Trong một dịp ra thăm miền Bắc, khi đến Hà Nội Thủy tình cờ nhìn thấy một loại tranh rất bắt mắt, và hút hồn người xem nhưng lại không làm bằng các chất liệu thông thường như sơn dầu, mực… mà là từ lá. Cô bắt đầu tò mò và quyết định ở lại nơi này để tìm hiểu về nghệ thuật tranh lá (tranh ghép bằng lá). Cũng sau chuyến đi đó, cô đã mạnh dạn đưa loại hình nghệ thuật này và phát triển nó tại TP.HCM.
Đức Phật - Một tác phẩm tranh bằng lá của Thủy
Những tác phẩm đầu tiên ra đời, cũng là lúc cô phải đối mặt với việc lời thua lỗ chịu. Nhưng lời thì chẳng thấy đâu, mà chỉ thấy trước mắt là tranh không có người tiêu thụ. Phần vì còn xa lạ với người chơi tranh, phần vì giá thành của nó quá cao. Giải thích cho vấn đề này, Thủy chia sẻ: “Để có được một tác phẩm tranh lá, người nghệ nhận phải bỏ ra rất nhiều thời gian cũng như nhiệt huyết, chứ chưa nói đến vấn đề vật chất. Từ các công đoạn như nhặt lá, rồi rửa, phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên, luộc qua nước sôi để loại bỏ chất hữu cơ dễ phân hủy, sấy khô, tẩm màu, cho đến phác thảo tác phẩm trên giấy, rồi bắt đầu ghép tranh. Có những bức tranh phải ghép từ hàng ngàn mảnh lá, nó đòi hỏi người làm tranh phải tinh tế và tỉ mỉ lắm mới có thể hoàn thành tác phẩm của mình”.
Chân dung Phương Thu Thủy
Cho đến ngày hôm này, ít nhiều thì sự nỗ lực cũng như ước mơ được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn và phát huy những ngành nghề thủ công ở Việt Nam của Thủy đã có được thành công. Nhưng với cô thì việc giải quyết lao động cho người khuyết tật với đặc thù của việc làm tranh lá mới là ước mơ lớn nhất. Hàng tuần, ngoài công việc của mình, vào ngày chủ nhật Thủy vẫn tham gia sinh hoạt trong một nhóm Thanh niên Phật giáo. “Lời dạy của Đức Phật giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc. Những bài học về giáo lý, hay những buổi ngồi thiền đã giúp tôi củng cố tinh thần, vượt qua khó khăn”, nếu có ai hỏi về “nghệ thuật vượt qua khó khăn”, Thu Thủy luôn tự tin nói như thế.