạn thuỷ, ngắm cảnh sông suối, núi đồi tại vùng núi Thiên Thai ông đã được nghe tiếng chuông linh diệu này vọng ra từ chùa Thiên Tôn nên ông đã có đôi lần đến chùa chiêm bái đảnh lễ và cảm khái tiếng chuông chùa vọng ngân giữa núi đồi bát ngát thông reo mà đã cảm tác bài thơ “Vọng Thiên Thai Tự”. Bài thơ Vọng Thiên Thai Tự, một trong số bài thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Du được làm vào khoảng những năm 1806 – 1809, trong đó có câu nói về quả chuông này:
Vọng Thiên Thai Tự
Thiên Thai sơn tại đế thành đông Cách nhất điều giang tự bất thông Cổ tự thu mai hoàng diệp lý Tiên triều tăng lão bạch vân trung Khả liên bạch phát cung khu dịch Bất dữ thanh sơn tương thủy chung Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.Nguyễn Du (
Phỏng dịch: Nhìn Lên Chùa Thiên Thai
Thành Đông chót vót núi Thiên Thai Cách một dòng sông lối rẽ hai Chùa cổ lá vàng nghiêng mái phủ Triều xưa sư lão trắng mây bay Gian nan đầu bạc hoài thương tiếc Chung thủy non xanh chẳng đoái hoài Năm trước đến đây còn nhớ lại Cảnh Hưng chuông cổ vẫn treo đàiHiện nay, quả chuông cổ đời Cảnh Hưng đã trở thành bảo vật quý trong di sản văn hóa Phật giáo Huế và được trưng tàng, bảo quản rất tốt tại lầu chuông trong nội tự Thiên Thai Thiền Tông. Năm 2001, Tăng chúng và Phật tử Bổn đạo chùa đã chú tạo quả đại hồng chung mới cao 2m, nặng 1.500kg và tạo dựng một gác chuông bên ngoài chùa để thỉnh lên hai buổi sớm chiều nên rất ít người có duyên may được nghe “âm xưa chuông cổ” nữa.