Vì sao người cao tuổi dễ bị té ngã?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Mỗi năm trên thế giới, cứ 3 người già trên 65 tuổi sẽ có một người bị té ngã. Tại Hoa Kỳ, khoảng 10% người cao tuổi bị té ngã trong vòng 3 tháng trở lại; và 1,7 triệu người cao tuổi bị thương do té ngã.

Những con số trên cho thấy người cao tuổi dễ bị té ngã. Té ngã là một biến cố sức khỏe quan trọng đôi khi liên quan đến vấn đề tử vong ở người cao tuổi. Vấn đề này đã và đang ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong giai đoạn dân số già hóa gia tăng.

Té ngã là một biến cố do vô ý thường với tư thế té nằm trên mặt đất hoặc ở tầng thấp khác. Đồng thời các nhà khoa học cũng định nghĩa về thương tích do té ngã: do chấn thương bởi cú ngã khiến người bệnh bị hạn chế ít nhất một ngày các hoạt động thường nhật của mình hoặc người bệnh phải đi gặp bác sĩ. Nếu không có các định nghĩa tiêu chuẩn, cả thầy thuốc và người cao tuổi có thể miễn cưỡng xác định các vụ té ngã. Từ đó việc chẩn đoán, điều trị thương tích do té ngã có thể không đầy đủ, và bị bỏ sót.

Hậu quả và cơ chế té ngã

Té ngã có khả năng gây tử vong và tốn kém chi phí y tế, đặc biệt là ở người cao tuổi. Tỷ lệ tử vong liên quan đến té ngã ở người cao tuổi ở Mỹ đã tăng từ 43 (năm 2005) lên 62 phần triệu (năm 2016). Chi phí dịch vụ y tế liên quan té ngã được dự đoán sẽ vượt 50 tỷ đô-la vào năm 2020 khi dân số ngày càng già hóa. Bằng chứng cho thấy ước tính khoảng 90% trường hợp gãy xương hông là do ngã, dẫn đến người bệnh bị hạn chế khả năng vận động. Do chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên mà các vấn đề liên quan đến té ngã, phòng ngừa té ngã đã trở thành quan trọng đối với người cao tuổi.

Cơ chế té ngã đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tổn thương gây ra cho người bệnh. Nếu bạn bị ngã sang phía bên, thì có nhiều khả năng chấn thương khớp vai, khớp hông, xương chậu và bàn tay/cổ tay. Ngã về phía trước thường liên quan với hoạt động đi bộ, leo cầu thang và chạy nhanh, do đó gây chấn thương bàn tay, cổ tay, chấn thương mặt, lồng ngực, khớp gối. Ngã ngửa liên quan đến sự trượt chân hoặc khi quay đầu đổi hướng đi. Cú ngã về phía sau làm tăng chấn thương đến khớp hông / xương chậu, và cột sống. Hiểu về cơ chế ngã giúp chúng ta dự đoán được tổn thương và sơ cứu ban đầu tại hiện trường cho phù hợp.

Càng lớn tuổi, nguy cơ té ngã càng cao

Các thống kê trước đây đã phát hiện ra rằng tỷ lệ té ngã và chấn thương do ngã gia tăng lên theo độ tuổi. Nghĩa là càng lớn tuổi, người ta càng dễ bị té ngã và chấn thương do té ngã nhiều hơn. Phụ nữ có nhiều khả năng té ngã và khả năng bị thương hơn nam giới. Tỷ lệ thương tật liên quan đến té ngã được ước tính là ở phụ nữ cao hơn 40-60% so với nam giới.

Có ít nhất 400 yếu tố liên quan đến các cú ngã, trong đó quan trọng nhất là tiền sử té ngã trước đó. Người lớn tuổi bị ngã có nhiều khả năng bị ngã trở lại trong vòng một năm và tăng nguy cơ mắc chứng sợ ngã, dẫn đến trầm cảm và hạn chế khả năng vận động. Chính biến cố té ngã là đòn bẩy đẩy người bệnh rơi vào vòng lẩn quẩn. Sợ bị ngã có liên quan đến suy giảm chức năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ thể chế hóa, hạn chế hoạt động, trầm cảm, mất kết nối xã hội, giảm hiệu quả bản thân và yếu ớt về thể chất. Các điều này lại làm cho người bệnh dễ bị té ngã nhiều hơn.

Do sự lão hóa, người lớn tuổi cũng bị suy giảm sức mạnh cơ bắp. Đặc biệt, người lớn tuổi có bệnh lý thần kinh - cơ lại càng bị yếu cơ và ngã nhiều hơn. Việc rèn luyện sức mạnh cơ bắp giúp tỷ lệ té ngã giảm xuống. Đặc biệt, các bài tập về sức bền và kiểm soát thăng bằng là rất quan trọng.

Tuy nhiên, các yếu tố làm gia tăng đáng kể nguy cơ té ngã gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, đau và đa bệnh tật. Hầu hết các người cao tuổi đều có các bệnh lý nền đi kèm như nêu trên. Mặt khác, thuốc men cũng là nguy cơ quan trọng gây ra té ngã. Các bệnh lý mạn tính thường khiến người cao tuổi điều trị thuốc kéo dài. Các loại thuốc nguy cơ gây té ngã bao gồm các thuốc hướng tâm thần, chống trầm cảm, thuốc giảm lo âu, thuốc hạ huyết áp và đường huyết, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid…

Tuổi già là một giai đoạn nhạy cảm trong cuộc đời con người và là một mắt xích của chu trình tất yếu sinh - già - bệnh - chết. Người cao tuổi phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn như bệnh tật mạn tính gia tăng. Sự cô độc, thiếu hỗ trợ của gia đình - xã hội, những khuyết tật về thể chất - tinh thần khiến cho khả năng tự chủ sinh hoạt của người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả các vấn đề này đều là nguy cơ gây té ngã ở người cao tuổi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng toạ Thích Tĩnh Triệt

Đồng Tháp: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có tân Trưởng ban sau khi Hoà thượng Thích Chơn Minh viên tịch

GNO - Nguồn tin của Báo Giác Ngộ, ngày 14-11, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký Quyết định số 444/QĐ-HĐTS bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin hàng ngày