GN - Chúng tôi về Ái Tử, ghé chốn Tổ giữa những ngày Phật giáo Quảng Trị đang chuẩn bị Ðại hội và chỉ sau vài tuần lễ giỗ Tổ khai sơn ngôi Sắc tứ Tịnh Quang (10-3-2012) nên có một cảm xúc đặc biệt…
Tiếp chúng tôi, HT.Thích Trí Hải, Phó BTS PG tỉnh Quảng Trị, đương kim trụ trì chùa Sắc tứ Tịnh Quang; trong phong thái ung dung của người tu, Hòa thượng từ tốn kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của chùa và quá trình trùng tu, tôn tạo để có được ngôi già lam to, đẹp, uy nghiêm như ngày nay.
Hòa thượng cho biết lịch sử của chùa vẫn chưa được xác tín rõ ràng vì có quá ít tài liệu còn lại nhưng có thể đáng tin cậy từ hai bài viết được in trong cuốn kỷ yếu nhân dịp khánh thành trùng tu chùa năm 2001. Hòa thượng tỉ mỉ kể cho chúng tôi nghe từng cứ liệu lịch sử, thông qua hai bài viết đặt vấn đề của tác giả Nguyên Minh (có sử dụng bút ký Cánh hạc non Nam của HT.Thích Trí Thủ, do An Lạc ấn hành và xuất bản năm 1971) và của GS.TS Lê Mạnh Thát (dựa trên thác bản văn bia được viết nhân dịp khánh thành chùa vào năm Thành Thái thứ 7 và những kiến giải).
Ðể có thêm tư liệu nghiên cứu và hiểu về ngôi chùa Tổ này, chúng tôi lược ghi lại vài ý liên quan mà HT.Thích Trí Hải kể cũng như trên tài liệu kỷ yếu được viết bởi tác giả Nguyên Minh và GS.TS Lê Mạnh Thát. Theo đó, tác giả Nguyên Minh dẫn rằng tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang là một ngôi chùa có vai trò trọng đại trong việc truyền thừa Phật giáo ở Quảng Trị, từ thời chúa Nguyễn vào cát cứ phương Nam (theo Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam và Ðại Nam nhất thống chí).
Trong những tài liệu này khẳng định chùa thành lập năm 1739, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát do Tổ Chí Khả (người Trung Quốc) sang Việt Nam từ năm 12 tuổi, sau đó tìm tới Huế để học đạo với Thiền sư Liễu Quán. Ngài Liễu Quán tế độ cho ngài Chí Khả với pháp danh Tế Pháp, tự Tánh Tu và hiệu Chí Khả, đến năm 1733 ngài chính thực được thọ Cụ túc giới và được Tổ Liễu Quán cho phép đi vân du giáo hóa.
Ngài Chí Khả đi ra hướng Hải Lăng (Quảng Trị), bên sông Vĩnh Ðịnh dựng thảo am hóa độ chúng xuất gia và Phật tử tại gia rồi sau lại tiếp tục đi ngược dòng Vĩnh Ðịnh đến vùng đất hiệp giữa sông Vĩnh Ðịnh và Thạch Hãn, từ đây ngài đi tới làng Ái Tử (xưa là thôn Mạc, nơi đóng đô đầu tiên của Nguyễn Hoàng khi vào Nam năm 1558). Tại đây, Tổ dựng am tranh đặt tên là Tịnh Ðộ am (cũng có tài liệu là Tịnh Nghiệp - thuộc huyện Ðăng Xương, nay là Triệu Phong, Quảng Trị), đến khoảng năm 1739 (tức năm Vĩnh Hựu thứ 5, đời Lê Ý Tôn) chùa được sắc tứ đổi tên thành Sắc tứ Tịnh Quang…
Theo GS.TS Lê Mạnh Thát, trên thác bản văn bia có đề (nội dung đã dịch nghĩa): “Chùa núi Ái Tử, dấu vết rất xưa, triều Lê cũ có tiên Tăng Hòa thượng Chí Khả từ Bắc Quốc đến bắt đầu xem địa hình vùng đất này, chọn dựng am cỏ một gian… Biển đề Tịnh Quang tự, bèn cắm tích trượng ở đó. Tiếp sau có hai Hòa thượng Tuyết Phong và Bảo Châu cũng trụ trì ở đất ấy, nay còn ba tháp là nơi chôn cất thi hài của các ngài. Ðời Lê Vĩnh Hựu thứ 5, vâng lịnh quốc triều ta ban chữ “Sắc tứ Tịnh Quang tự”, vàng ngọc huy hoàng, mặt trời Phật pháp càng thêm sáng tỏ, bèn trở thành thắng địa danh lam…”.
Chánh điện chùa Sắc tứ Tịnh Quang - Ảnh: P.Châu
Tuy nhiên GS Lê Mạnh Thát lý giải rằng bản văn bia ra đời cùng lúc với Ðại Nam nhất thống chí nên không đáng tin cậy, đồng thời lý giải: Ái Tử là nơi Nguyễn Hoàng đặt trị sở đầu tiên vào năm 1558, mà Nguyễn Hoàng xuất thân từ một gia đình Phật giáo trụ cột ở miền Bắc, bắt đầu từ Nguyễn Quốc công Nguyễn Ðức Trung, cha vợ của Lê Thánh Tôn, là người đi cầu tự để sanh ra Lê Hiến Tôn. Ðức Trung sanh Văn Lang, Văn Lang sanh Hoằng Dụ, Hoằng Dụ là ông nội của chúa Nguyễn Hoàng, cha của Nguyễn Kim.
Do đó, khi Nguyễn Hoàng vào Nam và đóng ở Ái Tử thì không có lý do gì mà ông không dựng một ngôi chùa tại nơi mình trấn nhậm để thờ Phật và tổ tiên mình. Từ thời Dương Văn An viết Ô Châu cận lục vào khoảng những năm 1555 đã biết vùng đất Quảng Trị và Thừa Thiên có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như Sùng Hóa, Thiên Mụ… Suy ra, Phật giáo thời Nguyễn Hoàng đóng quân ở Ái Tử đã phát triển mạnh mẽ, kết hợp với tín ngưỡng gia đình thì không có lý do gì mà Nguyễn Hoàng không lập chùa ở đây. Cho nên, có thể chắc chắn là nếu Quảng Trị có những ngôi chùa sớm nhất thì vùng đất Ái Tử này phải là nơi có một ngôi chùa như thế. Vì vậy, nếu bảo Hòa thượng Chí Khả là người khai sơn ngôi chùa Tịnh Quang thì chắc chắn đây không phải là ngôi chùa đầu tiên ở Quảng Trị và vùng đất Ái Tử.
Ðọc lại những bài viết như vậy cùng với chia sẻ của HT.Thích Trí Hải rằng dẫu chùa này có phải là chùa đầu tiên hay không thì Phật giáo Quảng Trị tất nhiên đã có trên 5 thế kỷ, và chùa xưa nhất còn lại là chùa Tịnh Quang. Hàng năm, đệ tử trong tông môn, đồng liêu, đồng hương Quảng Trị đều hướng về chốn Tổ rất đông nhân dịp giỗ Tổ, ngày 18-2 âm lịch. Ðiều đó chứng minh hàng hậu học không quên nguồn cội, cũng như vai trò to lớn của Tổ Chí Khả trong việc truyền thừa Phật pháp nơi mảnh đất Quảng Trị thân thương này!