Lưu dấu thanh xuân nơi tuyến đầu chống dịch

Bạn Lê Thị Trang tham gia hỗ trợ công tác cách ly tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương) - Ảnh: NVCC
Bạn Lê Thị Trang tham gia hỗ trợ công tác cách ly tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương) - Ảnh: NVCC
0:00 / 0:00
0:00

GN - Bỏ lại sau lưng cái Tết đoàn viên ấm cúng bên gia đình, bạn bè, để đối mặt với bao gian nan, thách thức đầy nguy hiểm, họ - những bạn trẻ ở độ tuổi mười bảy, đôi mươi đã đăng ký trở thành tình nguyện viên, đồng hành cùng đội ngũ y, bác sĩ và người cách ly trong đại dịch Covid-19.

Đi theo tiếng gọi con tim

Là một cán bộ Đoàn năng nổ, tích cực hoạt động trong khu cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương), bạn Lê Thị Trang (sinh năm 1997, Bình Dương) chia sẻ dù bản thân không trực tiếp mang trọng trách, bạn vẫn muốn cống hiến phần nào cho quê hương, đất nước trong khoảng thời gian khó khăn này. “Em nghĩ tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng các bác sĩ, nhân viên y tế có giới hạn về số lượng, rất cần người tham gia hỗ trợ. Vì thế em không chần chờ mà đăng ký ngay”, Trang nói.

Vào đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi biết tin Bình Dương trở thành “tâm dịch” của cả nước, Trang đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tại khu vực cách ly tập trung, Trang hỗ trợ phát cơm, nước hàng ngày, thông báo những thông tin cần thiết đến mọi người, phát dụng cụ, nhu yếu phẩm, hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, dọn vệ sinh. Công việc tuy đơn giản nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, Trang và mọi người luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Những ngày làm tình nguyện viên ở khu cách ly, Trang bày tỏ niềm hạnh phúc khi bản thân học được cách yêu thương, lắng nghe và đồng cảm với mọi người. Vì đây là nơi cách ly tập trung nên cơ sở vật chất có phần thiếu thốn, không đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả; một số người đang cách ly tỏ ra khó chịu, không đồng ý hợp tác với đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên. “Những lúc như vậy, thay vì mệt mỏi, chán nản, em và các bạn đã nhẫn nại, ở bên cạnh động viên, chia sẻ, vực dậy tinh thần cho mọi người. Vì em hiểu những khó khăn, bức bách khi mọi người không được đón Tết cùng với gia đình”, Trang cho biết.

Với suy nghĩ như thế, các bạn tình nguyện viên đã dần dần nhận lại những nụ cười vui vẻ, sự hợp tác của người tham gia cách ly; ngày Tết ở trung tâm cách ly cũng trở nên dễ thương hơn, theo cách Trang chia sẻ: “Vào ngày Tết, những người đang cách ly đã góp tiền lì xì cho chúng em, dù họ phải đi cách ly gấp không mang theo nhiều tiền. Đến khi chia tay ra về, mọi người đều gửi rất nhiều lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp”.

“Em mong rằng người trẻ đừng chỉ sống riêng cho bản thân mình. Nếu có thể cống hiến, giúp đỡ được ai, chúng ta hãy cứ thử làm. Để khi tuổi trẻ qua đi, chúng ta có thể nhìn lại và nở nụ cười thật tươi vì đã sống quãng thời gian không uổng phí” - Lê Thị Trang

Cháy bừng nhiệt huyết tuổi trẻ

Tương tự Lê Thị Trang, bạn Hồ Ngọc Oanh, học sinh lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cũng là một trong những tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Ban đầu, Oanh tích cực tham gia làm mũ chắn tia nước bọt để phát cho tiểu thương trong chợ và tham gia trực tại các chốt phòng dịch ở chợ, bãi biển. Sau đó, khi Đà Nẵng bắt đầu bùng dịch, nhận thấy số người cách ly trong khu vực thì đông nhưng tình nguyện viên lại ít, Oanh chủ động đăng ký tham gia vào vị trí hỗ trợ công tác cách ly 14 ngày tại Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm.

“Nếu ai cũng có suy nghĩ rằng ‘thôi trước sau gì chẳng có người tham gia, mình tham gia làm gì cho nguy hiểm’ thì y tá, bác sĩ trong các khu cách ly sẽ vất vả hơn nữa. Nghĩ như vậy nên em quyết định xung phong giúp đỡ mọi người chống dịch”, Oanh chia sẻ.

Bạn Hồ Ngọc Oanh làm nhiệm vụ phát cơm cho người được cách ly tại trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm (TP.Đà Nẵng) - Ảnh: NVCC

Bạn Hồ Ngọc Oanh làm nhiệm vụ phát cơm cho người được cách ly tại trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm (TP.Đà Nẵng) - Ảnh: NVCC

“Làm tình nguyện ở nơi chống dịch, có những lúc em cũng sợ hãi trước hiểm nguy nhưng rồi cũng thoáng qua. Với em, điều đáng sợ nhất chính là để bản thân sống phí hoài tuổi trẻ, không trải nghiệm và không cống hiến” - Hồ Ngọc Oanh

Hành trình trở thành một tình nguyện viên không hề dễ dàng đối với một cô học sinh cấp 3. Trước khi đi đăng ký, Oanh đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, nhất là mẹ. Thế nhưng, Oanh không bỏ cuộc. Bằng sự tự tin, sự am hiểu kiến thức phòng tránh dịch, cùng với một trái tim nhiệt huyết, Oanh đã ra sức thuyết phục người thân và cuối cùng cũng nhận được sự đồng ý từ gia đình.

Oanh vẫn còn nhớ rất rõ những tình huống “dở khóc dở cười” mà chính bản thân đã được trải nghiệm. “Ngày đầu tiên, em xung phong làm nhiệm vụ phát cơm cho những người đang cách ly, dù được trang bị đồ bảo hộ an toàn nhưng khi biết mình đã tiếp xúc với ca được cho là dương tính trong khi đưa cơm, em không khỏi lo lắng, thấp thỏm chờ đợi kết quả xét nghiệm. Khi biết kết quả là âm tính, em thở phào nhẹ nhõm, tự tin tiếp tục hoàn thành công việc của mình”, Oanh kể.

Với Oanh, khoảng thời gian làm tình nguyện viên vừa quý giá, vừa mang lại những kỷ niệm, trải nghiệm mới mẻ và cả những bài học về tình yêu thương. Những ngày tham gia hỗ trợ, Oanh phải mặc đồ bảo hộ di chuyển khắp bốn tầng lầu để phát cơm cho mọi người, mồ hôi chảy lên kính bảo bộ đến hoa cả mắt, nhưng chưa bao giờ Oanh phàn nàn hay có ý muốn bỏ ngang trở về nhà. Rồi có những ngày báo cơm bị thiếu, Oanh và các bạn tình nguyện viên nhường cơm cho những người cách ly ăn trước, còn mình thì ăn sau. “Những lúc như vậy, chúng em nhìn nhau cười. Cơm thiếu, chúng em chia nhau ăn. Những ngày ở bên nhau, cùng nhau hành động, chung một hướng, chung một mục đích, thật sự rất hạnh phúc”, Oanh bộc bạch.

Cho đến bây giờ, những tình cảm thân thương, kỷ niệm nơi “tác chiến” ấy, Oanh còn nhớ mãi: “Vào những ngày cách ly cuối cùng, mỗi tầng chỉ còn lại khoảng mười mấy người thôi, những người cách ly tại đây hát hò và reo mừng qua khung cửa sổ vì xét nghiệm cho ra kết quả âm tính. Đó thật sự là khoảnh khắc hạnh phúc cho tất cả mọi người”.

Không cần phải giàu có, phải nổi tiếng, chỉ bằng chính khả năng của bản thân mình, những bạn trẻ trong câu chuyện kể trên đã làm được những điều tuy nhỏ bé nhưng thật phi thường. Có lẽ, cả Trang và Oanh đã nắm bắt từng khoảnh khắc, lưu lại nhật ký tuổi thanh xuân của mình bằng những dấu son của sự dấn thân, trải nghiệm, cống hiến, lan tỏa những điều tốt đẹp, ý nghĩa đến cho đời. Cuộc sống sẽ thật ý nghĩa biết bao khi một mai kia khi đại dịch qua đi, sự tử tế và tình người vẫn còn ở lại.

Và từ những suy nghĩ, hành động của hai bạn trẻ tham gia làm tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch, chắc hẳn không ít người trong chúng ta sẽ có một cái nhìn nghiêm túc hơn về thế hệ trẻ Việt Namhôm nay: sống ý thức và trách nhiệm, đâu chỉ nhận cho riêng mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày