Vì sao cần thực tập hạnh lắng nghe?

GN - PV Giác Ngộ đã đem câu hỏi ấy gửi tới một sư cô đang tu học tại Đức, cùng các anh, chị công tác trong nhiều ngành nghề, ở các nơi và nhận về chia sẻ chân thành dưới đây:

- SC.CHÂN CHUYÊN NGHIÊM (tu học tại Viện Ứng dụng Phật học châu Âu): Trong đời sống có rất nhiều cách giao tiếp, không chỉ dùng lời nói mà cần lắm dùng đôi tai biết lắng nghe, làm cầu nối giữa mọi người với nhau hoặc giữa con người với môi trường. Vì sao con người chúng ta hai lỗ tai mà chỉ có một cái miệng? Phải chăng con người cần thực tập nghe nhiều hơn nói, nghe sâu hơn nói.

anh 1, SC Chan Chuyen Nghiem.jpg

SC.Chân Chuyên Nghiêm

Mỗi người ai cũng có những trải nghiệm, tâm tư riêng. Nếu mình lắng nghe được thì sẽ học hỏi được rất nhiều từ người khác và từ chính tự thân.

“Có chiếc tai nào chịu lắng mà lại không nghe”, tất nhiên khi đôi tai - khả năng nghe của mình có sự tĩnh lặng, bình an thì mình sẽ nghe được, nghe đúng những gì đang nghe. Nếu khả năng lắng nghe ít thì dễ gây hiểu lầm, hiểu sai. Mình đã chứng kiến không ít mối liên hệ bị gãy đổ đáng tiếc bởi những điều nghe lệch, nghe sai.

- Anh TRẦN ÁNH DƯƠNG (Nghiên cứu sinh ngành Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Kỹ thuật Munich, tại thành phố Munich, Đức): Khi con người ra đời, quá trình phát triển ngôn ngữ thì truyền thông giữa con người với nhau để truyền đạt thông tin là rất quan trọng. Chức năng của ngôn ngữ là truyền đạt thông tin, kiến thức và những nội dung cần thiết, các loài động vật cũng có ngôn ngữ riêng của nó. Loài người văn minh tiến bộ đã tìm ra ngôn ngữ nói và viết nhằm làm cho xã hội càng phát triển.

Theo tôi truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, đồng nghiệp với nhau, đặc biệt là giữa những người yêu thương nhau là điều hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định cho sự bền vững và phát triển của các mối quan hệ này. Muốn thương yêu, thông cảm, chia sẻ và hỗ trợ nhau thì cần phải hiểu mà muốn hiểu thì cần phải lắng nghe chân thật.

Ở đây lắng nghe có nghĩa là nghe bằng sự chăm chú, cố gắng, nghe bằng tâm thương yêu, không thành kiến, không cố chấp để hiểu những vấn đề của đối phương, không phải chỉ nghe mà còn nghe cho sâu và hiểu cho rõ để thông cảm, động viên và đồng cảm với người đang có những nỗi khổ niềm đau.

Nếu truyền thông giữa hai người bế tắc, không thể nói cho nhau hiểu những vấn đề mà cả hai đang gặp phải thì sẽ không bao giờ giải quyết được những mâu thuẫn, những khúc mắc giữa hai người. Và như vậy, có những mâu thuẫn, bế tắc hay nội kết trong lòng đóng cục lại, vón lại kéo dài vài chục năm, thậm chí đến khi cả hai chết đi thì những mâu thuẫn đó chưa được giải quyết. Cho nên chúng ta cần phải học cách lắng nghe để thấu hiểu giúp ích cho chính đời sống của mình.

- Chị NGUYỄN THỊ THANH THÚY (Hội quán Các bà mẹ, TP.HCM):  Tôi con nhơ trong câu chuyên dân gian Nga co nhăc răng môt miêng la đê noi it đi, hai tai đê luôn luôn lăng nghe ngươi khac. Ai trong chung ta cũng muôn khi minh noi co ngươi nghe va thông cam với mình và... vì họ nói để cho mình nghe; có thể họ nói nhỏ thì mình phải LẮNG NGHE mới rõ.

