Việc “Cáo lỗi” của Zing.vn và nguyên tắc ứng xử báo chí

GNO - Liên quan tới việc Báo điện tử Tri thức Trực tuyến (Zing.vn) có lời “Cáo lỗi” về việc đã đăng bài phỏng vấn ông Dương Ngọc Dũng gây bức xúc cộng đồng Phật giáo, trước thắc mắc của bạn đọc, báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi thông tin với ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM về vấn đề này.

Mr Nguyen Van Khanh.jpg
Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM  - Ảnh: G.H

“Cáo lỗi” là gì?

Trả lời báo Giác Ngộ về hình thức “Cáo lỗi”, khi một tờ báo nói chung và báo điện tử nói riêng, được phát hiện hoặc tự phát hiện có sai phạm trong việc đăng tải các thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, tổ chức… được nhắc đến trong bài báo đó, ông Nguyễn Văn Khanh khẳng định: “Trước hết, xét ở hình thức, trang báo Zing.vn đã làm sai quy định của Luật Báo chí về việc đính chính và xin lỗi đối với vi phạm khi đăng tải thông tin”.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khanh cho biết chi tiết, theo Chương IV, khoản 3 và 4, Điều 42 của Luật Báo chí hiện hành số 103/2016/QH13, về “Cải chính trên báo chí” cần ghi nhận rõ:

Việc đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm, cụ thể là báo điện tử, phải thực hiện theo quy định đăng, phát trên chuyên Mục riêng tại trang chủ với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin. Khi đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí nói chung phải thể hiện đầy đủ các nội dung về tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát mà báo phải cải chính, xin lỗi; những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính; trong đó, tiêu đề phải ghi rõ ‘Thông tin cải chính, xin lỗi’ trước khi thực hiện các nội dung trên.

Theo đó, đối chiếu với lời “Cáo lỗi” của trang báo điện tử Zing.vn sau 3 tuần đăng bài “gây tổn thương tình cảm tôn giáo” của cộng đồng Phật giáo, như vậy là chưa hợp lý khi Ban Biên tập cho đăng trên mục Thời sự, lẫn vào các thông tin thời sự được cập nhật liên tục của báo, và chỉ với dòng tiêu đề “Cáo lỗi”, khiến cộng đồng quan tâm bức xúc.

Trưởng Phòng Báo chí - Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM khẳng định: “Việc báo Zing.vn thực hiện xin lỗi như vậy là sai với nguyên tắc báo chí. Xét ở phương diện khác, đã xin lỗi trước hết nên thiện chí, chính xác, chứ không nên sử dụng ngôn từ mang tính khỏa lấp".

Thêm vào đó, ông Khanh nhấn mạnh, Zing.vn vẫn chưa thực hiện đúng nguyên tắc báo chí, khi chưa đưa ra đính chính về nội dung được cho là “chưa đạt chuẩn mực”“gây tổn thương tình cảm tôn giáo”. Điều này khó tránh khỏi sự bức xúc từ đối tượng tiếp nhận lời xin lỗi, vì “gây tổn thương tình cảm” và “xúc phạm” là hai định nghĩa khác nhau, chưa kể đến “cố tình” hay “vô ý”.

Có thể thấy, trong phần nội dung “Cáo lỗi”, Zing.vn cho rằng cáo lỗi vì “ (…) một số nội dung trong bài viết chưa đạt chuẩn mực, gây tổn thương tình cảm tôn giáo của các bậc chân tu và các Phật tử”, là còn thiếu hợp lý và có tính “khỏa lấp”. Cần nhận rõ, bài phỏng vấn của Hoài Thanh với ông Dương Ngọc Dũng là sự thiếu kiểm chứng, mang tính chắp ghép của tác giả, dẫn đến việc ác ý, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của Tăng đoàn và cộng đồng Phật giáo, chứ không chỉ đơn thuần là làm “tổn thương tình cảm”.

Nguyên tắc ứng xử báo chí

Trước nhiều sự việc đã và đang diễn ra, không khó để thấy báo chí ngày càng mất dần vị thế và tiếng nói của mình trong lòng bạn đọc, khi liên tiếp nhiều tờ báo, trang báo điện tử chuyển tải thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng và thậm chí thiếu kiểm soát trong cách sử dụng ngôn từ.

Sau vụ việc liên quan đến các phát ngôn của ông Dương Ngọc Dũng xúc phạm nghiêm trọng đến Tăng, Ni, cộng đồng Phật tử và bài báo của Hoài Thanh phỏng vấn vị này đăng tải trên trang Zing.vn, được tác giả “chắp ghép”, đã trở thành giọt nước tràn ly một lần nữa dấy lên sự hoài nghi mạnh mẽ từ độc giả đối với công tác chuyển tải thông tin của báo chí hiện hành.

“Hiện nay, đối với việc xử lý các vi phạm như trường hợp của Zing.vn, thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, trong phạm vi quản lý của mình tại địa bàn thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cụ thể là Phòng Báo chí, vẫn sẽ ghi nhận, tiếp nhận thông tin và có đề xuất xử lý phù hợp. Tránh tình trạng lặp lại ở những báo khác, gây mất lòng tin của độc giả và ảnh hưởng uy tín của ngành báo chí”, ông Nguyễn Văn Khanh nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng khẳng định, báo chí cần hết sức tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc báo chí, sẽ như thế nào nếu các thông tin thiếu kiểm chứng, xúc phạm, gây tổn thương nghiêm trọng cho người khác cứ vô tư tràn lan bên ngoài, và tóm tắt chỉ bằng một lời “cáo lỗi”?

Được biết, Zing.vn là tên miền, cũng là tên gọi phổ biến của Báo điện tử Tri thức Trực tuyến do Hội Xuất bản Việt Nam chủ quản.

Ngày 12-10-2019, Zing.vn đã đăng bài “Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được” đã dấy lên trong dư luận cộng đồng Tăng Ni, Phật tử về những nội dung được cho là miệt thị Tăng Ni và xúc phạm Phật giáo một cách ác ý.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp ở 13 tỉnh đã đồng loạt có thư, đơn kiến nghị gửi đến Trung ương Giáo hội và các cơ quan chức năng.

Trước dư luận, 3 tuần sau, ngày 29-10, Zing.vn đã sửa nội dung, điều chỉnh, cắt bỏ một phần bài phỏng vấn nhưng bị cộng đồng mạng phát hiện và lên tiếng gay gắt.

Sau đó, Ban Biên tập đã gỡ bài phỏng vấn này vào ngày 4-11-2019 và tối hai hôm sau đó, đã đăng cáo lỗi trên mục thời sự vào tối ngày 6-11-2019, bị trôi lẫn trong các thông tin khác cùng chuyên mục. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này không chỉ sai về quy định trong Luật Báo chí, mà còn có phần thiếu thiện chí và tôn trọng cộng đồng.

> Tin liên quan: Báo Zing.vn "cáo lỗi" vì đã đăng bài "gây tổn thương tình cảm tôn giáo"

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày