GN - Những ngày cuối năm, tôi tìm về Bình Phước để viết về câu chuyện hoằng pháp của vị thầy trẻ. Phải ngồi xe 8 tiếng, vượt qua chặng đường xa xôi, vất vả, đầy ổ gà và bụi đường mù mịt.
Đến nơi và tận tai nghe bà con Phật tử, chính quyền địa phương kể về những việc thầy đã làm cho mọi người; những cố gắng, nỗ lực từ việc lập thất đến việc kiên nhẫn hoằng pháp cho bà con nơi đây, tôi nhận ra, đó là cuộc hành trình... Cuộc hành trình ấy của thầy cuối cùng đã đem ánh sáng Phật pháp về cả thôn 6, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Đem ánh sáng Phật pháp về thôn làng!
Đang có chuỗi ngày tu tập đầy thuận duyên ở Lâm Đồng, bỗng một ngày thầy Ngộ Chánh dời về xã Đăng Hà để hoằng pháp cho bà con dân tộc thiểu số. Gia đình biết chuyện, ai cũng bảo thầy liều; có người còn cản thầy. Thế nhưng thầy vẫn quyết định đến với người dân nơi đây.
Lý do mà thầy không quản khó nhọc, muốn về chốn này cho bằng được đơn giản chỉ vì: “Bà con tha thiết quá. Có lần, trong xã có người mất, bà con chạy xe cả trăm cây số đến cậy nhờ mình vào thôn hộ niệm. Bởi cả xã không có ngôi chùa, không có người nào xuất gia cả. Sau khi mình cúng xong, nhiều cụ nói: thầy về đây ở đi, cho tụi con có nơi tụng kinh, lễ Phật, có nơi mà học giáo lý của Phật; tụi con thích lắm mà không ai hướng dẫn cả! Không đành lòng khước từ, vậy là mình lên đây vừa tu, vừa hoằng pháp cho bà con”, thầy Ngộ Chánh chia sẻ.
Thầy Ngộ Chánh và Phật tử trong thời kinh tối tại Bối Diệp thất - Ảnh: H.Ý
Ở xã Đăng Hà này, bà con quý thầy đến lạ! Khi hỏi về thầy, ai ai cũng dành cho thầy nhiều tình cảm mặn nồng. Theo cô Doan, hiệu trưởng mầm non Hoa Cúc, huyện Bù Đăng thì: “Không quý sao được, bởi nhờ có thầy mà người dân có nơi nương tựa chứ hồi đó giờ có thầy nào dám dấn thân lên đây với bà con đâu.
Xã Đăng Hà có khoảng 7.000 người dân, 80% là đồng bào dân tộc nhưng toàn xã không có nơi nào để bà con lễ Phật. Đời sống văn hóa và tâm linh nơi đây thiếu thốn thế nên khi thầy Ngộ Chánh xây xong tịnh thất bà con mừng lắm. Mọi người ở đây quý, coi Bối Diệp thất còn hơn “bảo bối” nữa đấy. Thầy đã đem ánh sáng Phật pháp về cho cả thôn làng”.
Hỏi ra mới biết, trước lúc thầy về đây, bà con đa phần không biết Phật pháp. Người hiểu, tin Phật thì không nói gì, còn người chưa biết thì cứ nghĩ thượng đế phái thầy xuống đưa rước vong linh người khuất về trời. Ngày thầy mới về đây, có nhiều gia đình mừng rỡ vì sau này có người mất thì cũng không còn lo không có… thầy cúng. Lúc đó, gặp họ ở đâu, có điều kiện là thầy giải thích, cắt nghĩa để họ hiểu. Thậm chí, có nhiều đồng bào dân tộc tưởng thầy được phái xuống trừ yêu, ma nên lên tận thất hỏi xin thầy “bùa” để đi rừng khỏi sợ ma, quỷ.
Khi thầy bảo thầy không phải là thầy mo, thầy chỉ là thầy chùa không có “bùa”, chỉ có chú Đại bi thôi, thì mọi người hỏi tới tấp và kêu thầy giải thích cho bằng được. Và khi đã biết, đã hiểu rồi thì lúc nào họ cũng để quyển chú Đại bi trong người, bất kể đi đâu; từ đó mà ngày nào họ cũng rủ người thân, nhà hàng xóm đến thất lễ Phật!
Bác Hoạt, số nhà 145, xã Đăng Hà bảo: “Tôi là tôi quý thầy nên tôi mới lên đây. 45 năm tôi không biết chùa là gì, giờ 46 tuổi tôi mới biết được. Ngày thầy về nơi đây, mọi thứ đều không có. Không đất, không tiền và kinh kệ cũng không. Phật tử nơi đây nghèo khó, bản thân thầy cũng không có tiền.
Để có tiền mua đất xây thất, thầy phải bán chiếc xe máy, rồi mượn thêm tiền người thân mới đủ. Làm giấy tờ đất xong, thầy lấy bằng khoán đi vay ngân hàng rồi mua vật liệu về xây thất. Thầy có tâm, sống có tình có nghĩa với bà con Phật tử; thầy khuyên làm việc thiện, bỏ việc ác, hướng mọi người đến cuộc sống tích cực, làm xã hội được văn minh nên ở đây chính quyền, mọi người ai cũng muốn trợ duyên cho thầy”.
Ấm áp!
Đó là cảm nhận chung của bà con trong xã và những ai một lần đến với nơi này. Dù tịnh thất nhỏ xíu xiu, tượng Phật cũng nhỏ xíu xiu (theo cách mà bà con ở đây gọi) và chưa đầy đủ thủ tục, giấy phép, thế nhưng thời công phu nào cũng không hề vắng bóng bà con Phật tử. Nhất là đồng bào dân tộc, họ đều đến tụng kinh, cầu nguyện mỗi ngày!
Có ai ngờ, từ những người không biết đạo, bây giờ họ trở thành Phật tử tinh tấn và một lòng theo Phật. Càng không thể ngờ rằng vùng đất nghèo khó ngày nào không có một cái thất mà giờ đã có vị thầy trẻ và nơi ấm áp để bà con đến tụng kinh. Bác Hoang chia sẻ: “Có thầy, có thất đỡ lắm. Ông nhà tui từ bữa đến đây lễ Phật, tụng kinh đã bỏ rượu chè, lo làm ăn rồi. Nếu như ngày xưa tui mơ có được “ngôi nhà và những đứa trẻ” thì về già tui chỉ mơ làng có cái chùa để bà con tu học. Có cái thất của thầy, cả làng sống nghĩa tình hẳn ra”.
Quý nhất là bà con nơi đây dù tay lấm chân bùn, lặn hụp suốt ngày trong rẫy để tìm cái ăn nhưng tinh tấn vô cùng. Đường đến tịnh thất trải bằng đất đen, mùa mưa lầy lội, sình lún nhưng bà con vẫn đốt đèn, xắn quần đến chùa để công phu. 4g30, sương mù giăng khắp nẻo, cái lạnh thấu xương vậy mà bà con vẫn đến Bối Diệp thất để tụng kinh, lễ Phật. Nhìn những đôi bàn tay già nua lần từng câu chữ, đọc từng câu kinh; những đứa trẻ lem luốc, quần áo xộc xệch chắp tay ngồi niệm Phật làm những ai bắt gặp đều thấy mừng, hoan hỷ và thương khôn xiết.
Bác Đức, Phó Bí thư xã bảo: “Giờ tịnh thất và ông thầy trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả làng, xã này; vui buồn gì bà con cũng đến thất. Bình thường thì bà con đến lễ Phật, còn nhà có chuyện buồn - tang sự thì người ta cũng đến chùa nhờ thầy giúp, tụng kinh đưa tang.
Tiếc là Bối Diệp thất chưa được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép, nên thầy chưa thể danh chính ngôn thuận tổ chức các khóa tu cho người già và trẻ em. Dù vậy chứ ngày nào đồng bào cũng dắt díu nhau lên thất lạy Phật, nguyện cầu bình an đến với gia đình, thôn xóm. Vào những ngày rằm, mùa thu hoạch, ở đây vui lắm. Bà con góp với nhau người chút nếp, chút đường, chút đậu làm xôi, chè cúng Phật rồi nhóm lửa, vừa ăn vừa kể chuyện đạo, chuyện đời…”.
Hạnh Ý
_________
Bài 2: Người lập Hội an ủi những người hấp hối