- Anh LÊ HOÀI VIỆT (chuyên viên tư vấn, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, TP.HCM): Vẫn là “nghe” nhưng chỉ thêm một chữ “lắng” để thành “lắng nghe” - đã là một trường nghĩa mới, sâu sắc và trải mình, đủ tin cậy, đủ quan tâm.

Nếu chỉ “nghe”, chỉ dửng dưng thì làm sao cảm nhận hết được cuộc sống diệu vợi với bao điều ẩn sâu cần khám phá. Có những thứ nghe vậy, thấy vậy, nhưng không phải vậy. Đến kẻ trộm - tất nhiên chưa bao giờ là hành động tốt cần cổ xúy - đôi khi động cơ của kẻ ấy là cả một câu chuyện thương tâm. Cho nên, cần lắm chứ: lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương.

- Cô giáo ĐỖ THỊ THÁI AN (36 tuổi, dạy Anh văn tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Chúng ta cần lắng nghe người khác, đơn giản là vì trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là trong giao tiếp, không thể mạnh ai nấy nói mà không có người nghe, chưa kể tới chuyện nghe để hiểu, hiểu để thương, thương mới tiếp tục gắn bó lâu bền.

anh 5, co Do Thi Thai An.JPG

Cô giáo Đỗ Thị Thái An

Một câu chuyện vui về thực trạng mối quan hệ nam nữ mà hầu như ai cũng biết nhưng mấy ai tránh được, đó là thuở yêu nhau thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe” đến khi cưới về thì “anh nói anh nghe, em nói em nghe” và khi gia đình lục đục, xào xáo thì “anh nói, em nói, hàng xóm nghe”.

Bản thân tôi, sau những lần… gân cổ với chồng vì một vấn đề cần tranh cãi, thậm chí có khi từ đầu chẳng vì điều gì rõ ràng mà cuối cùng cũng ầm ĩ, tôi lại ngồi buồn nghĩ vẩn vơ, tự hỏi sao ngày xưa chúng tôi có thể thì thầm to nhỏ với nhau suốt ngày không biết chán, có những chuyện chẳng cần nói gì mà vẫn hiểu ý nhau, trong khi bây giờ hét ầm vào mặt nhau mà rốt cục chẳng ai hiểu ai.

Mà cái “ngày xưa” đó có xa xôi gì, chỉ cách chưa đầy 10 năm, nhỉnh hơn số tuổi của con tôi một chút…

Sau nhiều lần tự hỏi, tôi ngộ ra là nếu chúng tôi phải học cách nói với nhau dịu dàng, tôn trọng như thế nào thì cũng cần phải học cách lắng nghe nhau như thế ấy. “Nghe” không còn là một trong năm giác quan của con người nữa, nó là cả một nghệ thuật.

* Thường thì, để lắng nghe một người, hiểu được họ và thương cho sâu sắc đâu có dễ?

SC.CHÂN CHUYÊN NGHIÊM: Cuộc đời mỗi người là cả quá trình, trong mỗi đoạn đời ta sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người với muôn hình, vạn trạng với nhiều hoàn cảnh, xuất thân, gốc gác khác nhau. Đôi khi vòng quay cuộc sống quá nhanh, quá vội, mọi sự gặp gỡ, tiếp xúc chỉ là tình cờ, thoáng qua, bề mặt nên cần lắm những khoảng dừng để mình hiểu chính mình, mình hiểu được người mà mình có duyên gặp. Khoảng dừng này như nốt trầm làm cuộc sống mình trở nên bình lặng, sâu sắc hơn.

Mình thấy, lắng nghe người khác nói không phải dễ bởi không phải mình không nghe được, không tiếp xúc được mà bởi có những người rất khó cởi mở. Để họ mở lòng tâm tình, chia sẻ dăm ba câu chuyện hoặc nói ra được điều sâu kín, những buồn vui với mình thì cần có thời gian, năm tháng để mình chơi, tiếp xúc bằng trái tim chân thành, bằng tấm lòng lân mẫn thật sự của mình. Sự hiểu và thương là kết quả của sự cảm thông tương giao giữa đôi bên, của sự lắng nghe.

- Anh TRẦN ÁNH DƯƠNG: Đúng là điều này hoàn toàn không dễ chút nào, nhưng không phải không làm được. Thứ nhất, trước hết muốn lắng nghe và hiểu được họ, bản thân mình cần thực tập sự kiên trì, kiên nhẫn để có thể ngồi nghe, dành thời gian và sự chăm chú để nghe một cách chân thành nhất.

anh 2, Tran Anh Duong.jpg

Anh Trần Ánh Dương

Trong xã hội hiện đại, ai cũng bận rộn, đến thời gian ăn cơm cũng eo hẹp nên vấn đề lắng nghe càng trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa là do công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, ai cũng có thế giới riêng của họ như việc dùng các mạng xã hội. Do vậy con người trong một gia đình, cộng đồng xã hội càng trở nên xa dần nhau hơn, đời sống vật chất rất phát triển nhưng đời sống tinh thần, đạo đức, tâm linh ngày càng trở nên đi xuống.

Để thực hiện một cuộc đối thoại, trước khi mình có một buổi lắng nghe như thế, cần phải suy niệm rằng, tôi chỉ lắng nghe với tâm hiểu biết và thương yêu, không thành kiến, không phân biệt, không có ý kiến cá nhân tôi trong đó, trong nhà Phật gọi là nguyện lực, chủ động tác ý. Có như vậy thì mục tiêu lắng nghe mới dễ thành tựu. Điều thứ hai là muốn lắng nghe được, bản thân người nghe phải có một tâm thương yêu lớn, hay gọi là từ bi, nếu không đủ từ bi thì rất khó có thể chấp nhận quan điểm, sự phán xét, sự lên án của đối phương khi họ bắt đầu nói ra những điều buộc tội, lên án chua chát và có phần rất gay gắt.

Như vậy nếu không đủ sức mạnh của nội tâm thì sẽ không nghe nổi mà sẽ tranh luận, cãi lại hoặc tìm cách trả đũa. Như vậy sự lắng nghe và thấu hiểu đó xem như thất bại.

Vấn đề không dễ ở đây không phải là người kia họ nói gì, lên án ra sao mà vấn đề ở đây bạn có đủ sự kiên nhẫn, đôi khi nhẫn nhịn, và tấm lòng bao dung với tâm không thành kiến, không cố chấp để có thể nghe được không. Cho nên tôi nghĩ rằng muốn làm tốt việc này chúng ta cần tu tập sự nhẫn nhịn, sự kiên trì và đức tính bao dung, vị tha và tâm không thành kiến, mở rộng tâm mình để nhìn nhận nhiều khía cạnh và góc độ hơn.

- Chị NGUYỄN THỊ THANH THÚY: Nếu chịu lắng nghe và không bực mình thì dễ cảm thông thôi!

Thât ra, tôi đã tưng lãnh hâu qua cua “khâu nghiêp” rôi nên phai hoc cach noi châm, noi it vi cai “hanh” chinh la sư tư tôn.

Trươc đây, tôi đã tưng het lên khi nghe ma minh hay noi va noi nhiêu. Sau nay, tôi cô găng hoc cach lăng nghe má và ráng hiêu đê ma thương. Bơi ma tôi qua trưc tinh, tâm nghĩ tôt nhưng cach noi đôi khi “nghe kho lot lỗ tai” nên nhiêu khi khiên nhiêu ngươi phiên long.

Giơ đây, khi biêt chiu ngôi lăng nghe, tôi thây minh cũng binh tâm không lam ma giân thêm ma tư tư giup ma “ha đươc” cơn nong giân. Ma la lăm, nêu minh không lăng nghe thi sẽ mât cơ hôi chia se, dễ khung hoang lăm - nhât la trong cuôc sông gia đinh va dễ nay sinh những nguy cơ “khủng hoảng truyên thông”.

Tôi thây gia tri cua viêc lăng nghe, nhât la viêc “đôi thoai” vơi những thanh viên trong gia đinh va cai đươc lơn nhât la cac con chia se vơi minh. Va đôi khi minh trơ thanh nơi nương tưa cua tinh thương.

