Thuở xưa dân chúng tại thành Xá-vệ thường cùng nhau quyên góp lễ vật cúng dường cho Tăng đoàn. Một hôm, Thế Tôn ngỏ lời hồi hướng công đức: "Này thiện nam tín nữ, Tăng đoàn xin cảm ơn tinh thần hộ trì Tam bảo của quý Phật tử. Nhờ tứ sự cúng dường của thí chủ mà Tăng đoàn mỗi ngày một thêm lớn mạnh, kết quả tu tập và phụng hành Phật sự luôn được thành tựu tốt đẹp. Và đây là sự thật, mong quý Phật tử lắng nghe. Trên thế gian này, nếu ai cúng dường Tam bảo mà không khuyến khích người khác cúng dường thì đời sau người ấy sẽ được giàu sang phú quý, nhưng không được quần chúng ủng hộ. Còn người không sẵn lòng bố thí cúng dường nhưng khuyến khích người khác bố thí cúng dường thì đời sau sẽ không được giàu sang phú quý, nhưng được quần chúng ủng hộ. Người không hề bố thí và cũng không khuyến khích người khác bố thí thì đời sau sẽ không được giàu sang phú quý và cũng không được quần chúng ủng hộ. Chỉ có người phát tâm bố thí cúng dường và khuyến khích người khác bố thí cúng dường thì đời sau vừa được giàu sang phú quý vừa được quần chúng ủng hộ". Bấy giờ có một hiền giả tên Thiện Duyên lắng nghe lời pháp thoại của Thế Tôn, bèn nghĩ: "Mỗi lời nói của Như Lai, muôn ngàn năm vẫn không sai thế tình. Ta phải cố gắng thiết lập công đức dẫn đến hai thành quả đặc biệt đó". Ông tiến đến gặp Đức Thế Tôn, chắp tay cúi đầu thưa: - Bạch Thế Tôn, ngày mai xin mời Ngài đến nhà con thọ trai. - Cảm ơn! Đạo hữu muốn mời bao nhiêu vị Sa môn? - Xin mời toàn thể đại chúng. Thế Tôn hoan hỷ nhận lời. Để lễ vật được thêm phần phong phú, Thiện Duyên vào thành quyên góp với giọng điệu thật nhu nhuyến: "Xin thông báo cho bà con Phật tử được rõ. Chúng tôi đã mời Thế Tôn và Tăng đoàn ngày mai đến nhà thọ trai. Mong bà con Phật tử phát tâm Bồ đề, tùy hỷ cúng dường lễ vật để chúng tôi có thêm phương tiện tổ chức trai phạn cho được thập phần viên mãn". Bấy giờ có một phú ông thấy Thiện Duyên đến trước cửa hiệu bách hóa của mình, bèn sanh tâm bực tức, thầm nghĩ: "Đây hẳn là tên háo danh, ra sức quyên góp lễ vật cúng dường Tăng đoàn để được nở mặt nở mày với phố phường thị tứ". Nhưng cũng để thể hiện tinh thần đoàn kết, bày tỏ tín tâm, ông lên giọng nói trổng: "Đem bình lại đây". Ông thò tay lấy gạo, muối, bột bắp, đậu đen, đậu trắng v.v…, mỗi thứ một nhúm, cho vào giấy gói lại. Sau đó ông lấy thêm một ít bơ sữa trâu, đường tảng, tất cả cho vào một cái giỏ, đưa cho người quyên góp. Chính vì đầu óc tính toán, tâm trạng so đo như vậy mà ông mang danh là Miêu-cước Bi-la-la-pa-đa (Catfoot Bilalapada). Thiện Duyên để chung lễ vật của bá tánh sang một bên, còn phẩm vật của Miêu-cước thì để riêng một bên. Thấy vậy, ông sanh nghi, thầm nghĩ: "Tại sao hắn lại tách biệt lễ vật của ta? Với chủ đích gì?". Và để thỏa mãn tính tò mò nghi kỵ, Miêu-cước ngầm cho một gia nhân theo dõi. Ông căn dặn: "Tìm cách coi hắn làm gì với phẩm vật của ta". Khi đến tu viện, cậu gia nhân thấy Thiện Duyên cũng để lễ vật của Miêu-cước sang một bên, sau đó phân đều ra mỗi thứ một ít với những thực phẩm khác. Trở về, cậu gia nhân thuật lại mọi việc. Miêu-cước càng nghi, thầm nghĩ: "Thế là hắn định bêu xấu ta giữa Tăng đoàn". Ông gằm mặt, lầm bầm: "Nếu hắn có ý đồ đó thì ta sẽ hạ thủ ngay khi hắn vừa nhếch mép". Ngày hôm sau, Miêu-cước lận một con dao găm trong áo lót, trực chỉ đến trai đường, đứng trong một góc phòng chờ đợi. Đến khi Thiện Duyên dâng lễ trai phạn, quỳ thưa: "Kính bạch Thế Tôn và đại chúng, hôm nay chúng con, Phật tử và thiện nam tín nữ thành Xá-vệ, xin hân hạnh cúng dường bữa ngọ trai này, ngưỡng mong Thế Tôn và đại chúng chứng minh công đức, hoan hỷ nạp thọ, và từ bi phổ nguyện cho tất cả chúng con đều được ân triêm lợi lạc. Nam mô Phổ cúng dường Bồ tát ma ha tát". Miêu-cước giật mình, vội bước ra trước bàn dâng lễ, thọc tay vào áo rút con dao ra để trước mặt. Mọi người kinh ngạc, trố mắt nhìn nhau. Đoạn thấy ông lạy ba lạy, thống thiết thưa: "Kính bạch Thế Tôn và đại chúng, chỉ vì nghi ngờ mê muội, cứ nghĩ rằng Thiện Duyên để lễ vật cúng dường của con sang một bên là có ý chê ít, ra mặt khinh thường, nên con đã thủ con dao này với mục đích trừng trị nếu Thiện Duyên hé lời phân biệt. Không ngờ Thiện Duyên tác bạch: "Ngưỡng mong Thế Tôn và đại chúng chứng minh công đức, hoan hỷ nạp thọ, và từ bi phổ nguyện cho tất cả chúng con đều được ân triêm lợi lạc". Trời ơi!... Chỉ vì một thoáng ngu si mà ác ý dâng lên cuồn cuộn. Cúi xin Thế Tôn và đại chúng hỷ xả cho cái tội hồ đồ nông nổi này". Đoạn Miêu-cước quay sang Thiện Duyên, quỳ rạp người xuống đất, khấu đầu tạ tội, và khóc nức nở. Thiện Duyên đỡ Miêu-cước đứng lên, cả hai ôm nhau nghẹn ngào trong niềm cảm thông vô hạn. Thọ trai xong, Thế Tôn hướng dẫn đại chúng tụng một thời kinh hồi hướng công đức và có đôi lời với đàn na thí chủ: "Này thiện nam tín nữ và Phật tử thiền lâm! Tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến tức tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ và quan niệm sai lầm là sáu yếu tố tâm lý cực mạnh, tạo tội và gây nghiệp khổ đau cho vạn loại hữu tình, trong đó ‘nghi’ là đầu mối sanh sự. Chính vì ‘nghi’ mà sinh ra vô vàn ưu tư chướng ngại; cũng như một làn sóng nổi lên thì kéo theo muôn ngàn làn sóng khác, cứ thế mà lan rộng, trườn xa, cuộn khắp cả Ta bà khổ hải. Nhưng một khi đã khám phá ra cội nguồn của ‘nghi’, tức là đã phá ‘nghi’, thì tâm hồn liền trở nên vắng lặng, hiền hòa, thanh thản, và thương nhau như giây phút nhiệm mầu giữa Thiện Duyên và Bi-la-la-pa-đa vậy. Cho nên, đã là Phật tử thì phải luôn luôn tâm niệm: Tự thân luôn tỉnh giác, Đệ tử Gô-ta-ma, Bất luận ngày hay đêm, Tâm vô hại hiền hòa. (PC.300) Còn về phương diện bố thí cúng dường thì phước duyên hẳn là cảm ứng. Này Bi-la-la-pa-đa, không ai được phép nói đây là lễ vật cao sang, kia là thứ phẩm tầm thường. Người trí thi thiết công đức thì sớm muộn gì cũng thành tựu công đức. Cũng như chiếc bình để ngoài trời, miệng bình tuy nhỏ, nhưng những giọt mưa bay lất phất cứ rỉ rả lọt vào, riết rồi cũng đầy bình. Dừng lại trong giây lát, Thế Tôn mỉm cười đọc kệ: Đừng khinh thường việc thiện, Cho rằng "chưa đến ta". Như nước nhỏ từng giọt, Từ từ bình tràn ra, Người trí được toàn thiện, Do tích lũy dần dà. (PC.122)