- Anh LÊ HOÀI VIỆT: Bạn gởi trao thông điệp này, nhưng người ta lại hiểu ý tứ khác, hoặc nông hơn, hoặc sâu hơn, hay thậm chí là một ý nghĩa hoàn toàn sai khác mà bản thân mình còn chưa bao giờ manh nha trong suy nghĩ. Đơn giản, vì chúng ta là con người, có cảm xúc và trái tim.

anh 4, anh Le Hoai Viet.jpg

Anh Lê Hoài Việt

Cho nên lắng nghe một người, hiểu một người và thương một người, chắc chắn chưa bao giờ là một điều dễ, nếu không cuộc sống này làm gì còn những dằn vặt, những khổ đau, những giận hờn, những điều chưa kịp trao gởi... Nó giống việc đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn về bức họa nàng Mona Lisa vậy, người nói nàng cười, kẻ khác là khăng khăng nàng đang khóc, mãi chẳng biết đâu mới là chuẩn xác.

- Cô giáo ĐỖ THỊ THÁI AN: Đúng vậy, chẳng những không dễ mà còn hơi khó nữa (cười). Ai cũng có nhu cầu được lắng nghe, được hiểu, được yêu thương, nhưng ít ai vì người khác mà đáp ứng nhu cầu đó trước. Chưa kể những lúc mỏi mệt, muộn phiền hay mối quan hệ nảy sinh vấn đề, người ta dễ dàng hành xử theo bản năng và trở nên mất kiên nhẫn “lắng nghe”, một việc có thể nói là đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức.

Nghe không chỉ bằng tai mà bằng cả trái tim, kỹ năng lẫn nghệ thuật là ở chỗ đó. Như tôi, luôn tự hào là một bà mẹ thương con, nhưng thỉnh thoảng trên đường phố đông người giờ tan tầm, vẫn lơ đễnh trước những câu chuyện ngô nghê của một cậu bé lớp 3; đôi lúc chỉ muốn chìm đắm trong một quyển sách hay hoặc một trang mạng hấp dẫn nào đó, bỏ mặc con với những thắc mắc liên tục của trẻ thơ; hay những lần vừa nghe con kể về hậu quả nào đó, đã giận dữ lên giọng la mắng ngay lập tức mà không thèm lắng nghe lý do…

* Sư cô, và anh, chị đã thực tập việc lắng nghe như thế nào?

- SC.CHÂN CHUYÊN NGHIÊM: Với kinh nghiệm bản thân, để lắng nghe được người đối diện thì trước hết mình cần lắng nghe được chính mình. Ví dụ khi cơ thể có những mệt mỏi, khi trong lòng có những nỗi buồn, niềm vui thì mình có thực sự biết là mình đang mệt mỏi, buồn vui không? Đó là bước đầu nhận biết được chính tự thân đang như thế nào? Sau đó thì mình biết mình đang cần gì để lắng dịu thân hành, an định tâm tư.

Nếu mệt thì cần dừng lại, nghỉ ngơi, làm tươi mới lại; nếu có phiền não hay hạnh phúc quá lớn cũng dễ làm tâm mình lao xao, bất ổn. Tức là trầm quá cũng không ổn mà bổng quá cũng không hay, cho nên mình mới cần trạng thái trung hòa, bình ổn. Đó là con đường trung đạo mà Phật đã dạy chúng ta.

Tâm mình rất vui, có khi độc thoại nội tâm về một hiện tượng, sự việc, sự vật nào đó. Mình tự nói rồi tự nghe trong tự thân mình. Ngay lúc này khi tự nghe chính mình, mình luôn tự hỏi mình có đang nghe bằng tâm thương yêu, tâm sáng tỏ hay không?

Khi mình thương yêu chính mình một cách sâu sắc, khi mình nghe được mình một cách sâu lắng thì mình mới có trải nghiệm tự thân để nghe được người khác. Khi lắng nghe được thì mình sẽ hiểu được, sẽ thương được họ. Thầy mình hay dạy “có hiểu mới có thương”, khi hiểu cần hiểu đúng, mình kinh nghiệm điều này trong cuộc sống.

Năm tháng có mặt giữa cuộc đời này càng lâu càng có nhiều va chạm, cọ xát, có nhiều điều góp nhặt, cất chứa vào tâm hồn mình. Ai cũng có những suy tư, nghĩ tưởng, nhất là người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ, khi trải nghiệm nhiều thì nhu yếu tự nhiên là muốn chia sẻ và cần con cháu lắng nghe. Để nghe cho lắng, để hiểu cho sâu những điều người khác nói thì tâm mình cần an, lòng mình cần rỗng. Nếu những lời nói kia chứa đựng những tâm tư, sầu muộn, những trách móc, giận hờn chứng tỏ người nói đang có khổ đau, bất an. Chính lúc này đây ngoài đôi tai biết lắng nghe thì cần một tâm hồn bình an, thoáng đạt để có thể nghe được những điều chia sẻ kia.

Khi lắng nghe người thân, bạn bè, huynh đệ, mình nghĩ mình như chiếc hộp để những người thương, những người hữu duyên với mình gởi gắm những món quà kỷ niệm. Mình luôn trân quý những món quà này dù là niềm vui hay nỗi buồn. Bởi như hồi nãy mình nói không phải dễ dàng để mình lắng nghe được người, càng không dễ dàng để người mở lòng sẻ chia với mình.

Cũng có lúc mình được nghe một cách thụ động trong khi lòng mình chưa đủ bình an, càng nghe nhiều sự than thở, trách móc mình thấy mình nặng lòng, cảm giác không thể nghe thêm được nữa thì mình tự trở về hơi thở, tâm mình duyên theo hơi thở vào ra. Mình thở cho yên, cho sâu trong khi nghe người đối diện nói. Nhưng nếu “công phu” của mình chưa tới, sau lúc thở mà vẫn thấy bất an khi nghe tiếp thì mình từ chối khéo với người đang nói để họ dừng lại, thông cảm cho khả năng lắng nghe của mình. Với bản chất người Á Đông là ngại nói lên suy nghĩ, cảm nhận và mình biết mình chưa hoàn toàn là Bồ-tát Lắng Nghe thì mình can đảm từ chối nghe tiếp.

Cũng có người có nhiều tâm tư, họ chỉ cần mình ngồi đó nghe cho họ, hiểu cho họ mà không cần mình nói năng chi thì mình hiểu rằng sự có mặt là rất cần thiết. Mình chỉ cần có mặt thật sự, trọn vẹn cho họ thì cũng đủ làm họ ấm lòng, cũng đủ làm họ vui trở lại.

Với mình, nghe để hiểu, nghe để thương, nghe để thắp sáng ý thức rằng khổ đau là một sự thật của cuộc đời dù với hình thức này hay hình thức khác. Và cần lắm tấm lòng rộng rãi, cần lắm những làn gió mát xoa dịu những nhức nhối, u hoài kia.

Trước khi lắng nghe người khác thì mình nên nghe được chính mình - mình luôn tự nhắc mình thực tập như vậy.

- Anh TRẦN ÁNH DƯƠNG: Tôi là một Phật tử, một người làm công tác khoa học chuyên về ngành nước. Nghe có vẻ không liên quan gì đến việc lắng nghe và thấu hiểu bởi thường thì mọi người nghĩ vấn đề lắng nghe và thấu hiểu chỉ dành cho những chuyên gia tâm lý, những người làm trong các ngành nghề có tính tương tác tâm lý con người cao. Nhưng tôi nghĩ rằng ai cũng cần phải lắng nghe và thấu hiểu bởi vì nó liên quan trực tiếp đến các mối quan hệ rất gần gũi như cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, hay người mình thương yêu, là chồng là vợ. Đó là những vấn đề hết sức cơ bản mà ai cũng vướng phải. Kể cả những vị tu sĩ cũng cần thực tập điều này để lắng nghe được những âm thanh đau khổ, buồn phiền và những uất ức trong lòng của những chúng sinh.

Đối với tôi, để thực tập lắng nghe có hiệu quả, tôi luôn thực tập về lòng từ bi, sự bao dung, sự nhẫn nhịn cũng như khả năng bình tĩnh, kiên nhẫn khi lắng nghe người đối diện. Có những lúc tôi cũng gặp phải sự lên án, sự trách móc, sỉ nhục, nói những lời thiếu dễ thương và dễ làm cho tôi bực tức khó chịu. Nhưng bằng tinh thần lắng nghe để hiểu, để thương và để giải quyết những khúc mắc, những nội kết trong lòng họ tôi cố gắng kiên nhẫn lắng nghe cho đến khi họ giãi bày hết những nỗi khổ niềm đau của họ.

Ngoài ra, tu tập thiền định giúp tâm trở nên an tịnh, khả năng lắng tâm và kiểm soát hơi thở không để cho những năng lực của sự tức giận phát khởi và đốt cháy thân tâm, khi đó thì mình có thể bình tĩnh mà lắng nghe tiếp cho đến hết câu  chuyện.

Trước đây, tôi có những khúc mắc, những quan điểm sai lầm về bố tôi, chúng tôi không có khả năng truyền thông trong suốt nhiều năm. Cứ bắt đầu cuộc nói chuyện một lúc là có sự bất hòa và tranh cãi. Sau này tôi thực tập phương pháp lắng nghe và thấu hiểu của Thiền sư Nhất Hạnh và tôi đã thành công, dù tôi không cần nói gì nhiều. Chỉ sau khoảng 3 lá thư là tôi và bố tôi có thể truyền thông và hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc.

Tôi cũng đã có người yêu và chúng tôi đã có những tháng ngày không hề hạnh phúc, do những lỗi lầm trong quá khứ, do những tri kiến sai lầm, những định kiến nặng nề về nhau và chỉ nhìn cái xấu của nhau trong thời gian dài. Điều này tạo nên một nội kết trong tâm cả hai chúng tôi rất lớn. Điều này gây đau khổ cho cả hai bởi vì cả hai không biết cách truyền thông, không biết cách hóa giải nó bằng sự lắng nghe và thấu hiểu.

Cả hai chúng tôi bắt đầu nghe bài pháp “Ái ngữ và lắng nghe” của Thiền sư Nhất Hạnh và bắt đầu thực tập việc tái lập truyền thông. Nhưng thời gian đầu do năng lượng chánh niệm của tôi còn yếu, khả năng kiên trì, chịu đựng và bao dung còn thấp nên quá trình truyền thông chỉ được một lúc là tắc nghẽn và dẫn đến tranh cãi gay gắt. Tôi nhận ra rằng cần phải tu tập, thiền định để năng lượng chánh niệm có mặt khi chúng tôi nói chuyện với nhau.

Sức định tĩnh và tinh thần không thành kiến và cố chấp, những điều người thương của mình nói ra có ý buộc tội, chua chát và lên án gay gắt nhưng tôi vẫn im lặng lắng nghe, dù có những điều không đúng như vậy nhưng tôi thường kiên nhẫn lắng nghe để làm dịu sự khó chịu của người đó. Sau khi lắng nghe và xin phép được nói thì chúng tôi đã có thể truyền thông được với nhau, và hiện nay chúng tôi đã hiểu biết lẫn nhau rất nhiều và càng hiểu thì càng thương nhau nhiều hơn.

Cuối cùng, tôi là một Phật tử và cũng làm công tác nghiên cứu khoa học, nên dù bạn có thể không phải là Phật tử hoặc theo một tôn giáo khác nhưng nhu cầu truyền thông, lắng nghe và hiểu biết là một đòi hỏi thực tiễn của bất kỳ ai trong cuộc đời này. Tôi mong rằng mọi người sẽ có những ý tưởng, những cách thực tập lắng nghe và thấu hiểu để hóa giải những mâu thuẫn, những khúc mắc và oan trái trong cuộc sống để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

- Chị NGUYỄN THỊ THANH THÚY: Tôi tập tính kiên nhẫn, người xưa nói năng nhẫn năng nhẫn.  Tôi nghe người ta nói như một sự tiếp nhận, như một bài học. Và vì tôi nghĩ ai cũng muốn chia sẻ một cái gì đó và mong nhận lại một cái gì đó trong hòa khí, trong sự cảm thông. 

anh 3, chi Nguyen Thi Thanh Thuy.jpg

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy

Lắng nghe mà là một “hạnh”, thì đó là ĐỨC TÍNH.  Để LẮNG NGHE, người ta phải có cái tai tốt. Có lẽ vì thế mà người ta tạo tượng hình Đức Phật với hai cái vành tai khá dài... để không lời cầu nguyện nào của chúng sinh lọt ra ngoài lỗ tai.

Tôi đang cô găng hoc mãi va hoc hoai cach lắng nghe. Tôi mau nươc măt, co khi nhin thây măt tôi ươt ngươi ta cũng cam nhân đươc sư đông cam cua tôi chăng?

Tôi chi rang sông câu châm ngôn: “Mau nghe, châm noi, khoan giân”. Thưc hiên câu nay thiêt không phai dễ nhưng phai học thôi.

- Anh LÊ HOÀI VIỆT: Mỗi ngày có vạn tỉ thông tin mình nghe thấy, tốt có xấu có, và quan niệm của mình, nghe - đơn giản chỉ là phản xạ có điều kiện, còn việc có hay không tiếp nhận, hiểu và phân tích khối cơ sở dữ liệu khổng lồ, mấu chốt này nằm ở việc chỉ đơn thuần mình đang nghe hay lắng nghe - tức vẫn là nghe, nhưng nghe bằng cả hai tai, con tim và khối óc, với một sự tập trung nhất định, với sự cộng hưởng của cả hai mắt và những giác quan.

Lắng nghe, ở một chừng mực nào đó, với mình, còn thể hiện sự tôn trọng người nói, và tôn trọng chính thân tâm mình.

Ví bộ óc con người như ổ cứng máy tính, với một dung lượng nhất định, nên chẳng thể nào quy nạp hết tất thảy, lắng nghe, chắt lọc và ghi nhớ, có lẽ là những thứ mình phải học cả đời.

- Cô giáo ĐỖ THỊ THÁI AN: Công việc của một giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học như tôi, chủ yếu là nói nhiều hơn... nghe. Nhưng những khi tôi khản cả giọng mà học sinh của mình không chú ý và bất hợp tác là tôi dừng lại ngay để rà soát nguyên nhân và thay đổi “chiến thuật” để đạt hiệu quả hơn.

Tôi luôn tạo cơ hội cho học sinh phát biểu, vì đó là lúc tôi lắng nghe các em, hiểu các em hơn mà cũng như đánh giá chính mình. Vốn không phải là một người kiệm lời nên tôi đã dán lên bàn làm việc của mình câu: “Một người nói hay không bằng một người nghe giỏi” và vẫn nhẩm câu ấy mỗi ngày để tự nhắc nhở mình.

* Cám ơn sư cô, anh chị đã dành thời gian tham gia diễn đàn nhỏ này!

Chúc Thiệu thực hiện

Lắng nghe = Chia sẻ + Thấu cảm

anh 6, Ths To Nhi Ab.jpg

ThS Tô Nhi A

1. Nên hiểu lắng nghe là một hoạt động cần thiết của con người, nghe để hiểu và nghe để thấu cảm. Từ đó giúp vận hành và nâng cao chất lượng mối quan hệ xã hội cũng như tạo dựng niềm tin cho nhau. Việc lắng nghe là cách trực tiếp để chúng ta có được thông tin về đối phương, về các mối quan hệ, đồng thời cũng là biểu hiện rõ nhất cho thiện chí muốn kết nối với mọi người của chúng ta.

Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, một trong những nhu cầu của con người là muốn chia sẻ, chia sẻ để giải tỏa, chia sẻ để nhận được những thông tin đa chiều của vấn đề, từ đó việc giải quyết khó khăn sẽ trở nên thuận lợi và sáng suốt hơn. Như vậy, khi chúng ta là đối tượng được tin tưởng lựa chọn để lắng nghe tâm tư của ai đó, điều này đồng nghĩa với việc bạn trở thành nơi nương tựa về tinh thần, lắng nghe lúc này không đơn thuần là tiếp nhận thông tin, đó là sự sẻ chia và thấu cảm.

Cũng có quan điểm cho rằng: muốn người ta nghe mình trước tiên phải làm họ no bụng - điều này có nghĩa là việc lắng nghe lúc này phải có điều kiện, quyền lợi đi kèm. Và “lắng nghe” nếu diễn ra trong hoàn cảnh này khó có thể đạt được hiệu quả kết nối, tạo dựng quan hệ vững bền vì sự vụ lợi và toan tính. Chúng ta không nên chờ mong, mưu cầu, có lợi nghe nhiều, ít lợi nghe ít hoặc lơ đi. Lắng nghe phải trên tinh thần tự nguyện, biết thấu cảm thì đó mới là lắng nghe tích cực.

2. Sẽ khó có kết luận “dễ hay khó” cho việc lắng nghe, vì điều này tùy thuộc vào từng con người cụ thể. Tuy nhiên, dù là ai đi nữa, muốn việc lắng nghe đạt được hiệu quả thực sự chúng ta cần lưu ý: đây là một quá trình. Sẽ không có việc tự nhiên chúng ta hình thành được kỹ năng lắng nghe. Trước hết, thái độ của chúng ta dành cho quá trình đó phải là sự nghiêm túc, mong muốn được thực hiện lâu dài thì mới mong đạt được giá trị.

Quá trình bắt đầu bằng việc bạn phải nghe chính bạn. Bởi vì ta khó lòng nghe mặt tích cực và khách quan dành cho người khác nếu bạn không biết bạn là ai? Bạn có quan điểm gì? Khi đó việc lắng nghe dành cho người khác có thể bị cản trở vì bạn và đối phương xảy ra xung đột mà chính bạn cũng không biết xung đột đó là do đâu? Vì bạn không phát hiện quan điểm của mình khác người, nhân sinh quan của bạn khác người nên chưa kịp nghe đã tranh nhau phần đúng.

Bạn hãy đặt câu hỏi, mục tiêu sống của bạn là gì? Bạn tôn thờ giá trị nào? Bạn theo đuổi điều gì trong cuộc sống? Bạn muốn xây dựng hình ảnh mình ra sao? Trên nền tảng thấu cảm chính mình, việc lắng nghe người khác sẽ dễ dàng khắc phục được tính chủ quan và áp đặt.

Khi lắng nghe bạn nên hỏi lòng mình, bạn có đủ kiên nhẫn để nghe họ nói hay không? Trước tiên là nghe ai? Vì ta đâu thể nghe hết tất cả, phải có tiêu điểm và đối tượng, mối quan hệ nào cần ưu tiên? Nhờ vậy bạn sẽ tránh được sự chông chênh trong vô số mối quan hệ thực tại.

3. Lắng nghe là một hoạt động khó, cần phải thực tập. Phải biết làm chủ cảm xúc của mình để có thể nghe được từ nhiều phía. Ngược lại mình dễ rơi vào trạng thái khó chịu khi ai đó nói lời trái ý nghịch lòng. Tập đặt câu hỏi để người và mình có thể bắt nhịp dễ dàng hơn trong cuộc đối thoại.

Lắng nghe cứ nghĩ là im lặng... nhưng không phải vậy, bạn rất cần biểu hiện ngôn ngữ hình thể, một nụ cười hay một cái gật đầu, đặc biệt phải có ánh mắt đồng cảm. Kỹ năng lắng nghe đi từ ý thức cá nhân. Cái tôi quá lớn bạn không thể nghe ai được, ngược lại, đánh giá quá thấp bản thân bạn sẽ rơi vào sự tự ti và không dám lắng nghe câu chuyện của người khác.

Điều quan trọng mà tôi vẫn hay nhắc nhở mình đó là: Cái tôi của mình không được lấn lướt cái tôi người khác, hãy trả nó về đúng vị trí của nó. Hãy là một người vợ, người mẹ, người thầy, người đồng nghiệp đúng với vai trò, đạo đức mà xã hội đặt ra.

ThS.Tô Nhi A
(Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương  - TP.HCM)

Trần Hà Vân ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày